Một số người sinh ra đã không như người bình thường, có thể chất đặc biệt khác hẳn người thường, họ thường có thể gặp hung hóa cát, tựa như được Thần bảo hộ.
Thượng thư họ Triệu thiên phú đặc biệt từ bẩm sinh
Triệu Hồng, người thời nhà Minh, sinh ra ở huyện Hạ, Sơn Tây, Trung Quốc, sau đó di cư đến huyện Tường Phù, Hà Nam. Người ta nói ông có thể chất đặc biệt, thiên phú dị thường từ bẩm sinh.
Khi ông còn quấn tã, mẹ ông địu ông lên núi tránh loạn. Một lần, khi mẹ đang bế ông lẩn trốn trong rừng, bất ngờ một con hổ lao đến, người mẹ thất kinh, đặt Triệu Hồng xuống đất. Con hổ nhìn chằm chằm vào đứa trẻ cả nửa ngày, không hề chạm đến, mà chuyển mình quay đi. Khi Triệu Hồng đang học ở trường, có một mùa hè cực kỳ nóng nực, ông ở trong ký túc xá của trường vào buổi tối, một con cáo đã ngắt lá cây ma diệp để quạt cho ông ấy, mồm còn phát ra tiếng người: “Triệu thượng thư ở đây nóng chịu không nổi, chúng tôi làm sao dám sợ vất vả.” Triệu Hồng nghe cáo nói như vậy, cảm thấy rất cảm kích, càng nỗ lực học tập chăm chỉ hơn.
Lược đồ, hình vẽ một con hổ do người đời Nguyên vẽ. (phạm vi công cộng)
Đến khi trưởng thành, Triệu Hồng không chỉ có tướng mạo khôi ngô, chí hiếu với dân, mà còn thông minh mẫn tiệp, đa tài, rất giỏi thơ văn. Ông làm quan đến Lễ bộ Thượng thư, Binh bộ Thượng thư.
Khi Triệu Hồng ban đầu làm việc ở sở quan Lang, một tử tù chết trong ngục, và quản ngục khiêng xác của anh ta ra ngoài. Kỳ thực, người này đang nín thở giả chết. 40 năm sau, khi Triệu Hồng làm quan Tư khấu, người này lại phạm pháp, Triệu Hồng vừa nhìn, lập tức nhận ra anh ta, còn gọi anh ta bằng danh tính thật: “Ngươi không phải là kẻ tử tù đã chết trong ngục năm xưa sao?” Sau khi thẩm vấn, phạm nhân đã phải chấp hành án tử. Khi đó, mọi người đều cảm thán trước sự thần kỳ của Triệu Hồng.
Triệu Hồng cũng có thể dự tri phúc họa của người khác. Trong những năm Chánh Thống, Triệu Hồng đã hơn 70 tuổi, từ quan về nhà nghỉ hưu, và Vu Khiêm, tuần phủ Hà Nam đương thời, đã nhiều lần đến thăm hỏi ông, lấy lễ tiết đối với bậc tiền bối để đối đãi với ông, thái độ rất cung kính. Một ngày, Triệu Hồng nắm lấy tay Vu Khiêm và cắn nó đến bật máu. Vu Khiêm lập tức lĩnh ngộ được rằng Triệu Hồng đang cảnh thị mình, liền khóc bái thỉnh giáo tình tiết, nhưng Triệu Hồng không nói gì với Vu Khiêm.
Đợi đến khi Vu Khiêm cáo từ ra khỏi cửa, cháu của Triệu Hồng mới mới hỏi Triệu Hồng vì sao lại cắn tay đại nhân họ Vu, Triệu Hồng thở dài và nói: “Vu đại nhân là vị quan tốt, nhưng đáng tiếc không thể kết cục có hậu.” Cuối cùng Vu Khiêm quả nhiên bị vu hãm mà bị tống ngục, cuối cùng bị xử hình một cách oan uổng.
Sau vài lần nhận được Thần bảo hộ, Cố Độ đã thoát chết trong gang tấc
Cố Độ, một người gốc Côn Sơn vào thời nhà Minh, nổi tiếng là người sẵn có tố chất hiếu thảo, chàng vì phạm phải một tội mà phải rời nhà đi trốn, di chuyển đến vùng núi Tây Nam. Trên đường đi, chàng đi qua Thần Thủy, núi Ma Hợp, Ô Giang, và động Tử Sao Man, nhiều lần suýt chết khi gặp hiểm, may mắn thay, chàng được Thần bảo hộ, mỗi lần đều hóa nguy thành ổn.
Khi Cố Độ chuyển từ Bá Châu đến Đinh Sơn, thần núi đến tìm chàng giữa đêm để nói chuyện. Vị thần núi với thân hình to lớn vạm vỡ, tướng mạo đường chính nói với Cố Độ rằng: “Tôi họ Trữ”, và đích thân đưa Cố Độ tiến vào Ba Trung. Khi người Ba nghe nói về trải nghiệm của Cố Độ, họ coi chàng như một vị thần, thập phần cung kính đối đãi chàng.
Sau chín năm ở Ba Trung, rồi đến ba mươi năm ở Hồng Vũ, thiên hạ được đại xá, Cố Độ vì thế có thể trở về quê hương. Trên đường hồi hương, khi chàng chuẩn bị lên thuyền qua sông, một người đàn ông đội mũ bên cạnh nói với ông: “Sông không thể qua được.” Cố Độ nghe theo lời ông. Kết quả là ngay sau đó, một cơn gió rất mạnh thổi qua, tất cả những người qua sông bằng thuyền đều chết, duy Cố Độ là người duy nhất may mắn sống sót.
Thần nhân cứu ách
Hồ Hựu, người Tân An, hiệu Kim Phong, là tiến sĩ năm Giáp Tuất thời Minh, rất giỏi văn chương. Mẹ ông mộng thấy xe mã của Thiên tử tiến vào nhà họ, rồi sinh ra ông.
Khi còn là thư sinh, ông đóng cửa khổ học, cố gắng quá mức dẫn đến nôn ra máu, chứng trạng thập phần nghiêm trọng. Một đêm, ông mộng thấy một bị đội vương miện vàng, dạy ông pháp “cấn bội”. Sau khi tỉnh dậy, chứng nôn ra máu của ông liền thuyên giảm. Cấn bội là một loại liệu pháp tinh thần, dạy người học thanh tâm quả dục, tĩnh tọa thiền định. Hồ Hựu cảm thấy phương pháp này quả là thần kỳ, bản thân bí mật tu tập mà không nói tường tận cho người khác.
Một đêm, khi ông từ Thành Nam về nhà, có những đốm lửa nối tiếp nhau dọc đường, chiếu sáng cả con đường đến tận cửa nhà ông, nhưng ông đi cả chặng đường, xung quanh luôn tĩnh lặng vô thanh, thăm thẳm không dấu tích người.
Một lần, thuyền mà Hồ Hựu ngồi bị lật gần Bành Thành, may mắn thay, người dân địa phương đã cứu Hồ Hựu sống sót. Hồ Hựu hỏi sao người ứng cứu đến nhanh vậy, người cứu ông nói rằng có vị thần tiên đã nói với mình từ sáng, vị Thần nói: “Có một hiền giả đang gặp nguy hiểm, các ngươi hãy nhanh chóng đến cứu người bằng một cái móc và một sợi thừng.”
Được tiên nhân đội mũ vàng cho thuốc
Lưu Dịch, người gốc Đại Châu, là tiến sĩ năm Đinh Mùi ở Thành Hoa vào thời Minh. Khi phụ trách việc quản lý kho trữ lương ở Liêu Đông, ông đã làm trái mệnh lệnh của thái giám Lưu Cẩm, người đang nắm quyền đương thời, Lưu Cẩm rất tức giận nên đã hạ lệnh áp giải ông đến Bắc Kinh, cùm trước ngọ môn thị chúng. Ông phải đeo gông cùm rất nặng, phàm là người bị gông cùm như vậy, chỉ sau hơn chục ngày là chết, nhưng Lưu Dịch bị tra tấn như vậy cả tháng mà vẫn sống. Đương thời, Vương Thẩm Am, đồng hương của Lưu Dịch, đã gạt sinh tử của mình sang bên, một mực ở bên cạnh chăm sóc cho Lưu Dịch.
Một ngày nọ, một người đàn ông đội mũ vàng đến đưa cho người nhà Lưu Dịch một viên thuốc và nói: “Mỗi ngày bóc một ít cho ông ấy ăn, đợi đến khi uống xong thuốc, nạn của ông ấy sẽ được hóa giải.” Ngày đó, Lưu Dịch cũng mộng thấy một tiên nhân từ trên tầng mây hạ xuống, đưa một viên thuốc vào miệng mình. Khi Lưu Dịch tỉnh dậy, trong miệng vẫn còn lưu mùi thơm của hoàn dược. Các lính canh đều nói rằng họ nhìn thấy một lão nhân đang đút thuốc cho Lưu Dịch, nhưng rồi lão nhân lại đột ngột biến mất.
Câu chuyện về vị thuốc trường sinh được một tiên nhân đút cho Lưu Dịch nhanh chóng lan truyền, đến tai các quan đại thần trong triều. Thái tể Trương Thái (hiệu Tây Lộc) đã vì chuyện thần kỳ này mà cứu Lưu Dịch, Lưu Dịch cuối cùng đã được trả tự do như một công dân. Sau đó, Trương Thái nói rằng Lưu Dịch nên được trọng dụng trở lại để thể hiện công đạo, vì vậy Lưu Dịch được bổ nhiệm làm giám sát ngự sử. Người dân và quan lại vì chuyện này mà gọi ông là “Người sắt”.
Tri phủ lên thuyền lạc bước được Thần cứu
Nhậm Nhữ Lượng, một thành viên của gia tộc họ Ỷ vào thời nhà Minh, khi làm chủ sự bộ hộ đã đến Bành Thành để đốc sát tiền lương cho quân đội. Khi lên thuyền qua sông, ông bất ngờ bị trượt chân ngã xuống rồi biến mất trong làn nước. Những người tùy tùng nhảy xuống để cứu ông, nhưng cũng biến mất tung tích ngay sau đó.
Lúc đó mặt trời sắp lặn, người lái thuyền sợ hãi la lên. Một lúc sau, Nhậm Nhữ Lượng và cả đoàn tùy tùng đã lao xuống nước cứu ông đột nhiên từ mặt nước nhảy lên, thần sắc tươi tắn. Có người hỏi Nhậm Nhữ Lượng về tình huống sau khi ngã xuống nước, ông nói: “Có vẻ như có một thân cây khổng lồ đã cứu tôi vậy.” Người chèo thuyền dùng dây để thăm dò độ sâu của nước, dường như sâu cả trăm thước. Họ kinh ngạc coi Nhậm Nhữ Lượng như thần tiên.
Nhậm Nhữ Lượng về sau giữ chức vụ Tri phủ Tuyền Châu, Phúc Kiến. Đương thời, có một trận hạn hán nghiêm trọng ở Tuyền Châu, và một số người dân địa phương đã hướng tới thần hồ Cửu Lý bốc quẻ, thần đạo: “Tu nhị thiên thạch chí nhi vũ”, tức là cần vị quan hai ngàn thạch đến trời mới mưa. Bổng lộc của tri phủ là hai ngàn thạch.
Khi đó, Nhậm Nhữ Lượng vừa mới tiến nhập vùng đất Vũ Di (của người tộc Di), có một người đàn ông đã nói với Nhậm Nhữ Lượng trong mộng rằng sắp có một trận hạn hán nghiêm trọng ở Tuyền Châu và hy vọng rằng Nhậm sẽ đến nhậm chức càng sớm càng tốt. Nhậm Nhữ Lượng đã hạ lệnh tốc hành, nhưng thủ hạ của ông lúc đó không khỏe. Nhậm Nhữ Lượng trả lời: “Nông dân ở đó đang mong mỏng được giải trừ tình trạng hạn hán, tôi không thể trì hoãn thời gian. Nếu lúc này vì mắc bệnh mà trì hoãn đến Tuyền Châu mang đến tai nạn gì, tôi, thái thú – cá nhân sẽ đến gánh vác trách nhiệm.” Đến lúc ông đến Tuyền Châu, quả nhiên có mưa lớn.
Ba tháng sau, một cậu bé chăn cừu vào núi, băng qua một hẻm núi, nhìn thấy họa tiết trên đá dường như là văn tự, chỉ có một số phần đã bị rêu che lại. Sau khi lau rêu và đọc, đoạn văn tự viết rằng: “Cự lôi tích thạch, Thần tuyền dũng xuất, kiến giả thần cường, thực chi vô tật. Dĩ truyền dĩ tụng, lương nhị thiên thạch.” (sấm sét tích trong đá, nước suối thần chảy ra, người nhìn thấy mắt sáng, uống vào hết bệnh. Người được truyền tụng, lương hai ngàn thạch), ý tứ muốn nói, vị tri phủ này là người tốt. Đây là một lời khen ngợi dành cho Nhậm Nhữ Lượng.
Sau khi cậu bé chăn cừu xuống núi và báo cho chúng nhân, người dân trong quận đổ xô đến xem, những người bị bệnh uống một ngụm nước suối ở đây liền khỏi bệnh ngay. Sau đó, Nhậm Nhữ Lượng bị lưu ngôn phỉ ngữ vu khống, chuyển sang trái làm Tri châu Hưng Quốc, dòng nước suối cũng khô cạn vào đêm trước khi ông rời đi.
Lục Thụ Thanh gặp nguy hóa an
Lục Thụ Thanh (1509-1605), tự Dữ Cát, hiệu Bình Tuyền. Năm Gia Tĩnh thứ 20 (1541), ông đỗ đầu trong hội thí, đỗ tiến sĩ, thụ Hàn lâm viện biên tu, vì phụ thân bệnh trọng mà hồi hương chịu tang ba năm. Sau đó liền được khởi dụng làm Thái thường khanh, chưởng nam kinh tế tửu sự (Chủ quản Quốc tử giám). Vì ông là người chính trực, thời gian đảm nhiệm chức tận tâm tận lực, cuối cùng được đề bạt làm Hữu thị lang bộ lại, nhưng vì coi nhẹ danh lợi, ông lấy cớ có bệnh mà từ quan. Sau khi Mục Tông lên ngôi, lần nữa lại chiêu mời ông làm quan, ông từ chối không được đành nhậm chức. Thời kỳ Thần Tông, lại lần nữa mời ông làm Lễ bộ thượng thư, ông không cách nào từ chối, đành đảm nhiệm chức vụ này.
Ngay khi Lục Thụ Thanh đến Nam Cung khảo thí, quận thú Vương Hoa trong mộng đã đi lên thiên đình, thấy hàng trăm người bao quanh một người, hành bái lễ, gọi tên Lục Thụ Thanh. Khi hội thí đưa ra bảng vàng, Lục Thụ Thanh đứng đầu, quận thú nói với những người xung quanh rằng: “Lục Thụ Thanh hành thông thần minh, ông đứng đầu lộc vị, danh thọ nhất định đều là đệ nhất.” Từ cuộc đời ông mà xét, điều này quả xác thực, ông ấy đã sống đến gần trăm tuổi, được coi là tuổi thọ tương đối cao.
Điều thú vị là từ trẻ đến già, Lục Thụ Thanh không ít lần bước qua nguy hiểm như tường sập, cây đổ, nhưng lần nào ông cũng hóa nguy thành an. Mỗi lần ông xuất du, dù thời tiết đang mưa gió, đều sẽ sớm chuyển sang nắng ráo.
Tài liệu tham khảo: “Dũng tràng tiểu phẩm”
Tác giả Lưu Hiểu, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch