Thời gian là một cô nàng đỏng đảnh và tương đối trêu ngươi. Ở lúc này hay lúc khác, một năm có thể dài như nghìn thu cũng có thể ngắn tựa chớp mắt. Mỗi năm một tuổi, mình lại tưởng nhớ về cái ngày mình mở tiếng khóc chào đời. Dù thực tâm mà nói, tuổi thật của mình chẳng biết là đã bao nhiêu kiếp, bao nhiêu đời. Sinh ra trên đời cũng chỉ là một lần dừng chân tạm nghỉ mà thôi…

Sự ám ảnh về thời gian chỉ thực sự lớn lên khi người ta ý thức được vấn đề tuổi tác. “Cái tuổi nó đuổi xuân đi”, trên đời, quả thực có rất nhiều người sợ già hơn là sợ chết. Lý Bạch ngày xưa viết mười bảy bài “Thu phố ca” chỉ để diễn tả một sự cô đơn dằng dặc, buồn bã tê tái suốt mùa thu. Mùa thu là một ám ảnh về thời gian. Nó dự báo trước về mùa đông tàn lụi. Nên thơ nào về mùa thu cũng buồn, không buồn không được. Đây là bài “Thu phố ca” (kỳ 15) của ông:

Bạch phát tam thiên xích
Ly sầu tự cá trường
Bất tri minh kính lý
Hà xứ đắc thu sương?

(Tóc trắng dài ba nghìn trượng
Nỗi sầu biệt ly dài dằng dặc
Không biết ở trong gương sáng kia
Sương thu từ nơi nào lọt vào?).

Đọc mấy câu thơ bi tráng lên, người ta dễ hình dung ra cảnh rồi một ngày kia chính mình ngồi trước tấm gương cũ, soi vào thấy tóc đã muối sương. Thật không khỏi giật mình! Thời thanh xuân vẫn còn trai tráng nhưng nỗi ám ảnh thời gian thì tựa hồ như đã đeo bám người ta ngay từ lúc lọt lòng. “Tam thập nhi lập”, chẳng mấy mà đến ba mươi, cái mốc cuối minh chứng cho một sự trưởng thành. Vèo trông một chút, lại đến tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc” (Bốn mươi tuổi không còn nghi ngờ gì), “Ngũ thập tri thiên mệnh” (Năm mươi tuổi biết mệnh trời) rồi “Thất thập cổ lai hy” (Bảy mươi tuổi xưa nay hiếm). Mỗi mốc là một cái nút thắt, thắt dần, thắt dần đến khi cõi đời đi đến chỗ cùng tận.

(Ảnh minh họa: pixabay.com)

Nói dềnh dang như thế để thấy rằng: tuổi tác, sinh mệnh của người ta vốn chỉ là một giới hạn mong manh. Giữa hàng tỷ năm mênh mang của vũ trụ, vài chục năm lẻ của mỗi người chẳng có ý vị gì. Một đời người không đo bằng tuổi tác. Tuổi tác cũng chính là một sự tương đối: ít tuổi đâu hẳn là không sợ già mà cao tuổi chắc gì không còn trẻ tráng? Mấy chục năm của đời mình nó cũng tựa như là cái chớp mắt của thời gian. Đếm từng ngày ra thì nhiều thật, chứ tính lại thì thấy nhanh như gió cuốn, mây trôi. Chuyện cũ chẳng nhớ được bao nhiêu mà người cũ cũng dần quên mặt. Ngẫm lại thấy suốt mấy chục năm lẻ qua, hỏi có mấy chuyện làm mình thấy đắc ý vô cùng và tự bản thân cảm thấy sống như thế quả là không hoài phí?…

Thứ nhất là dù đời sống vật chất không quá sung túc, tràn trề nhưng thú vui tinh thần bao giờ cũng viên mãn. Rất thích một câu mà học giả Nguyễn Hiến Lê viết trong cuốn hồi ký của ông, đại ý: Ở đời người ta, về mặt vật chất thì nên dưới mực trung còn mặt tinh thần thì nên ở trên mực trung. Bao năm qua, tự thấy rằng mình cũng đang noi theo được điều ấy. Tiền bạc, ái tình, phong lưu ai mà chẳng ưa, chẳng thích. Nhưng cái vỏ ngoài lóng lánh ấy lắm khi đang che giấu một tinh thần nghèo nàn. Nói cách khác là giàu tiền mà nghèo hồn. Nhưng giờ đây, có vẻ những người kiểu này đang ngày càng chiếm được lòng tôn sùng của đám đông, một thứ như kiểu “Đại gia”. Đương nhiên, có những người may mắn được sung túc cả phần của cải lẫn tâm hồn. Nhưng mình vẫn tự cho rằng, sự giàu có về tinh thần mới là cái gốc của đời sống. Kiếm tiền chút chút thôi, còn hãy bồi bổ cho mình một đời sống tâm hồn đủ đầy, ít ra là trên mức “bậc trung”.

Thứ hai là suốt chừng ấy năm, mình có thể ung dung mà cho rằng mình đã sống một cuộc đời tử tế. Sự học hành được cha mẹ chu cấp vẹn toàn, đức giáo dục cũng không hề lỗi đạo, với người ngoài thì hòa nhã, khiêm nhường, với chính mình thì nghiêm khắc, ít chiều chuộng. Có vài lúc cũng sa đọa vào lạc thú nhưng cũng biết “tri túc”, biết thế nào là đủ, là giới hạn để dừng. Trong cuộc đời này, tử tế là một điều rất khó. Nó không chỉ là sống nghĩa khí với người mà còn là sống sao để không tự hổ thẹn với lòng. Mà cuộc chiến với bản thân lúc nào cũng cam go, căng thẳng và dễ thất bại nhất!

Thứ ba là dù ít dù nhiều, mình cũng tìm được những thứ đáng gọi là đam mê. Có thể chỉ là một thói quen rất nhỏ (đọc sách, viết lách), cũng có khi là một lý tưởng, mơ mộng đầy tham vọng. Nhưng cũng có khi đam mê nhiều quá, cũng dễ sa đà. Tiêu ma thời gian vào nó cũng chẳng ít gì! 

(Ảnh minh họa: pixabay.com)

Đấy, chỉ trong có vài chục năm đầu đời, mình tự cho là đã gặt hái được mấy điều đắc ý như trên. Còn cả một quãng đời dằng dặc phía sau kia chẳng lẽ không có thêm được vài nguồn vui bé nhỏ? Cớ sao cứ một tuổi đến lại thấy buồn bã, trầm ngâm, tư lự? Cớ sao cứ phải nghĩ rằng ta đang có một tuổi “đi qua” chứ không phải một tuổi “đang đến”? Cớ sao cứ phiền lụy vì một năm nữa trong đời lại mất đi mà không phải là một năm nhận lại? Hỏi nhiều đến cả trời đất cũng thành nghi hoặc cả. Ở một trong những bài thơ say sưa, khí khái và lãng mạn nhất của mình, “Tương tiến tửu” (Sắp mời rượu), Lý Bạch đã viết những dòng như thế này:

Há chẳng thấy:
Nước sông Hoàng từ trời tuôn xuống
Chảy nhanh ra biển, chẳng quay về

Lại chẳng thấy:
Thềm cao gương soi rầu tóc bạc
Sớm như tơ xanh, chiều tựa tuyết?
Đời người đắc ý hãy vui tràn
Chớ để bình vàng suông bóng nguyệt!
Trời sinh thân ta, hẳn có dùng
Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến

Nhân sinh một khắc đáng giá nghìn vàng, đừng để chuyện buồn làm lỡ tháng ngày vui vẻ, ung dung. Chuyện trên đời sớm đã có an bài, cứ tận hưởng chứ đừng nên ấm ức. Trời cao có mắt, sẽ không bao giờ tuyệt đường người lương thiện, phải vậy không?

Bạn đang đọc bài viết: “Nhân sinh đắc ý vui tràn, ngàn vàng tiêu sạch chẳng màng đến đi…” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__