Triệu Giản Tử phóng sinh
Ngày một tháng Giêng, tại Hàm Đan thuộc nước Triệu có gia đình đang ngồi quây quần bên nhau đón năm mới. Bất chợt một con chim ngói bay vào trong nhà.
Người nhà ba chân bốn cẳng tóm con chim lại, con chim kêu gù gù, dáng vẻ vô cùng đáng yêu. Giết nó chăng? Thực không thể nhẫn tâm, lại là ngày mùng một đầu năm, vừa khởi đầu xuân mới, ai nỡ sát hại sinh mệnh bé nhỏ vô tội? Thả ra sao? Tiếc quá mất, khó khăn lắm mới bắt được nó!
Nghĩ đi nghĩ lại, đằng nào cũng khó. Cuối cùng nhà nọ quyết định: mang tặng cho Quốc vương Triệu Giản Tử.
Triệu Giản Tử rất vui liền ban thưởng hậu hĩnh cho gia đình nọ, sau đó mang con chim ngói thả đi.
Có người hỏi tại sao Triệu Giản Tử làm như thế? Triệu Giản Tử trả lời: “Mùng một tháng Giêng phóng sinh, việc làm này thể hiện ân đức của ta với khắp thiên hạ!”
Người kia lại hỏi: “Lão bách tính biết nhà vua muốn phóng sinh sẽ tranh nhau đi bắt chim, như thế chim chết sẽ càng nhiều hơn. Nhà vua nếu muốn loài chim được sống thì hãy lập tức ra lệnh cấm bách tính bắt chim. Còn chuyện vừa bắt rồi thả thế này, giữa ân đức và sai trái, không thể bù đắp cho nhau được!”
Triệu Giản Tử nói: “Phải lắm, ngươi nói chí phải!” Thế rồi lập tức chiếu cáo thiên hạ: cấm bắt chim.
Nguyên tắc của Đồ Dương Thuyết
Nước Ngô bị xâm lược, Sở Chiêu Vương vì mất nước phải chạy sang nước khác. Sau này lấy lại nước trở về, quyết định thưởng cho những người đi theo mình.
Có người tên Đồ Dương Thuyết trước đó cũng chạy đi theo Sở Chiêu Vương.
Sở Chiêu Vương phái người tìm đến ngay lúc Đồ Dương Thuyết đang giết dê, lúc chuẩn bị ban thưởng thì lại nghe Đồ Dương Thuyết nói: “Đại vương mất nước, tiện dân cũng mất công việc giết dê; Đại vương lấy lại được nước, tiện dân cũng lấy lại được công việc giết dê. Vậy nghĩa là lộc đã trở lại với tiện dân, có gì mà đáng được thưởng?”
Sở Chiêu Vương sau khi biết chuyện liền nói với thuộc hạ: “Nhất định phải thưởng bằng được cho Đồ Dương Thuyết”.
Nhưng Đồ Dương Thuyết kiên quyết không nhận, liền thưa: “Việc Đại vương mất giang sơn không do sai lầm của tiện dân, vì thế tiện dân không phải chịu phạt; Đại vương giành lại được giang sơn cũng không nhờ công lao của tiện dân, vì thế tiện dân không đáng nhận thưởng”.
Câu chuyện khiến Sở Chiêu Vương nôn nóng. Ông bèn truyền lệnh: mời Đồ Dương Thuyết triệu kiến.
Sau khi nghe lệnh, Đồ Dương Thuyết từ chối nói: “Theo luật nước Sở, người nào lập công lớn được trọng thưởng mới có vinh hạnh gặp Đại vương. Nhưng còn tiện dân, tài trí không thể bảo vệ được giang sơn, lòng dũng cảm không đủ để có thể tiêu diệt kẻ thù. Khi nước Ngô xâm lược, tiện dân vì sợ hãi, sợ gặp bất trắc mới phải tháo chạy chứ không phải có ý muốn theo Đại vương. Hiện nay Đại vương muốn làm ngược lại quốc pháp, bắt tiện dân triệu kiến, việc này chẳng phải sẽ khiến người trong thiên hạ đồn thổi không hay sao?”
Sở Chiêu Vương liền nói với Đại tướng nước Sở là Tư Mã Tử Kỳ: “Địa vị của Đồ Dương Thuyết hèn mọn nhưng đạo nghĩa của hắn lại rất cao. Ta muốn mời hắn đảm nhận chức Tam công” [*]
Sau khi Đồ Dương Thuyết nghe lệnh liền thưa: “Tiện dân biết địa vị của Tam công tôn quý hơn nhiều địa vị của một kẻ giết dê; bổng lộc vô biên, thu nhập cao hơn nhiều làm nghề giết dê. Nhưng tiện dân không tham địa vị cao, thu nhập lớn, khiến Đại vương chịu tiếng không hay là ban chức tùy tiện! Tiện dân quyết không thể nhận, xin hãy cho tiện dân tiếp tục làm nghề giết dê”.
Cuối cùng Dương Đồ Thuyết nhất định không chịu nhận khen thưởng cũng như chức vụ mà Sở Chiêu Vương muốn ban cho.
Qin Ruchu, Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Đoàn Thanh biên dịch
—-
[*]: Nằm trong ba chức quan cao nhất thời phong kiến gồm: Thái sư, Thái phó, Thái bảo.