Đại Kỷ Nguyên

Nhân vật lịch sử: Thiệu Ung – Bậc thầy triết học và thiên văn học Trung Hoa

Thiệu Ung (1011-1077) là một nhà triết học, nhà thơ, và nhà vũ trụ học của triều đại Bắc Tống. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã bộc lộ trí thông minh khác thường và quyết tâm thấu hiểu các quy luật tiến hóa của vũ trụ.

Cái tên “Thiệu Ung” không được nhiều người dân Trung Quốc biết đến bởi ảnh hưởng từ cuộc Cách mạng Văn hóa, nhưng ông là một trong những nhân vật nổi bật nhất của Nho giáo Trung Hoa. Một số câu nói của ông vẫn còn lưu truyền đến ngày nay, như: “nhất thiên đích kế hoa tại vu tảo thần đích quyết định, nhất niên đích kế hoa tại vu xuân thiên đích quyết định, nhất sinh đích kế hoa tại vu cần lao đích quyết định” (Kế hoạch cho một ngày bắt đầu vào buổi sáng. Kế hoạch cho một năm bắt đầu từ mùa xuân. Kế hoạch cho một đời bắt đầu bằng sự siêng năng)

Tư tưởng giáo dục tân tiến

Là một trong 5 học giả lớn của Bắc Tống (Bắc Tống ngũ tử), Thiệu Ung cùng với Chu Đôn Di, Trương Tái, Trình Hạo, và Trình Di thành lập Tống Minh Lý Học. Đây được coi là bước ngoặt lớn trong sự phát triển của Nho giáo Trung Hoa.

Trong số 5 học giả xuất sắc nói trên, thì có lẽ Thiệu Ung là nhân vật bí ẩn nhất. Những nghiên cứu và đóng góp của ông đối với Tống Minh Lý Học là vô cùng độc đáo và khác biệt so với những bậc học giả còn lại. Đó là nhờ sự thấm nhuần Đạo giáo, cùng với việc thực hành và nghiên cứu về công năng và các hiện tượng siêu nhiên.

Tác phẩm tiêu biểu nhất của Thiệu Ung là “Hoàng Cực Kinh Thế”. Trong cuốn sách này, ông đã minh họa chân lý cuộc sống thông qua các khía cạnh của Thái Cực, Đạo, Âm và Dương, Thiên và Địa, Thần và Nhân, v.v., để giải thích nguồn gốc và sự phát triển của vũ trụ, trong đó bao gồm cả thế giới nhân loại.

Những yếu tố nói trên là nền tảng của Tống Minh Lý Học. Từ triều đại nhà Tống đến cuối thời nhà Thanh, nhiều bậc học giả đã hoàn thiện thêm cho Tống Minh Lý Học dựa trên cái khung nền tảng được Thiệu Ung và bốn nhà sáng lập còn lại xây dựng.

Một cuộc đời khoa học và bí ẩn

Ở tuổi trung tuần, Thiệu Ung tách mình khỏi xã hội và lui về ở ẩn. Ông dành trọn thời gian để nghiên cứu, viết, và dạy học. Mặc dù thông thạo các văn tự cổ và văn thơ cổ điển, nhưng ông luôn khiêm tốn và hòa ái với những học giả khác. Mỗi lần ông đến một địa phương nào đó, các quan chức và nhóm tri thức sở tại lại muốn được vinh dự mời ông ở lại nhà. Hoàng đế cũng nhiều lần cho gọi Thiệu Ung để tiến cử ông vào một vị trí trong triều, nhưng ông chỉ kính cẩn chối từ.

Dựa trên các nguyên lý của Bát Quái trong “Kinh Dịch” và tư tưởng Đạo gia, Thiệu Ung đã tạo nên một hệ thống và học thuyết về vũ trụ của riêng mình.

Thiệu Ung tin vào số mệnh của vạn vật, và rằng mọi thứ đều có thể được liễu giải nếu thấu hiểu cách phân chia các yếu tố khác nhau thành con số. Theo Bách Khoa Toàn Thư Britannica, “tư tưởng toán học của Thiệu Ung cũng ảnh hưởng đến nhà triết học Châu Âu thế kỷ 18 là Gottfried Wilhelm Leibniz đối với việc phát triển hệ thống số học nhị phân”

Theo một số học giả, Thiệu Ung là bậc thầy về tiên tri và hậu tri (đoán biết quá khứ), những dự đoán của ông có độ chuẩn xác phi thường. Có một câu chuyện kể về khả năng trực giác huyền diệu nhưng bí ẩn của ông:

Một buổi sáng mùa xuân, Thiệu Ung dựng quầy xem quẻ số gần chân cầu. Lúc đó, một lão nông dừng lại và hỏi ông về tài vận của mình. Thiệu Ung yêu cầu ông lão chọn từ các mảnh giấy có ký tự chữ Hán trên đó. Ông lão bèn chọn một thẻ và đưa nó cho Thiệu Ung, trên đó là ký tự “?”. Thiệu Ung nói với ông lão: “Chúc mừng cụ, cụ sẽ được một bữa trưa ngon miệng ngày hôm nay. Cụ hãy về nhà và chờ đợi”.

Lão nông và Thiệu Ung (Jane Ku)

Ông lão trở về và thấy đứa cháu trai đang ngồi đợi mình ở nhà. Anh nói: “Hôm nay là ngày mừng thọ 60 của cha cháu, ông muốn mời cụ đến dự bữa tiệc và chén rượu chia vui”. Ông lão vô cùng ngạc nhiên, nhưng rồi cũng thay đổi y phục và vui mừng tới dự tiệc.

Chiều hôm ấy, một người đàn ông khác đến quầy quẻ số của Thiệu Ung và hỏi xem vận mệnh ông ta. Ông cũng chọn đúng thẻ có ký tự “?”. Thiệu Ung nói với người đàn ông rằng: “Thẻ này không được tốt. Sẽ có chuyện xảy ra với ông hôm nay và ông sẽ bị bắt giam”. Người đàn ông nghĩ ngay rằng không thể nào có chuyện ông bị bắt nếu ở trong nhà, vì vậy, ông trở về và leo lên giường.

Đột nhiên, ông tỉnh giấc khi có người đàn bà hét to lên rằng những con lợn của ông đang phá nát khu vườn rau của bà. Trong lúc bốc hỏa, ông giơ một cú đấm khiến người đàn bà kém may mắn, vốn đang ốm dở, ngã phịch xuống và bất đắc kỳ tử. Ngay sau đó, ông bị bắt và tống giam.

Cũng vào chiều hôm đó, khi Thiệu Ung chuẩn bị dọn quầy và về nhà, thì một người đàn ông đi từ phía Nam tới và xin ông nán lại. “Đại nhân, tôi đã nghe nói về tài năng tiên đoán của ngài, vậy xin ngài hãy cho biết vận mệnh của tôi”. Chiếc thẻ vị khách này chọn cũng là ký tự “?”. Thiệu Ung nói rằng đó không phải là dấu hiệu tốt, và rằng ông sẽ bị ướt đẫm trong ngày.

Tuy nhiên, hôm đó là một ngày nắng và không có mây, vì vậy người khách phớt lờ cảnh báo của Thiệu Ung và cưỡi ngựa về nhà của ông ở gần đó. Ngay khi vừa đến cổng, ông bị tưới đẫm người, bởi phu nhân của ông không biết ông vào nhà, đã vô tình hắt nước bẩn đúng lúc ấy.

Dự ngôn về Trung Quốc

Thiệu Ung cũng là một thi nhân. Một trong những kiệt tác của ông chính là 10 bài thơ trong tập “Mai Hoa Thi”. Nhiều người tin rằng tập thơ đã dự đoán chính xác những sự kiện chính trong lịch sử Trung Quốc.

Một số học giả cho rằng những bài thơ của Thiệu Ung trùng khớp với sự thay đổi triều đại sau khi ông qua đời. Người ta cũng tin rằng bài thơ thứ 10 của “Mai Hoa Thi” là dự ngôn cho những gì sẽ xảy ra tại Trung Quốc ngày nay. Đó là việc cầm quyền và thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989, sự phổ truyền rộng rãi của Pháp Luân Công, và kết cục sụp đổ của ĐCSTQ bên cạnh nhiều tiên đoán khác.

Thiệu Ung không phải là quan viên hay tu sĩ, nhưng với những tác phẩm văn thơ bất hủ, cùng với tri thức uyên thâm về vũ trụ và thiên văn, Thiệu Ung đã có một ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng tinh thần và xã hội trong Trung Hoa thời xưa.

David Wu, Epoch Times
Biên tập: Hồng Liên

Exit mobile version