Thời còn đi học, tôi rất ấn tượng với câu chuyện “Chiếc lá cuối cùng” của O. Henry. Trong một khu nhà trọ ở thành phố New York, nữ hoạ sĩ trẻ Johnsy bị viêm phổi rất nặng, cô bi quan nghĩ rằng khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống sẽ là lúc cô lìa đời.
Cụ Berman – một hoạ sĩ già sống cùng khu trọ – đã âm thầm thức suốt đêm mưa gió để vẽ chiếc lá thường xuân giống y như thật. Chiếc lá ấy đã không rụng trong đêm bão lớn, khiến Johnsy tìm lại niềm tin và hy vọng sống.
Johnsy từ cõi chết trở về, nhưng cụ Behrman lại qua đời vì bệnh viêm phổi sau cái đêm sáng tạo kiệt tác chiếc lá cuối cùng để cứu Johnsy. Tấm lòng cao thượng, vị tha của cụ Behrman đã chạm đến sâu thẳm trái tim tôi.
Thời gian dần trôi, tôi lớn lên trong xã hội hối hả, bon chen, báo chí truyền hình đầy rẫy tin tức tiêu cực, khiến tôi cảm giác như con người giờ đây đã trở nên ích kỷ, chỉ biết chăm lo cho lợi ích của cá nhân mình. Người với người nhìn nhau bằng ánh mắt lạnh lùng, ngờ vực. Liệu trên đời này có còn những cụ Behrman…?
Mãi tới gần đây, duyên phận mới cho tôi nhận ra trên mọi nẻo đường đời còn có những con người thiện lương, nhân hậu. Họ có trái tim Bồ Tát, ẩn sau vẻ ngoài giản dị của bác xe ôm, người thợ cắt tóc hay vị bác sĩ già… Họ trở nên cao quý, không phải vì làm từ thiện tiền tỷ, triệu đô, mà là bởi hành động của họ xuất phát từ lòng trắc ẩn với nỗi đau của con người. Là bởi họ dám vượt qua những lời dị nghị, hiểu lầm, thậm chí là đe dọa nguy hiểm, quên đi hoàn cảnh không lấy gì làm dư dật của bản thân, cho đi những gì mình có.
Câu chuyện về họ khiến tôi tràn ngập niềm tin vào Thiện tâm và Phật tính của con người. Và tôi tin rằng, nếu bạn có cơ duyên được biết họ, bạn cũng sẽ thấy cuộc đời này thật đáng sống. Tin rằng dẫu đạo đức xã hội có tha hoá cỡ nào, chỉ cần kiên trì Thiện niệm, thì chúng ta vẫn có thể sống vị tha và thanh bạch, và rồi cảm hoá những người xung quanh.
Ông là Đinh Minh Cảnh, 50 tuổi, ngụ tại ấp 3, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh, làm nghề chạy xe ôm.
Cuộc sống gia đình không mấy khá giả, nhưng bằng tình thương, sự đồng cảm với nỗi khổ và hiểm nguy của người đi đường khi lỡ cán phải đinh, sáng nào, ông cũng dậy từ 3 giờ sáng đi dọn đinh, tối khuya vẫn còn lọ mọ ngoài đường, thậm chí: “3 ngày Tết, bà con đưa nhau về quê chứ tui thì quanh quẩn ở đoạn đường này hút đinh thôi”.
Hồi đầu, ông dùng tay nhặt đinh, bàn tay nhiều lần rướm máu vì trúng đinh nhọn, mùa mưa đến, nước rỉ sắt làm hư 10 đầu ngón tay. Sau này, ông nảy ra ý tưởng làm một chiếc cần hút đinh giống chiếc cần câu. Đến khi đinh bị rải lấn cả sang làn đường ô tô, ông quyết định “nâng cấp” thành xe hút đinh. Ông Cảnh cẩn thận treo cờ và một tấm bảng ghi các dòng chữ “Đoạn đường có nhiều đinh, giảm tốc độ”, “Xin lỗi đã làm phiền khi di chuyển chậm”…
“Người ta có tiền thì giúp nhiều, tui không có tiền thì giúp công, ăn mấy cũng hết, mình nhịn lại một ít đổ xăng chạy hút đinh”…
Thiện tâm là vậy, thế mà ông Cảnh từng nghe có người bình phẩm là mình làm việc “tào lao”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Lại có người còn nghi ngờ rằng ông đang cố tình gây sự chú ý, hay làm vì được địa phương trả lương, thậm chí hút đinh chỉ nhằm… thu nhặt sắt vụn… Vượt lên những nỗi buồn, và cả những lời đe dọa của “đinh tặc”, người hùng thầm lặng ấy vẫn âm thầm và bền bỉ, tiếp tục công việc mà ông cho là “việc thiện – cần làm”.
Thu nhập từ xe ôm 150 nghìn đồng mỗi ngày, ông Cảnh chia sẻ: “Người ta có tiền thì giúp nhiều, tui không có tiền thì giúp công, ăn mấy cũng hết, mình nhịn lại một ít đổ xăng chạy hút đinh”…
Xót xa trước cảnh người nghèo không có tiền thuê xe, phải cuốn thi thể thân nhân trong manh chiếu, chở bằng xe máy về quê an táng, bà Phan Thị Bính (SN 1956, trú quận Hoàng Mai, Tp. Hà Nội) đã quyết định bán đi một mảnh đất, gom tiền mua xe cứu thương, chở bệnh nhân và người nhà về quê miễn phí.
Bà Bính và bạn thân đã lặn lội hơn 2.000km vào tận Cần Thơ, An Giang để tìm hiểu mô hình xe cấp cứu từ thiện, trải qua nhiều thủ tục, quy trình liên quan để có thể đi vào hoạt động. Vất vả là vậy, ban đầu lòng tốt của bà còn bị nghi ngờ, nhiều người gọi điện chửi bới, cho rằng bà tìm cách lừa đảo, lấy tiền của người bệnh.
“Nếu người người đều làm việc thiện, nhà nhà đều làm việc thiện thì xã hội này sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu”.
Khó ở đâu, gỡ ở đó, bà một lòng giữ thiện niệm giúp người. Vào cuối năm 2018, chuyến xe đầu tiên của nhóm bà Bính đã lăn bánh, để rồi chỉ trong vòng chưa tới một năm, 250 chuyến xe đã nối dài hành trình của yêu thương và sẻ chia.
Không chỉ duy trì mô hình xe cứu thương, bà Bính còn phối hợp cùng các bệnh viện mổ đục thủy tinh thể, nấu cơm, phát cơm miễn phí cho người nghèo. Về phần mình, bà Bính chỉ ao ước mình có thật nhiều sức khỏe để có thể giúp đỡ nhiều người hơn nữa. Bà bảo: “Nếu người người đều làm việc thiện, nhà nhà đều làm việc thiện thì xã hội này sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu”.
Từ ngày nhận nuôi đứa trẻ đầu tiên, chẳng biết cơ duyên thế nào, gia đình ông Bùi Công Hiệp (quận 9, Tp. Hồ Chí Minh) cứ liên tục được người ta đem con tới… gửi nuôi. Không đành lòng nhìn những đứa trẻ bơ vơ, vợ chồng ông Hiệp, bà Lan quyết định trao tặng 2.500m2 đất và căn nhà 3 tầng có tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng để lập Mái ấm Thiên Thần, nơi nuôi dưỡng và chở che cho 85 mảnh đời non nớt mà bất hạnh: có bé mồ côi, có bé bị bỏ rơi; đứa nhỏ nhất mới hơn hai tháng tuổi, những đứa lớn thì đã vào lớp 1.
“Tôi muốn con có phẩm chất của một người tử tế, đặc biệt là trái tim rộng mở và cuộc sống hạnh phúc”.
Ông Hiệp thuê 10 bảo mẫu thay phiên chăm sóc trẻ. Hằng ngày, ông dậy từ 4 giờ sáng, nấu ăn cho các bé, lái xe đưa lũ trẻ đi học. Sau đó, ông trở về dọn rửa, nấu bữa trưa. Những khi rảnh tay, ông Hiệp lại đọc sách, từ sách nấu ăn cho đến sách giáo dục, kỹ năng sống, tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Buổi tối, sau khi cho các con ngủ, ông lên mạng học tiếng Anh, đọc tài liệu tới khuya. Ông muốn có thêm kiến thức giúp nuôi dạy trẻ tốt hơn, đồng thời truyền thụ lại cho các con những gì tinh túy nhất. Người cha ấy tần tảo như vậy, ròng rã đã bảy, tám năm nay.
Ông Hiệp trải lòng: “Tôi muốn con có phẩm chất của một người tử tế, đặc biệt là trái tim rộng mở và cuộc sống hạnh phúc”.
Thấu hiểu khao khát được gặp đấng sinh thành của lũ trẻ, ông Hiệp cẩn thận lưu giữ lại hết những dấu vết, đồ vật trên người các bé lúc nhận, nhờ những người mẹ đem con đến gửi đứng tên trong giấy khai sinh của các bé, để sau này, mẹ con có thể đoàn tụ.
Bà Trương Thị Hội Tố (87 tuổi) là bác sĩ chuyên khoa sản, từng là Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Nam Định. Nghỉ hưu, bà ấp ủ dự định mở phòng khám miễn phí, phục vụ bà con. Bà lọc cọc đạp chiếc xe cũ đi mời bạn bè cùng tham gia, mãi đến khi gặp y tá Lê Thị Sóc (90 tuổi), ước mơ của bà mới thành hiện thực.
Hai bà dùng lương hưu mua cơ sở vật chất ban đầu. Phải mất hơn chục lần di chuyển, long đong, phòng khám mới ổn định ở Hội Chữ Thập Đỏ của phường Giáp Bát, Hà Nội. Mỗi ngày, phòng khám đón trên 20 bệnh nhân, chủ yếu là bà con lao động nghèo, hưu trí. Có những người đã gắn bó với phòng khám từ những ngày đầu, cũng có bệnh nhân được bác sĩ Tố tận tụy chạy chữa, giúp đỡ suốt 10 năm trời, mãi đến khi nhắm mắt xuôi tay.
“Vì tiền bạc thì không thể làm nghề thuốc được…”
“Tôi chỉ tâm niệm một điều, làm nghề thuốc là phải vì bệnh nhân, vì lương tâm chứ không phải vì tiền bạc. Vì tiền bạc thì không thể làm nghề thuốc được…”, vị bác sĩ đáng kính chia sẻ.
Suốt 20 năm qua, với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, bà luôn có mặt đúng giờ ở phòng khám, bất chấp mưa to, gió lớn, tuổi cao, hay chân đau vì thấp khớp. Bởi, bà Tố nghĩ, “không thể để mấy chục người ốm đau chờ mình được. Họ nghèo nên ốm nặng mới tìm đến bác sĩ. Mình không đến thì họ dựa vào đâu?”…
Mặc dù kinh tế eo hẹp nhưng vừa mới an cư, thầy Huỳnh Văn Thế (ở ấp Phước Thủy, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) đã bàn với vợ là cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, cùng thực hiện ước mơ ấp ủ từ thời sinh viên: đưa sách đến tay các em nhỏ ở vùng quê.
“Càng có thêm nhiều bạn trẻ thích sách, thế giới sẽ càng tốt đẹp hơn cho chúng ta và con cái chúng ta”.
Thầy Thế viết từng lá thư tay, gửi đến những ai có lòng, nhờ quyên góp sách tặng trong dịp Tết. 3 năm liền, từ Tết 2015 đến Tết 2017, số sách mỗi năm đã tăng từ 100 lên tới gần 900 cuốn sách. Thầy còn thành lập “CLB Sách và hành động Mang Thít”. Ngôi nhà của vợ chồng thầy cũng trở thành một thư viện phục vụ cộng đồng. Cứ vậy, thầy dốc hết thời gian, sức lực cho sách và những tiết dạy văn đổi mới tư duy. Vợ thầy ở phía sau, làm bánh tét phụ chồng có thêm tiền mua sách. Hai vợ chồng lặn lội đi về gần 80km mỗi ngày để giao bánh tét. Mỗi đòn bánh tét lời 7.000 đồng, thầy Thế đem bỏ ống heo, khi ước chừng trên 2 triệu đồng, thầy đập ống lên Sài Gòn mua sách.
Thầy tâm niệm: “Càng có thêm nhiều bạn trẻ thích sách, thế giới sẽ càng tốt đẹp hơn cho chúng ta và con cái chúng ta”.
Thương thay, ước mơ làm đẹp cho đời của thầy bị đứt gánh giữa đường, khi căn bệnh phổi đã khiến thầy ra đi ở tuổi đời chưa đến 40. Chồng mất, người vợ suy sụp, hoảng loạn. Lúc đầu cô định buông xuôi, nhưng cuối cùng, cô đã vượt qua, trở thành chỗ dựa cho con và tiếp tục làm bánh bán kiếm tiền mua sách, viết tiếp tâm nguyện của chồng…
7 năm trước, vợ chồng ông Hồ Văn Dũng (59 tuổi, trú ấp 3, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) mất đi người con trai vì tai nạn. Một lần ông nói với bà: “Giờ mình già rồi, con cái cũng lớn, làm kiếm tiền nhiều rồi cũng chẳng được gì, hay mình nấu đồ ăn từ thiện?”.
Chồng làm thợ cắt tóc, vợ bán nước giải khát ở ven đường, cuộc sống mưu sinh vất vả là vậy nhưng suốt 3 năm nay, sáng sáng cứ đúng 3h30′ đồng hồ báo thức reo là ông Dũng bật dậy, đong 40 lon gạo vo sạch, cho vào 4 cái nồi lớn. Vợ ông thức dậy, bắt tay vào nấu thêm 4 món chay nữa. Cơm nước nấu xong, hai vợ chồng bắt đầu chia vào hộp. Ông mang ra chợ, đặt trước cửa nhà người quen, hay trước những sạp rau, để những người bán vé số, lao công, quét đường… đến lấy. Ngày nào dư cơm, ông chạy xe vào trong xóm tặng các cụ già. Xong xuôi, ông về ăn cơm cháy với đậu bắp còn dư lại, bà đã ra quán tự khi nào.
“Làm sao cho đủ khoảng 100 phần, chứ ngày nào thiếu tui lại buồn”.
Hôm nào thiếu gạo, ông Dũng mua thêm bánh mì về lát mỏng, chiên bột. Ông bảo: “Làm sao cho đủ khoảng 100 phần, chứ ngày nào thiếu tui lại buồn”. 5h chiều, nhắm chừng hết khách, ông quét dọn nhà cửa. Bà trên đường về ghé vào chợ, mua nguyên liệu để nấu cơm ngày mai. Sơ chế xong cũng đến 10h đêm, ông bà mới lục tục đi ngủ.
Ông Dũng nói: “Thức khuya, dậy sớm làm cũng mệt, nhưng giao cơm xong là tui thấy khỏe re”. Chia sẻ phần nào khó khăn với người nghèo, người bệnh, chính là động lực giúp cho ông bà duy trì hoạt động của bếp ăn từ thiện suốt 3 năm qua.
Con đường làng cứ mỗi trận mưa lại sình lầy, trơn trượt; sang đến mùa lũ thì ngập như sông đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Theo mong ước của bố mẹ trước khi mất, bà Bùi Thị Phong đã cùng các em dùng 660 triệu đồng tiền phúng viếng làm nên bốn con đường bê tông cho làng.
Năm 2012, mẹ của bà Phong là cụ bà Lê Thị Hồi qua đời. Cụ ông Bùi Kiệt và các con họp lại và thống nhất không đụng tới tiền phúng điếu, để dành làm đường. 230 mét đường đã được hoàn thành ngay trước lễ cúng 49 ngày của cụ Hồi.
3 năm sau, cụ ông do tuổi già sức yếu đã không qua khỏi. Theo lời cha dặn, đám tang vừa xong, các xe cát, sỏi, xi măng đã cấp tập ở làng trên, xóm dưới. Ba tuyến đường mới cũng mất chưa đến 7 tuần là đã có thể đi vào phục vụ bà con.
Xóm nhỏ khang trang lên trông thấy. “Hồi trước đứng trên đường thì móng nhà tôi phải cao tới ngực, nhưng từ khi gia đình bà Phong xây đường thì chưa đến đầu gối”, bà Long, một người hàng xóm nói vui.
Chia sẻ về chuyện lấy tiền phúng điếu cha mẹ làm đường mà không phải sửa sang lại căn nhà, bà Phong cười hiền: “Đó là di nguyện của cha mẹ chúng tôi, phận làm con phải hiếu nghĩa. Với lại nếu làm nhà thì chỉ cho mình ở, có giúp được ai đâu…”
Sinh thời, hai cụ đã dạy con cháu, rằng tiền tài biết bao nhiêu cho đủ, sống phải biết chia sẻ, biết yêu thương. Cung cách giản dị, bản tính vị tha của các cụ đã thấm vào trong lòng các con, để hôm nay, bà Phong và em út có thể cho đi một cách thản đãng, vì hạnh phúc của tha nhân…
James Joseph Kendall (37 tuổi) là một người Mỹ đến từ Ohio, được người Việt gọi với cái tên trìu mến là “ông Tây nhặt rác”, “ông Tây lội mương thối”. Trong 3 năm qua, James đã cùng với các tình nguyện viên của CLB Keep Ha Noi Clean (Tạm dịch: Giữ Hà Nội sạch sẽ) nhặt được khoảng 2.000 tấn rác tại hàng trăm địa điểm khác nhau ở Hà Nội.
James sẵn lòng lội dưới dòng nước thải để vớt rác, không ngại mồ hôi nhễ nhại đẩy từng xe rác cao như núi. Gần như tuần nào cũng vậy, anh cùng những người bạn dọn dẹp, làm sạch các địa điểm công cộng ở Hà Nội. Đến nay, CLB Keep Ha Noi Clean do James làm nhóm trưởng đã có hơn 4.000 thành viên tham dự.
“Tại sao chúng ta lại không thể nhặt rác, bảo vệ môi trường sống của mình?”
“Nhiều người hay hỏi tôi: ‘Vì sao lại làm điều đó?’, còn tôi thì luôn tự hỏi ngược lại: ‘Tại sao chúng ta lại không thể nhặt rác, bảo vệ môi trường sống của mình?’”, James nói.
Ban đầu, khi biết James có ý định làm sạch đường phố, dọn mương thối, nhiều người đã khuyên anh nên từ bỏ vì cho rằng đây là công việc “mất công, vô ích”. Thế nhưng, sự nhiệt tình, tâm huyết của James và thành quả của nhóm đã khích lệ người dân xung quanh chung tay thực hiện, trong đó có cả người già, em nhỏ và người nước ngoài.
James chia sẻ, điều cốt lõi anh muốn hướng tới là thay đổi nhận thức của người dân về việc để rác đúng nơi, không vứt rác bừa bãi và bảo vệ môi trường. Tương lai, anh mong muốn có một cô vợ người Việt, nhưng hiện tại anh chỉ ước có sức khỏe, để cùng mọi người “dọn được càng nhiều rác, làm sạch được càng nhiều con sông càng tốt”.
Bà Lee Kyeong Hee (46 tuổi) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em ở tỉnh Tae Gu, Hàn Quốc. Tuổi thơ nghèo đói, cơ cực đã nuôi dưỡng trong bà Lee ước mơ trở thành một doanh nhân, để thế hệ con cái của bà không phải chịu khổ và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Bà Lee theo chồng sang Việt Nam từ năm 2009. Bạn bè nhiều người bảo bà “dở hơi”, đang sung sướng lại bỏ đến nước nghèo. Thế nhưng nghĩ con trai cần bố, nên bà vẫn quyết tâm đi.
“Có thể mang đến hạnh phúc cho người Việt Nam, với tôi chính là hạnh phúc lớn nhất”.
Đến vùng cao Việt Nam, thấy nhiều bé trên mặc áo rét từ thiện nhưng dưới lại cởi truồng, đi chân đất trong trời lạnh buốt, bà Lee ứa nước mắt, bất chợt nghĩ tới kiểu nhà có nền sưởi ở nông thôn Hàn Quốc – loại nhà giữ nhiệt tốt. Vậy là bà nhanh chóng xin phép các cơ quan để thử nghiệm ở miền núi phía Bắc, bỏ tiền túi và quyên góp thêm từ bạn bè để xây 3 căn nhà nền sưởi mẫu. Bà hạnh phúc nhớ lại kỷ niệm với người dân địa phương trong những tháng ngày rời phố, lên vùng cao, “ăn dầm, nằm dề”, hùng hục xúc đất cát, bốc vác gạch đất để xây nhà: “Khi tôi mỉm cười, nói chuyện bằng tiếng Việt thì họ vui vẻ đến lạ, giúp đỡ tôi khuân vác, mang nước uống cho tôi. Yêu người Việt Nam từ những hành động nhỏ như thế thôi”.
Bên cạnh việc giúp người nghèo, bà còn tham gia tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ các chương trình, các lớp đào tạo tâm thức cho thanh thiếu niên tại Hà Nội với mong muốn truyền đạt thông điệp sống, giúp các bạn trẻ tránh xa những hiện tượng tiêu cực như nghiện game, nghiện rượu, các tệ nạn xã hội và vấn đề tâm lý như tự kỷ, trầm cảm.
Việt Nam có lẽ đã trở thành quê hương thứ hai của người phụ nữ đáng mến này, với lời thổ lộ: “Có thể mang đến hạnh phúc cho người Việt Nam, với tôi chính là hạnh phúc lớn nhất”.
***
Trong câu chuyện của O. Henry, những cơn gió lạnh buốt mùa đông đã không thể thổi bay “chiếc lá cuối cùng”, hiện thân cho lòng vị tha cao thượng của cụ Behrman. Chiếc lá ấy còn mãi, cho tới hôm nay, trong lòng tôi, và trong những trái tim nhân từ mà tôi đã gặp. Những khó nhọc mưu sinh không khiến họ trở nên ích kỷ, những nỗi mất mát từng trải qua không khiến họ thu mình. Ngược lại, họ quên đi bản thân để mang tới niềm vui cho người khác.
Bạn có cảm thấy được khích lệ khi biết rằng thế gian này còn có những tấm lòng thiện lương đến thế? Câu chuyện về họ khiến tôi thêm tin tưởng về một câu nói, rằng: “Bạn chỉ cần lương thiện, Trời xanh đã tự có an bài”…
Bài viết: Thanh Tâm – Thanh Ngọc
Ảnh bìa: DKN tổng hợp & minh hoạ