Đại Kỷ Nguyên

Nhan Hồi: “Chỉ cần nỗ lực tu sửa mình thì ai cũng có thể như vua Thuấn được”

Khổng Tử nói: “Người hiền năng thực sự nhân đức đó là Nhan Hồi, một giỏ cơm, một bầu nước, sống trong ngõ nhỏ xấu xí. Người ta không chịu nổi nghèo khổ mà lo nghĩ, nhưng Nhan Hồi lại không thay đổi, vẫn vui vẻ tự có niềm vui riêng”.

Nhan Hồi là người nước Lỗ cuối thời Xuân Thu, tên chữ là Tử Uyên, còn có tên là Nhan Uyên. Năm 13 tuổi ông theo học Khổng Tử, cả đời dốc sức thực hiện những lời dạy của thầy. Theo Luận Ngữ ghi chép, Nhan Hồi nhanh nhẹn thông minh lại hiếu học, đức hạnh xuất chúng, chí hướng cao xa rộng lớn, tôn sư trọng đạo, là người thực sự làm được “mưu tính về đạo chứ không mưu tính về cái ăn uống sinh kế, lo nghĩ về đạo chứ không lo nghĩ về nghèo khổ”. Ông nhiều lần được Khổng Tử khen ngợi, được đời sau tôn xưng là “Phục Thánh”.

“Nghe lời dạy của ta mà không trễ nải lười nhác, liền thực hiện ngay, thì chỉ có Nhan Hồi” (Khổng Tử)

Nhan Hồi cần mẫn học tập, giỏi suy nghĩ, học để áp dụng thực tế. Mặc dù điều kiện học hành rất gian khổ nhưng ông thức khuya dậy sớm học tập nghiên cứu kinh Thi, kinh Lễ, đối với những gì Khổng Tử đã truyền thụ, ông đều ôn luyện lại rất nhiều lần, làm được đến mức “nghe một biết mười”. Khổng Tử đã rất nhiều lần khen ngợi Nhan Hồi hiếu học, khen ông là người chỉ cần nghe thầy dạy liền lập tức thực hiện: “nghe lời dạy của ta mà không trễ nải lười nhác, liền thực hiện ngay, thì chỉ có Nhan Hồi”. Khổng Tử khen ngợi Nhan Hồi có phẩm đức khiêm tốn, ca ngợi ông biết lựa chọn điều thiện để theo: “Học được một điều thiện thì ghi nhớ kỹ trong lòng, vĩnh viễn không để mất đi”.

Khổng Tử nói: “Người hiền năng thực sự nhân đức đó là Nhan Hồi, một giỏ cơm, một bầu nước, sống trong ngõ nhỏ xấu xí. Người ta không chịu nổi nghèo khổ mà lo nghĩ, nhưng Nhan Hồi lại không thay đổi, vẫn vui vẻ tự có niềm vui riêng”.

Đây chính là cảnh giới tâm hồn mà Khổng Tử đã nói: “Ăn cơm thô với rau, uống nước trắng, gối lên cánh tay ngủ, niềm vui hạnh phúc cũng tự đã có ở trong đó rồi”.

Trong hành trình sinh mệnh gian khổ nhiều âu lo hoạn nạn, người thầy Khổng Tử vẫn “Vui mà quên đi nỗi lo âu”. Đối với những người có phẩm đức cao thượng như Khổng Tử, Nhan Hồi mà nói, niềm vui không ở hưởng thụ vật chất, mà ở truy cầu cảnh giới tinh thần. Mọi người đem loại niềm vui từ sâu thẳm tâm hồn dung hợp với đạo này và tinh thần an bần lạc đạo hợp lại gọi chung là “Khổng Nhan lạc xứ” (Niềm vui của Khổng Tử Nhan Hồi).

Sau này những nhân sỹ Nho gia đều coi việc tìm cầu cái đẹp tinh thần ‘Khổng Nhan lạc xứ’ là cảnh giới lý tưởng để trau dồi thế giới nội tâm của mình.

“Học” là để bồi dưỡng đức hạnh người quân tử và thực hành luân lý đạo đức.

Lỗ Ai Công đã hỏi Khổng Tử rằng: “Trong các đệ tử của ngài thì ai là người hiền năng hiếu học?”

Khổng Tử đáp: “Có Nhan Hồi là người hiền năng hiếu học, không bực tức oán trách người khác, không tái mắc lỗi”.

Về mỗi một phương diện, Nhan Hồi đều nghiêm khắc yêu cầu bản thân, đối với mỗi lời giảng của thầy, ông đều không trễ nải. Nhan Hồi giỏi tự phản tỉnh, tự kiểm điểm mình, “phản cầu chư kỷ” (phản tỉnh, tự tìm lỗi, thiếu sót của bản thân), nghiêm khắc kỷ luật tự giác, khoan dung đối đãi với người, cuối cùng đã thành tựu nhân cách người quân tử nhân đức, phong thái mẫu mực của nhà Nho. Về đối nhân xử thế, Nhan Hồi nói: “Người ta đối xử tốt với mình, mình cũng đối xử tốt với người ta. Người ta đối xử không tốt với mình, mình vẫn đối xử tốt với người ta”.

Cả đời Nhan Hồi học theo, đi theo Khổng Tử chu du các nước để hồng dương Đạo. Sau khi trở về nước Lỗ, ngoài dạy học ra, Nhan Hồi còn trợ giúp Khổng Tử chỉnh lý các điển tịch cổ đại, là một trong những người chủ yếu chỉnh lý “Kinh Dịch”.

Cả đời Nhan Hồi học tập không biết mệt mỏi. Một học trò của Khổng Tử là Tử Cống ca ngợi ông rằng: “Người có thể sớm khuya tụng đọc sùng kính lễ, thực hành không tái mắc lỗi, nói năng không vô ý, cẩu thả, thì chỉ có Nhan Hồi”.

Bậc đại Nho đời Tống là Trình Di đã ca ngợi Nhan Hồi rằng: “Thầy Nhan Hồi là người có một không hai, là học được như thế nào? Là học đạo của bậc chí Thánh vậy”.

Tranh vẽ Nhan Hồi. (Ảnh: wikipedia.org)

Là người nhân đức, có Tứ Đức của người quân tử

Nhan Hồi vối nổi tiếng về đức hạnh, ông nghiêm túc lĩnh ngộ hàm nghĩa của Nhân và Lễ mà Khổng Tử truyền thụ, đồng thời thực sự toàn tâm toàn sức thực hành, “nhanh nhẹn chăm chỉ hành sự mà lại cẩn trọng nói năng”. Ông đã xin thỉnh giáo Khổng Tử thế nào là Nhân, Khổng Tử đáp: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân. Nhất nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ quy nhân yên”, nghĩa là, có thể khắc chế dục vọng bản thân, khiến mọi suy nghĩ, ý niệm, ngôn hành của mình đều phù hợp với nguyên tắc của lễ thì được gọi là nhân. Nếu một ngày nào đó thực hiện được khắc kỷ phục lễ thì cả thiên hạ sẽ quy theo người nhân đức.

Nhan Hồi lại hỏi Khổng Tử về những yêu cầu cụ thể về nhân là gì, Khổng Tử trả lời: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”, nghĩa là, trái với lễ thì chớ nhìn, trái với lễ thì chớ nghe, trái với lễ thì chớ nói, trái với lễ thì chớ làm.

Sau khi Khổng Tử giảng cho ông về ‘khắc kỷ phục lễ’ và ‘tứ vật’ (4 điều chớ làm), Nhan Hồi lập tức bày tỏ: “Con tuy dốt nát cũng xin nguyện thực hiện được những điều này”.

Khổng Tử khen Nhan Hồi là một người nhân đức, đồng thời ca ngợi ông có Tứ Đức của người quân tử, tức là mạnh mẽ làm việc nghĩa, ôn hòa nhu mì tiếp thu can gián, sợ hãi tránh xa lợi lộc, cẩn thận tu sửa bản thân.

Trong “Khổng Tử gia ngữ” có ghi chép rằng, Nhan Hồi, Tử Lộ, Tử Cống theo yêu cầu của Khổng Tử, mỗi người nói lên chí hướng của mình.

Nhan Hồi nói: “Con mong muốn có được một bậc Thánh vương để phò tá, thực thi ngũ giáo, dùng lễ nhạc dẫn dắt, khiến người dân không phải xây thành trì phòng ngự, không phải vượt chiến hào chinh chiến, lấy gươm giáo đúc nông cụ, chăn thả trâu ngựa trên đồng cỏ. Người dân không còn nỗi oán hận lo nghĩ, ngàn năm không có mối họa chiến tranh”.

Khổng Tử đánh giá chí hướng của 3 người, đối với Tử Lộ, ông bình luận rằng “Thật dũng cảm”, đối với Tử Cống, ông bình luận rằng “Thật giỏi biện luận”, còn đối với Nhan Uyên, ông bình luận rằng “Thật là đẹp, đó chính là đức”.

Khó thực hiện vẫn cứ thực hiện đến cùng

Khổng Tử đề xướng nền nhân chính và đạo đức, chí hướng của Nhan Hồi cũng là một xã hội lý tưởng dùng đức giáo hóa, người người đều coi trọng nhân nghĩa, ai nấy đều coi trọng phép tắc, tôn sùng nhân đức, yêu chuộng lễ nghĩa. Mà để thực hiện lý tưởng này, Nhan Hồi và Khổng Tử đều giống nhau chủ trương lấy giáo hóa là chính, bất kể hoàn cảnh khó khăn gian nan thế nào đi nữa, cũng phải nan hành năng hành (khó thực hiện vẫn cứ thực hiện đến cùng)

Sách “Hàn Phi Tử ngoại truyện” có ghi chép lời Nhan Hồi: “Quân chủ dùng Đạo để quản lý, bề tôi dùng đức để giáo hóa, vua tôi đồng lòng, trong ngoài tương ứng. Chư hầu các nước, không nơi nào là không theo đạo nghĩa, hưởng ứng thuần phong, người mạnh nô nức tìm đến, người già dìu dắt nhau đến. Thực hiện giáo hóa bách tính, thực thi đức khắp 4 cõi, không nơi nào không giải giáp bỏ vũ khí, tụ họp nhau ở 4 cổng. Thiên hạ đều được bình yên lâu dài, côn trùng bay bò khắp chốn, vật nào cũng vui với bản tính của mình. Tiến cử hiền tài sử dụng hiền năng, ai nấy đảm nhiệm việc của mình. Thế là vua bình yên ở trên, bề tôi hòa thuận ở dưới, chắp tay vô vi, động tác trung đạo, thong dong đắc lễ”.

Nhan Hồi còn nói: “Vua Thuấn là người như thế nào, ta là người như thế nào. Chỉ cần nỗ lực tu sửa mình thì ai cũng có thể như vua Thuấn được” (Theo “Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng”)

Mạnh Tử ca ngợi Nhan Hồi rằng: “Đại Vũ, Hậu Tắc và Nhan Hồi cùng có đạo nhân. Đại Vũ nghĩ đến những người chết đuối (do nước lũ), cho rằng là do mình để họ chết đuối. Hậu Tắc nghĩ đến người đói rét trong thiên hạ, cho rằng là do mình để họ đói rét. Tình hình như thế, họ khẩn cấp như cái nạn của chính mình. Đại Vũ, Hậu Tắc và Nhan Hồi là người các vùng khác nhau thời khác nhau nhưng đều là người nhân đức như vậy” (Mạnh Tử – Ly lâu hạ)

Cả đời Nhan Hồi học theo, đi theo Khổng Tử chu du các nước để hồng dương Đạo. (Ảnh minh họa: epochtimes.com)

“Một ngày là thầy, cả đời là cha”

Nhan Hồi vô cùng kính trọng Khổng Tử, đối với Khổng Tử dạy, không việc gì là ông không làm theo, không lời nào là không vui mừng nghe theo, ông từng giờ từng phút theo Khổng Tử. Trong sách “Trang Tử” có viết: “Phu tử đi chậm thì ông cũng đi chậm, phu tử đi nhanh thì ông cũng đi nhanh”, và trong “Luận ngữ” viết: “Khổng Tử đi, Nhan Hồi theo sau”. Đương nhiên Nhan Hồi không chỉ đi theo mà cả đời dốc tâm sức học và thực hiện theo giáo lý của Khổng Tử.

Hơn 2.000 năm nay, Nhan Hồi luôn được người đời sau tôn là tấm gương mẫu mực của bậc tôn sư. Ông thể hội sâu sắc tư tưởng Khổng Tử bác đại tinh thâm, ông nói: “Học vấn của thầy, ngẩng đầu lên nhìn thì càng thấy cao vòi vọi, dùi sâu nghiên cứu thì càng thấy rắn chắc, vừa thấy ở phía trước, thoắt đã thấy phía sau. Phu tử giỏi tuần tự dẫn dắt học trò, dùng văn chương điển tịch mở rộng trí óc tầm nhìn của ta, dùng lễ ước thúc hành vi quy phạm đạo đức của ta, muốn dừng lại cũng không được” (Luận ngữ – Tử hãn)

Khổng Tử cũng cho rằng “Nhan Hồi coi ta như là cha vậy”. Nhan Hồi nhân đức cũng đã ảnh hưởng đến rất nhiều đồng môn. Khổng Tử nói: “Từ khi ta có Nhan Hồi, môn đệ càng ngày càng thân thiết với nhau” (Sử ký – Trọng Ni đệ tử liệt truyện).

“Chúng ta truyền bá chính đạo, nhưng lại không được một số người tiếp nhận, thì đó chính là nỗi sỉ nhục của họ”

Trong sách “Khổng Tử gia ngữ” có ghi chép: “Thiếu Chính Mão cổ xúy tà thuyết, đồng thời thuyết giảng tranh giành học trò với Khổng Tử, rất nhiều học trò của Khổng Tử vì thế mà dao động, khiến cho “trường học của Khổng Tử 3 lần đầy, 3 lần trống”. Duy có Nhan Hồi vẫn không dời Khổng Tử nửa bước. Có người hỏi ông: “Sao ông không đến chỗ Thiếu Chính Mão học?”.

Nhan Hồi đáp: “Một ngày là thầy, cả đời là cha, hơn nữa học vấn của phu tử là tôn kính mệnh Trời, đề xướng nhân đức, dùng chính đạo để triển hiện cho người đời, đủ cho tôi tu dưỡng học tập, làm sao có thể đi chứ?”

Khổng Tử chu du các nước hoằng dương đạo, Nhan Hồi đi theo, tín niệm kiên định. Thời kỳ gian nan Khổng Tử bị nạn ở đất Trần đất Thái, Khổng Tử vẫn kiên định lý tưởng, “thuyết giảng, ngâm tụng, đánh đàn, ca hát vẫn không suy giảm”, trong nghịch cảnh không được người đời lý giải tiếp nhận, có học trò đã bị dao động, Nhan Hồi vẫn thủy chung kiên định không gì lay chuyển nổi.

Nhan Hồi nói: “Đạo của phu tử đạt đến cảnh giới vô cùng cao, do đó không được một số người tiếp nhận. Mặc dù như vậy, phu tử vẫn dốc tâm dốc sức thực hiện, dùng lòng nhân đức cứu bách tính đang chìm đắm trong nước lửa. Tuy bị ngăn cản bị đố kỵ ghen ghét, không được một số người tiếp nhận, nhưng đối với đạo của phu tử thì có tổn hại gì đâu? Đó có lẽ chính là cái đáng quý của đạo vậy. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể kiên trì giữ chính đạo không dao động, chỉ phu tử mới có thể làm được. Không tu dưỡng chính đạo thì đó là nỗi sỉ nhục của chúng ta. Chúng ta truyền bá chính đạo, nhưng lại không được một số người tiếp nhận, thì đó chính là nỗi sỉ nhục của họ”.

Lâm nạn mà không mất đi đức hạnh, khốn cùng mà không thay đổi tiết tháo

Trong các đệ tử, Khổng Tử khen ngợi Nhan Hồi lâm nạn mà không mất đi đức hạnh, khốn cùng mà không thay đổi tiết tháo: “Ta tin Nhan Hồi là người nhân đức đã lâu rồi”, “Ta tin Nhan Hồi, không phải đợi đến hôm nay”.

Sau này Vương Phù đời Hán cũng ca ngợi Nhan Hồi rằng: “Bị vây khốn đói khát ở nơi hoang dã, giữ vững chí bền lòng, giữ tiết tháo. Được ân sủng ban thưởng tước lộc cũng không màng, uy vũ cũng không khuất phục được, tuy có sự tôn quý của bậc quân vương, địa vị của bậc công hầu, nhưng nguy hại cho đức, không theo lễ nghĩa, khuất chí như cỏ, phụ lòng mà có danh, thì nhất quyết không làm” (“Tiềm phu luận – Át lợi” của Vương Phù đời Hán)

Tư tưởng Thiên mệnh của Khổng Tử nói đến kính Thiên tri mệnh, tu đức tương xứng với lẽ Trời. Thiên mệnh của cả đời Khổng Tử và các đệ tử là ở kế thừa đạo, kế tục mạch văn hóa thiên cổ, kiên định ‘đạo giúp ích thiên hạ’, trong hoàn cảnh xã hội lễ băng nhạc hoại, tuy cả đời long đong lận đận, thời cuộc khốn đốn, nhiều lần gặp gian nan, nhưng vẫn thủy chung không đổi chí thay lòng, tuy chí không thành như có đức dày của trời đất, ân trạch cho con người hàng trăm hàng ngàn năm.

Phong thái mẫu mực tôn sư trọng đạo của các đệ tử Khổng môn được mọi người các thời đại tôn sùng. Nhan Hồi coi chí hướng của thầy là chí hướng của mình, coi ước nguyện của thầy là ước nguyện của mình, theo Khổng Tử thi hành đạo nghĩa khắp thiên hạ, đã để lại phong thái mẫu mực của bậc Thánh hiền tôn sư trọng đạo, quyết chí bền lòng không gì lay chuyển nổi cho người đời sau noi theo.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch

Exit mobile version