Đại Kỷ Nguyên

Những ai chưa từng khóc giữa đêm khuya thì chưa đủ tầm để đàm luận về đời người

Có một lần tôi chơi game thua trận, rút được tấm thẻ “lời nói thật lòng”. Câu hỏi trên tấm thẻ là: lần bạn khóc nức nở gần đây nhất là khi nào?

Tôi trả lời là lần trước cắt hành lúc làm cơm. Mọi người đều cười tôi, nói đây là giở chiêu trò, thật không chút thú vị gì. Nhưng không kể thế nào, tôi vẫn miễn cưỡng làm xong việc này.

Đàn ông con trai đổ máu không đổ lệ, lần này hồi tưởng lại, xác thực rất lâu tôi đã không chảy nước mắt rồi.

Kỷ niệm thời ấu thơ: Khóc là mất hết sĩ diện

Còn nhớ cái lần chảy nước mắt gần đây nhất của tôi là năm tôi 12 tuổi. Hôm đó, bà nội tổ chức sinh nhật, rất nhiều người thân họ hàng đến chung vui. Các cô các thím làm cơm dưới nhà bếp, các chú các bác cùng ngồi trên bàn tán gẫu chuyện trò, còn đám trẻ con chúng tôi thì quây quần trước ti vi, đứa thì chơi bài, người thì đấu lực tay, thật là náo nhiệt vậy.

Tôi ngồi trên ghế sô-pha xem ti vi, trên ti vi đang phát sóng bộ phim Tây Du Ký phiên bản năm 1986, tập Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh. Khi tôi xem đến đoạn Tôn Ngộ Không bị Đường Tăng đuổi đi, thấy Ngộ Không vừa đi vừa quay đầu lại, lòng đau đớn gọi từng tiếng sư phụ, hai mắt tôi nóng lên, nước mắt liền tuôn trào ra.

Khi nước mắt nóng ran khắp cả mặt, tôi liền biết không hay rồi, nhiều người như vậy đang có mặt ở hiện trường, thật mất mặt quá. Tôi sốt ruột muốn ngăn nước mắt lại, kết quả ngược lại giống như nước lũ tràn đê, trong nháy mắt đã ướt nhòa cả hai mắt. Tôi vội vàng đưa tay áo lên lau. Rất mau, thằng em họ đã phát hiện, hỏi cớ sao tôi lại khóc?

Trong phút chốc, cả không gian ồn ào náo nhiệt đều trở nên yên lặng. Mọi người đều dừng lại mọi hoạt động trên tay, đưa mắt nhìn về phía tôi. Anh họ thấy tôi khóc thành bộ dạng như con gấu vậy, ha ha cười phá lên. Cô em gái chú bác của tôi nói: “Em hôm nay chưa hề khóc qua, anh ơi, chuyện gì khiến anh khóc thế”.

Người lớn nghe nói đều chạy đến, bác cả lớn tiếng hỏi lũ trẻ là ai ức hiếp tôi. Bọn trẻ đều lắc đầu. Mẹ tôi rất lấy làm lạ, hỏi tôi sao tự dưng lại khóc. Bố tôi rất tức giận, quát mắng tôi rằng: “Đã lớn đầu như vậy rồi, sao lại khóc thút thít như vậy, chẳng bằng con bé con nhà cô chú nữa, con không thấy thật quá mất mặt sao hả?!”.

Thời khắc đó, tôi cảm thấy thật là mất hết sĩ diện. Tôi vẫn ảo tưởng cố ngăn nước mắt lại, nhưng những ai thật sự đã từng khóc qua đều biết rằng, bạn càng muốn ngăn lại, thì trái lại lại khóc càng dữ dội hơn. Tôi cũng như vậy, không chỉ không cầm được nước mắt, còn khóc nấc lên nấc xuống.

Em gái họ bước đến nói với tôi rằng, anh này, đừng có khóc nữa. Nói xong liền đưa tay lau nước mắt cho tôi, tôi tức giận lấy tay gạt đi. Giây phút đó, tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng, liền đứng dậy chạy vội ra khỏi nhà.

Khung cảnh năm đó với người thân họ hàng mà nói, có thể chỉ là một chi tiết phụ nho nhỏ, nhưng với tôi mà nói, thì lại chính là một nỗi nhục lớn lao! Bắt đầu từ ngày đó, tôi trở nên chán ghét cái bản tính đa sầu đa cảm của mình vô cùng, chán ghét cái tính nhạy cảm không giải thích được của bản thân.

Lúc đó tôi nghĩ, nếu đã không cho đàn ông rơi lệ, thế thì cớ sao Đấng Tạo Hóa lại còn nhào nặn ra tuyến lệ trong cơ thể của người đàn ông làm gì. Ông Trời ơi, phải chăng ông đang đùa cợt với con!

Nghĩ lại tôi cảm thấy thật xấu hổ vì cảm xúc của mình năm đó. (Ảnh: pixabay.com)

Kiềm chế cho khỏi khóc lại cũng không phải luôn là ý hay

Tất nhiên tôi thừa biết rằng, tự than tự trách thì chẳng có ích gì. Nếu không trị khỏi cái tật xấu này, lần sau có thể còn phải mất mặt thêm nhiều lần nữa.

Mọi nguyên nhân chảy nước mắt đơn giản đều là bởi cảm xúc của tình dẫn động. Tôi chỉ cần kiểm soát tốt cảm xúc của mình là được rồi. Bởi vậy, tôi còn tiến hành tập luyện lượng lớn, mỗi khi xem phim đến những đoạn tình tiết xúc động, tôi đều cố gắng gượng ép bản thân nghĩ đến những chuyện thú vị khác, hoặc là chuyển dời sức chú ý. Nếu có mặt người khác, tôi sẽ giả vờ mình mẩy ngứa ngáy khó chịu, nghẹo người gãi ngứa để tránh phải xem những tình tiết dấy động tình cảm trên màn ảnh. Nếu âm nhạc quá dạt dào cảm xúc, tôi sẽ giả làm bộ muốn ngoáy tai, tránh âm nhạc khuấy đảo lòng người. Nếu thật sự không thể kiểm soát được nữa, liền đi vào nhà vệ sinh rửa mặt. Nói chung, không kể thế nào, tôi đều không muốn lặp lại bi kịch thời trẻ đó thêm lần nào nữa.

Nhớ có một lần, mẹ tôi rủ tôi xem DVD, tên phim là “Mẹ ơi, xin hãy yêu thương con thêm lần nữa”. Trước đó, tôi cũng đã từng nghe mọi người nói về bộ phim này lâu rồi. Đó là bộ phim câu nước mắt khán giả, những ai xem xong hầu như đều khóc hết nước mắt. Tôi biết lần này đã gặp phải thử thách rồi, giống như vận động viên quyền Anh gặp phải Mike Tyson, ca sĩ nghiệp dư gặp phải Trương Học Hữu vậy, vừa căng thẳng mà lại phấn khích.

Khi đĩa DVD cho vào đầu đĩa, tôi hít một hơi thật sâu, xoa xoa huyệt Thái Dương, làm động tác nóng người. Tiếp sau đó, tôi trước sau đều ngồi ngay ngắn, toàn bộ quá trình đều chăm chú nhìn vào màn ảnh. Trên màn hình đang diễn cảnh bi hoan ly hợp, còn lòng tôi thì lại từ sớm đã bay lên tận chín tầng mây. Trong thế giới tưởng tượng đó, tôi trở thành một đại hiệp có thể lên trời xuống đất, cưỡi một con thần thú, khắp nơi diệt trừ tà ác, tuyên dương chính nghĩa. Tôi cứu thoát được một mỹ nhân tuyệt thế từ trong tay quỷ một mắt, từ đó cô ấy ái mộ tôi không thôi, cùng tôi phiêu bạt giang hồ, thay trời hành đạo được mọi người khen ngợi. Quan trọng là khi giặc cướp xâm phạm bờ cõi, tôi đã dũng cảm bước ra ra sức chống lại, trong vận mệnh nghìn cân treo sợi tóc đó đã cứu vớt được giang sơn, được mọi người dân toàn thế giới kính ngưỡng.

Tôi đắm chìm trong thế giới ảo tưởng mỹ diệu này, tận hưởng cuộc sống hạnh phúc cùng người đẹp và vinh diệu anh hùng cứu thế, bất giác nở nụ cười. Bộ phim kết thúc, tôi ngoảnh đầu nhìn sang, thấy mẹ đã khóc sưng cả hai mắt. Mẹ ngạc nhiên nhìn tôi, gương mặt lộ vẻ kinh ngạc. Giây phút đó, tôi cảm thấy lúng túng quá, ai nói tôi là thằng mít ướt đây!

Mấy ngày sau, một lần tình cờ tôi nghe được bố mẹ đang nói chuyện. Mẹ nói với bố rằng: “Tôi thấy thằng con trai của chúng ta coi như nuôi uổng công rồi, ông ạ. Mấy ngày trước tôi cùng nó xem bộ phim ‘Mẹ ơi, xin hãy yêu thương con lần nữa’, tôi thấy nó một chút phản ứng cũng không có, còn cười khẩy nữa chứ. Xem ra nó không có chút tình cảm gì với người mẹ này. Tôi sợ mai này chúng ta già rồi, thế nào nó cũng sẽ không chút ngần ngại bỏ mặc chúng ta, nghĩ mà đau lòng quá!”.

Nghe xong những lời này, bầu trời trong tôi như muốn đổ sập xuống. Thời khắc đó tôi chợt nhận ra, khóc với không khóc đều là một vấn đề, làm người thật quá khó mà!

Thật không ngờ khi tôi cố gẳng kiểm soát bản thân để không khóc lại làm mẹ tôi buồn. (Ảnh: xuehua.us)

Từ khi bắt đầu hiểu chuyện, chúng ta liền chán ghét bản thân khi phải khóc trước mặt người khác, cảm thấy thật quá mất mặt. Rốt cuộc, tùy tiện thể hiện cảm xúc bản thân ở nơi công cộng là biểu hiện thiếu chững chạc. Đồng thời, chúng ta cũng không muốn phơi bày yếu đuối của bản thân trước mặt người khác.

Chúng ta không muốn khóc trước mặt người khác, cũng không muốn nói với người khác rằng bản thân mình đã từng khóc như mưa. Đến tận hôm nay, ngay cả việc nói cho người khác biết trải nghiệm lần khóc rống gần đây nhất của bản thân cũng có thể xem là một sự trừng phạt.

Dù có những lúc chúng ta rất khó chịu, cũng sẽ gắng hết sức kìm nén. Chúng ta quen dùng những cách “chuyển dời sức chú ý”, hoặc là “cù lét bịt hai lỗ tai lại” để áp chế tình cảm của tự mình, ngăn lại nước mắt của bản thân.

Chúng ta không thể tùy tiện khóc, cũng không thể thể tùy tiện khác người. Rốt cuộc mọi người đều ra ngoài chơi, bạn đột nhiên lại thả ra cảm xúc to lớn như vậy, khiến người khác rất lúng túng khó xử.

Có người đã từng nói qua: Người chưa từng khóc trong đêm, thì không đủ đàm luận về cuộc đời.

Bạn xem, họ đều là len lén khóc thầm giữa đêm khuya.

Đối diện với thống khổ, chúng ta quen lựa chọn tê liệt bản thân. Dù cho những lúc quanh ta không có bóng người, chúng ta cũng chỉ biết nhìn bản thân vùng vẫy trong thống khổ, quên mất bản thân còn có thể khóc, một kỹ năng ẩn sâu này.

Tháng trước, Vương tổng là người phụ trách bộ ngành của chúng tôi bị điều sang chi nhánh công ty ở nước ngoài một thời gian. Đoàn người chúng tôi đến sân bay tiễn biệt ông. Lúc lên máy bay, chúng tôi từng người từng người thay phiên nhau ôm chào tạm biệt ông. Trong suốt quá trình, tôi đều cố gắng cứng đơ nét mặt, cuối cùng sắp được giải thoát rồi, tôi sợ bản thân mình không nhịn được mà cười ầm lên. Mấy người chúng tôi cũng nháy mắt cho nhau, biểu thị lát nữa cả bọn sẽ cùng ra ngoài quán nhậu một bữa chúc mừng cái.

Duy chỉ có Tiểu Trương, lúc ôm chào tạm biệt Vương tổng, hai mắt đỏ ngầu, khóc thút thít.

Vương tổng vỗ nhẹ lưng an ủi cậu ấy rằng: “Chàng trai trẻ, hãy làm việc cho tốt, chỉ mấy tháng nữa tôi sẽ về lại thôi mà!”. Ngày thường, Vương tổng nói năng rất hùng hồn, thế mà giờ đây ăn nói cũng có chút nhã nhặn. Hiển nhiên, ông ấy cũng không ngờ đến Tiểu Trương lại lưu luyến ông như vậy.

Nhóm người chúng tôi nhìn thấy cảnh này đều ngây người ra. Chúng tôi hoàn toàn không sao hiểu nổi, đây có phải là Tiểu Trương ngày thường vẫn hay nói xấu sau lưng Vương tổng hay không? Rõ ràng mấy ngày trước biết tin Vương tổng bị điều ra nước ngoài, cậu ta là người lộ vẻ hân hoan nhất mà. Hôm nay, cậu ta dùng nước mắt nói với tất cả mọi người, tình cảm của cậu với sếp là sâu đậm nhất.

Điều này khiến tôi nhớ đến trải nghiệm cùng mẹ xem bộ phim. Chỉ cần ở cùng với người khác, bất cứ cảm xúc nào của bạn không còn đơn giản là cảm xúc của cá nhân bạn nữa, nó đã trở thành một loại ký hiệu tình cảm tỏ rõ mối quan hệ của bạn với người ấy. Một cái nhăn mặt, một nụ cười nhạt, một lần nhún vai, đều là mỗi một thông điệp. Huống chi là khóc, loại phát tiết vừa dày vừa nặng như vậy, còn hơn cả muôn vàn lời nói. Với một số người mà nói, khóc cũng là một loại xã giao.

Giờ thì tôi hiểu rằng cảm xúc của bản thân khi ở bên người khác lại là một loại ngôn ngữ hơn cả lời nói. (Ảnh: pinterest.com)

Lúc đó tôi mới cảm thấy, khóc vốn không hề mất mặt, mà khóc cho người khác xem mới thật mất mặt.

Càng lớn lên càng phát hiện, nước mắt là biểu đạt sảng khoái nhất trong tình cảm của nhân loại. Chúng ta có được thì sẽ mừng đến chảy nước mắt, những lúc mất mát đau thương sẽ đứt ruột nát gan, những lúc chia tay sẽ khóc ướt cả vạt áo, sau khi gặp lại nhau sẽ ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Khi cất tiếng khóc chào đời, chúng ta dùng nước mắt để bày tỏ bản thân đã đến thế gian. Lúc rời khỏi thế gian, người thân bạn bè dùng tiếng khóc để đưa tiễn chúng ta.

Cũng bởi nước mắt là cách biểu đạt hữu hiệu nhất, nước mắt có những lúc lại là một loại công cụ. Nhưng rất nhiều người vốn không thể dùng loại công cụ này như ý muốn của bản thân mình được.

Trước kia chúng ta không khóc là vì sợ mất mặt, bây giờ chúng ta không khóc là vì sợ biểu đạt sai ý nghĩa.

Thế là tôi phát hiện, rất nhiều người rất lâu đã không khóc qua rồi.

Theo wenzhangba.com
Vũ Dương biên dịch

Exit mobile version