Đại Kỷ Nguyên

Nội bộ hắc ám của vận động trấn phản: Giết người theo tỷ lệ

Đầu năm 1950, ngay sau khi ĐCSTQ đoạt chính quyền, nó đã phát động cái gọi là “Cuộc vận động trấn áp phản cách mạng”, gọi tắt là “Trấn phản”. Mao Trạch Đông đích thân đặt định chỉ tiêu và tỷ lệ giết người, đồng thời yêu cầu mọi miền toàn quốc “đại sát vài đợt”. Chỉ trong nháy mắt, một trận cuồng phong mưa máu gió tanh đã quét qua toàn Trung Quốc, hàng triệu người có thể đã bị hại chết.

Chào mừng các bạn đến với “Trăm năm chân tướng”!

Hôm nay, chúng ta sẽ kể về cuộc vận động giết người quy mô lớn đầu tiên của ĐCSTQ.

“Thời cơ ngàn năm khó gặp” đáng sợ

Trong những ngày đầu ĐCSTQ mới kiến lập chính quyền, chỗ đứng bất ổn, dân tâm bất phục, phản kháng bộc phát ở một số nơi khá ác liệt.

Vào tháng 3 năm 1950, Trung ương ĐCSTQ đã liên tiếp ban hành “Chỉ thị về tiễu diệt thổ phỉ và kiến lập trật tự cách mạng mới” và “Chỉ thị về trấn áp các hoạt động phản cách mạng”, bắt đầu chiến dịch “Trấn phản”. Tuy nhiên, đương thời, nó không có lực lượng trấn áp toàn diện. Đến tháng 6 năm 1950, Mao Trạch Đông vẫn nói trong nội bộ đảng là không thể tứ diện xuất kích.

Với sự bùng phát của Chiến tranh Triều Tiên và sự thất bại của quân đội Bắc Triều Tiên, ĐCSTQ chuẩn bị xuất binh. Mao Trạch Đông tin rằng cơ hội để phóng tay “trấn phản” đã đến. Theo lịch sử ĐCSTQ ghi chép, Mao Trạch Đông nói với bộ trưởng Bộ Công an La Thụy Khanh: “Đừng lãng phí thời cơ này, trấn áp khủng bố phản cách mạng chỉ có một lần này, sau này sẽ không còn cơ hội. Ngàn năm khó gặp, các bạn phải vận dụng tốt vốn liếng này”.

Tại sao lại là “cơ hội ngàn năm khó gặp”? Lãnh đạo ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ đã nói một cách trực tiếp hơn. Ông ta nói: “Vì tiếng chiêng tiếng trống của kháng Mỹ viện Triều đã vang lên, ảnh hưởng rất dũng mãnh, còn chiêng trống của cải cách ruộng đất, chiêng trống của trấn phản thì nghe không được như thế, phải làm tốt. Nếu không có tiếng chiêng tiếng trống kháng Mỹ viện Triều lợi hại như thế, thì chiêng trống cải cách ruộng đất và trấn phản sẽ không thể đánh lên được. Đánh chết một địa chủ ở đây, đánh chết một địa chủ ở kia, đến đâu cũng náo…. rất nhiều sự việc làm chưa tốt”.

Ngày 8 tháng 10 năm 1950, Mao Trạch Đông ra lệnh tổ chức lại Quân đội biên giới Đông Bắc thành quân tình nguyện, chuẩn bị tiến vào Triều Tiên tham chiến. Ngày hôm sau, ông ta gọi La Thụy Khanh, bộ trưởng Bộ Công an, Bành Chân, tổ trưởng Tiểu tổ Lãnh đạo Chính Pháp Trung ương và những người khác đến Trung Nam Hải, yêu cầu họ soạn thảo một văn kiện trong đêm để trấn áp phản cách mạng. Vào ngày 10 tháng 10, Mao đích thân chủ trì việc thông qua “Chỉ thị về trấn áp các hoạt động phản cách mạng” mới, còn được gọi là “Chỉ thị song thập”, quyết định triển khai toàn diện cuộc vận động “Trấn phản” trên quy mô lớn. 

Tháng 1 năm 1951, Mao Trạch Đông nói rõ, tất cả các địa phương trên toàn quốc sẽ “đại sát vài đợt” và ban hành chỉ lệnh hành động giết người đặc biệt đối với các thành phố lớn, nói rằng: Ngoại trừ vùng Đông Bắc, nói chung, các thành thị lớn đã không thực hành nghiêm túc quy mô lớn; Bắt đầu từ bây giờ trở đi, nên bắt đầu làm như thế, không thể muộn hơn.

Sau đó, Mao bắt đầu đưa ra các chỉ tiêu giết người cụ thể cho nhiều nơi.

Mao định ra chỉ tiêu giết người

Theo các tài liệu lịch sử do Dương Khuê Tùng, giáo sư lịch sử tại Đại học Sư phạm Hoa Đông biên soạn, vào ngày 21 tháng 1 năm 1951, Mao nói trong một bức điện tín gửi Thành ủy Thượng Hải: “Ở một thành thị lớn như Thượng Hải, trong nội một năm nay, e rằng một hoặc hai nghìn người sẽ cần phải bị hành quyết, mới có thể giải quyết vấn đề… Phương diện Nam Kinh, thỉnh Cục Hoa Đông chỉ đạo thành ủy bố trí các cuộc điều tra thẩm vấn, phấn đấu xử tử một hoặc hai trăm phần tử phản động quan trọng nhất trong mùa xuân”.

Vào ngày 22 tháng 1, Mao nói với người phụ trách phân cục Hoa Nam của ĐCSTQ ở tỉnh Quảng Đông, nói: “Các bạn đã giết hơn 3.700 người, điều đó rất tốt. Lại giết thêm 3.000 đến 4.000 người nữa… năm nay chúng ta có thể nhắm mục tiêu giết 8.000 đến 9.000 người”.

Vào tháng 2, theo gợi ý của Mao, Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận về vấn đề tỷ lệ giết người: “Đã quyết định chiểu theo tỷ lệ một phần nghìn nhân khẩu, trước tiên giết một nửa con số này, sau đó xem xét tình hình để đưa ra quyết định”.

Đương thời, dân số Trung Quốc là 550 triệu người, và một nửa phần nghìn là 275.000 người.

Mao Trạch Đông trực tiếp thúc đẩy và bố trí, tấn tốc dẫn khởi ảnh hưởng ở các địa phương. Lãnh đạo các khu vực, tỉnh, quận, thành phố nhao nhao bày tỏ ủng hộ, chủ động báo cáo hành quyết vượt kế hoạch, nhưng đa số vẫn chưa đạt đến yêu cầu.

Giữa tháng 2 năm 1951, Mao gọi điện cho những người phụ trách của Thượng Hải và Nam Kinh, nói: Thượng Hải là thành phố lớn, dân số 6 triệu người, theo tình huống thực tế là Thượng Hải bắt giữ hơn 20.000 người, chỉ giết hơn 200 người, tôi nghĩ rằng vào năm 1951, ít nhất nên giết khoảng 3000 người. Trong nửa đầu năm, ít nhất phải giết 1.500 mạng người.

Mao cũng nói, phương diện Nam Kinh, theo bức điện của Kha Khánh Thi gửi cho Nhiêu Sấu Thạch vào ngày 3 tháng 2, 72 người đã bị giết, và 150 người khác đã được lên kế hoạch giết, con số này dường như quá nhỏ. Nam Kinh là một thành phố lớn với dân số 500.000 người và là thủ đô của Quốc dân đảng: “Có quá ít người bị giết ở Nam Kinh, nên có nhiều người hơn bị giết ở Nam Kinh”.

Ngay sau đó, Mao tiếp tục chỉ thị cho Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Nam Kinh, Quảng Châu, Thanh Đảo, Vũ Hán và các thủ phủ cấp tỉnh khác “đại sát một số đợt”.

Dưới áp lực dồn dập, vào ngày 17 tháng 2 năm 1951, La Thụy Khanh, bộ trưởng Bộ Công an, đích thân chỉ huy bắt 675 người ở Bắc Kinh trong một đêm, và 58 người đã bị hành quyết công khai vào ngày hôm sau. Vào tối ngày 7 tháng 3, 1.050 người khác đã bị bắt và 199 người đã bị hành quyết vào ngày 25 tháng 3.

Vào tháng 3, thành phố Thiên Tân đệ trình một kế hoạch lên Trung ương ĐCSTQ, lên kế hoạch hành quyết thêm 1.500 người khác ngoài 150 người đã bị hành quyết. Thành ủy Thượng Hải tuyên bố với Trung ương ĐCSTQ rằng họ sẽ bắt giữ 10.000 người và giết 3.000 người, ngoài số 1.068 người bị bắt giữ và hơn 100 bị hành quyết đã được thực hiện.

Kể từ đó, Thượng Hải đã bắt giữ 8.359 người vào ngày 27 tháng 4 năm 1951, giết 285 người vào ngày 30 tháng 4, giết 28 người vào ngày 9 tháng 5 và giết 284 người khác vào ngày 15 tháng 6. Sau đó, cứ vài ngày lại có một nhóm người bị bắn. Đến đầu tháng 11, ước khoảng 2.000 người đã bị hành quyết ở Thượng Hải.

Để thực hiện chỉ tiêu giết người, Mao Trạch Đông còn chỉ thị, phê chuẩn thẩm quyền hành quyết từ cấp tỉnh xuống cấp khu vực, thậm chí phê chuẩn việc giết người vượt quá chỉ tiêu do trung ương quy định.

Lạm sát thành phong trào

Trên thực tế, cuộc vận động “Trấn phản” ngay từ đầu rõ ràng đã có khuynh hướng giết người bừa bãi.

“Trấn phản” bắt đầu từ tháng 3 năm 1950, nhưng phải đến gần một năm sau, vào ngày 21 tháng 2 năm 1951, sau khi hàng vạn, thậm chí hàng trăm nghìn người bị giết, Chính vụ viện ĐCSTQ mới ban bố “Điều lệ trừng trị phản cách mạng”, nói cho công chúng biết ai là “phản cách mạng”. Nhưng cái gọi là 12 loại “phản cách mạng” được liệt kê trong điều lệ này, phạm vi định nghĩa rất rộng, không có tiêu chuẩn khách quan nghiêm ngặt để giới định tội hành, mà quy định rằng phản cách mạng đều có thể bị xử tử hình. Điều này đã mở ra cổng lớn cho phương tiện giết người oan uổng vô tội.

Ví dụ, luật sư Quách Quốc Đinh trong bài báo “Sự trắc trở của con đường luật sư: Ác bá của oan sát” đã kể một câu chuyện: Trịnh Quan Sầm, người Trường Đinh, Phúc Kiến, sinh ra trong một gia đình thư hương nhiều thế hệ, được giáo dục cao đẳng, cống hiến cả đời cho sự nghiệp giáo dục, không có dân oán hay nợ máu. Chỉ vì trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, ông đã làm bí thư đảng bộ huyện của Quốc dân đảng trong ba năm, liền bị liệt vào phần tử phản cách mạng lịch sử và bị bắt, họ khăng khăng buộc lên Trịnh Quan Sầm tội lỗi của người khác. Trong vụ án của Trịnh Quan Sầm, không có bút lục thẩm phán, không có tài liệu truy tố, không có tài liệu khai báo nhận tội của bị cáo, thậm chí cũng không có lời khai của nhân chứng, chỉ vì một lời buộc tội của cục trưởng công an mà ông ấy dễ dàng bị bắn chết.

Những ví dụ khác, Tra Xu Khanh, cha của tiểu thuyết gia võ hiệp Hồng Kông Kim Dung; Trần Tín Ngọc, cha của Lương Vũ Sinh; Chu Mại Tiên, con trai của nhà văn Chu Tự Thanh và những người khác, cũng đều bị sát hại trong thời kỳ “Trấn phản”.

Ngoài ra, còn có 242 tướng lĩnh cao cấp của Trung Hoa Dân Quốc đã “khởi nghĩa”, đầu hàng hoặc bị bắt trong cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng đã bị giết, trong đó bao gồm 4 thượng tướng và nguyên lão của Cách mạng Tân Hợi, 78 trung tướng, và 159 thiếu tướng.

Doãn Thự Sinh, nguyên phó sở trưởng Sở Công an tỉnh An Huy, trong bài báo “Cuộc vận động giết người kinh tâm động phách”, đã viết: “Đương thời, các nhà lãnh đạo đảng, chính phủ và quân đội trên cả nước đều bận rộn giết người, và họ giết người một cách vội vội vàng vàng. Có người hôm trước bị bắt, hôm sau bị bắn, thậm chí bị bắn ngay trong ngày, bắt ban đêm, sáng ra đã bắn”. “Trong cán bộ lãnh đạo các cấp của đảng, chính phủ, quân đội chỉ huy vận động trấn phản, tình tự tràn đầy cánh tả là phổ biến, yêu cầu bắt nhiều hơn, giết nhiều hơn”. 

Đặc khu Liễu Châu ở Quảng Tây yêu cầu giết 5% dân số, Tỉnh ủy Quý Châu yêu cầu giết 3% dân số. Theo thống kê của Tỉnh ủy Quảng Tây và Cục Công an lúc bấy giờ, trong số những người bị hành quyết, có tới 30% số người là không đáng giết.

Phô trương cờ trống giết người

Vào tháng 12 năm 1950, Lưu Thiếu Kỳ, lãnh đạo ĐCSTQ, phát biểu tại một cuộc họp của các cán bộ cấp cao: “Nếu mỗi vụ giết người đều cần báo cáo, thì việc tuyên truyền quá nhiều trên báo có thể sản sinh tác dụng phụ, như khả năng một số người có thể nghi hoặc rằng chúng ta đã ‘giết quá nhiều người’, ‘hành động quá lửa’, v.v.”

Tuy nhiên, vào ngày 30 tháng 3 năm 1951, Mao Trạch Đông đã sửa lại chỉ thị này. Ông ta nói: “Ở rất nhiều nơi, sợ đầu sợ đuôi, không dám trương cờ đánh trống giết phản cách mạng. Loại tình huống này phải thay đổi lập tức”.

Sau đó, các đại hội xét xử công khai quy mô lớn phô trương thanh thế được cử hành ở nhiều nơi, phán quyết được tuyên ngay tại chỗ, sau đó áp giải đến pháp trường để hành quyết, thậm chí có người còn bị hành quyết ngay tại chỗ. Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ cũng đại lực báo cáo.

Có bao nhiêu người Trung Quốc bị sát hại trong “Trấn phản”?

Căn cứ theo số liệu do Trung ương ĐCSTQ công bố vào cuối tháng 5 năm 1951, 1,5 triệu người đã bị bắt và 500.000 người bị giết, về cơ bản đạt được mục tiêu của Mao Trạch Đông là giết một phần nghìn dân số cả nước.

Tuy nhiên, sát hình đã mở, một số địa phương giết người đỏ mắt, căn bản không thể dừng lại được. Từ tháng 5 năm 1951 đến khi kết thúc cuộc vận động “Trấn phản” vào mùa thu năm 1953, thêm 200.000 người nữa bị hành quyết trên khắp đất nước.

Vào tháng 1 năm 1954, Từ Tử Vinh, thứ trưởng Bộ Công an, tuyên bố trong một báo cáo, rằng có tổng cộng 2,62 triệu người bị bắt và 712.000 người bị giết trên toàn quốc, chiếm 1,31% dân số cả nước. Trong số đó, 543.000 người bị giết chủ yếu trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 năm 1951. Con số này vượt quá 40 vạn người so với tổng số người thiệt mạng trong ba chiến dịch lớn của cuộc nội chiến Liêu Thẩm, Bình Tân và Hoài Hải giữa Quốc Dân đảng và Cộng sản đảng.

Trên thực tế, các nạn nhân có thể còn nhiều hơn thế. Theo nghiên cứu của Dương Khuê Tùng, giáo sư lịch sử tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, số vụ hành quyết thực tế trên cả nước có thể cao hơn nhiều so với con số 712.000 vụ. Một số người ước tính rằng số người thiệt mạng thực tế là từ 1 triệu đến 2 triệu, thậm chí nhiều hơn.

Hậu quả của “Trấn phản”

Tân vương triều thời cổ đại sau khi kiến vị đều đại xá thiên hạ, thu phục nhân tâm. Sau khi quốc gia dân chủ hiện đại được kiến lập, đều là nỗ lực thiết pháp khiến dân chúng được “tự do không phải sợ hãi”. Nhưng sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, nó đã sử dụng giết người quy mô lớn để chế tạo tâm lý hoang mang trong dân chúng.

Trương Tư Chi, một luật sư nổi tiếng ở đại lục, trong bài báo “Lịch sử tôi đã trải qua – Phản tư bắt đầu bằng sự nghi ngờ”, viết rằng: “Tôi đã tận mắt chứng kiến ​​một vụ nổ súng hành quyết được thực hiện tại Thổ Thành, 70 người đã bị xử bắn. Tôi đã tận mắt nhìn thấy cả người bị bắn và kẻ sát nhân, tất cả đều run rẩy. Những người nổ súng đều là tân binh, tay họ đều run rẩy. Một số phạm nhân bị bắn nhiều lần, binh sĩ cũng sợ hãi, không thể bắn chính xác! Cảnh tượng vô cùng chấn động nhân tâm, tôi đứng không vững, tâm lý rất lâu không thể vượt qua được”.

Chỉ một vận động “Trấn phản”, máu tươi đã nhuộm đỏ Trung Hoa đại địa, khiến người Trung Quốc khiếp sợ ĐCSTQ. Trong các cuộc vận động chính trị tiếp theo, ĐCSTQ tiếp tục giết người, tiếp tục khoét sâu vào nỗi sợ hãi của người dân, mà cho đến nay, cảm giác sợ hãi này vẫn ăn sâu vào tận xương tủy của người dân Trung Quốc.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch

Exit mobile version