Đại Kỷ Nguyên

28 kỷ lục ‘vô tiền khoáng hậu’ của vua chúa phong kiến Việt Nam

Lên ngôi lúc 1 tuổi, chết lúc 15 tuổi, có hàng trăm vợ nhưng không có người con nào… là những kỷ lục liên quan tới ngôi thiên tử của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Không tính thời Hùng Vương huyền sử, trải qua hàng nghìn năm, các triều đại phong kiến Việt đã xác lập những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” liên quan đến ngôi thiên tử.

1. Trị vì lâu nhất: Lý Nhân Tông Càn Đức – 56 năm (1072 – 1127), Lê Hiển Tông Duy Diêu – 47 năm (1740 – 1786), Lê Thánh Tông Tư Thành – 37 năm (1460 – 1496).

Ở ngôi lâu nhất: Lý Nhân Tông - Càn Đức. (Ảnh: Internet)
Trị vì lâu nhất: Lý Nhân Tông – Càn Đức. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Các sử sách đương thời và đời sau, đều nhất loạt ca ngợi Lý Nhân Tông là một vị vua giỏi của thời nhà Lý. Ông là con của vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi ỷ Lan.

Lý Nhân Tông rất thích tổ chức những ngày hội, vừa để biểu dương công đức phật, theo khuynh hướng tôn giáo lúc bấy giờ của dân chúng, vừa để gây không khí vui chơi vào dịp đất nước được an bình thịnh trị. Và điều này cũng phù hợp với mỹ cam của ông suốt tuổi thanh niên cho đến lúc về già. Ông làm vua đến năm 1127 thì mất, trị vì được 56 năm, thọ 63 tuổi.

2. Trị vì ngắn nhất: Tiền Lê Trung Tông Long Việt: 3 ngày (1006), Dục Đức (Nguyễn Cung Tông): 3 ngày (1883).

3. Lên ngôi trẻ nhất: Lê Nhân Tông lúc 1 tuổi (1442); Mạc Mậu Hợp lúc 2 tuổi (1562); Lý Cao Tông lúc 3 tuổi; Lý Anh Tông cũng 3 tuổi; Lý Chiêu Hoàng lúc 6 tuổi (1224);

4. Lên ngôi già nhất: Trần Nghệ Tông Phủ, khi 50 tuổi (1370); Triệu Đà khi 50 tuổi (207 TCN).

5. Trường thọ nhất: Bảo Đại 85 tuổi (1913-1997), vua Trần Nghệ Tông 74 tuổi (1321 – 1394).

Trường thọ nhất: Bảo Đại. (Ảnh: Internet)

Nếu tính cả các chúa thì chúa Nguyễn Hoàng thọ hơn Bảo Đại: 89 tuổi (1525 – 1613)

6. Yểu mệnh nhất: Lê Gia Tông Duy Khoái 15 tuổi (1661 – 1675); Lê Huyền Tông Duy Vũ 17 tuổi (1654-1671). Nếu tính cả vua không chính thống thì Lê Quang Trị bị giết khi 7 tuổi (1509-1516).

7. Sống nhiều năm nhất ở nước ngoài trong thời gian làm vua: Bảo Đại.

8. Nữ vương đầu tiên: Trưng Nữ Vương (Trưng Trắc) vì chỉ xưng vương từ năm 40-43.

2 anh hùng dân tộc của người Việt: Trưng Trắc – Trưng Nhị. (Ảnh: Internet)
Nữ Vương đầu tiên: Trưng Trắc. (Ảnh minh hoạ: Internet)

9. Nữ hoàng duy nhất: Lý Chiêu Hoàng Phật Kim (1224 – 1225), vợ vua Trần Thái Tông Cảnh (1226 – 1258).

10. Vua lập nhiều hoàng hậu nhất: Lý Thái Tổ lập 9 hoàng hậu (6 bà lập năm 1010, 3 bà lập năm 1016).

11. Vua duy nhất ở ngôi 2 lần: Lê Thần Tông (1619-1643 và 1649-1662).

Lê Thần Tông (1607 – 1662) trị vì: 1619-1643 và 1649-1662, tên húy là Lê Duy Kỳ là vị vua thứ 6 của nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông cũng là vị Vua Việt Nam duy nhất hai lần lên ngôi.

Tháng 10 năm Quý Mùi (1643), vua nhường ngôi cho con là Lê Duy Hựu sau khi ở ngôi được 25 năm. Về phần mình ông lên làm Thái thượng hoàng, còn Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc làm Hoàng thái hậu.

Tháng 8 năm 1649, Lê Chân Tông mất sớm, Thần Tông được Trịnh Tráng đưa trở lại ngôi vua.

12. Vua Việt Nam đầu tiên lấy vợ Tây: Lê Thần Tông (Lê Duy Kỳ) lấy vợ người Hà Lan.

Người vợ thứ 6 của vua Lê Thần Tông người Hà Lan. (Ảnh: Internet)

Ngoài bà vợ đầu tiên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, vua Lê Thần Tông có 5 phi tần nữa và điều kỳ lạ rằng, mỗi bà thuộc một dân tộc: vợ thứ 2 là người Thái, vợ thứ 3 là người Mường, vợ thứ 4 là người Hán, vợ thứ 5 người Lào, và vợ thứ 6 người Hà Lan.

13. Vua có nhiều con làm vua: 2 người, mỗi người có 4 người con làm vua.

Thứ nhất là Trần Minh Tông cha của Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông.

Thứ hai là Lê Thần Tông cha của Lê Duy Hựu (Chân Tông), Lê Duy Vũ (Huyền Tông), Lê Duy Cối, (Gia Tông) và Lê Duy Hợp (Hy Tông).

14. Vua có nhiều con rể làm vua nhất: Lê Hiển Tông.

Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Có 3 con rể làm vua là Nguyễn Huệ (lấy công chúa Lê Ngọc Hân). Nguyễn Quang Toản (lấy công chúa Lê Ngọc Bình) và Nguyễn Ánh (cũng lấy Ngọc Bình). Nhưng khi còn sống ông chỉ chứng kiến Nguyễn Huệ làm con rể mình.

15. Vua có nhiều loại tiền mang niên hiệu nhất: Lê Hiển Tông đã cho đúc 16 loại tiền Cảnh Hưng trong thời gian làm vua.

16. Vua trăm trận trăm thắng: Quang Trung (Nguyễn Huệ) (1753 – 1792).

Hoàng đế bách chiến bách thắng, lập nhiều chiến tích quân sự nhất trong lịch sử Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Quang Trung Nguyễn Huệ là hoàng đế bách chiến bách thắng, lập nhiều chiến tích quân sự nhất trong lịch sử Việt Nam. Cả cuộc đời binh nghiệp của ông, dù dưới danh hiệu Long Nhương tướng quân, Bắc Bình vương hay hoàng đế Quang Trung, ông đều lập công trạng hiển hách, chưa từng thất bại một trận nào.[54]Do những chiến tích vang dội, Nguyễn Huệ được các giáo sĩ Tây phương so sánh với Alexandros Đại đế và Attila.

17. Người mở đất mạnh nhất, rộng nhất: Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) và hoàng đế Minh Mạng (1820 – 1840).

18. Vua nhiều con nhất: Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đảm) (1790 -1840) con chính thức là 142 gồm 78 trai, 64 gái.

19. Vua có nhiều vợ mà không có người con nào: Tự Đức (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) có 300 vợ.

Mặc dù có hơn 300 bà vợ, thế nhưng vua Tự Đức lại không có diễm phúc có con để nối dõi tông đường. (Ảnh: Internet)

Tự Đức được đánh giá là một vị vua tốt. Ông chăm chỉ xem xét việc triều chính và không hề trễ nải, được các quan nể phục. Theo Việt Nam sử lược, ông thường hay chít khăn vàng và mặc áo vàng, khi có tuổi thì ông hay mặc quần vàng và đi giày hàng vàng do nội vụ đóng.

Vua Tự Đức vì lúc bé bị bệnh đậu mùa nên không có con. Ông đành nhận ba người cháu làm con nuôi.

20. Vua làm nhiều thơ văn nhất: Tự Đức để lại 4000 bài thơ chữ Hán, 100 bài thơ Nôm, 600 bài văn.

21. Triều đại tồn tại lâu nhất: nhà Hậu Lê 356 năm (1428 – 1527 và 1533 – 1788);

22. Triều đại tồn tại ngắn nhất: nhà Hồ 8 năm (1400 – 1407).

Hồ Quý Ly và con Hồ Nguyên Trừng. (Ảnh: Internet)

Thời đại nhà Hồ được biết đến bởi Những cải cách mới và nhất là sự phát minh súng thần cơ (hỏa pháo cải tiến) và thuyền cổ lâu (thuyền chiến lớn có hai tầng).

23. Triều đại truyền ít đời nhất: Nhà Tiền Lý do Lý Nam Đế sáng lập, sau khi ông mất, Lý Phật Tử tự xưng là Hậu Lý Nam Đế rồi cũng sớm bị diệt vong.

Mai Hắc Đế nổi lên chống giặc Đường cũng chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn (722). Triều đại truyền nhiều đời vua nhất: Nhà Hậu Lê: 27 vua (từ Thái Tổ đến Chiêu Thống), nhà Trần (kể cả Hậu Trần) 15 vua;

24. Triều đại truyền qua nhiều thế hệ nhất: Nhà Hậu Lê 14 đời (từ Thái Tổ Lê Lợi đến Trung Tông Lê Duy Huyên, rồi từ Anh Tông Lê Duy Bang đến Chiêu Thống Lê Duy Kỳ);  sau đó là nhà Lý: 9 đời (từ Thái Tổ Lý Công Uẩn đến Chiêu Hoàng Lý Phật Kim).

25. Triều đại xảy ra phế lập, sát hại các vua nhiều nhất: Nhà Lê sơ 6/11 vua. Nếu tính cả các vua không chính thức là Lê Quang Trị (1516), Lê Bảng và Lê Do (1519) thì tổng cộng có 9/14 vua.

26. Triều đại có các vua bị bắt đi đày ra nước ngoài nhiều nhất: Nhà Nguyễn: Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân.

Hàm Nghi (1871 – 1943) là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn, là em trai của vua Kiến Phúc. Năm 1884, Hàm Nghi được đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát hịch Cần Vương chống thực dân Pháp. Phong trào Cần Vương kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie).

Theo thứ tự từ trái sang phải: Vua Hàm Nghi – Vua Thành Thái – Vua Duy Tân, là 3 vị vua của nhà Nguyễn bị lưu đày ở nước ngoài. (Ảnh: Internet)

Vua Thành Thái (1879 – 1954) là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Tên húy của ông là Nguyễn Phúc Bửu Lân, còn có tên là Nguyễn Phúc Chiêu. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng hậu (Phan Thị Điểu). Do chống Pháp nên ông bị đi đày tại ngoại quốc.

27. Người duy nhất không phải họ Trần nhưng làm vua thời Trần là Dương Nhật Lễ.

Sau khi Trần Dụ Tông mất, Lễ được chính mẹ của Dụ Tông là bà Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu đưa lên ngôi. Có được ngôi báu, Lễ quay lại bức hại bà và quý tộc họ Trần, cốt giành quyền bính cho họ Dương, ở ngôi được hơn năm thì bị Trần Nghệ Tông giết chết.

28. Triều đại có hai vị vua cùng ở ngôi một lúc: Nhà Ngô. Sau khi Ngô Quyền mất hai anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn đều tức vị xưng vương.

Ánh Trăng tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version