Đại Kỷ Nguyên

Đạo lý trị quốc (P.1): Quốc gia suy vong bởi coi dân như cỏ rác

Mạnh Tử nói: “Chính nhờ nhân đức mà Hạ, Thương, Chu đã giữ được ngai vàng, và cũng vì bất nhân mà họ mất nước. Nó quyết định sự suy đồi hay hưng thịnh, bảo tồn hay diệt vong của các nước chư hầu”. Vậy nên, người xưa đã tổng kết: Đạo trị quốc, chỉ là yêu dân mà thôi!

Dưới đây là trí tuệ trị quốc an dân của tiền nhân, được ghi chép trong các thư tịch cổ còn lưu lại tới ngày nay:

1. “Từ xưa đến nay, kẻ thù địch với người dân thì sớm muộn người dân tất thắng”.

(Trích “Tân thư – Đại chính thượng” của Giả Nghi đời Hán)

Trong bài thơ “Cảm hứng”, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

“Cổ lai quốc dĩ dân vi bản,
Đắc quốc ưng tri tại đắc dân.”

Tạm dịch:

Xưa nay quốc gia lấy dân làm gốc,
Giữ được quốc gia là do được lòng dân.

Các triều đại lịch sử xưa nay đều vậy, thuở đầu lập nước là do được lòng dân. Nhưng đến thời mạt vận thì chỉ vì lợi ích mà đối địch với lòng dân, vua quan quân coi dân như kẻ thù nên mới dẫn đến họa diệt vong.

2. “Cái gốc trị quốc là ở yên dân. Cái gốc yên dân là ở đủ dùng. Cái gốc đủ dùng là ở không quấy nhiễu dân làm ăn”.

(Trích “Hoài Nam Tử – Thái tộc”)

Cái gốc quản lý quốc gia là phải làm cho người dân an cư lạc nghiệp. Cái gốc an cư lạc nghiệp là để người dân được ăn mặc tiêu dùng đầy đủ. Cái gốc để người dân có đầy đủ ăn mặc tiêu dùng là không can nhiễu quấy rối cưỡng đoạt, để người dân hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.

Trong Tam Quốc Chí, Trần Thọ cũng có câu: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi Thiên”, nghĩa là: Quốc gia lấy người dân làm gốc, người dân coi việc ấm no là Trời. Như vậy, cái gốc của trị quốc là lo cho người dân được an cư lạc nghiệp, được ấm no.

Người dựng được nước là người coi trọng nhân dân, lo cho cuộc sống và lợi ích của nhân dân, như vậy người dân ắt sẽ quy về, từ đó mà giúp vương triều thành đại nghiệp.

Những năm cuối triều Tần có một thư sinh tên là Lịch Thực Kỳ, học vấn uyên bác. Ông từng hiến kế giúp Lưu Bang mưu trí chiếm được đất Trần Lưu. Sau này ông được phong làm Quảng Dã Quân.

Sau khi triều Tần diệt vong, Lưu Bang và Hạng Vũ tranh bá. Lưu Bang liên kết các địa phương chống lại lực lượng của Hạng Vũ, chiếm đóng Huỳnh Dương và Thành Cao. Phía tây bắc Huỳnh Dương có ngọn núi Ngao Sơn, trên núi có tòa thành nhỏ được xây dựng từ thời nhà Tần. Trong thành có rất nhiều kho chứa lương thực nên mới gọi là Ngao Thương, đây cũng là kho lương thực lớn nhất vùng Quan Đông.

Sau khi bị Hạng Vũ tấn công dữ dội, Lưu Bang tính kế rút lui, nhường khu vực từ Thành Cao về phía đông cho Hạng Vũ. Lưu Bang hỏi Lịch Thực Kỳ có kế sách nào không. Lịch Thực Kỳ nói: “Bậc vương giả coi dân là Trời, mà người dân coi cái ăn là Trời. Quân Sở không biết giữ kho thóc mà tiến về phía đông, đây là cơ hội Trời giúp nhà Hán thành công đó. Nếu chúng ta rút khỏi Thành Cao lui về giữ đất Củng, đất Lạc, như thế tức là đem kho lương thực quan trọng như thế này dâng cho kẻ thù. Việc này sẽ gây ra bất lợi vô cùng cho cục diện hiện nay. Mong ngài hãy nhanh chóng tổ chức binh lực, cố thủ Ngao Thương, nhất định sẽ thay đổi được cục diện bất lợi hiện nay”.

Lưu Bang thực hiện theo kế sách Lịch Thực Kỳ, cuối cùng giành được thắng lợi.

Lưu Bang thực hiện theo kế sách Lịch Thực Kỳ, cuối cùng giành được thắng lợi. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

3. “Ngựa mệt không sợ roi, dân mệt không sợ hình phạt”.

(Trích “Giám thiết luận – Chiếu Thánh” của Hoàn Khoan đời Hán)

Khi ngựa sức cùng lực kiệt thì roi vọt cũng không có tác dụng, nó cũng chẳng sợ nữa. Người dân đói rét khổ cực thì hình phạt nghiêm khắc cũng không khiến họ sợ nữa. Khi người dân bị dồn đến mức không thể sống tiếp thì trấn áp tàn khốc thế nào đi nữa cũng không có tác dụng.

Tục ngữ cũng có những câu như: “Chó cùng rứt giậu”, hay “Con giun xéo lắm cũng quằn”, chính là nói lên đạo lý này.

4. “Một người kêu than, thì đạo trị quốc (vương đạo) đã bị tổn hại”.

(Trích “Tiềm phu luận – Cứu biên” của Vương phù đời Hán)

Đạo trị quốc dùng nhân đức cảm hóa thu phục lòng người nên mới được gọi là vương đạo.

Trong nước chỉ cần có một người dân kêu than thống khổ thôi thì có nghĩa đạo trị quốc đã bị tổn hại rồi. Câu nói này tuy đơn giản nhưng lại chứa đựng trí tuệ rất sâu xa: Chớ vì vấn đề nhỏ chỉ liên quan đến thiểu số hoặc người cá biệt mà coi thường bỏ qua. Khổ đau, vui buồn của mỗi người dân đều ảnh hưởng đến an nguy và trị an quốc gia.

5. “Chân lạnh tổn thương đến tim, dân lạnh tổn thương đến quốc gia”.

(Trích “Thân giám –  Chính thể” của Tuân Duyệt đời Hán)

Chân lạnh sẽ gây tổn thương cho nội tạng cơ thể người. Người dân áo không đủ mặc thì chính quyền quốc gia sẽ bị tổn hại, bị chê trách.

Tuân Duyệt từng nói rằng sự vui buồn giàu nghèo của người dân là có quan hệ mật thiết đến chính quyền, đến quân chủ, đến người lãnh đạo. Đây cũng chính là tư tưởng ‘lấy dân làm gốc’ của Nho gia.

Chân lạnh tổn thương đến tim, dân lạnh tổn thương đến quốc gia. (Ảnh minh họa: readhouse.net)

6. “Quốc gia hưng thịnh bởi coi dân như con đỏ, quốc gia suy vong bởi coi dân như cỏ rác”.

(Trích “Tam quốc chí – Ngô chí – Hạ Thiệu truyện”)

Quốc gia sở dĩ hưng thịnh là do coi người dân như trẻ sơ sinh mà nâng niu chăm sóc. Ngược lại, một quốc gia khi đã coi người dân như cỏ rác mà chà đạp ruồng bỏ thì quốc gia đó đã đến bờ diệt vong rồi.

Đây chính là lời mà Trung thư lệnh Hạ Thiệu của nước Ngô nói khi khuyên Ngô đế Tôn Hạo, đại ý rằng quân vương cần phải yêu quý và bảo vệ bách tính, bởi chính người dân mới có thể quyết định sự hưng suy tồn vong của quốc gia.

7. “Trên bình an là bởi làm yên vui kẻ dưới; tốt cho mình là bởi đem lợi ích cho người”.

(Trích “Ngũ đẳng chư hầu luận” của Lục Cơ đời Tấn)

Người thống trị muốn bình an vô sự, thì cần phải yêu quý bảo vệ chăm lo cho những người dân ở dưới, khiến người người yên vui. Bản thân mình muốn có được lợi ích, thì trước tiên cần phải làm cho người khác có được lợi ích.

Lục Cơ cho rằng: Người thống trị phải chia sẻ quyền lợi với người ở dưới thì mới có thể duy trì thống trị lâu dài được. Cần coi trọng người dân và lợi ích của họ thì đó chính là nguyên tắc quan trọng quản lý quốc gia.

Trên bình an là bởi làm yên vui kẻ dưới; tốt cho mình là bởi đem lợi ích cho người. (Ảnh minh họa: chnmuseum.cn)

8. “Việc thiên hạ thì nên cùng với người thiên hạ gánh vác. Trí tuệ một người sao có thể làm nên”.

(Trích “Tống thư – Nhan Diên Chi truyện” của Lương Thẩm Ước đời Nam Triều)

Sự việc của cả một quốc gia nên cùng bàn bạc với người dân toàn quốc để cùng quản lý. Việc phức tạp như thế này lẽ nào trí tuệ sức lực của một người có thể làm nổi?

Thời Tống Văn Đế, Lưu Trạm và Ân Cảnh Nhân độc chiếm triều chính, Binh bộ hiệu úy Nhan Diên Chi đã dùng lời nói này bày tỏ phê phán những người nắm quyền, và nói rõ cái đạo trị quốc.

9. “Người giỏi tàng trữ tài sản là tàng trữ ở trong nhân dân”.

(Trích “Tấn thư – Mộ Dung Hoàng tải ký” của Phòng Huyền Linh đời Đường)

Bậc quân chủ giỏi tàng trữ tài sản là người đem tài sản tàng trữ ở trong nhân dân.

Vua nước Tiền Yên là Mộ Dung Hoàng khuyến khích phát triển sản xuất. Nhưng vì chế độ thuế điền địa quá hà khắc, nên Ký thất tham quân Phong Dụ bèn khuyên ông: “Nên giảm thuế mà tàng trữ tài sản đó ở trong bách tính”. Chỉ cần người dân giàu có thì nguồn tài sản quốc gia mới được có được cơ sở vững chắc lâu bền.

(Còn nữa)

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch

Exit mobile version