Đại Kỷ Nguyên

Nguồn gốc, ý nghĩa của các điệu múa Lân – Sư – Rồng

Trung Thu đến, đâu đó tiếng trống xập xình vang lên làm cho người ta nôn nao về hình ảnh những màn biểu diễn múa Lân – Sư – Rồng với đủ màu sắc rực rỡ, vui nhộn. Đây là bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời bắt nguồn từ Trung Hoa, mục đích mang đến bình an và thịnh vượng cho mọi nhà.

Trong màn trình diễn múa Lân – Sư – Rồng, bao giờ cũng không thể thiếu ông Địa, một người bụng phệ, tay cầm quạt giấy, mang mặt nạ đầu hói cười toe toét đi theo dắt Lân, giỡn khách xem múa hoặc mua vui cho gia chủ. Có lẽ không ít người thắc mắc tại sao ông Địa luôn đi cạnh Lân, có phải ông Địa hay ngồi trong bàn thờ Thần Tài hay không?

Truyền thuyết kể rằng, ông Địa đi bên Lân chính là hiện thân của Đức Phật Di Lặc bụng phệ, hiệu là Bố Đại Hòa Thượng. Ngài hiện thân phàm để độ nhân cách đây hơn ngàn năm ở Minh Châu, Phụng Hóa, Trung Quốc.

Tướng người Ngài mập mạp, trán hẹp, bụng lớn, nói năng vô định, ngủ thì tùy chỗ, thường dùng một cây gậy, quảy chiếc túi vải, hễ ai cúng cho món gì, Ngài bỏ cả vào trong túi. Vào chợ, vào xóm, Ngài thấy cái gì là xin cái đó, bất kể cá ươn hay rau úa, xin được, bỏ vào miệng, còn lại thì bỏ vào túi. Nhưng hễ ai cần cái gì, thiếu cái gì, Ngài liền lấy trong túi ra cho.

Có lần Ngài nằm trong tuyết, mà tuyết không thấm ướt đến mình. Người ta thấy thế cho rằng Ngài là một nhân vật kỳ lạ. Nếu Ngài đến xin hàng bán của ai, hàng đó nhất định sẽ bán chạy. Trời sắp sửa mưa, chắc chắn người ta sẽ thấy Ngài mang đôi guốc gỗ đẫm ướt đi bươn bả trên đường. Lúc trời hứa hẹn một ngày nắng ráo, người ta thấy Ngài treo cao đôi guốc gỗ trên cầu, nằm co chân mà ngủ. Cư dân lấy đó mà nghiệm thì có thể biết thời tiết hôm ấy sẽ ra sao.

Tướng ông Địa mập mạp luôn đi cùng với hình tương Lân Sư. (Ảnh: Đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Một lần, Ngài đi qua một ngôi làng thì nghe dân trần tình rằng có một con quái vật chuyên từ dưới biển lên bờ phá hoại, ăn thịt người và gia súc khiến ai nấy cũng khiếp sợ. Do đó Ngài đã lấy cỏ linh chi trên núi cho nó ăn khiến nó hàng phục và thành một con thú ăn thực vật hết sức hiền lành, đến sinh vật dưới đất cũng không dám giẫm đạp lên. Từ đó, mỗi năm Ngài Di Lặc lại dẫn Lân đi chúc Tết mọi người, chứng tỏ quái thú đã thành thú lành, cái ác trở thành cái thiện.

Dần đến ngày hôm nay, Lân đã trở thành biểu tượng bình an thịnh vượng cho mọi nhà nên dân gian đã mô phỏng theo điều đó cải tiến thành những màn trình diễn gồm có Lân – Sư – Rồng với đủ màu sắc rực rỡ, trong đó cũng có những màn trình diễn điêu luyện trên không đẹp mắt.

Ông “Ðịa” và con Lân đi đến đâu là giáng phúc tới đó nên nhà nào cũng hoan hỷ treo rau xanh và giấy đỏ đón chào. Sau này, người có tiền thường treo giải bằng tiền buộc trong một miếng vải đỏ, treo cùng bắp cải hoặc rau xanh. Lân phải trèo lên cao lấy bằng được “thức ăn” này. Tất nhiên, ông Ðịa không cùng trèo với Lân mà chỉ cùng Lân múa, phe phẩy chiếc quạt to, ru Lân ngủ hoặc đánh thức Lân dậy.

Cảnh ông Ðịa vuốt ve Lân và Lân mơn trớn ông Ðịa, thật nghệ thuật, chan hòa tình yêu thương giữa người và vật, thể hiện được tình cảm sâu sắc giữa loài vật và loài người trong một bầu không khí thanh bình, hoan lạc.

Ông “Ðịa” và con Lân đi đến đâu là giáng phúc tới đó. (Ảnh: Đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Múa Lân

Múa Lân được chia làm hai loại hình chính, người ta thường gọi tên là “Thiên tài địa bảo”. “Thiên tài” là tất cả những trận không chạm đất, “Địa bảo” là tất cả những trận Lân múa trên mặt đất. Và có một số ý nghĩa sau:

“Độc chiếm ngao đầu”: Một con Lân biểu diễn, thể hiện tài tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, bộ pháp hùng dũng, nhảy cao, trèo giỏi, tượng trưng cho cái uy, cái dũng của một mãnh tướng, một hảo hán, một vị anh hùng.

“Song hỷ”: Hai con Lân cùng biểu diễn, thể hiện niềm hân hoan khoan khoái, tâm đầu ý hợp như loan với phụng, như vợ với chồng, như đất trời và âm dương tương hợp.

“Tam Tinh”: Ba con Lân hợp múa với ba màu vàng, đỏ, đen, thể hiện những điều cầu nguyện của mọi người đạt được điều lành, ba điều tốt là Phúc, Lộc, Thọ.

“Tam Anh”: Ba con Lân cùng múa, diễn tả Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi vừa hùng dũng, vừa có chí lớn, vừa thương yêu, gắn bó với nhau hơn cả anh em ruột thịt cho đến chết.

“Tứ Quý hưng long”: Bốn con Lân cùng múa, gồm bốn đầu Lân trắng, vàng, đỏ, đen (hoặc xanh), tượng trưng cho bốn mùa, bốn phương, bốn hiện tượng trong trời đất, diễn tả sự sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc.

Hình tượng Lân là tượng trưng cho tài vượng, khỏe mạnh và trường thọ. (Ảnh: Đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Múa Sư Tử

Múa Sư tử thì khác múa Lân, người múa núp kín thân mình trong bụng sư tử giả và sư tử thì không có sừng. Một tiết mục múa Sư của người Hoa gồm bốn người: Hai người múa, một người đánh trống, một người cầm quả cầu. Trống trong múa Sư được đánh theo nhịp khác với múa Lân, người ta gọi nhịp trống trong múa Sư là nhịp trống Bắc Kinh.

Múa Rồng

Múa Rồng của người Hoa xuất hiện muộn hơn múa Lân và múa Sư. Trước khi có điệu múa Rồng còn có điệu múa Loan hoàng và Phượng hoàng nhưng ít phổ biến bằng (loan là mái, phượng là trống).

Lúc đầu múa Rồng chỉ xuất hiện trong tết Nguyên Tiêu và các dịp lễ hội sau vụ thu hoạch mùa thu. Múa Rồng xuất hiện trong người Hoa ở Việt Nam vào khoảng những năm 1944-1945 do ông Trần Bồi, một chủ cơ sở sản xuất xà bông Trung Nam ở Sa Đéc, vốn là nguồn gốc Phước Châu (Phúc Kiến), nơi được coi là cái nôi của nghệ thuật múa Rồng, tổ chức đội múa từ các thanh niên công nhân trong xưởng của ông.

Múa Rồng có rất nhiều điệu khác nhau, người ta cho rằng có đến hơn 30 điệu. Rồng được chia thành ba loại: Rồng tơ được chế tạo bằng vải gắn chặt vào cây cứng để múa, Rồng tròn được làm bằng giấy cứng, có bụng tròn và dài, Rồng cứng chỉ dùng để rước, khiêng, chứ không để biểu diễn. Múa Lân hoặc Sư chỉ cần hai người, nhưng múa Rồng thì phải có nhiều người tập rất công phu để thể hiện được các động tác đồng bộ khi rồng uốn khúc, rồng phóng tới, rồng đảo lại. Múa Rồng cần ít nhất 6 người, hoặc nhiều cũng đến 20-30 người cùng điều khiển con Rồng phô diễn thần oai.

Thông thường trong các dịp khai trương, dịp lễ hội, lễ tết, lễ cưới… ăn mừng ngày gì đó trọng đại thì người ta thường mời Lân – Sư – Rồng đến biểu diễn. Tiếng trống tưng bừng, những con Lân hùng dũng, cùng với ông Địa luôn tươi cười và các nhân vật phụ họa sẽ xua tan vận xấu và mang đến may mắn cho gia chủ. Do đó mỗi lần tiếng trống múa Lân vang lên là không khí vui tươi tới đó.

Rồng là tượng trung cho linh thú của trời đất, mảnh đất trù phú Thần Châu. (Ảnh: Đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Và từ lâu biểu diễn Lân như một nét văn hóa truyền thống ngày Trung Thu, ngày đẹp nhất trong năm để tạ ơn trời đất ban phước cho con người có mùa màng tốt đẹp, và cầu mong sự tốt lành no ấm cho những năm tiếp theo. Nét đẹp truyền thống ấy không chỉ mang lại niềm vui cho người lớn mà còn lưu lại hình ảnh ký ức tuổi thơ sâu sắc cho những bạn nhỏ vào Tết Trung Thu.

Nhã Thanh tổng hợp

Exit mobile version