“Ta là ai vốn không quan trọng, quan trọng là con hãy hiểu rõ một điều: Nhất định phải cứu độ chúng sinh thoát khỏi nguy nan! Nhưng có một điều kiện tiên quyết: Nếu như con người không tin vào Thần nữa, vậy thì cứu họ chính là làm trái với lẽ Trời”.

Câu chuyện dưới đây xảy ra ở vùng Chiết Giang vào thời nhà Nguyên. Nơi đây từng xảy ra một trận lũ lụt, nước lũ tuy không quá lớn nhưng cũng đủ để nhấn chìm rất nhiều đồng ruộng và làng mạc. Cũng may trận lụt xảy ra vào ban ngày, rất nhiều người biết được thông tin nên đã sớm di tản một cách an toàn.

Lúc ấy, duy chỉ còn sót lại một gia đình có hai mẹ con. Người mẹ đã già lại bị đau chân, còn cô con gái thì mới 15-16 tuổi. Nhà cô nằm ở vùng trũng, nên lũ lụt trong nháy mắt đã tràn vào đến cửa. Mẹ cô nài nỉ: “Con mau chạy đi, đừng lo cho mẹ!”. Cô gái nhất định không chịu, muốn cõng mẹ ra ngoài, nhưng nữ nhi liễu yếu đào tơ như cô sao có thể cõng nổi mẹ già? Thuận theo nước lũ không ngừng dâng cao, ngôi nhà cũng bắt đầu nghiêng sang một bên. Mẹ cô dốc hết sức lực đẩy cô ra ngoài lên chỗ cao hơn một chút, trong nháy mắt căn nhà đổ sụp xuống, người mẹ đã vùi thân trong dòng nước lũ. Cô gái thấy vậy liền đau lòng ngất đi.

Rất lâu sau tỉnh lại, cô phát hiện thấy mình đang nằm trên một con thuyền nhỏ. Vợ của thuyền phu vừa thấy cô tỉnh lại liền bưng nước nóng đến giúp cô sưởi ấm người. Khi nhớ lại được mọi chuyện, cô cảm tạ ơn cứu mạng của vợ chồng thuyền phu rồi bắt đầu òa khóc. Bởi cô từ nhỏ đã nương tựa vào mẹ mà sống, sự ra đi của mẹ là một cú sốc lớn đối với cô. Người thuyền phu an ủi: “Con à, trong trận lũ này, không chỉ có mình mẹ con bị nước lũ cuốn đi mà còn có nhiều người khác cũng cùng cảnh ngộ như vậy, đây đúng là thiên tai mà!”. Cô gái đau xót nghĩ: “Ông Trời chẳng phải có đức hiếu sinh sao, cớ sao lại không ngăn cản thiên tai này? Cớ sao lại bắt người ta nếm trải nỗi thống khổ của sinh ly tử biệt chứ?”.

Mấy hôm sau lại xảy ra một trận lũ lụt mới, vì cả ba người đều ở trên thuyền nên không bị ảnh hưởng gì. Thuyền phu là người rất trượng nghĩa, ông dẫn theo vợ và cô gái nhỏ chèo thuyền khắp nơi để cứu người, và đã không ít lần họ suýt bị kéo xuống dòng nước xiết. Trong lần cứu người cuối cùng, cả hai vợ chồng thuyền phu đều bị nước lũ cướp đi sinh mệnh, trên thuyền chỉ còn lại một mình cô gái nhỏ. Cô không đủ sức để kéo cái mái chèo nặng nề, chèo được một lát thì mệt rã rời, cô đành tuyệt vọng nằm trong lòng thuyền, mặc cho chiếc thuyền cứ xuôi dòng mà lênh đênh.

Trải qua năm ngày năm đêm, chiếc thuyền dường như đã tấp được vào bờ và mắc kẹt ở nơi đó. Cô gái chỉ còn thở thoi thóp. Lúc đó vừa đúng giờ ngọ, từ trên bờ vang đến âm thanh của một bà cụ. Bà vừa gõ bình bát vừa lẩm nhẩm rằng: “Ta vốn ngoài biển từ trời đến, lưu lạc bờ biển một vùng này, cầm bát hóa duyên thật tự tại, như ngọc như hoa đến khi nào? Như ngọc như hoa đến khi nào?”. Cô gái nhỏ nghe xong, không biết sức lực từ đâu đến mà hô lên rằng: “Hoa sen như ngọc là thứ cháu thích nhất!”. Bà cụ nghe thấy mừng rỡ chạy một mạch đến bên chiếc thuyền, thấy cô gái chỉ còn hơi thở thoi thóp. Bà ôm cô vào lòng, thật hiền từ giống như bà nội với cháu gái vậy.

Từ đó cô cùng bà cụ đi khất thực hóa duyên. Mười năm sau, vào một đêm mưa to gió lớn, họ nghỉ ngơi trong một ngôi miếu hoang. Bà cụ hỏi cô: “Tại sao con lại thích hoa sen và thích ngọc vậy?”. Cô cười nói rằng: “Con cảm thấy làm người thì nên cao quý như là hoa sen và thuần tịnh, cứng cỏi giống như ngọc vậy”.

Bà cụ nghe xong vui mừng nói: “Trên thế gian này, những người có thể đồng thời thích sen và ngọc thật sự không nhiều! Con xem, nơi này ngay cạnh biển cả, người ta thường xuyên đi biển, nhưng cũng thường có người chôn thân nơi đáy biển, ta thật sự không nhẫn tâm. Vậy nên ta thường đi xin ăn trên bờ biển, phàm là những người cho ta cơm ăn, chỉ cần họ không làm những chuyện giết người hại mệnh, không trộm không cướp, thì ta sẽ gắng hết sức giúp họ vượt qua kiếp nạn trong sóng gió”.

Cô gái nghe xong cảm thấy lời của bà cụ có ẩn ý sâu xa, liền hỏi: “Lão nhân gia, lẽ nào người chính là Bồ Tát Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn hay sao?”. Bà cụ từ bi nói: “Ta là ai vốn không quan trọng, quan trọng là con hãy hiểu rõ một điều: Nhất định phải cứu độ chúng sinh thoát khỏi nguy nan. Nhưng có một điều kiện tiên quyết: Nếu như con người đều không tin vào Thần nữa, vậy thì cứu họ chính là làm trái với lẽ Trời”.

Cô gái nghe xong lập tức hiểu rõ. Cô quỳ xuống dập đầu, mong lão nhân gia có thể đem năng lực cứu khổ cứu nạn truyền cho cô, tương lai cô cũng muốn ở nơi này cứu độ chúng sinh khỏi nguy nan. Lão nhân gia thấy cô một lòng thành tâm liền thu cô làm đệ tử.

Sau đó, bà nói với cô rằng: “Thật ra khi con ở quê nhà vùng Chiết Giang là ta đã dõi theo con rồi, bởi căn cơ của con rất tốt, là người hiếu thuận, trượng nghĩa. Lúc đó, con tuy còn nhỏ tuổi, nhưng luôn hết lòng hết sức giúp đỡ người khác. Mẹ của con chôn thân trong nước lũ, nhưng nhờ con tu hành, bà ấy cũng sẽ có đại phúc báo chờ đợi. Cặp vợ chồng thuyền phu cũng vậy. Thật ra, cớ sao cuộc đời con lại phải trải qua những khổ nạn này? Chính là để con nhìn thấu những hư huyễn và vô thường của đời người, để con không còn tham luyến cõi trần. Suốt 10 năm nay, chúng ta cùng nhau đi xin ăn, gặp đủ các dạng các loại người. Vô luận người khác đối xử với chúng ta thế nào, ta đều không xem trọng, phàm là những người cho ta cơm ăn, ta đều sẽ tận lực giải thoát cho họ trong nguy nan. Còn những người làm điều ác với chúng ta, ta cũng cấp thêm cơ hội cho họ, chỉ những ai thật sự tà ác, tâm ma nhiễu loạn, thì chẳng còn cách nào, đành phó mặc họ thôi”.

Nghe xong những lời khải thị này, cô càng thêm kiên định tín tâm theo sư phụ tu hành.

Thấm thoắt lại 20 năm nữa trôi qua, cô thiếu nữ năm xưa giờ đã là một phụ nữ trung niên khoảng hơn 50 tuổi. Một ngày kia, bà cụ nói với cô rằng: “Ta có việc cần phải đi rồi, những việc còn lại, tự con hãy tùy tình huống mà làm. Phải rồi, ta chọn con làm đồ đệ duy nhất của ta chính là hy vọng con có thể làm tốt những việc vốn thuộc về ta”. “Sư phụ, những việc của người là gì vậy?”, cô hiếu kỳ hỏi.

Trong phút chốc, cô không thấy bà cụ đâu nữa, mà chỉ thấy một vị Bồ Tát uy nghiêm đang đứng trước mặt mình. Vẻ từ bi và thù thắng đó dẫu dùng bất cứ ngôn ngữ nào của nhân gian cũng không thể diễn tả được. Cô cúi xuống bái lạy. Bồ Tát chỉ tay một cái, cô thấy biển cả mênh mông bỗng nổi trận cuồng phong tứ bề, vô số con thuyền nhỏ đáng thương đang lênh đênh ở đó. Bồ Tát chìa bàn tay ngọc còn lại thu rất nhiều thuyền nhỏ vào trong tay, có một số thuyền nhỏ thì lật chìm xuống đại dương mênh mông. Nhìn kỹ những con thuyền nhỏ được Bồ Tát giữ trong bàn tay ngọc kia, trên mạn thuyền đều có một chữ “Phúc” hoặc “Đức”. Còn trên mạn những con thuyền bị lật chìm xuống đại dương bao la kia, hầu hết đều có một vết đen hoặc vòng tròn màu đen rất lớn.

Sau khi triển hiện cho cô thấy những cảnh tượng này, Bồ Tát đứng trên đài sen bắt đầu phiêu đãng bay lên. Cô quỳ xuống đất nghênh tiễn sư phụ. Khi đài sen bay đến giữa không trung, Bồ Tát nói:

Thương xót chúng sinh đến thế gian
Thiện ác một niệm thấu trời xanh
Con cầm bát ta, kết duyên tiếp
Từ bi cam lộ, độ nguy nan!

Cô nghe những lời khai thị này, trong lòng đã hiểu rõ hơn một nửa. Những năm tháng về sau, dấu chân của cô đã đi khắp các vùng ven biển, không ngừng dùng phương thức hóa duyên để kết duyên và giáo hóa chúng sinh. Trong thời gian đó cô cũng không ngừng thăng hoa tâm tính của bản thân, cuối cùng khi ở tuổi 99, cô đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình mà viên mãn về Trời.

Ở Thiên giới, cô gặp lại mẹ ruột của cô trong kiếp trước và hai vợ chồng thuyền phu đã từng cứu mạng cô. Để cảm tạ ơn cứu mạng nơi cõi người của họ, cô đã phong cho họ làm Thiên Thần hộ Pháp.

Đây chính là:

Như hoa như ngọc sinh cao quý
Trần thế vô thường chẳng dài lâu
Cứu thế tu hành khổ ma luyện
Ngày kia viên mãn, tráng lệ thay!

Theo Tiểu Liên, Chánh Kiến Net
Tâm Minh biên tập

Video: Con đường sáng cho một sinh mệnh lạc lối

videoinfo__video3.dkn.tv||23ecf54f2__