Nền tảng căn bản của văn hóa truyền thống của người Á Đông được xây dựng và phát triển dựa theo nền tảng tư tưởng của Nho giáo, Thích giáo và cả Đạo giáo.
Tư tưởng văn hóa Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đã cấu thành nên 5.000 năm văn hóa thần truyền của Trung Hoa và được phổ truyền rộng cho rất nhiều nước trên thế giới. Thiên nhân hợp nhất, kính thiên tri mệnh, các giá trị “Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín” tạo thành nền tảng căn bản của giá trị truyền thống của vùng Trung Thổ này.
Qua mỗi một triều đại, văn hóa truyền thống đều nuôi dưỡng hàm nghĩa bác đại tinh thâm. Từ văn hóa bán thần “Bàn Cổ khai thiên địa”, “Thương Hiệt sáng tạo chữ viết”, cho đến tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất” của Đạo giáo, “Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín” của Nho giáo, “nhân quả báo ứng” của Phật giáo.
Tư tưởng của 3 phái lớn này tương giao xuyên suốt hàng nghìn năm qua, tuyên dương đạo nghĩa và giáo dục con người kính Trời trọng đất, dung hòa với tự nhiên, trọng đức, hành thiện. Nội hàm của văn hóa truyền thống, thông qua những điển tích, sách sử, văn học, nghệ thuật… mà lưu truyền cho tới ngày nay. Những khái niệm căn bản để làm người tốt đều in sâu trong tâm tưởng già trẻ mỗi người.
Trong “Cửu Bình” có viết:
“Mặc dù đất nước Trung Hoa đã trải qua nhiều lần bị xâm lược và tấn công trong lịch sử, nền văn hóa này đã cho thấy một sức sống mãnh liệt, và tinh hoa của nó đã liên tục được truyền lại cho đời sau. Sự hòa hợp giữa Trời và người (Thiên nhân hợp nhất) đại biểu cho thiên văn học của tổ tiên chúng ta. Mọi người đều tin rằng ở hiền gặp lành và ác giả ác báo (thiện ác hữu báo). Một đức hạnh cơ bản là đừng làm cho người khác những gì mình không muốn. Trung, hiếu, tiết, nghĩa là tiêu chuẩn làm người trong xã hội, và năm đức hạnh chính của Nho giáo là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đã đặt nền tảng đạo đức cho từng cá nhân và toàn xã hội.
Với những nguyên tắc này, nền văn hóa ấy thể hiện ra thành thật, thiện lương, hòa ái và bao dung. Sự tưởng nhớ của người Trung Quốc đối với những người đã quá cố cho thấy lòng tôn kính “trời, đất, vua, cha mẹ và thầy giáo” (thiên địa quân thân sư). Đây là sự thể hiện văn hóa của truyền thống cội nguồn của Trung Quốc bao gồm sự kính ngưỡng thần thánh (trời và đất), sự trung thành với đất nước (Quân vương), các giá trị gia đình cha mẹ, và sự kính trọng thầy giáo. Nội hàm vững chắc của văn hóa là truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Văn hóa truyền thống tìm kiếm sự hài hòa giữa con người và vũ trụ, và chú trọng vào đạo đức và luân lý của từng cá nhân. Nó dựa trên tín ngưỡng tu luyện của Nho giáo, Phật giáo, và Đạo giáo, và đã cung cấp cho người xưa và nay lòng khoan dung, sự tiến bộ xã hội, sự bảo vệ đạo đức con người, và tín ngưỡng chân chính.”
Thiên nhân hợp nhất – Sự hòa hợp giữa Trời và người
Thời xưa, quân vương được gọi là Thiên Tử (con trời), kính trời như là cha mẹ, cho rằng khi thiên hạ có thiên tai đại nạn, chính là trời trừng phạt bản thân mình, rất nhiều hoàng đế đã phải ra chiếu tự trừng phạt bản thân. Cổ nhân vô cùng coi trọng sự hòa hợp giữa trời đất và con người(thiên nhân hợp nhất). Thế giới hiện nay đang xảy ra rất nhiều thiên tai đại nạn, điều này chắc chắn cũng là liên quan tới sự trừng phạt của trời đối với con người.
Khi triều đại nhà Thương đại hạn kéo dài, sau khi quan Thái sử bốc quẻ nói với Thành Thang rằng: “Cần phải giết một người tế thần cầu mưa”, Thành Thang nói: “Ta cầu mưa là vì để cứu người, nếu như nhất định phải giết người để tế thần cầu mưa, vậy xin hãy để ta làm người đó.”
Thành Thang tắm rửa trai giới, tình nguyện để mình thành lễ vật tế thần cầu mưa, khi tế vật khấn thần mà nói: “Trẫm cung hữu tội, vô dĩ, vạn phương; vạn phương hữu tội, tội tại trẫm cung”, ý nói rằng bản thân mình là người có tội, đã để liên lụy tới bách gia trăm họ, nếu bách gia trăm họ có tội, thì cũng là tội do bản thân mình chăm lo cho dân chưa tốt. Lời nói vừa dứt, trong bán kính trăm dặm trời đổ mưa tuôn. Ở đây có thể thấy trách nhiệm gánh vác của một vị vua. Sau này Thành Thang chính là người sáng lập ra triều đại nhà Thương.
Khổng tử nói: “Phu thiên hạ chi báo ương dữ vô đức giả, tất dữ kì dân”, ý nói rằng bậc đế vương mà vô đạo thì trời sẽ giáng tai họa xuống cho dân, vì đó nhiều lần dân tạo phản cũng bởi nguyên nhân này, loạn thế thay chiều. Đây cũng là lời cảnh báo cho các nhà lãnh đạo có tư tưởng thống trị độc tài.
Quên mình vì nghĩa
Trong lịch sử, những điển tích quên mình vì nghĩa nhiều vô số. Như Tô Vũ 19 năm khổ ải chăn dê, Trương Tuần tận vong báo quốc, sự trung thành của Phụ tử Nhạc Phi… tất cả đã viết nên một thiên sử: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử? Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (sống ở trên đời từ cổ chí kim, hỏi có ai không chết, nguyện giữ lòng son này chiếu rọi sử xanh). Tả Quang Đẩu, Đàm Tự Đồng… những danh nhân này chỉ cần buông bỏ đức tin đạo nghĩa trong lòng mình thì đều được hưởng vinh hoa phú quý, nhưng họ đều không tham sống sợ chết.
Tinh thần văn hóa dân tộc Trung Hoa chính là hàm dưỡng đạo đức, chính nghĩa, nó đã liên tục duy trì suốt 5000 năm lịch sử.
Trung – Hiếu – Lễ – Nghĩa
Danh tiếng bất tử của Nhạc Phi có thể nói là hiện thân của chữ “Trung”. Khi nhắc tới Nhạc Phi, mọi người lập tức nghĩ tới 4 chữ “tận trung báo quốc” mà mẹ ông đã viết trên lưng, từ đó mà xác định vận mệnh của Nhạc Phi, cả đời tận trung với tổ quốc đến chết không thay lòng.
Thực tế, điều ấy không chỉ nói nên chữ “Trung” mà còn triển hiện cả nội hàm sâu sắc của văn hóa truyền thống Trung Hoa: Ở nhà thì hiếu kính cha mẹ, chăm sóc vợ con, trong quân đội thì tuân thủ “Nhân, tín, trí, dũng, nghiêm”. Có câu nói: “San núi lấp biển còn dễ hơn chiến thắng quân đội của Nhạc gia”, đối với thuộc hạ, luôn quan tâm chăm sóc như con, thông cảm tới nỗi khổ của bách tính, khi được ban công khen thưởng cũng không dám tự nhận cho mình, mà cho rằng đó là công lao của tướng sỹ. Có thể nói, bất cứ khi nào, ở đâu, cũng luôn nghĩ cho người khác.
Tuy nhiên cũng vì Nhạc Phi rất nghiêm khắc với bản thân, cộng với tính cách ngay thẳng, đã dẫn tới sự đố kỵ của Tần Cối, bày mưu hãm hại ông. Nhưng cả đời Nhạc Phi, cho tới giây phút cuối cùng vẫn tuyên dương văn hóa truyền thống “Nhân, nghĩa, trí, tín”.
Nhẫn là khoan dung
Trong “Thượng thư”, Châu Thành Vương nói: “Nhẫn phải có đức, có lòng khoan dung, đức phải lớn”. Lão Tử nói: “Thiên đạo không có tranh đấu mà là hành thiện, là thiện ứng”. Trong Phật giáo, “Lục độ vạn hạnh” thì chữ “Nhẫn” được đứng đầu.
Ký sử “Truyện Liêm Pha và Lạn Tương Như” kể rằng: Do Lạn Tương Như có công trong việc giao thiệp với nước Tần, nên được Triệu Huệ Văn vương phong làm thượng khanh, chức vị còn cao hơn Liêm Pha. Liêm Pha tỏ ra bất mãn, cho rằng mình là tướng quân công lao hiển hách, còn Lạn Tương Như có công cán gì mà cũng đòi ăn trên ngồi chốc. Sau đó ông còn thề sẽ tìm cách làm nhục Lạn Tương Như. Lạn Tương Như vốn biết việc này nhưng cũng chẳng ̣để bụng, hàng ngày làm việc gì cũng hết sức cẩn thận và cố né tránh Liêm Pha, ngay đến buổi chầu vua cũng thác bệnh không đến.
Môn khách của Lạn Tương Như cảm thấy như vậy là hèn nhát, liền tỏ ý muốn bỏ đi. Lạn Tương Như liền nói: Trước thế lực to lớn của Tần vương, ta còn ở trên triều đình Tần vương mà nhục mạ quần thần nước Tần, Lạn Tương Như ta tuy vô dụng bất tài, nhưng lẽ nào lại sợ Liêm tướng quân sao? Nhưng thiết nghĩ, sở dĩ nước Tần không dám xâm lấn nước Triệu ta, là còn ngại có ta và tướng quân Liêm Pha. Nếu như hôm nay hai hổ đánh nhau, thì nước Tần tất sẽ thừa cơ đánh nước Triệu ngay, ta là đem trong trách an nguy của quốc gia đại sự đặt nên trên, chuyện ân oán cá nhân bỏ lại đằng sau.
Liêm Pha sau khi biết được việc này lòng đầy xúc động và cảm thấy rất hổ thẹn, bèn cởi trần rồi buộc một cành mận gai sau lưng sang nhà Lạn Tương Như để xin lỗi.
Dùng sinh mệnh để duy hộ “Sự thật”
Thời Chiến Quốc, Tề Trang Công bị quan đại phu nước Tề là Thôi Trữ giết chết. Thôi Trữ lệnh cho quan chép sử lúc đó là Thái Sử Bá viết vào sách sử rằng Tề Trang Công chết do bị sốt rét để che giấu sự thật. Thái Sử Bá không chịu, kiên quyết viết rằng “Thôi Trữ giết vua Quang”.
Thôi Trữ nổi giận, giết chết Thái Sử Bá. Thái Sử Bá có ba người em trai là Trọng, Thúc, Quý. Trọng lại cũng viết vào sách sử câu chữ đúng như vậy. Do đó, Thôi Trữ lại giết chết Trọng. Đến lượt Thúc vẫn viết đúng sự thật như lời của hai anh trai, sau đó ông cũng bị Thôi Trữ giết chết. Còn lại Quý cũng cầm lấy thẻ sách viết lại y nguyên câu của ba người anh.
Thôi Trữ cầm thẻ sách lên hỏi Quý: “Ba người anh của nhà ngươi đều vì câu này mà bị giết chết, lẽ nào ngươi không biết quý tiếc mạng sống của mình hay sao? Nếu như ngươi viết lại câu này theo đúng ý ta, ta sẽ tha chết cho ngươi.” Quý ung dung đáp lại rằng: “Viết đúng sự thật là chức trách của quan chép sử. Nếu vì cầu sống mà làm chuyện sai trái, vậy thần thà chết còn hơn!”
Thôi Trữ đành phải trả lại thẻ sách cho ông và không giết ông nữa.
Quý cầm thẻ sách ra ngoài, khi sắp đến sử quán thì vừa hay gặp Nam Sử thị. Quý hỏi ông tại sao phải đến đây, ông nói: “Tôi nghe nói rằng anh em nhà ông vì kiên quyết viết đúng sự thật mà đều bị giết chết cả, lo rằng không có người viết lại việc này đúng sự thật nữa, vì vậy tôi vội vã cầm thẻ sách đến đây.” Quý đưa thẻ sách đang cầm trong tay cho ông xem, lúc này ông mới yên tâm ra về.
Con người hiện nay không có cách nào lý giải được, những quan sử này, vì để ghi chép đúng sự thật, lưu lại cho hậu thế mà sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình. Người xưa để duy hộ đạo nghĩa, họ sẵn sàng không màng sống chết bản thân, bảo vệ sự thật. Đối với việc tôn kính Trời Phật của dân tộc Trung Hoa mà nói, họ luôn tin con người cần phải lấy đạo nghĩa làm căn bản.
Thiện có thiện báo
Từ Phật giáo Ấn Độ cổ truyền vào Trung Quốc, con người tin rằng có nhân tất sẽ có quả, từ đó đưa ra khái niệm luật nhân quả ba đời và lục đạo luân hồi. Cho nên nền tảng Nho, Đạo, Thích đã tạo nên nền tảng của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Những sự tích về nhân quả báo ứng không chỉ được nhìn thấy ở trong kinh Phật mà còn có thể thấy được trong những sách sử cổ xưa, bút ký ghi chép lại.
Trong ký sự triều đại nhà Minh có ghi chép lại một chuyện: Trương ông ở Hàm Đan (thuộc tỉnh Hà Bắc ngày nay) gia cảnh nghèo khó, lại không có con trai, hàng ngày Trương ông thường hay chi tiêu tằn tiện, dành tiền tích trữ trong một cái bình gốm, sau 10 năm, lượng tiền tích trữ đã đầy bình.
Lúc này nghe tin có một gia đình hàng xóm sinh được 3 đứa trẻ, nhưng người chồng lại phạm tội, bị phạt đi lao động khổ sai, người chồng chuẩn bị bán vợ lấy tiền chuộc tội và nuôi 3 đứa trẻ.
Trương ông lo lắng, gia đình hàng xóm bán vợ đi rồi, 3 đứa trẻ cũng không sống được, vậy là Trương ông bàn với vợ, mang số tiền tích góp 10 năm trong bình gốm của mình đi chuộc tội thay cho hàng xóm. Nhưng số tiền đó lại không đủ, vợ Trương ông liền đem cả tiền bạc thu nhập của gia đình dồn vào cùng đưa cho hàng xóm đi chuộc tội.
Đêm hôm đó, họ nằm mơ thấy có một vị thần trên trời bế một đứa trẻ đáng yêu đến tặng họ. Không lâu sau thì vợ chồng Trương ông sinh được một người con trai đặt tên là Hoằng Hiên. Sau này con trai của Hoằng Hiên lớn lên thi đỗ được hạng quan trung phẩm.
Làm nhiều việc bất nghĩa sẽ bị quả báo
Dưới thời cai trị của Võ Tắc Thiên triều đại nhà Đường, vì để trấn áp những người phản đối mình, Võ Tắc Thiên đã dùng rất nhiều cực hình để đàn áp, trong đó nổi tiếng nhất là cực hình của Tuấn Hậu và Châu Hưng. Tuấn Hậu đã phát minh hơn chục loại loại cực hình tiêu biểu vô cùng tàn khốc, ngoài ra còn có vô số loại cực hình khác, nhiều không đếm xuể. Bất kỳ người nào rơi vào tay Tuấn Hậu thì đều rất ít cơ hội sống sót bước ra khỏi nhà lao, còn Châu Hưng, so với Tuấn Hậu lại càng tàn khốc hơn nhiều.
Có một ngày, Võ Tắc Thiên gửi tới một mật hàm cho Tuấn Hậu nói Châu Hưng mưu phản, cần tra xét. Tuấn Hậu và Châu Hưng vốn là bạn thân tốt nhất của nhau, ngày hôm đó hai người lại cùng nhau đi ăn cơm chiều. Tuấn Hậu hỏi Châu Hưng: “Có một bị cáo, thái độ rất ngoan cố, không thừa nhận mưu phản, giờ phải dùng phương pháp nào tra khảo hắn?” Châu Hưng nói: “Đơn giản, cho hắn vào trong chum, sau đó đốt lửa xung quanh, lúc đó chắc chắn hắn không dám không nói”. Tuấn Hậu cho người bố trí y như lời Châu Hưng nói, sau đó Tuấn Hậu nói với Châu Hưng: “Tôi được lệnh điều tra huynh vì có người tố cáo huynh mưu phản, mời huỳnh chui vào chum”.
Châu Hưng giật mình sợ hãi, cúi đầu nhận tội, sau đó bị lưu đày tới Lĩnh Nam. Đương thời Châu Hưng thường hay ép cung phán tội oan sai cho nhiều người, dẫn tới nhiều người cừu hận thâm sâu. Trên đường đi đày, Châu Hưng đã bị những người này ra tay giết chết, đền trả ác nghiệp. Cũng từ đó nhân gian có câu nói “dẫn quân vào chum” (mời bạn vào chum), đây cũng là một trong những thành ngữ nổi tiếng nhất Trung Quốc. Mời bạn vào chum là có ý dạy người khác làm việc xấu, sau cùng tự mình phải gánh chịu kết quả.
ĐCS Trung Quốc từ khi lên nắm quyền lực đã dùng đủ loại phương tiện vân động, xóa bỏ đi sự thành kính, thiện lương, khoan dung độ lượng, tín ngưỡng, những hàm dưỡng sâu sắc trong văn hóa truyền thống. Thay vào đó là sự tranh đấu quyền lực, giả dối, độc ác, vô lương tâm, tàn bạo… người dân bị tẩy não và quên đi lời dạy của tổ tông, không còn tin vào nhân quả, ác giả ác báo, chỉ tin vào chủ nghĩa vật chất, “người không vì mình, trời tru đất diệt”. Giữa người thân bạn bè không còn sự tin tưởng, mọi người đều vì lợi ích bản thân mà không từ thủ đoạn, sẵn sàng bán rẻ người thân và bạn bè để chiếm lợi ích về mình.
Thật đáng tiếc là sau 5000 năm lịch sử văn hóa, những giá trị như Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, lại bị thay thế bởi chế độ chủ nghĩa vật chất, hủ bại, tranh đấu… Con người cũng vì thế mà mất đi tín ngưỡng, mất đi quan niệm đạo đức, tâm hồn cằn cỗi, cuộc sống giàu vật chất nhưng lại thiếu thốn về tinh thần…
Minh Vũ
Xem thêm: