Bài viết này không phải nhằm mục đích hạ thấp các tướng lĩnh đó, mà chỉ là mượn chút uy danh của họ để nêu bật lên sự huy hoàng của các tướng sĩ nước Nam…
- Tiếp theo: Phần 1
Phần 2: Toghon – Trấn Nam Vương Thoát Hoan (? – 1301)
- Tên Hán: Thoát Hoan.
- Chức vụ: Trấn Nam Vương kiêm tổng chỉ huy quân tiến đánh nhà Trần lần 2 và lần 3 (1285-1288).
- Bị đánh bại bởi: Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật.
- Nơi bị đánh bại: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Bạch Đằng.
Toghon hay Thoát Hoan (chữ Hán: 脫歡, chữ Mông Cổ: ᠲᠣᠭᠠᠨ, Тогоон, Toγan) là hoàng tử con trai thứ 9 của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, vị Hoàng đế lập ra triều đại nhà Nguyên trong lịch sử Trung Quốc.
Là con trai của Hoàng đế lập quốc nhà Nguyên, lẽ ra ông ta sẽ có một cuộc đời với chiến công oanh liệt nếu như không đem quân xuống phương Nam. Phải chăng đây là định mệnh của vị hoàng tử có lẽ là “đen đủi” nhất trong các tướng lãnh cao cấp cầm quân của nhà Nguyên Mông.
Tước phong Trấn Nam Vương nhưng không có chỗ dùng
Năm Chí Nguyên thứ 21 nhà Nguyên, tức năm Thiệu Bảo thứ 6 nhà Trần (1284), Nguyên Thế Tổ chuẩn bị đánh Đại Việt, phong cho Thoát Hoan làm Trấn Nam vương vào ngày 3 tháng 6, sai đóng ở Ngạc Châu.
Tháng 7 năm đó, ông được lệnh đi đánh Chiêm Thành qua đường Đại Việt. Trần Thánh Tông không đồng ý cho mượn đường. Tháng 12, Thoát Hoan dẫn các tướng đi đánh Đại Việt.
Thoát Hoan chiến thắng khá dễ dàng tại Vạn Kiếp và sông Đuống nhưng lại chỉ chiếm được một kinh thành Thăng Long trống rỗng, khiến cho tình hình thiếu lương thực trở nên căng thẳng. Có vẻ như cái chức “Trấn Nam Vương” chỉ là hữu danh vô thực, kinh đô chiếm được chỉ là một cái thành rỗng thì “Trấn” ai đây và làm “Vương” của ai đây?
Để bảo vệ nơi chiếm đóng, ông ta cho dựng 2 căn cứ kề nhau ở Hàm Tử và Chương Dương ngay trên bờ sông Hồng. Thoát Hoan không hề biết rằng, định mệnh trêu ngươi sẽ khiến cho toàn quân của Trấn Nam Vương thảm bại tại chính 2 căn cứ ấy.
“Cầm Hồ Hàm Tử Quan”
Trận Hàm Tử và Tây Kết đã mở màn cho kết cục bi thảm của toàn quân Thoát Hoan.
Lúc đó, Thanh Hóa có cánh quân Toa Đô đóng giữ. Sau một thời gian không bắt được vua Trần, Toa Đô cùng Ô Mã Nhi mang quân trở lại phía bắc để phối hợp với Thoát Hoan.
Trần Nhân Tông sai Trần Nhật Duật làm chánh tướng, Chiêu Thành Vương và Trần Quốc Toản làm phó tướng đi cùng với Nguyễn Khoái mang 5 vạn quân ra bắc đánh quân Nguyên ở Hàm Tử.
Trần Nhật Duật gặp binh thuyền Toa Đô ở bến Hàm Tử, bèn chia quân ra đánh. Hai bên chống nhau ác liệt. Toa Đô thua to.
Sau khi thua, cánh quân Toa Đô đóng ở sông Thiên Mạc tìm cách liên lạc với Thoát Hoan. Biết tin quân Thoát Hoan đã thất bại và rút chạy, Toa Đô bèn lui về Tây Kết (Khoái Châu). Ngày 24 tháng 6 năm 1285, Trần Hưng Đạo trực tiếp chỉ huy quân đánh Toa Đô tại Tây Kết. Toa Đô và Ô Mã Nhi thua, bỏ thuyền đi đường bộ ra phía biển. Trên đường chạy, Toa Đô bị quân Đại Việt bao vây, sau cùng bị tướng Vũ Hải của nhà Trần chém đầu.
“Đoạt sóc Chương Dương Độ”
Ngay sau khi Trần Nhật Duật và Vũ Hải dương uy tại Hàm Tử, Tây Kết không lâu thì trận Chương Dương cũng đi vào lịch sử, vinh danh người anh em của vua Trần là Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Tướng quân Phạm Ngũ Lão.
Trần Nhật Duật sai Trần Quốc Toản về Thanh Hoá báo tin thắng trận. Trần Quốc Tuấn bàn với Trần Nhân Tông quyết định mang toàn quân ra bắc đánh Thoát Hoan để lấy lại Thăng Long. Trần Quang Khải ở Nghệ An mới ra được cử làm chánh tướng, Phạm Ngũ Lão và Trần Quốc Toản làm phó tướng; lại truyền lệnh cho Trần Nhật Duật phải ngăn không cho Toa Đô hợp binh được với Thoát Hoan.
Đại quân Thoát Hoan đóng ở Thăng Long cũng trong tình trạng lương thực sắp cạn, các chiến thuyền đóng ở bến Chương Dương.
Trần Quang Khải tiến ra bắc khá thuận lợi. Quân Trần nhanh chóng diệt nhiều đồn nhỏ của quân Nguyên, kết hợp dụ hàng quân người Hoa bỏ hàng ngũ quân Nguyên. Trong khi đó, Trần Nhật Duật cũng giữ lại một số quân để cầm chân Toa Đô, còn chia một số sang hợp với cánh quân Trần Quang Khải. Nhiều toán quân nhà Trần trước kia bị tản mát, chưa tìm được vào Thanh Hoá, lúc đó gặp quân Trần Quang Khải đã cùng gia nhập nên lực lượng càng mạnh lên. Quân Trần chiếm được nhiều thuyền của địch ở bến đò.
Quân Trần tiếp tục ngược sông Hồng phản công quân Nguyên. Trần Quang Khải cùng Phạm Ngũ Lão và Trần Quốc Toản đã tấn công quân Nguyên ở Chương Dương (huyện Thường Tín). Quân Nguyên thường thấy quân Trần bị thua, khi đó thấy quân Trần đánh mạnh nên bị bất ngờ, tan tác bỏ chạy. Phần lớn các chiến thuyền quân Nguyên bị quân Trần đốt cháy hoặc chiếm.
Đào thoát khỏi Thăng Long
Sau các trận phản công thắng lợi trên sông Hồng, quân Trần quyết định tấn công giải phóng kinh thành Thăng Long. Lực lượng tham gia gồm các đơn vị thủy bộ chủ lực do Trần Quang Khải chỉ huy. Các đơn vị dân binh các địa phương lân cận do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Truyền chỉ huy. Sau khi đánh bại đơn vị quân Nguyên ngoài thành do Mã Vinh chỉ huy, quân Trần bắt đầu bao vây và công thành.
Tài liệu thời Nguyên chép rằng: “Thủy lục đến đánh đại doanh, vây thành mấy vòng, tuy chết nhiều nhưng quân tăng thêm càng trở nên đông, quan quân sớm tối đánh rất khốn đốn, thiếu thốn, khí giới đều hết”, và: “Người Giao chống đánh quan quân, tuy mấy lần thua tan, nhưng quân tăng càng đông, quan quân mỏi mệt, tử thương cũng nhiều, quân mã Mông Cổ không thể nào thi thố tài năng được” [1].
Trước sức tấn công mạnh mẽ và bền bỉ của quân Trần, quân Nguyên phải rút chạy khỏi thành Thăng Long về đóng ở bờ Bắc sông Hồng (khoảng Gia Lâm ngày nay). Tại đây, đồn trại của quân Nguyên vẫn liên tục bị tấn công.
Toàn quân tan tác, kẻ còn người mất
Ngày 10 tháng 6 năm 1285, Trần Quốc Tuấn và Hưng Ninh vương Trần Tung dẫn hơn 2 vạn quân tấn công quân Nguyên ở bờ bắc sông Hồng. Quân Nguyên cử Lưu Thế Anh dẫn quân ra đối phó, nhưng đại bại. Quân Nguyên rút chạy về phía bắc.
Khi rút chạy đến sông Như Nguyệt (sông Cầu), quân Nguyên bị đơn vị của Trần Quốc Toản chặn đánh. Quân Nguyên thua, không sang sông được, phải chạy về phía Vạn Kiếp.
Chạy đến sông Sách (tức đoạn sông Thương chảy qua Vạn Kiếp), quân Nguyên bắc cầu phao định vượt sông, nhưng bị quân Trần do Trần Quốc Tuấn chỉ huy ập vào đánh. Lý Hằng đẩy lui được mũi quân Trần tấn công vào lưng quân Nguyên, chém được tướng Đại Việt là Trần Thiệu. Nhưng một mũi quân Trần khác lại đánh vào sườn đội hình quân Nguyên đang vượt cầu phao. Quân Nguyên xô nhau chạy, cầu phao đứt, nhiều binh sĩ bị chết đuối.
Sau khi vượt qua sông Sách, quân Nguyên chạy về hướng Tư Minh. Lý Hằng được cử chặn hậu, đề phòng quân Trần truy kích. Đến Vĩnh Bình, quân Nguyên lại bị quân Trần do Trần Quốc Hiến (Trần Quốc Nghiễn) chỉ huy chặn đánh. Lý Hằng bị trúng tên độc. Tương truyền, quân Nguyên phải giấu Thoát Hoan trong ống đồng để chạy trốn. Khi về đến Tư Minh, Lý Hằng ngấm thuốc độc chết, thọ 50 tuổi.
Mộng xâm lăng chưa dứt, định mệnh thất bại lần cuối
Sau thất bại nặng nề năm 1285, sự kiêu hãnh của Đế quốc Nguyên Mông vô địch không cho phép Hốt Tất Liệt bỏ qua cho nhà Trần. Sự đen đủi một lần nữa không buông tha cho Thoát Hoan khi ông ta lại được chỉ định làm tổng chỉ huy của cuộc xâm lăng lần này.
Trong khi đó, đối thủ ở bên kia biên giới dường như chẳng coi việc xâm lăng này là một mối đe dọa gì lớn lắm.
Tháng 6 âm lịch, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu cho vương hầu, tôn thất chiêu mộ binh sĩ. Nhà vua hỏi Hưng Đạo vương:
– Thế giặc năm nay thế nào?
Trần Quốc Tuấn trả lời:
– Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh. Cho nên, năm trước quân Nguyên vào cướp, thì có kẻ đầu hàng trốn chạy. Nhờ uy tín của tổ tông và thần võ của bệ hạ, nên quét sạch được bụi Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa. Vả lại, chúng còn nơm nớp cái thất bại của Hằng, Quán không còn chí chiến đấu. Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn”.
Mất lương Vân Đồn, toàn quân nao núng
Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp vốn được giao cầm quân thuỷ mở đường cho đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, Phí Củng Thìn theo sau. Sau khi đánh lui được quân Trần, Ô Mã Nhi cho rằng thế quân Trần yếu không đáng lo, bèn tiến sâu vào nội địa để hội binh với Thoát Hoan và truy đuổi vua Trần.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư được giao trấn giữ đường biển nhưng đánh thua, đành để quân Nguyên đi qua. Khi vua hỏi tội, Khánh Dư xin khất vài ngày để chuộc tội.
Đầu năm 1288, đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ kéo đến Vân Đồn, bị quân Trần Khánh Dư tập kích. Không có quân chủ lực bảo vệ, quân của Trương Văn Hổ mau chóng bị tiêu diệt. Văn Hổ cố gắng kéo vào đất liền nhưng đến Lục Thuỷ thì thuyền quân Trần đổ ra đánh càng đông. Hổ đại bại, đổ cả thóc xuống biển vì không muốn lọt vào tay quân Trần, rồi bỏ chạy về Quỳnh Châu.
Thuyền lương của Phí Củng Thìn kéo theo sau, mới đến Huệ Châu đã gặp bão, trôi giạt tới Quỳnh Châu. Đoàn thuyền lương do Từ Khánh chỉ huy thì đi lạc tới Chiêm Thành rồi quay trở lại Quảng Đông. Như vậy, các thuyền lương của quân Nguyên mất hoàn toàn. Thế là kết cục thê thảm đã chờ đợi sẵn Thoát Hoan và đoàn quân xấu số kia ở Thăng Long vậy.
Bị vây ở Vạn Kiếp, phải rút quân gấp
Thoát Hoan vây đánh Thăng Long, chờ mãi không thấy thuyền lương của Trương Văn Hổ tới, bèn sai Ô Mã Nhi đi đón. Ô Mã Nhi khi đi tìm đoàn thuyền lương đã bị tập kích ở cửa Văn Úc (ngày 10 tháng 2 năm 1288) và trên biển gần Tháp Sơn, bị thiệt hại nặng mà vẫn không thấy Trương Văn Hổ đâu, đành quay về Vạn Kiếp.
Ở Thăng Long không có lương thực, Thoát Hoan lúng túng. Đã vậy, quân Đại Việt đã phản công mạnh mẽ và kiểm soát vùng Hải Dương và Hải Phòng, đẩy Thoát Hoan vào nguy cơ bị cắt đường về Vạn Kiếp. Trước tình hình như vậy, Thoát Hoan rút quân khỏi Thăng Long quay về Vạn Kiếp, sai Abaci đi tiên phong mở đường.
Nguyên sử [2] chép rằng quân Nguyên bị dịch bệnh rất nhiều, không thể tiếp tục tiến binh nên phải lui trở lại.
Tại Vạn Kiếp, quân Nguyên cố thủ trong các thành gỗ nhưng thường xuyên bị quân Đại Việt tập kích vào ban đêm. Tình hình thiếu lương thực càng ngày càng trầm trọng. Thoát Hoan quyết định rút quân khỏi Đại Việt. Lúc đó là vào khoảng cuối tháng 3 năm 1288, tức là chỉ 3 tháng sau khi tiến quân vào Đại Việt. Quân Nguyên chia làm 2 ngả rút về, một ngả của thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy. Một ngả của bộ binh do Thoát Hoan chỉ huy.
Trận Bạch Đằng chôn vùi uy danh Trấn Nam Vương
Để bảo vệ cho thủy quân rút lui, Trình Bằng Phi và Tacu được Thoát Hoan phái đi hộ tống, nhưng bị chặn đánh liên tục phải quay về Vạn Kiếp đi cùng đại quân bộ. Đoàn thuyền của Ô Mã Nhi không có bộ binh bảo vệ đã bị chặn đánh liên tục, mãi tới ngày 8 tháng 4 năm 1288 mới tiến tới Trúc Động định vào sông Giá. Tuy nhiên, quân Đại Việt đã ngăn được quân Nguyên vào sông Giá, khiến Ô Mã Nhi phải tiến vào sông Bạch Đằng.
Tại đây, quân Đại Việt bố trí một trận địa cọc ngầm. Một lực lượng lớn bộ binh Đại Việt lại trú tại Tràng Kênh chờ đánh vào sườn phải quân Nguyên khi họ vào sông Bạch Đằng, còn một lực lượng lớn nữa trú tại khu rừng bên tả ngạn sông sẽ đánh vào sườn trái đối phương. Thủy quân Đại Việt thì ẩn náu trên các sông khác thông với sông Bạch Đằng.
Sáng ngày 9 tháng 4 năm 1288, thủy quân Nguyên tiến vào sông Bạch Đằng, thấy thủy quân Việt liền đuổi đánh, song va phải các cọc ngầm và bị chặn lại. Quân Đại Việt từ khắp các hướng đổ ra đánh. Đích thân vua Trần và Trần Hưng Đạo cầm quân tham chiến. Quân Đại Việt đã bắn rất nhiều mũi tên vào quân Nguyên. Thủy triều rút làm cho số thuyền bị cọc nhọn làm vỡ càng tăng. Đến chiều, toàn bộ cánh quân thủy của quân Nguyên bị tiêu diệt. Tướng Trần là Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ. Phàn Tiếp bị thương, nhảy xuống nước, bị quân Trần dùng câu liêm móc lên, bắt sống. Siragi và Lý Thiên Hựu cũng bị bắt sống. Quân Nguyên bị chết rất nhiều, hơn 400 chiến thuyền lọt vào tay quân Trần. Gần như toàn bộ thuỷ quân Nguyên bị tiêu diệt.
Cả đời không được gặp mặt cha nữa
Hai lần thất trận nặng ở Đại Việt của Thoát Hoan khiến Nguyên Thế Tổ giận dữ. Năm Chí Nguyên thứ 28 (1291), ngày 16 tháng 2, Thoát Hoan được lệnh tới Dương Châu trấn thủ. Từ đó, ông không được về kinh đô chầu Thế Tổ Hoàng đế cho tới khi chết.
Khoảng niên hiệu Đại Đức thứ 5 (1301), Trấn Nam vương Thoát Hoan qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi.
(Còn tiếp…)
Tĩnh Thuỷ
Chú thích:
[1] Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm (1972) trích dẫn Kinh tế đại điển tự lục và Nguyên sử quyển 209.
[2] Nguyên sử:
Bản tiếng Việt: https://sites.google.com/site/quankhoasu/nguyen-su
Bản tiếng Hán: http://www.guoxue.com/shibu/24shi/yuanshi/yuas_128.htm