Đại Kỷ Nguyên

Nguyên nhân người làm việc ác mà “không bị” ác báo

Người phương đông từ xưa đến nay đều tin tưởng rằng, “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Tin rằng “thiện ác có báo” là thiên lý và là sự thật tồn tại một cách khách quan, không thay đổi. Thế nhưng, đã có “ác hữu ác báo” rồi thì vì sao vẫn có không ít người làm việc xấu, thậm chí là không điều ác nào không làm lại vẫn phát tài, lên chức vị cao, mọi chuyện được như ý khiến người người nhìn vào cảm thấy ngưỡng mộ?

Điều này là có nguyên nhân bởi vì nhân quả được thông suốt qua tam thế (quá khứ, hiện tại và tương lai). Cho nên, người ở kiếp này đang hưởng vinh hoa phú quý, mọi sự thuận lợi mặc dù họ làm điều ác là bởi vì kiếp trước họ đã làm việc đại đức đại thiện.

Một người kiếp này làm điều ác sẽ có thể có 3 loại kết quả xảy ra:

Một là nếu như ác báo không triệt tiêu hết phúc báo, thì người đó đương nhiên có thể tiếp tục hưởng thụ phúc báo của mình. Người đó sẽ thăng quan lên đến chức vị mà họ đáng được hưởng mới dừng lại hoặc sẽ kiếm được nhiều tiền đến mức mà họ nên được. Mãi cho đến lúc mà người này đã hưởng hết phúc báo của mình thì mới đến thời điểm bắt đầu làm ác gặp ác báo. Tức là trong kiếp này người đó đã hưởng hết phúc báo của đời trước và phúc báo của đời này, sắp đến lúc gặp ác báo. Chẳng qua là chưa đến nên người ngoài nhìn vào nghĩ lầm là không gặp.

Hai là nếu như kiếp trước người này làm việc đại thiện đại đức nên phúc báo của họ vô cùng lớn. Kiếp này họ có làm việc ác nhưng mà ác báo chỉ bằng một phần rất nhỏ của phúc báo mà người đó làm từ kiếp trước thì cả đời họ vẫn sống suôn sẻ. Vì vậy, ở kiếp này, chúng ta nhìn sẽ thấy người này tuy có làm việc ác nhưng lại không thấy bị ác báo.

Ba là trường hợp phúc báo nên được hưởng sắp hết mà việc ác đã làm lại tích tụ quá nhiều, lúc này là thời cơ ác báo đã “chín muồi”, phúc báo kết thúc và người này bắt đầu phải chịu ác báo như sống thê thảm, đột nhiên bị bệnh tật, tai nạn bất ngờ mà chết, hối hận không kịp.

Có một câu chuyện như thế này:

Xưa kia, vào thời Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, có một vị vua Ấn Độ tên là A Xà Thế. Ngày nọ, có một người đồ tể làm nghề giết mổ đi đến trước mặt vị vua và đề nghị vị vua đồng ý với anh ta một thỉnh cầu. Vua A Xà Thế hỏi anh ta: “Ngươi có thỉnh cầu gì?”

Người đồ tể nói: “Thưa Quốc vương! Mỗi ngày lễ khi ngài cần phải sát sinh, xin ngài hãy giao việc đó cho tiện dân.”

Vua A Xà Thế thấy vậy liền ngạc nhiên hỏi: “Việc sát sinh, rất ít người cam tâm tình nguyện làm giúp người khác. Vì sao ngươi lại vui vẻ nhận làm như vậy?”

Người đồ tể đáp: “Kiếp trước tiện dân sống nghèo khổ, may nhờ dựa vào nghề giết dê sống qua ngày, lại cũng vì giết mổ dê mà chết. Sau khi chết lại được đến thiên thượng hưởng phúc trời. Hết kiếp ở trên trời lại được đầu thai làm người và lại tiếp tục làm nghề giết dê, sau khi chết lại được lên trên thiên thượng. Cứ như vậy, trải qua 6 vòng luân hồi, tiện dân đều là làm nghề giết mổ dê, nhờ vậy mà cứ mỗi một đời, khi chết đi, tiện dân lại được lên trên thiên thượng sinh sống, hưởng phúc, an nhàn vui sướng. Làm nghề giết dê tốt như vậy, nên tiện dân mới thỉnh cầu quốc vương.”

Quốc vương lấy làm khó hiểu, nghi ngờ :“Cứ cho những lời hắn ta nói đều là đúng sự thật, nhưng tại sao hắn lại biết?”

Vì vậy, Quốc vương liền đem điều này đến hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni.

Phật Thích Ca Mâu Ni giải thích cho nhà vua rằng, những lời đồ tể nói đều là sự thật. Ở kiếp trước, hắn từng có lần được gặp Phật, khi ấy hắn đã rất có lòng cung kính Phật, do công đức này mà hắn được hưởng phúc cõi trời sáu lần, còn có thể nhìn được kiếp trước của mình. Đồ tể mặc dù được hưởng phúc báo như vậy nhưng tội sát sinh thì đương nhiên vẫn phải chịu ác báo. Nhưng vì cơ duyên chưa tận nên báo ứng chưa đến. Chờ khi phúc báo này đã hưởng hết, hắn sẽ bị đày xuống địa ngục chịu tội. Sau khi chịu tội ở cõi địa ngục xong còn phải sống kiếp dê rất nhiều kiếp cho đến khi trả hết khoản nợ ấy.

Vua A Xà Thế nghe xong bừng tỉnh đại ngộ và hiểu ra tất cả…

Người xưa luôn khuyên bảo con người rằng: “Có phúc báo không nên hưởng hết” chính là có ý này!

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version