Ngũ quan xinh đẹp như hoa nở, như mặt trời ló dạng. Vẻ đẹp tinh thần như hương thơm thầm bay lượn, chỉ có thể thể hiện ra nhờ ngoại vật và và sự tu dưỡng.

Nhan sắc có thể làm đẹp dung mạo, nhưng chẳng thể giấu được bản chất. Khí chất có thể tạo dựng, nhưng chẳng thể xa rời bản tính.

Tâm có cảnh giới, làm việc ắt chính; bụng có kinh thi, khí tất ngời. Tướng mạo tinh thần là một năng lực vô hình, quyết định sức mạnh tinh thần của một người.

Biết cách nói chuyện là một học vấn, có chừng mực là sự tu dưỡng

“Ngôn nhi đáng, tri dã; mặc nhi đáng, diệc tri dã”, nghĩa là: Nói mà đúng, mà thích đáng, thì đó là trí huệ. Im lặng mà đúng, mà thích đáng, thì đó cũng là trí huệ.

Lời nói có thể thể hiện nhiều nhất về tính cách một con người. Nói một cách đúng mực là trí huệ, sự trầm mặc thích đáng cũng là một kiểu trí huệ.

Biết nói năng như thế nào, biết khi nào cần nói những lời gì, không nói hàm hồ, cũng là một sức mạnh mềm vô cùng lợi hại.

Tử Cầm hỏi Mặc Tử rằng: “Nói nhiều có ích lợi gì không?”.

Mặc Tử đáp: “Ruồi nhặng, ếch xanh, kêu suốt ngày suốt đêm, kêu đến mồm miệng khô khốc, nhưng không ai muốn nghe chúng cả. Nhưng ông xem chú gà trống ấy, hễ mặt trời lên là đúng giờ gáy sáng, thiên hạ chấn động, mọi người đều trở mình thức giấc. Vậy nói nhiều có ích gì không? Quan trọng là nói đúng lúc, đúng thời cơ”.

Chúng ta thường đánh giá một người có trí huệ cao là người rất biết nói chuyện. Kỳ thực chính là vì họ biết nói lời phù hợp vào những lúc phù hợp, vừa không khiến người khác khó chịu, lại vừa thể hiện được sự rộng lượng, đĩnh đạc của họ.

Bạn càng biết nói chuyện thì người khác càng vui, người khác càng vui thì càng thích bạn. Người khác càng thích bạn thì giá trị của bạn càng lan toả, và những đóng góp của bạn càng giúp ích cho cộng đồng.

Cuộc đời lắng đọng trong từng hành vi và ngôn từ của bạn. Bạn nói gì sẽ quyết định bạn là ai, thậm chí còn cho thấy bạn sống có ý nghĩa hay không.

Miệng chính là cái cổng đón hoạ phúc, biết cách nói năng, hành sự cẩn trọng, quan tâm tới cảm nhận của người khác, mới là bậc trí huệ.

Biết cách nói chuyện là một học vấn, có chừng mực là sự tu dưỡng
Người biết nói chuyện không phải là nói nhiều mà là họ biết nói lời phù hợp vào những lúc phù hợp. (Ảnh: pixabay.com)

Đánh giá con người qua dung mạo quả thực rất công bằng

Tôi đã từng đọc được một đoạn thế này được lưu truyền trong giới bạn bè của mình: “Tính cách viết trên đôi môi, hạnh phúc lộ trên khoé mắt. Dáng đứng có thể thấy được tài hoa, khí chất. Bước đi có thể thấy được khả năng tự nhận thức bản thân. Trên nét mặt có mang theo tâm trạng, giữa đôi mày là những tháng năm xưa. Quần áo thể hiện thẩm mỹ quan, kiểu tóc thể hiện cá tính. Muốn biết nghề nghiệp thì nhìn đôi tay, muốn biết tu dưỡng thì nhìn đôi chân”.

Những quan điểm trên xem ra có vẻ hơi tuyệt đối hoá, nhưng lại rất có đạo lý. Đến một độ tuổi nhất định, từ dáng hình của bạn đã in hằn con đường trong quá khứ. Bóng dáng ấy còn chứa đựng những cuốn sách bạn từng đọc, người mà bạn từng yêu thương, những chuyện bạn đã trải qua, mồ hôi và cả những giọt nước mắt mà bạn từng rơi.

Trên đời này luôn có người xinh đẹp, cũng có người ngày càng trẻ đẹp ra. Vì sao người ấy lại không phải là bạn?

Xinh đẹp không chỉ là vẻ ngoài nông cạn, mà là cử chỉ đoan trang, đãi người khiêm tốn, nói năng nho nhã… Tất cả những vẻ đẹp kiều diễm đều đến từ sự chuẩn bị dài lâu.

Đánh giá con người qua dung mạo quả thực rất công bằng
Đánh giá con người qua dung mạo quả thực rất công bằng. (Ảnh: pixabay.com)

Trước kia rất lâu, có một nghệ nhân tạc tượng có tay nghề lão luyện, rất nhiều người đều tìm đến ông

Nhưng ông lại không giống với những người khác, mà chuyên thích tạc tượng yêu ma, quỷ quái.

Một hôm ông soi gương thì phát hiện ra tướng mạo của mình trở nên vô cùng xấu xí: Không phải là ngũ quan thay đổi mà là toàn bộ gương mặt trở nên độc ác, xấu xí, kỳ dị.

Sau này, ông đến một ngôi chùa, tìm vị phương trượng giúp đỡ. Phương trượng nói rằng: “Tôi có thể chữa trị cho ông, nhưng ông phải giúp tôi điêu khắc 100 pho tượng Quan Âm”.

Thế là, vị nghệ nhân bắt đầu nghiên cứu về thần thái, đức tính và vẻ mặt của Bồ Tát Quan Âm, thậm chí ông còn đạt đến cảnh giới nhập tâm quên mình.

Nửa năm sau ông đã tạc xong những bức tượng Bồ Tát đầy thiện lương, với hình tượng từ bi, khoan dung, độ lượng. Ông vội vàng đi tìm phương trượng nói: “Xin ngài, ngài nhất định phải chữa bệnh cho tôi”.

Phương trượng không nói gì, cầm một chiếc gương, mỉm cười đưa cho ông: “Bệnh của ông đã khỏi rồi”. Lúc này ông mới phát hiện ra, tướng mạo của mình đã trở nên chính trực và đĩnh đạc hơn.

Đánh giá con người qua dung mạo quả thực rất công bằng
Người xưa có câu:”Tướng do tâm sinh” ngẫm lại thực sự rất có đạo lý. (Ảnh: hiveminer.com)

Nếu một người luôn tràn đầy sự nhiệt tình, môi thường nở nụ cười, đến khi già đi thì nếp nhăn trên mặt họ vẫn toát ra vẻ đẹp từ bi. Nếu một người trường kỳ không mỉm cười, vẻ mặt luôn cứng nhắc, thì càng về già họ càng trở nên đáng sợ, càng không có sự gần gũi, thân thiện. Đây chính là điều người ta gọi là “tướng do tâm sinh”.

Soichi Oya, một nhà văn người Nhật từng nói: “Khuôn mặt của một người chính là bảng sơ yếu lý lịch của người ấy”. Đến khi 40 tuổi, bạn sẽ phải chuẩn bị ngôn ngữ cử chỉ và bộ mặt tinh thần phù hợp với độ tuổi, thân phận và địa vị xã hội của mình.

Những tố chất bên trong của bạn, sự tu dưỡng trong tâm hồn bạn sẽ quyết định hình tượng và phong thái diện mạo bên ngoài của bạn. Câu này chẳng hề sai chút nào. Những lời bạn nói, những việc bạn làm, những tri thức bạn học được, những trải nghiệm mà bạn đã hiểu từ nửa đời trước, vô hình trung sẽ thay đổi tướng mạo của bạn nửa đời sau.

Bởi vì, vốn liếng chân chính của một con người không phải là dung mạo đẹp, cũng không phải là kim tiền, lại càng không phải học vấn, mà là “vẻ đẹp tinh thần” tiềm ẩn luôn đi cùng năm tháng, chẳng hề tàn phai.

Theo Soundofhope
Hiểu Mai biên dịch