Nói chuyện cũng là một môn nghệ thuật, mà nắm chắc nó có thể mang tới thành công hay đơn giản là thu hút được thiện cảm của người khác, khiến bạn gặp nhiều lợi thế trong cuộc sống. Chìa khóa của việc nói hay đơn giản chỉ là tôn trọng đối phương, vì đối phương mà suy nghĩ cho họ.
Không biết bạn có từng chú ý đến, dường như những lời nói đơn giản hàng ngày, cũng sẽ mang đến những điều khác biệt trong cuộc sống, khiến con người đi theo một quỹ đạo khác biệt. Có lẽ bạn đang tự hỏi: Nói chuyện có quan trọng hay không?
“Không sao, đi chậm một chút, bọn mình vẫn chưa bắt đầu ăn”.
“Không sao, bọn mình chờ cậu đến mới ăn”.
Câu nói phía trước biểu thị sẽ không đợi người nghe, chỉ là thời gian ăn vẫn chưa đến.
Câu nói phía sau, biểu thị tôn trọng giá trị của người bạn, khiến người bạn nghe được cũng cảm thấy mình cần khẩn trương hơn tránh phụ tình bạn bè và tâm trạng cũng thoải mái vì được trân trọng.
Cùng một ý nghĩa nhưng cách biểu đạt khác nhau, thì hiệu quả cũng khác biệt. Đây chính là nghệ thuật nói chuyện, mà nếu phân tích ra, nó đơn giản chỉ là việc bạn đang nghĩ cho người khác, hay là vì bản thân mà suy nghĩ.
Từ đó có thể nói, trong cuộc sống này, chúng ta rất cần rèn luyện để nâng cao khả năng nói chuyện. Nếu làm được, có thể khiến cho người khác yêu thích, nghe những lời chúng ta nói mà cảm thấy vui vẻ.
Người biết cách nói chuyện cần phải tránh những điều cấm kỵ khiến càng nói càng bị ghét. Chú ý đến cách nói chuyện, trên thực tế cũng là đang xem xét kỹ lại nội tâm của bản thân mình, dù chỉ là một câu nói ngắn, một ý nhỏ, một lời bâng quơ cũng thể hiện bản chất cách chúng ta đỗi đãi với vấn đề và con người như thế nào.
Vậy thì có những điều cấm kỵ gì trọng nói chuyện? Chúng ta cùng xem giải thích ngắn gọn về 4 khía cạnh này nhé:
Nói chuyện không kiêng kị
Con người ai cũng thích có cảm giác được tôn trọng, nếu như không đạt được điều đó, thì người ta sẽ có giác bị thách thức, đả kích. Do đó, cần phải xem xét cảm giác này để bên kia có thể cảm thấy sự tôn trọng, chuyện gì cần nói, chuyện gì không cần nói, đều có một giới hạn nhất định.
Đừng trước mặt người khác mà vạch điểm yếu của họ, đừng đứng sau lưng người khác mà nói chuyện về họ, làm được việc quang minh chính đại, tâm không hổ thẹn, đây là những nguyên tắc cơ bản. Những điều này nhìn thì có vẻ là những đạo lý đơn giản nhưng vẫn luôn có những người không biết tới tiêu chuẩn này hoặc vi phạm vì không thể kiềm chế bản thân.
Những người luôn không biết tôn trọng người khác thường nói cay nghiệt, vô tình, sắc nhọn mang tính sát thương lớn. Nếu tâm tính độ lượng, miệng sẽ không bao giờ thảo luận những điểm mạnh yếu của người khác. Nhưng có câu rằng “làm anh hùng trong một khoảnh khắc không bằng làm hiền trí cả đời”.
Một người nói năng sắc nhọn và vô tình chỉ cho thấy người đó không đủ tính nhẫn nhịn, cho thấy chất lượng cuộc sống của anh ta rất thấp. Những người như thế này thường thích tính toán, việc lớn khó thành.
Không ngừng nói đạo đức và lặp đi lặp lại
Có người khi nói chuyện, không chú ý đến cảm xúc của người nghe, lúc nào cũng nói đạo đức, thậm chí còn cường điệu hơn, lặp lại ba bốn, điều này rất dễ mang đến cho người nghe cảm giác phản cảm.
Giống như thường xuyên nói: “tôi đã bảo rồi”, “tôi nói có đúng chưa”, “tôi nói cho mà biết”, “nghe đây này”… đây đều là những lời mà người ta thường hay nói, nói nhiều thành thói quen.
Và cả những cách nói cứ lặp đi lặp lại những từ thừa trong câu cũng sẽ vô tình mà làm người khác cảm thấy người nói có vấn đề về lô-gic hoặc thiếu khả năng suy nghĩ hay trí nhớ kém. Người nghe sẽ có cảm giác, “vậy người này làm sao có một bộ logic hoàn chỉnh để giải quyết các vấn đề đây”.
Vì thế nếu bạn trưởng thành hơn một chút, phải học cách để suy nghĩ chín chắn trong mọi vấn đề, không sử dụng ngôn ngữ lời nói một cách tùy tiện, theo thói quen. Khi bạn tư duy, suy nghĩ trên phương diện vì người khác, dưới cách tiếp cận của người khác, bạn sẽ nhận được rất nhiều kiến thức khác nhau, tích luỹ lâu dài sẽ càng ngày càng ưu tú và đẳng cấp, cuộc sống cũng lên một tầng cao mới.
Truyền đi những cảm xúc, thông điệp xấu và tiêu cực
Mọi người đều có từ trường riêng, và nó luôn phát ra năng lượng. Phát ra năng lượng tích cực có thể cung cấp cho mọi người động lực, nhưng nếu phát ra năng lượng tiêu cực, chỉ khiến người khác thấy mệt mỏi, chán nản theo. Nếu tâm trí luôn chứa đầy thông tin tiêu cực, cơ thể, tâm trí và tinh thần cũng sẽ trở nên tiêu cực.
Bi quan sẽ không làm cho cuộc sống con người trở nên tốt hơn, mà chỉ khiến nó tệ đi.
Ở bên cạnh những người luôn than vãn, kêu ca, đổ lỗi cho người khác, nói xấu người khác thì người nghe cũng sẽ dần cảm thấy bị ảnh hưởng tiêu cực mà xa lánh.
Nói nhỏ thiếu sức sống
Rất nhiều người khi nói chuyện rất nhỏ mà không phải do bẩm sinh hay các vấn đề về sức khỏe. Người khác phải cố gắng hết sức mới nghe được nội dung họ đang nói gì. Âm thanh quá nhỏ, thiếu sức sống và sự kiên định, dễ gây cảm giác thiếu thu hút và đáng tin cậy.
Muốn người khác có thiện cảm với mình, nên luyện tập cách nói chuyện sao cho người nghe không cảm thấy phiền hà khi khi nghe mình nói. Trước tiên hãy vứt bỏ những lời vô nghĩa, và đừng lặp lại nhiều lần, cố gắng đạt được sự tinh tế, biểu đạt chính xác. Điều tiếp theo là phải cẩn thận về mặt cảm xúc, biết giữ mồm giữ miệng. Nội dung cũng đừng truyền đi những tin tức và thông điệp tiêu cực. Lời nói là y phục của nhân cách, tu dưỡng lời ăn tiếng nói cũng chính là tu dưỡng nội tâm, phẩm hạnh của mình. Lời nói thay đổi, con người thay đổi thì vận mệnh tài phú cũng sẽ thay đổi.
Ngọc Linh
Theo Secretchina
Video: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm