“Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, có lẽ trong mỗi chúng ta ai ai cũng thuộc hai câu thơ này. Công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha quả thật vô bờ bến với những người làm con.
Tuy nhiên, khi nói đến tình mẹ ai cũng thấy gần gũi dễ cảm nhận, nhưng nhắc đến tình cha thì có lẽ không phải ai cũng thật sự thấu hiểu sâu sắc. Câu chuyện sau đây sẽ cho bạn thêm một chút dư vị nào đó trong tâm hồn về tình cha.
Ngày vừa ra trường, Hương được phân vào làm giáo viên dạy tại trường mẫu giáo địa phương. Vốn bản tính yêu quý trẻ con nên đây là công việc cô cực kỳ thích thú, do vậy bọn trẻ đều quấn quýt lấy Hương. Ngày đầu tiên đi dạy cũng lại đúng vào 8/3, nên muốn tạo thêm không khí sôi động cho lớp học và dạy các con hiểu thêm về tình mẫu tử, Hương đã mua rất nhiều bánh kẹo cùng ra đề tài “Hãy nói lên cảm nhận về mẹ của mình”, xong sẽ có thưởng.
Đám trẻ phấn khích nhao nhao thi nhau giơ tay lên kể, em nào cũng nói rằng: nào là con yêu mẹ vì mẹ rất đẹp, con yêu mẹ vì mẹ nấu ăn rất ngon, con yêu mẹ vì mẹ luôn sạch sẽ và mua quần áo đẹp, con yêu mẹ vì mẹ và bố luôn dẫn con đi chơi cuối tuần… Bất giác Hương để ý thấy chỉ còn một em bé với đầu tóc cột vội rối bù, bộ quần áo dường như giặt không sạch nên còn nhiều vết bẩn là ngồi im một chỗ không giơ tay, gương mặt cô bé buồn thiu thỉu.
Hương mỉm cười đi về phía cô bé hỏi: “Này con, sao không lên kể về mẹ như các bạn rồi con cũng có quà?”. Cô bé ngẩng đầu lên nhìn Hương với đôi mắt ngấn nước: “Mẹ con… không tốt như mẹ của các bạn đâu cô. Mẹ là người không gọn gàng ngăn nắp, mẹ vụng về không biết cột tóc cho con, mẹ nấu ăn cực tệ, mẹ rất là hôi hám, mẹ và bố không bao giờ dẫn con đi chơi chung, mẹ còn mặc đồ rất xấu và không bao giờ cởi mặt nạ ra cả. Nhưng… con vẫn yêu mẹ”.
Nói xong cô bé nhạt nhòa nước mắt, Hương ôm cô bé vào lòng vỗ về: “Đúng rồi, con phải yêu mẹ vì không có mẹ sẽ không thể có con trên cõi đời này. Quà của con đây nhé!”. Cầm gói bánh đưa cô bé mà lòng Hương không khỏi thắc mắc, Hương nghĩ có lẽ nhà cô bé rất khó khăn nên mới như vậy, thật tội nghiệp cô bé 3 tuổi.
Chiều đến, tất cả học sinh trong lớp đều được cha mẹ đón về nhà, tuy nhiên cô bé ấy vẫn chưa về, Hương đành ở lại với em. Phải thật lâu sau đó, Hương mới thấy một người đàn ông trẻ khắc khổ, tầm dưới 30 tuổi với bộ đồ dấy bẩn cũ mèm bước đến. Anh ôm cô bé vào lòng với đầy yêu thương mà không quên cảm ơn cô giáo. Hương thầm nghĩ có lẽ anh ấy vừa mới đi làm công việc gì đó rất nặng nhọc về.
Nhìn bóng dáng hai cha con cô bé dần khuất xa mà Hương có một cảm giác gì đó trong lòng, vừa xót xa pha lẫn khó hiểu. Dường như có một cái gì đó thôi thúc nên ngày chủ nhật sau đó, Hương đã tìm đến nhà cô bé theo lời chỉ dẫn của thầy cô trong trường. Hương không quên chuẩn bị sẵn những bộ quần áo đẹp và ít bánh kẹo cùng đồ chơi đến thăm.
Vượt qua con hẻm ngoằn nghèo chật chội, chật vật lắm Hương mới tới được ngôi nhà ấy, đó là căn nhà trọ nhỏ bé thuộc ngoại ô thành phố. Cất tiếng gọi cửa Hương nghe thấy một giọng nửa nam nửa nữ nói vọng ra: “Thỏ ơi, ra mở cửa giúp mẹ!”.
Thấy cô giáo đến cô bé mừng rỡ ôm chầm lấy. Bỗng từ trong bếp một người mặc váy, đeo mặt nạ đi ra, Hương ngỡ ngàng bối rối nghĩ thầm: “Ôi! Chẳng phải đây là bố cô bé hay sao, sao lại phải cải trang thế này!”. Như hiểu được sự việc Hương cũng vui vẻ hòa theo: “À chào chị, hôm nay em tới nhà chơi với bé Thỏ”. Người đó quay sang cô bé bảo: “Thỏ cầm đồ chơi qua chơi với bạn My nhé, mẹ có chút việc với cô giáo một tý, rồi mẹ nấu cho Thỏ món bí đỏ mà Thỏ thích nhất”.
Sau đó, Hương mới thấu hiểu hết câu chuyện đằng sau: Ba mẹ bé Thỏ vốn là dân miền quê lên thành phố lập nghiệp, rồi quen nhau và xây dựng gia đình. Hai người rất hạnh hạnh phúc khi bé Thỏ ra đời. Tuy nhiên, một vụ tai nạn kinh hoàng đã cướp đi mẹ Thỏ khi cô bé mới vừa tròn một tuổi. Vì vậy, mình người cha ấy phải gạt nỗi đau thương để nuôi nấng em.
Tuy nhiên, vì để Thỏ được lớn lên với đầy đủ tình thương của bố mẹ, và cũng là để hình ảnh người vợ hiền yêu dấu luôn hiện hữu bên cạnh, người bố ấy đã làm mặt nạ in hình mẹ cô bé và mặc những bộ đồ mà lúc còn sống mẹ Thỏ hay mặc để Thỏ tin là em vẫn còn có mẹ. Nhưng ngày thường, mẹ chỉ hiện hữu vào sáng sớm để cột tóc, thay đồ cho cô bé và lúc gần đi ngủ để vỗ về em, còn lại anh phải lại làm bố để vội vã đưa đón cô bé đi học và làm đủ mọi việc để chăm lo cho cuộc sống của Thỏ.
Nghe đến đây, khóe mắt Hương bỗng cay cay, là đàn ông mà “gà trống nuôi con” với tuổi đời còn trẻ như vậy thì quả thật mọi việc rất vụng về, tuy nhiên người bố ấy đã hết sức khéo léo và kiên trì đến nỗi cô bé không nhận ra mẹ chính là do bố của mình cải trang, thật là một người bố đáng kính. Hương cũng kể lại câu chuyện hôm 8/3 cho anh nghe, Hương bảo bé Thỏ yêu mẹ dù mẹ không hoàn hảo như mẹ các bạn, anh thật may mắn vì có một đứa con hiếu thảo như vậy. Có lẽ khi lớn hơn một chút Thỏ sẽ sớm biết được sự thật này, nhưng điều đó chỉ làm cô bé thêm trân trọng, yêu thương người bố như anh hơn thôi.
Thiên chức của người mẹ là “trong lành, ngọt mát như nước trong nguồn” để có thể dịu dàng, ân cần, chu đáo chăm sóc con thơ; thiên chức của người cha là “vững chãi, cứng rắn, to lớn như núi Thái Sơn” để có thể chở che làm trụ cột cho gia đình. Mỗi bậc sinh thành đều có một bản năng riêng để vun vén hạnh phúc, nuôi nấng con cái. Nhưng khi một trong hai người mất đi, thì một người phải gánh vác trách nhiệm của cả hai nên phần nào đó sẽ nhiều khiếm khuyết.
Quả thật là con thì không gì hạnh phúc bằng có mẹ vì mẹ luôn là người ân cần chu đáo nhất. Tuy nhiên khi mẹ mất đi chỉ còn mình cha gánh vác gia đình, dù cha có thể ‘vụng về, không chỉn chu’ như khi còn mẹ nhưng tình thương cha dành cho con thì cũng vô bờ bến như vâỵ. Vì thế, nếu ai đó bất hạnh không còn mẹ nữa và phải ở cùng cha như bé Thỏ, thì hãy luôn hạnh phúc và tự hào vì có một người cha “vụng về” như thế!
Nhã Thanh