Đại Kỷ Nguyên

Nhìn cách trẻ học đi, lĩnh hội đạo lý làm người

Mỗi đứa trẻ khi học cách bước đi đều phải trải quá một quá trình giống nhau, dù là nhanh hay chậm đều dựa trên một điểm rất quan trọng mà tập thành.

Hàng xóm nhà tôi có một đứa bé khoảng hơn 1 tuổi, đang học cách bước đi. Một hôm bố mẹ đưa cậu bé sang nhà tôi chơi. Trong khi người lớn đang nói chuyện, cậu không ngừng tập đi lại trong phòng khách. Tôi thấy cậu bé cứ đi được vài bước lại ngã, sau đó tự đứng dậy và lại tập đi tiếp, rồi lại ngã và tự đứng dậy. Mỗi đứa bé khi tập bước đi, đều trải qua một quá trình tương tự.

Nhìn cách những đứa trẻ tập đi, trên thực tế ta cũng có thể có được một bài học quý giá trong cuộc sống. Khi những đứa trẻ học đi, trong lòng chúng hoàn toàn không có khái niệm của thành công hay thất bại. Đối với những đứa trẻ mà nói, học cách bước đi chỉ là một hành động tự nhiên mà thôi. Đáng tiếc là khi lớn lên, ta lại quá chú trọng vào ý thức đấu tranh, vào những được mất, thành bại mà khiến trái tim thuần khiết thuở nào bị ô nhiễm.

Mỗi người trưởng thành dường như đều quan tâm nhiều hơn đến thành bại. Nếu nói trái tim quan tâm đến thành bại là một trong những kẻ thù lớn nhất của chúng ta thì cũng không phải là chuyện phóng đại chút nào. Khi chúng ta quá xem nặng thành bại, làm việc gì cũng sẽ có áp lực rất lớn. Những áp lực này sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc, lại còn khiến trái tim và cơ thể ta gặp tổn thương. Vì vậy, có thể xem nhẹ thành bại là một loại trí tuệ tuyệt vời.

Xem nhẹ thành bại không có nghĩa là ta không nỗ lực, không cố gắng làm việc nữa. Chỉ là khi ta đã cố hết sức để hoàn thành công việc hoặc nhiệm vụ của mình thì kết quả ra sao cũng không quan trọng nữa.

Ảnh: Shutterstock.

Cổ nhân dạy: “Hành sự tại nhân, thành sự tại thiên” (việc là do con người làm, còn kết quả là do ông Trời định), buông bỏ thành bại, chúng ta mới có được tự do thật sự và cũng không còn phải thấy tiếc nuối hay bất công.

Trong cuộc đời, đôi khi chúng ta thất bại, mất đi một số thứ cũng không nhất định là chuyện xấu. Nhiều lúc, chỉ khi thất bại ta mới nhận ra rằng ai và thứ gì cần được trân trọng.

Ví dụ như, khi có một gia đình hạnh phúc êm ấm, chúng ta thường bỏ qua, không quan tâm đến những người thân. Cho đến khi trong nhà xảy ra tranh chấp hoặc xung đột, ta mới biết người thân quan trọng như thế nào, mới nguyện ý dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với họ.

Phải khó khăn lắm ta mới tìm được một công việc tốt, nhưng khi đi làm lại không cố gắng, chỉ làm cho có lệ, kết quả là bị công ty sa thải. Khi đi tìm việc mới, ta mới biết công việc cũ tốt như thế nào, có cơ hội thăng tiến ra sao, nhưng cuối cùng tất cả chẳng còn gì nữa.

Con người sống trên thế giới này không nhất định phải đạt được một thứ gì đó. Ý nghĩa lớn hơn của cuộc sống này là làm thế nào để thể hiện giá trị của bản thân mình. Gần đây có rất nhiều những tỷ phú giàu có như Bill Gates, Warren Buffett… quyết định quyên góp tất cả tài sản của mình khi qua đời. Ngay đến như ngôi sao điện ảnh Hong Kong Châu Nhuận Phát cũng tuyên bố điều tương tự. Những hành động của họ phản ánh một phẩm chất đáng quý của con người: không ích kỷ. Họ chính là những người truyền cảm hứng cho phần còn lại của nhân loại. 

Mặc dù, phần lớn chúng ta đều không thể làm những việc tương tự giống như những người giàu có kia nhưng trong cuộc sống hàng ngày ta cũng không nên cho rằng bản thân mình là trung tâm của mọi việc. Bạn cũng đừng quá xem trọng thành bại và suy nghĩ của người khác dành cho mình. Chỉ khi buông bỏ được những thứ đó, ta mới có được một cuộc sống thanh thản và những niềm vui bất ngờ.

Ngọc Linh
Theo Secretchina

Exit mobile version