Dưới đây là những câu chuyện về các cô bé đã không tiếc hy sinh bản thân mình để cứu cha, làm cảm động trời đất, người đời sau cảm phục…
Con gái bệnh tật nguyền đi giải oan cho cha
Thời nhà Nguyên có một cô gái tên Chu Thọ. Người cha là Chu Hoàn bị người đầy tớ vu oan rằng: Ông dùng tiền của hỗ trợ người khác tạo phản, vì thế bị xử tội tử hình. Người con của Chu Hoàn đang bị bệnh tật nên không biết làm sao để đi giải oan cho cha. Chu Hoàn chỉ biết nhìn con gái mà khóc ròng.Cô gái cắn răng nói với cha: “Trước đây có cô gái tên Đề Oanh đã giúp cha mình giải oan hết tội, lẽ nào điều này con lại không thể làm được?”
Thế rồi Chu Thọ ngồi dậy lập tức hành động, cô tìm đến quan xử án Phùng Cảnh Hiền than khóc kể lể: “Cha dân nữ vô tội, chuyện này chẳng qua do tên đầy tớ ác tâm hãm hại, nếu việc này không thể giải oan thì cả nhà dân nữ từ lớn đến nhỏ sau này đều biến thành quỷ oan dưới địa ngục! Dân nữ nghe đồn đại nhân là vị quan tài đức sáng suốt, vì thế mới can đảm đến đây bày tỏ. Khẩn cầu đại nhân dù thế nào cũng phải làm sự việc sáng tỏ, cứu giúp cả nhà dân nữ!” Chu Thọ vừa kể vừa khóc lóc bi ai.
Pháp quan Phùng Cảnh Hiền cố ý lớn tiếng quở trách: “Vụ án lớn thế này chẳng lẽ chỉ vì mấy lời của ngươi mà phải lật lại bản án?” Chu Thọ vẫn tiếp tục minh oan cho cha không chút khiếp nhược, nhưng trông dáng vẻ càng bi thương hơn. Cuối cùng quan tòa Phùng Cảnh Hiền cũng bị tấm lòng của cô gái làm cảm động, ông liền căn dặn thuộc hạ cố gắng điều tra lại sự thực vụ án này. Thế rồi sau quá trình thẩm vấn nghiêm ngặt tên ác nô kia, sự thực đã làm sáng tỏ, Chu Hoàn đã được giải oan.
Cô bé 8 tuổi lăn bảng đinh cứu cha
Thời nhà Minh có người tên Chư Sĩ Cát, con gái nhỏ của ông là Chư Nga. Năm đầu Hồng Vũ (niên hiệu vua Thái tổ thời Minh), Chư Sĩ Cát phụ trách quản lý thuế thóc, bị một kẻ ác tâm nợ thuế vu oan, và bị xử tội tử hình. Còn hai người anh của Chư Nga cũng bị liên lụy, phải nhốt nhà lao.
Lúc đó Chu Nga vừa mới 8 tuổi nhưng thấy nhà rơi vào cảnh như vậy thì ngày đêm than khóc, cô bé thầm nghĩ nhất định phải tìm cách cứu cha, giải oan cho cha. Thế rồi cô bé cùng một người cậu lên đường đến kinh thành kêu oan. Thời đó có luật vô cùng hà khắc, người kêu oan phải nằm bảng đinh thì vụ án mới được thụ lí. Không ngờ bé Chu Nga mới 8 tuổi đã không chút chần chừ, lập tức nằm bảng đinh lăn qua lăn lại. Ý chí sắt đá của cô bé khiến mọi người ai nấy đều cảm động.
Chuyện cô bé 8 tuổi nằm bảng đinh chẳng mấy chốc lan truyền khắp nơi. Sự việc cũng nhanh chóng được đem ra điều tra lại, thế rồi cha của Chu Nga cũng được giải oan, chỉ có một người anh bị xử tội lưu dày nơi biên ải. Tuy nhiên vì nằm lăn bảng đinh khiến Chu Nga bị thương quá nặng nên không bao lâu sau cô bé qua đời. Người dân quê nhà ai nấy đều vì việc này mà kính phục nên đã cho đắp bức tượng cô bé để trong miếu Tào Nga [*].
Cô bé tám tuổi Chu Nga lăn bảng đinh cứu cha có thể nói là câu chuyện vô cùng oanh liệt, ai nấy đều cảm phục ngợi ca! Chu Nga đúng là “chết mà sống mãi”!
Cô bé 7 tuổi kêu oan cảm động Hoàng thượng
Thời nhà Minh có người tên Lâm Thời, có con gái tên Lâm Thục Viên, là người Phủ Điền, Phúc Kiến. Vĩnh Lạc năm thứ 13, Lâm Thời làm quan ở Hình bộ, sau đó do sai lầm trong ghi chép sổ sách bị đi đày làm công việc lao động nặng nhọc.
Cô bé Lâm Thục Viên mới bảy tuổi, sau khi nghe tin đã một mình đến Viện Thông chính đánh trống kêu oan. Lúc đó vừa đúng dịp vua Minh Nhân Tông đang xử lý việc nước, ông quá bất ngờ khi thấy một cô bé nhỏ tuổi lại hiếu thuận và can đảm, thấy đáng thương mà đáng trọng nên đã gọi người mang đồ ăn cho cô bé ăn trước (cô bé đã chịu đói thời gian dài), đồng thời cũng miễn tội cho cha cô bé.
Sau này, Lâm Thục Viên theo cha đi Thiểm Tây nhậm chức, thân mẫu cũng đi cùng. Nhưng đến Thiểm Tây thì thân mẫu lại lâm trọng bệnh, thuốc thang đủ kiểu cũng không có hiệu quả. Lúc này Lâm Thục Viên đã 12 tuổi, bé nghe có người kể chuyện người xưa “cắt thịt làm thuốc”, bé đã âm thầm xẻ thịt cánh tay trái của mình cho vào cháo nấu cho mẹ ăn. Quả nhiên người mẹ sau khi ăn cháo bệnh tình cũng dần thuyên giảm.
Theo secretchina
Tinh Vệ biên dịch
[*] Miếu thờ bé Tào Nga thời Đông Hán (25 – 220), năm 14 tuổi nhảy xuống sông tìm xác cha.
Xem thêm: