Vào tháng 5 năm 1980, Bành Gia Mộc, một nhà hóa sinh nổi tiếng của Trung Quốc, đã biến mất một cách bí ẩn khi đang khảo sát khu vực cấm quân sự ở Lop Nur, Tân Cương. 36 năm sau, một cuốn “Nhật ký biện án” đã được phát hiện, và bí ẩn đã được giải khai.
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!
“Tôi đi hướng đông tìm giếng nước. Bành. 10:30 ngày 17 tháng 6”.
Đầu tháng 5 năm 1980, Bành Gia Mộc, một nhà hóa sinh nổi tiếng của Trung Quốc và là phó chủ tịch Chi nhánh Tân Cương của Viện Khoa học Trung Quốc, dẫn đầu một đoàn khảo sát khoa học gồm 11 thành viên đến Lop Nur, Tân Cương. Sau khi kết thúc nhiệm vụ khảo sát nguyên định, ông để lại bức thư này và biến mất một cách bí ẩn.
Các nhà chức trách đã sử dụng máy bay, bộ đội mặt đất và chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn để thực hiện nhiều cuộc tìm kiếm bằng lưới kéo quy mô lớn, nhưng rốt cuộc sống không thấy người, chết không thấy xác.
Sự biến mất của Bành Gia Mộc làm dấy lên nhiều đồn đoán và truyền thuyết. Có người nghi ngờ ông bị người ngoài hành tinh bắt cóc, có người nói ông mang theo dữ liệu khoa học đào tẩu sang Liên Xô, có người suy đoán ông khả năng đã ăn nhầm một loại thực vật có độc, biến thành xác ướp…
Trong đám mây nghi hoặc, vào tháng 10 năm 1981, ĐCSTQ tuyên bố Bành Gia Mộc “đã hy sinh anh dũng trong chuyến khảo sát khoa học của mình ở Lop Nur”, tổ chức lễ tưởng niệm ông mà không có thi thể. Bành Gia Mộc đã bốc hơi khỏi nhân gian?
Bí ẩn trên ghi chú
Vào tối ngày 23 tháng 6 năm 1980, chi nhánh Tân Cương của Tân Hoa Xã, được sự chấp thuận của Trung ương ĐCSTQ, đã đưa một báo cáo của phóng viên Triệu Toàn Trương, nói rằng đã không nhận được tin tức gì của Bành Gia Mộc trong suốt bảy ngày. Ngày hôm sau, các phương tiện truyền thông lần lượt đăng lại tin tức, toàn quốc náo động.
Theo báo cáo, trại căn cứ của đoàn khảo sát (trạm dừng chân cuối cùng) được đặt tại nông trường Mễ Lan của Cục Quản lý Khai hoang Nông nghiệp Tân Cương. Cách đó không lâu, Bành Gia Mộc đã dẫn bốn thành viên trong đoàn khảo sát rời Mễ Lan đi công tác trên hai chiếc ôtô do hai tài xế lái. Ban đầu họ dự định đi vòng quanh Lop Nur trong một tuần trước khi trở về Mễ Lan.
Nhưng vào rạng sáng ngày 17 tháng 6, những nhân viên bị bỏ lại phía sau tại căn cứ bất ngờ nhận được tín hiệu cấp cứu từ họ trên đài phát thanh, báo rằng họ bị lạc đường, xe của họ hết nhiên liệu và không nước uống.
Các nhân viên bị bỏ lại phía sau đã khẩn cấp báo cáo tình hình này cho quân đội Urumqi của ĐCSTQ để yêu cầu giải cứu. Vào sáng ngày 18, quân đội đã cử hai máy bay đến khu vực Lop Nur để tìm kiếm cứu nạn, một trong số đó đã tìm thấy sáu người gần Kumkuduk và thả nước uống, thực phẩm, xăng và các vật dụng khác cho họ. 6 người này là 4 thành viên đoàn thám hiểm và 2 tài xế do Bành Gia Mộc dẫn đầu.
Theo lời kể của các thành viên trong đoàn khảo sát, vào sáng ngày 17, Bành Gia Mộc đã để lại cho họ một mảnh giấy ghi: “Tôi sẽ đi về phía đông để tìm một cái giếng”, và ông ấy đã không bao giờ quay trở lại.
Mọi người có thể nhận thấy từ bức ảnh rằng ngày ghi trên tờ giấy đã bị thay đổi từ ngày 16 tháng 6 thành ngày 17 tháng 6, và dấu vết của việc sửa đổi là rõ ràng. Việc này do chính Bành Gia Mộc sửa, hay do người khác chỉnh sửa?
Hai cái xác khô
Sau khi Bành Gia Mộc biến mất, chính quyền đã điều động nhiều máy bay và lực lượng mặt đất để tìm kiếm trong khu vực rộng 1.011 km2, tập trung vào trại nơi đoàn thám hiểm khoa học đang ở vào thời điểm đó.Theo một báo cáo khác, diện tích tìm kiếm vượt quá 4.000 km2. Chỉ trong lần tìm kiếm thứ tư từ ngày 10 tháng 11 đến ngày 20 tháng 12 năm 1980, 69 người và 18 phương tiện địa hình đã được sử dụng để tìm kiếm trong 41 ngày. Các hoạt động tìm kiếm dân sự vẫn tiếp tục, nhưng hoàn toàn vô ích.
Thời gian trôi qua, vụ án Bành Gia Mộc mất tích dần bị mọi người lãng quên. Nhưng vào năm 2005, sự tình đã rẽ sang một hướng mới.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông khi đó, vào tháng 4 năm 2005, Lưu Học Nhân, một người dân ở làng Nam Đài Bảo, trấn Thất Lý, thành phố Đôn Hoàng, đã tìm thấy một xác khô trong cồn cát ở phía nam thung lũng Suo Suo trong sa mạc Kumtag. Vài tháng sau, Đổng Trị Bảo, một nhà nghiên cứu tại Viện Môi trường và Kỹ thuật ở Vùng Lạnh và Khô hạn của Viện Khoa học Trung Quốc, đã đến Lop Nur để khảo sát và tình cờ biết được chuyện này.
Dựa trên thói quen nghề nghiệp và những hiểu biết về sự biến mất của Bành Gia Mộc, Đổng Trị Bảo nảy ra một niệm đầu: Đây phải chăng là thi thể của Bành Gia Mộc?
Vào tháng 4 năm 2006, các chuyên gia vội vã từ Bắc Kinh đến Đôn Hoàng để kiểm tra xác khô và sau đó công bố kết luận: Đây không phải là Bành Gia Mộc.
Mọi người hãy lưu ý đến sự kiện này, chúng ta sẽ nói về nó sau.
Thời gian đến ngày 25 tháng 6 năm 2007 và “Nhật báo thủ đô Tân Cương” đưa tin rằng vào ngày 2 tháng 6 năm đó, khi một số người đam mê phiêu lưu chụp ảnh địa hình Yadan ở ngã ba hồ Danan Gobi và Lop Nur ở Hami, họ đã phát hiện một xác khô có nhiều đặc điểm phù hợp với Bành Gia Mộc.
Tuy nhiên, vào ngày 9 tháng 7, Diêm Hồng Kiến, bạn cũ của Bành Gia Mộc, một chuyên gia từ chi nhánh Tân Cương của Viện Khoa học Trung Quốc, người đã theo dõi vụ việc này, nói với giới truyền thông sau khi kiểm tra các mẫu của sáu cái xác khô được mang về từ Lop Nur: “Tôi phát hiện rằng không có vật dụng nào thuộc về Bành Gia Mộc. Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng đây không phải là di thể của Bành Gia Mộc”.
Cuốn “Nhật ký biện án” lên tiếng
Kể từ đó, vụ án Bành Gia Mộc lại chìm vào im lặng. Cho đến ngày 29 tháng 1 năm 2016, một bác sĩ pháp y tên là Chu Minh Xuyên đã công bố một “nhật ký biện án” 10 năm trên Internet.
Chu Minh Xuyên tự xưng là phó đội trưởng Đội điều tra tội phạm của Văn phòng Công an huyện Mã Sơn ở Quảng Tây, chịu trách nhiệm về giám định pháp y và công tác kỹ thuật trinh sát hình sự. Chúng ta có thể tìm thấy trên Internet rằng ông đã xuất bản cuốn sách “Sở Nghiên cứu Pháp y” và các cuốn sách khác, ghi lại nhiều vụ án thực tế mà ông đã xử lý trong suốt 28 năm làm cảnh sát.
Chu Minh Xuyên cho biết trong thời gian đầu học ở Bắc Kinh, ông đã gặp một bác sĩ pháp y già họ Đặng, người đã điều tra rất nhiều vụ án lớn, từng tiếp xúc không ít chuyện cơ mật. Chính bác sĩ pháp y họ Đặng đã viết nhật ký biện án này, bác sĩ pháp y họ Đặng khi đó phụ trách xử lý vụ án xác ướp ở Lop Nur, trong cuốn nhật ký của ông đã tiết lộ nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của Bành Gia Mộc, tình tiết thập phần chấn động.
Làm thế nào mà Chu Minh Xuyên có được cuốn nhật ký này?
Vào tháng 11 năm 2012, Chu Minh Xuyên lại đến Bắc Kinh để nghiên cứu thêm và được biết bác sĩ pháp y họ Đặng đã qua đời nửa năm trước, người vợ góa của ông đã đưa cho Chu Minh Xuyên một số tư liệu và thư tịch do ông để lại.
Sau khi Chu Minh Xuyên quay lại xem qua các tài liệu, ông vô tình phát hiện ở một góc của trang có viết một địa chỉ email và một tổ hợp các số và chữ cái trông giống như mật khẩu. Sau khi cố gắng đăng nhập vào hộp thư, ông rất ngạc nhiên khi phát hiện nhật ký xử lý vụ án của bác sĩ pháp y họ Đặng được lưu trữ ở đó.
Bác sĩ pháp y họ Đặng viết trong nhật ký: “Rất nhiều vụ án có những bí mật không thể tiết lộ. Thân là một bác sĩ pháp y, tôi đã chứng kiến quá nhiều chuyện như vậy, lương tâm tôi thực sự bất an. Tôi không đủ dũng khí và năng lực để công bố sự thật, vì vậy tôi chỉ có thể viết những lời này, những mong một ngày nào đó những vụ án chưa được giải quyết sẽ được đưa ra ánh sáng”.
Chu Minh Xuyên nói: “Tôi mới chỉ xem một vụ án đã thấy đầu óc trống rỗng”. Đây là trường hợp xác ướp ở Lop Nur. Bác sĩ pháp y họ Đặng cho biết, có quá nhiều tin đồn kỳ lạ về vụ án, nhưng không có tin đồn nào tiếp cận với chân tướng. Vậy, chân tướng mà bác sĩ pháp y họ Đặng biết là gì?
Theo “Nhật ký biện án”, vào ngày 16 tháng 4 năm 2006, bác sĩ pháp y họ Đặng nhận được điện thoại từ bộ phận liên quan, nói rằng vào ngày 11 tháng 4 năm 2005, có người đã tìm thấy hai xác khô ở một nơi trong sa mạc Kumtag. Sau khi nhận dạng sơ bộ, họ nghi ngờ rằng một trong những xác khô là Bành Gia Mộc, vì vậy họ tuyên bố với ngoại giới rằng chỉ tìm thấy một xác khô, sau đó vận chuyển hai xác khô đến Bảo tàng Đôn Hoàng ở tỉnh Cam Túc.
Tại sao cơ quan chức năng lại muốn che giấu? Bác sĩ pháp y họ Đặng nói rằng bởi vì Bành Gia Mộc có liên quan đến một số ngành khoa học kỹ thuật, nên nó liên quan đến cái gọi là tính bảo mật.
Các bên liên quan đã yêu cầu bác sĩ pháp y họ Đặng và một bác sĩ pháp y khác đến Đôn Hoàng. Sau khi đến nơi, họ lấy tóc, xương và da của xác khô rồi mang về phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh để phân tích, sau khi phân tích xong, họ tìm đến các con của Bành Gia Mộc để cung cấp mẫu ADN thông qua các kênh, sau khi so sánh thì chính là xác nhận rằng xác khô này chính là Bành Gia Mộc.
Bác sĩ pháp y họ Đặng cho biết, sau khi có kết quả, không ai cảm thấy nhẹ nhõm mà càng lo lắng hơn. Tại sao? Vì có hai phát hiện đáng kinh ngạc.
Hai phát hiện kinh người
Trước hết, bác sĩ pháp y họ Đặng đã phát hiện sáp xác trên xác khô. Rất hiếm khi xác khô có sáp xác, đây là điều kỳ lạ nhất.
Bác sĩ pháp y họ Đặng giải thích rằng trong khoa học pháp y, sáp xác phổ biến hơn ở những xác chết ngâm trong nước, hoặc xác chết được chôn trong đất ẩm giàu canxi và magiê. Trong một môi trường như vậy, chất béo dưới da của xác chết sẽ bị phân hủy thành axit béo và glyxerin, còn axit béo và amoniac trong các sản phẩm phân hủy của protein sẽ kết hợp với nhau để tạo thành amoni axit béo, và amoni axit béo sẽ kết hợp với canxi và magiê trong nước tạo thành chất sáp màu trắng xám, đó là sáp xác.
Tuy nhiên, nếu Bành Gia Mộc ra ngoài tìm nước và bị lạc mà không có nước và thực phẩm cung cấp, ông ấy sẽ hoàn toàn chết đói. Khu vực nơi Lop Nur tọa lạc vô cùng khô hạn, chất béo của ông ấy chắc chắn sẽ biến mất hoàn toàn, đặc biệt là sau khi xác chết đã ở trong sa mạc 25 năm trong điều kiện gió mạnh, ánh sáng mạnh và nhiệt độ cao.
Chẳng lẽ Bành Gia Mộc không chết một cách tự nhiên như chết đói, mà là tử vong một cách bất thường?
Bác sĩ pháp y họ Đặng rất thận trọng và không dám đưa ra kết luận về việc này. Ông đề cập rằng mặc dù sáp xác hiếm có trên xác khô, nhưng vẫn có khả năng hình thành, và một số trường hợp đã được báo cáo ở nước ngoài.
Tuy nhiên, quá trình hình thành xác khô có thể lưu lại một số đặc điểm cá nhân và dấu vết tác động bạo lực đặc trưng, điều này cho phép bác sĩ pháp y họ Đặng có phát hiện thứ hai, đồng thời cũng ủng hộ suy đoán của ông về cái chết bất thường của Bành Gia Mộc. Trên thi thể có dấu vết rõ ràng của bạo lực: 3 vết thương ở đầu, 11 vết thương ở tứ chi, và 27 vết thương ở ngực, bụng và lưng.
Bác sĩ pháp y họ Đặng cho biết, hiện trường vụ án mạng hẳn phải vô cùng đẫm máu và kinh hoàng.
Nguyên nhân thực sự của cái chết lờ mờ xuất hiện?
Vậy ai là kẻ sát nhân? Năm đó, Lop Nur là khu vực cấm quân sự, người ngoài không thể vào nếu không có giấy phép đặc biệt của quân đội. Vì vậy, bác sĩ pháp y họ Đặng kết luận rằng hung thủ phải là thành viên của đội khảo sát khoa học.
Các bộ phận liên quan nhanh chóng sắp xếp để bác sĩ pháp y họ Đặng gặp gỡ các thành viên đoàn khảo sát còn sống sót. Bác sĩ pháp y họ Đặng trực tiếp công bố kết quả khám nghiệm tử thi xác ướp và phân tích vụ án, họ vừa nghe đã hoảng sợ. Sau một thời gian dài thanh minh, họ biết không thể giấu được nên mới nói ra sự thật gây sốc:
Bành Gia Mộc mắc hai loại ung thư trong cuộc đời, thân thể yếu đuối, tính khí nóng nảy, rất cố chấp và không hòa thuận với các thành viên trong đoàn. Khi đó, nguồn cung cấp cho đoàn khảo sát khoa học đã không còn đủ, nhưng Bành Gia Mộc vẫn kiên quyết tiếp tục đi sâu vào Lop Nur sau khi hoàn thành kế hoạch ban đầu, điều này hoàn toàn là đưa mọi người đến chỗ chết. Các thành viên trong đoàn khảo sát khoa học nghĩ rằng: Ông bị bệnh nan y không thể qua khỏi, nhưng chúng tôi vẫn còn một con đường để sống sót, vì vậy không cần phải tìm đến cái chết với ông!
Đương thời, các thành viên trong đoàn đã cầu cứu quân đội, nhưng Bành Gia Mộc nói: Vận chuyển nước bằng máy bay trực thăng quá tốn kém, chúng ta có thể tự mình tìm nước gần đây không? Tuy nhiên, nước ở Lop Nur lên xuống thất thường, hôm nay giếng có nước nhưng có thể ngày mai có thể sẽ cạn. Họ đã tìm kiếm nó, nhưng không bao giờ tìm thấy. Một trong những thành viên trong đoàn nghiên cứu về địa chất thủy văn phân tích rằng không thể có nước ở khu vực đó, và đoàn khảo sát khoa học đã rơi vào tuyệt cảnh.
Trong hoàn cảnh như vậy, nhân tính thường được khảo nghiệm. Bành Gia Mộc, người có tính khí nóng nảy, có mối bất bình sâu sắc với các thành viên trong đoàn của mình. Vào ngày 16 tháng 6 năm 1980, một ngày trước khi có báo cáo chính thức về việc Bành Gia Mộc mất tích, đoàn khảo sát khoa học đã tìm thấy Bành Gia Mộc cách khu cắm trại 100 mét về phía Tây, toàn thân bê bết máu và đã chết.
Bác sĩ pháp y họ Đặng nói rằng đoàn khảo sát khoa học biết một hoặc một vài người trong số họ có thể đã giết Bành Gia Mộc, nhưng không ai trong số họ thừa nhận. Các thành viên trong nhóm đã dằn vặt cả đêm, cuối cùng quyết định bịa đặt những lời nói dối để che giấu sự thật. Về phần ghi chú, nó thực sự được viết bởi Bành Gia Mộc, người ngoài nhận thấy ngày đã được thay đổi từ 16 thành 17. Trên thực tế, đoàn khảo sát khoa học đã thay đổi nó để trì hoãn thời gian và nói dối.
Bác sĩ pháp y họ Đặng cho biết ông có nhiều cảm xúc lẫn lộn sau khi nghe lời khai. Kẻ sát nhân thực sự là ai? Các thành viên trong đoàn đều là những kẻ giết người vì họ bao che cho nhau. Tuy giết người đương nhiên là sai, nhưng khi nó liên quan đến an nguy của toàn đội, thì có gì khác? Trong hoàn cảnh tuyệt vọng như ở Lop Nur, nếu đồ tiếp tế không đủ, sẽ chết người, nếu không là sau khi vụ án mất tích phát sinh, đoàn khảo sát khoa học gửi điện tín cầu cứu, thì họ đã không thể nhận được đồ tiếp tế.
Cuối cùng, vụ án Bành Gia Mộc không được tiếp tục truy tra, theo tuyên bố của nhà chức trách, đây vẫn là một trường hợp mất tích. Năm 2009, Bành Gia Mộc cũng được ĐCSTQ chọn là một trong “100 nhân vật cảm động Trung Quốc”. Về việc liệu sự thật có phũ phàng hay không, ĐCSTQ trước nay vẫn luôn bí mật trong chiến dịch tẩy não trường kỳ của nó để tạo ra những ‘anh hùng’.
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
- Trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch