Đại Kỷ Nguyên

Nhớ mùa Đông xưa

Đông về, se sẽ và chầm chậm nhưng đủ ngấm vào hồn người những lắng sâu, đủ để người ta nhớ lại những mùa đông đã xa lắm, những mùa đông chỉ còn trong hoài niệm…

Con đường xưa đi học cái rét chắn hai đầu, về phía nào cũng lạnh. Mây mờ giăng giăng màu trắng đục. Gió len cả vào bên trong cái cổ áo len đã nhão. Đứa bạn thân áp chặt cái cặp sách vào lòng mà chỉ thấy rét thêm.

Cây khô và lá trụi, chơ vơ giữa trời đông, đơn côi đến nao lòng.

Chiều mùa đông. Trên trời là hàng trăm, hàng ngàn đôi cánh của bầy sếu di cư. Chúng bay theo đàn thành vệt dài hình dấu ấ, những đôi cánh đen và tiếng kêu khắc khoải kéo dài. Bọn trẻ con thì cứ ngửa cổ lên trời mà đếm những cánh chim không biết mỏi. Và tôi vẫn nhớ chiều nào thấy chúng cũng ước gì có một con sà xuống trước mặt mình… Đến giờ đôi lúc tôi còn tiếc, không hiểu tại sao, lâu lắm, nhiều mùa đông lắm đã không còn bóng dáng của bất cứ cánh chim di cư nào. Chúng không rét nữa hay đã đến một nơi nào thật xa xôi để mãi mãi không bay về?

Mùa đông thì bóng tối cũng đến sớm hơn. Và bắt đầu từ những bụi cây hay góc khuất của một con đường rồi lan đi mọi ngả. Mới tan học mà như thể không về nhà ngay thì không kip, như thể bóng tối và giá lạnh sẽ giữ một con bé gầy còm trên đường nuốt chửng nó vào bụng…

Thế mà mùa đông vẫn không thiếu trò vui. Sân trường ấm áp hơn bởi khăn áo, bởi những đôi bạn thân sẽ khoác vai, ôm eo nhau mà cười đùa đến khi nào đôi môi hồng lên, đủ để có thể cởi phăng cái áo khoác ngoài mà lao vào những trò chơi…

Thú vị và khoan khoái nhất là lúc ngồi cạnh bà hay mẹ bên bếp than hồng mỗi buổi tối. Mùi thức ăn, mùi khói bếp quện vào nhau trong cái không gian ấm cúng, bé nhỏ của một gian bếp.

Đêm là khi đồng hồ chỉ vào khoảng 8 giờ hoặc hơn một chút. Ngọn đèn dầu leo lét cháy trên cái phản gỗ kê giữa nhà. Trẻ con nhảy choi choi trên cái đệm rơm. Cái đệm vừa êm, vừa ấm, vừa lồng phồng được bện bằng những cây rơm vàng óng của ngày mùa tháng Mười, bên trên đệm trải một cái chiếu để lúc nằm không bị ngứa. Thả người nằm xuống đệm rơm mà thấy cái cảm giác êm ái không tả được, khác hẳn đệm bông, đệm mút bây giờ…

Không ai có phòng riêng như bây giờ, trẻ con ngủ với ông bà nên đối với ông bà là một sự gần gũi, ấm áp và thiêng liêng vô cùng.

Cuối đông là những ngày giáp tết, không quên được câu ca dao buồn “Tết đến sau lưng, con cháu thì mừng, bố mẹ thì lo”. Trẻ con nào biết nỗi lòng cha mẹ, chỉ biết đếm từng ngày cho Tết mau đến để được mặc áo đẹp, được đi chơi, được mừng tuổi…

Kỉ niệm là chuỗi tháng ngày đã hằn sâu trong kí ức. Thiếu thốn và nhọc nhằn mùa đông. Thương cha mẹ và nhớ ông bà… thật nhiều!

Bùi Yến


Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm:

Exit mobile version