Có những con số được coi là bình thường trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, nhưng khi xuất hiện trong các kinh điển cổ thư chúng lại mang nội hàm vô cùng thần bí. Mặc dù đó là điều rất khó lý giải, nhưng dường như chúng có mối liên hệ nào đó với vũ trụ bao la…
Số 3
là số sinh
Trong danh tác “Tam quốc diễn nghĩa”, không chỉ tiêu đề đã bao gồm chữ số 3, mà con số này còn xuất hiện trở lại trong rất nhiều chương hồi của tác phẩm. Ví dụ như:
• Hồi thứ nhất: “Tam hào kiệt kết nghĩa hội đào viên”.
• Hồi thứ 5: “Phá cửa quan, ba anh hùng đánh Lữ Bố”.
• Hồi thứ 12: “Đào Cung Tổ ba lần nhượng Từ Châu”.
• Hồi thứ 17: “Tào Mạnh Đức tụ họp ba tướng”.
• Hồi thứ 22: “Viên, Tào đều cất ba quân mã bộ”.
• Hồi thứ 25: “Đóng thổ sơn, Quan Công giao ước ba việc”.
• Hồi thứ 37: “Lưu Huyền Đức ba lượt tới lều tranh”.
• Hồi thứ 38: “Long Trung quyết kế, thiên hạ chia ba”.
• Hồi thứ 39: “Thành Kinh Châu, công tử ba lần cầu kế”.
• Hồi thứ 56: “Khổng Minh ba lần trêu tức Chu Du”.
• Hồi thứ 88: “Biết trá hàng, Mạnh Hoạch ba phen bị bắt”.
• Hồi thứ 92: “Gia Cát Lượng dùng mẹo đoạt ba thành”.
• Hồi thứ 120: “Bắt Tôn Hạo, tam phân lại hợp nhất”.
Kết cấu trung tâm của “Tam quốc diễn nghĩa” là các câu chuyện xoay quanh ba trận chiến lớn: Một là trận Quan Độ giữa Tào Tháo và Viên Thiệu, diễn ra vào năm 200 tại Quan Độ thuộc bờ nam Hoàng Hà. Hai là trận Xích Bích giữa Tôn Quyền, Lưu Bị và Tào Tháo. Ba là trận Di Lăng giữa Thục Hán và Đông Ngô.
Trong “Thủy Hử”, rất nhiều chiến dịch lớn cũng đều có liên quan với con số 3, như: “Ba lần công đánh Chúc Gia Trang”, “Họp tam sơn, đánh phủ Thanh Châu”, và “Ba lần đánh bại Cao Cầu”, v.v. Ngoài ra còn có “Lỗ Trí Thâm ba quyền đánh chết Trấn Quan Tây”. Võ Tòng trước khi đánh chết hổ đã uống liên tục 15 chén rượu ở một quán rượu dưới núi Cảnh Dương, trên quán đề dòng chữ: “Đã uống ba chén rượu thì đừng qua núi Cảnh Dương”.
Trong “Tây Du Ký” có các tình tiết nổi tiếng như: “Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” và “Tôn Ngộ Không ba lần hỏi mượn quạt Ba Tiêu”. Trong “Hồng Lâu Mộng” cũng có tình tiết về con số 3 như: “Già Lưu ba lần vào Vinh Quốc phủ” và “Kim Uyên Ương tách ba con bài”.
Đó là những con số 3 trong Tứ đại danh tác. Đây cũng là con số thường thấy trong tôn giáo, đặc biệt là ‘Tam giáo’: Nho – Phật – Đạo.
Trong Phật giáo có:
• Tam bảo: Phật, Pháp, tăng.
• Tam quy y: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y tăng.
• Tam giới: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới.
• Tam học: Giới, định, huệ.
• Tam tư lương: Tín, nguyện, hạnh.
• Tam phúc: Nhân thiên phúc, nhị thừa phúc, đại thừa phúc.
• Tam tạng: Kinh tạng, luật tạng, luận tạng.
• Tam pháp ấn: Chư hành vô thường ấn, chư pháp vô ngã ấn, niết bàn tịch tịnh ấn.
• Tam nghiệp: Thân, khẩu, ý.
Trong Đạo giáo, số 3 là số sinh, những số khác đều từ đó mà sinh ra. Vì vậy 3 là số lớn nhất: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. Ba vị Thần tiên tối cao trong Đạo giáo được gọi là Tam Thanh, gồm có: Ngọc Thanh, Thượng Thanh, và Thái Thanh.
Số 5 và số 7
Ngũ hành – Thất tinh
Về Ngũ hành:
Tác phẩm “Tây Du Ký” rất coi trọng học thuyết ngũ hành, năm thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh đều có liên quan tới những con số của ngũ hành.
Tôn Ngộ Không là ‘Kim’. Tục ngữ có câu: “Vàng thật không sợ lửa”, bởi vậy Ngộ Không ở trong lò bát quái của Lão Quân đã luyện ra hỏa nhãn kim tinh. Tuy nhiên, Hỏa khắc Kim, lửa mặc dù không thể diệt Ngộ Không nhưng lại có thể làm Ngộ Không bị thương. Đây cũng là lý do tại sao hầu vương sợ “Tam vị chân hỏa” của Hồng Hài Nhi và lửa của Hỏa Diệm Sơn. Vậy tại sao Ngộ Không lại có thể lấy được gậy Như Ý? Nguyên nhân vì Ngộ Không và gậy như ý là đồng nguyên, đều là Kim.
Trư Bát Giới là ‘Mộc’. Bởi Thủy sinh Mộc, nên Bát Giới có thể quản lý tám vạn thủy quân trên Thiên Hà, lại có thể giao chiến dưới nước. Mặc dù Ngộ Không là Kim, nhưng là “hỏa trong kim”, không quen thủy chiến. Ngộ Không hóa đá mà sinh ra, kim quang tứ phía, xông thẳng lên thiên giới chấn động Ngọc Đế. Nhưng kim quang lại vì thạch hầu uống nước mà tắt, đó là bởi Thủy có thể làm Kim suy yếu.
Tiểu Bạch Long là ‘Thủy’, vốn là con trai của Long Vương. Long là thần mưa, khi cho mưa xuống có thể làm khắp nơi mưa thuận gió hòa, ngũ cốc phong phú. Theo truyền thuyết, nước tiểu của rồng là báu vật, tưới lên đồi núi thì có thể làm cỏ biến thành linh chi, rải xuống sông hồ thì cá chép có thể hóa rồng, lại có công dụng nhuận vật.
Đường Tăng là ‘Hỏa’. Ngũ hành (Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ) và ngũ tạng (Tâm – Can – Tỳ – Phế – Thận) vừa có đối ứng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tâm là tạng đầu tiên trong ngũ tạng, cho nên Ngộ Không làm huynh trưởng. Nhưng Hỏa chiếu sáng Tâm, cho nên nói Hỏa là ‘hạt giống’ của Tâm, do đó Ngộ Không cùng với các sự đệ đều phải gọi Đường Tăng là thầy.
Sa Tăng là ‘Thổ’. Thổ là bất động và kiên định nhất. Vì Hỏa sinh Thổ, nên Sa Ngộ Tĩnh là đồ đệ trung thành nhất của Đường Tăng.
Trong Phật giáo có ngũ căn. Ngũ pháp là điều căn bản sinh ra Thánh đạo, tên cổ gọi là ngũ căn. Ngũ căn là 5 quyền năng: Tín Căn, Tấn Căn, Niệm Căn, Định Căn và Tuệ Căn, nói vắn tắt là Tín – Tấn – Niệm – Định – Tuệ. Ngũ căn chắc chắn sẽ sinh ra sức mạnh gọi là ngũ lực. Trong Phật giáo cũng có ngũ giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu.
Đạo giáo có ngũ lão, tức năm vị Thần của năm phương; lại có ngũ thiên đế, tức năm vị Thần trên thiên đình.
Về Thất tinh:
Trong “Thủy Hử” có câu chuyện “Thất tinh tụ hội, dùng trí cướp lễ mừng sinh nhật”. Hình tượng danh xưng của bảy người trong nhóm Tiều Cái có nguồn gốc từ “thất tinh bắc đẩu”, điều này đã thể hiện rõ tư tưởng “Thiên nhân cảm ứng” của tác giả.
Trong những chữ số liên quan tới Phật giáo lại có thất pháp, thất ác chi, thất tâm giới, thất Phật giả, thất tông, thất sự tùy thân, thất đà la ni, vị chi thất cấu, thất tình… Lại có: Thất phương tiện, thất tri, thất thánh tài, thất nghịch, thất xử thiện, thất xử bát hội, thất tụ, thất âm, thất hải…
Số 9
là cực điểm của dương số
Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, chiến tranh Thục – Ngụy được gọi là “Cửu phạt Trung Nguyên”. Trong “Tây Du Ký”, thầy trò Đường Tăng phải trải qua chín chín tám mươi mốt nạn. Hồi 99 viết: “Chín chín tám mươi mốt nạn yêu ma hết, vẹn tròn công quả đạo về nguồn”.
Theo quan điểm của cổ nhân, trong trời đất số bắt đầu là 1, số cuối cùng là 9, cũng mang ý nghĩa là dương. Các tôn giáo lại nhìn nhận rằng số 9 có mối liên hệ với tu luyện, cổ nhân có cách nói ‘cửu cửu quy chân’. Ngộ Không cũng cần tôi luyện 49 ngày trong lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân mới có thể luyện được hỏa nhãn kim tinh. Vì vậy, chín lần chín tám mươi mốt là theo cấp số nhân, con số này có liên quan chặt chẽ với trời đất.
Trong Đạo gia cũng có rất nhiều thuyết pháp về số 9, trong “Vân cấp thất thiêm đạo giáo tam động tông nguyên”, Tống Trương Quân có viết về Tam Thanh. Trong mục phân Thần tiên thành cửu phẩm, Thái Thanh cảnh có 9 vị tiên, Thượng Thanh cảnh có 9 Chân nhân, Ngọc Thanh cảnh có 9 Thánh, tam vị cửu nhị thập nhất vị. Cửu tiên là :Thượng tiên, Cao tiên, Thái tiên, Huyền tiên, Thiên tiên, Chân tiên, Thần tiên, Linh tiên, Chí tiên…
Số 108
Trong “Thủy Hử” có ba sáu vị thiên cang và bảy mươi hai vị lục sát, tổng cộng là 108 người. “Hồng Lâu Mộng” có 108 cây trâm vàng (người con gái đẹp). Trong “Tây Du Ký”, Ngộ Không có bảy hai phép biến hóa, Bát giới có ba sáu, tổng cộng là 108. Con số này đều có liên quan tới Phật gia và Đạo gia.
Pháp thân trong Phật giáo có 108 vị Bồ Tát. Khi Đức Phật Thích Ca ở cung trời Đâu Suất chuẩn bị xuống nơi cõi người, trên chòm sao Sư Tử, Ngài đã từng truyền bá qua 108 pháp môn.
Theo ghi chép trong “Hồng tuyết nhân duyên đồ ký”, cách gõ chuông trong các chùa ở mỗi nơi là khác nhau. Ở Hà Nam, hồi chuông đầu tiên và cuối cùng là 36 hồi liên tục, giữa là 36, tổng cộng là 108. Ở kinh thành, nhanh là 18 hồi, chậm là 18, sáu lần gộp lại là 108 hồi. Có thể thấy nhịp điệu gõ chuông trong chùa ở các nơi không nhất định là giống nhau, nhưng tổng số lần đều là 108.
Theo quan điểm của Phật giáo, người ta sinh ra có 108 loại phiền não khác nhau, gõ 108 tiếng chuông giúp người nghe xua tan phiền não. Ngoài tiếng chuông chùa, hòa thượng niệm kinh văn cũng cần niệm 108 lượt. Xâu chuỗi tràng hạt thường có 108 hạt, khi niệm kinh phải lần đủ từng tràng hạt với ý nghĩa bày tỏ sự thành kính và ngưỡng mộ Phật Pháp.
Đạo giáo có thuyết rằng 108 ngôi sao hỗ trợ thần chưởng Thái Sơn điều khiển U Minh. Đạo giáo lại cho rằng Bắc Đẩu Tùng Tinh có 36 sao Thiên Cương và 72 sao Địa Sát. Chỗ ở của Thần tiên trong Đạo giáo cũng có 36 động tiên và 72 phúc địa.
Theo học giả Chu Nhữ Xương, bộ sách “Thạch Đầu Ký” hoàn chỉnh ban đầu có 108 hồi, lại có 108 cây trâm vàng để chỉ những người con gái đẹp. Còn “Thủy Hử” thì có 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc.
Kết cấu ban đầu của “Thạch Đầu Ký” áp dụng kết cấu 9×12. Toàn bộ sách có 12 mục, mỗi mục có 9 hồi, cứ mỗi bội số của số 9 liền có một sự kiện trọng đại làm tiêu chí. Ví dụ trong hồi 18 là “hai lần 9”, là viết về Nguyên Phi thăm thân. Hồi 27 là “ba lần 9”, là viết về chuyện Bảo Ngọc và các chị em chơi ở vườn sau, Đại Ngọc chôn hoa. Hồi thứ 36 thì là số “bốn lần 9″, viết về “Giáng Vân mộng lành báo trước”, “viện Lê Hương duyên đẹp định rồi”. Rồi tiếp tục đến khi đến “sáu lần chín” hồi thứ 54, vừa khéo lại tròn một nửa, thì là đại tiết mục đón tết Nguyên Tiêu. Từ đây về sau tình cảnh văn chương đều nhất loạt biến đổi mà tiến vào cảnh “suy”, lần lượt lộ ra giọng điệu bi thương.
Tuổi thọ của Tôn Ngộ Không
Trong hồi thứ 3 của “Tây Du Ký”, khi Ngộ Không đại náo địa phủ, Ngộ Không xóa tên và xem sổ sinh tử, trong đó có ghi chú: Tôn Ngộ Không là thạch hầu trời sinh, thọ mệnh là 342. Tại sao Ngộ Không chỉ có thể sống tới tuổi đó? Con số này có điều gì huyền bí bên trong? Một ‘nguyên’ chu kỳ vũ trụ theo quan điểm của cổ nhân trên thực tế là 4617 năm. Con số kỳ lạ này liệu có liên quan gì tới “Tây Du Ký”? Tôn Ngộ Không tra trong sổ sinh tử tên của mình là số 1350, viết rằng thọ mệnh là 342. 1350 x 342 = 461700, vừa đúng 100 nguyên chu kỳ. Điều này có ý nghĩa gì? Nghĩa là thời gian Ngộ Không bị xóa tên khỏi địa ngục là khi bắt đầu một kỷ nguyên mới…
Bài viết: Kiên Định
Nguồn: Theo Sound Of Hope
Ảnh bìa: Đại Kỷ Nguyên tổng hợp/minh hoạ
Thiết kế: Tự Minh