Cổ cầm đứng đầu bảng trong tứ nghệ Cầm Kỳ Thư Họa của các bậc văn nhân tài tử xưa. Đây là nhạc khí tất yếu cần có để tu thân dưỡng tính của mỗi văn nhân.

Khổng Tử từng dạy: “Người quân tử lập chí hướng ở đạo, nắm chắc đức, dựa vào nhân nghĩa, vui chơi ở lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số”. Trong sách Lễ ký có nói: “Kẻ sĩ không nên chia lìa đàn cầm đàn sắt một cách vô cớ”. Khổng Tử cũng nói: “Hưng vượng là nhờ thi thư, đứng vững được là nhờ lễ giáo, thành là nhờ nhạc”.

Trong Tân Luận, Cầm Đạo Biên của Hoàn Đàm có thuyết: Xưa Thần Nông kế tiếp tộc Bào Hy (Phục Hy) làm vương thiên hạ, trên quan sát phép tắc của trời, dưới lấy theo phép tắc của đất, gần lấy theo quy luật bản thân, xa lấy theo quy luật của vật, thế là bắt đầu gọt đẽo cây ngô đồng làm đàn cầm, lấy dây thừng dây tơ làm dây đàn, để thông với đức của Thần linh, hợp với sự hài hòa tốt lành của đất.

Các văn nhân xưa gảy đàn, mục đích không chỉ đơn thuần là trình bày nhạc khúc, mà còn ẩn chứa sự hài hòa giữa người và tự nhiên, quan niệm về Thiên nhân hợp nhất của vũ trụ, sinh mệnh, giá trị đạo đức. Một người đang mang tâm sự mà gảy đàn, từ trong tiếng phát ra và tư thế khi gảy đàn của họ cũng có thể cảm nhận được. Lắng nghe một người chơi đàn cũng giống như đang đọc nội tâm của họ. Đàn giống như một chiếc gương, phản ánh thế giới nội tâm của con người. Mượn tiếng đàn để truyền tải, chính là từ tư thế và sự say mê với cây đàn của một người, có thể hiểu được khí chất và sở thích của họ.

Nhiều thư tịch cổ đề cập tới hai chữ “Cầm đức” chính là khái niệm dùng âm nhạc để giáo hóa, thông qua việc chơi đàn mà tu tâm dưỡng tính… Nguyên nhân vì thông qua việc chơi đàn, có thể hiểu được sự thăng trầm lên xuống trong cảm xúc của mình, từ đó hiểu được ưu khuyết điểm của bản thân. Thông qua việc thay đổi tư thế khi chơi đàn cho phù hợp và đúng theo yêu cầu cần có, từ đó ảnh hưởng tới việc điều chỉnh tâm lý bên trong, lâu dần có tác dụng thay đổi một cách tự nhiên cả tâm lẫn thân. Tiếng đàn thuần phác, không màng danh lợi có thể làm tâm thái người ta trở nên bình hòa, yên tĩnh, toàn thân thoải mái.

Vì vậy mới có câu nói, một người dưỡng thân không bằng dưỡng tâm, nghe đàn không bằng đích thân tự học đàn, tự bản thân thể nghiệm, cảm nhận sức ảnh hưởng của tiếng đàn. Niềm đam mê, yêu thích và sự thỏa mãn hài lòng chỉ có thể ngầm hiểu mà không thể truyền đạt thành lời.

Cấu tạo Cổ cầm: Vừa có núi có biển, lại có Phượng có Long

Cổ cầm dài khoảng 120-125cm, rộng khoảng 20cm, dày khoảng 6cm. Hình dáng mô phỏng theo hình dáng phượng hoàng, toàn thân ứng với thân phượng hoàng (cũng có thể nói tương ứng với thân người) bao gồm: đầu đàn, cổ đàn, vai đàn, lưng đàn, đuôi đàn, chân đàn.

Phần phía trên đầu đàn được gọi là phần trán, đoạn dưới phần trán có nạm gỗ cứng để buộc dây đàn, gọi là Nhạc Sơn (hay Lâm Nhạc ) là phần cao nhất của đàn. Phần đáy đàn có hai rãnh âm, nằm ở phần giữa đáy đàn kích thước lớn gọi là Rãnh Long, nằm ở phần đuôi của đáy đàn kích thước nhỏ hơn gọi là Rãnh Phượng, đây gọi là trên núi dưới biển vừa có Rồng lại vừa có Phượng, tượng trưng cho đất trời vạn vật. 7 dây của đàn được cột từ phần Thừa Lô, mắc qua phần Nhạc Sơn, Long Lợi, sau đó chuyển hướng xuống đôi Túc Nhạn nằm ở phần đáy đàn. Về vị trí của phím trên Cổ cầm, trong sách Cầm tiên của Thôi Tuân Độ đời Tống có viết: “13 phím tượng trưng cho tháng, phím ở giữa tượng trưng tháng nhuận”.

Phần hộp đàn của Cổ cầm là cả một khúc gỗ được khoét rỗng tạo thành, thành hộp khá dày và gồ ghề, do đó âm thanh của đàn thanh cao, ý vị. Phần đầu của bụng đàn có 2 rãnh âm là Thiệt Huyệt và Thanh Trì, phần đuôi của bụng đàn có một rãnh âm được gọi là Ý Chiểu. Đối ứng với Long Trì và Phượng Chiểu đều có phần nạp âm riêng. Phần đầu của nạp âm Long Trì có Thiên Trụ, phần đuôi có Địa Trụ, làm cho khi khảy đàn âm phát ra bị giữ lại không thoát đi được; Khi khảy đàn sẽ linh động hơn, lại có những ưu điểm sau: dây đàn khá dài, độ rung của dây đàn lớn, dư âm dài… do đó Cổ cầm mang những nét đặc sắc riêng của thủ âm. Cổ cầm còn có 3 loại âm sắc là: “âm phiếm”, “âm án” và “âm tản”, tượng trưng cho Thiên, Địa, Nhân hòa hợp.

Cầm Đức – Tác dụng giáo hóa của Cổ cầm

Nghệ thuật đàn cổ theo đuổi cái đẹp, không chỉ ở hình thức tráng lệ bên ngoài, mà còn ở chỗ hiểu rõ được những hàm ý bên trong. Giá trị của nó vượt hơn bản thân âm nhạc, ẩn chứa sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, vũ trụ quan thiên nhân hợp nhất, quan niệm về sinh mệnh và quan niệm về đạo đức. Nó là phương tiện để tu thân dưỡng tính, thức tỉnh trước lẽ phải, giáo hóa 4 phương, coi trọng “Cầm đức” cùng với “Cầm Đạo”.

Trong sách Cầm thao của Thái Ung có viết: “Xưa kia Phục Hy sáng tạo ra cây đàn cầm, dùng để chế ngự tà ma, đề phòng tâm phóng đãng, để tu dưỡng lý trí, để trở về với bản tính tiên thiên của mình”. Còn trong sách Nhạc ký có chép: “Người có Đức thì tính tình đoan chính, còn đối với người chơi nhạc thì có Đức mới đàn hay được”.

Âm điệu của Cổ cầm khiến người nghe có cảm giác thanh cao thoát tục, chính là vì cổ nhân có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng đối với thời gian, tâm ý, dáng vẻ, bầu không khí khi chơi. Vậy nên có thuyết giảng về “Lục kỵ, thất bất đàn” (6 điều kiêng kỵ và 7 điều cấm khi đàn). Ở đây “Lục kỵ” là chỉ về 6 hiện tượng thời tiết, gồm: giá rét, nóng nực, gió to, mưa to, sấm sét và tuyết lớn. “Thất bất đàn” gồm: Nghe tin có người chết, khi tấu nhạc ồn ào, khi nhiều việc, người không sạch sẽ, áo mũ không ngay ngắn, không đốt hương, và không gặp tri âm, đây đều là những lúc không thích hợp để chơi nhạc cụ này.

Thánh hiền và minh quân ngày xưa lấy Đức để giáo hóa nhân dân, thuận theo Đạo Trời và lòng dân. Ví dụ như chuyện Chu Công chế tác Lễ nhạc. Một lần, công tử Quý Trát của nước Ngô tới nước Lỗ, thỉnh cầu được thưởng thức âm nhạc của nhà Chu. Nước Lỗ phái nhạc sĩ diễn tấu bản nhạc “Tề phong” cho ông nghe. Quý Trát nghe xong khen: “Thật đẹp! Thật vang vọng! Thật sự là phong thái của nước lớn, đây là gương sáng của biển Đông, có lẽ là Khương Thái Công chăng? Tương lai nước Tề của ông ấy quả là không thể lường được”.

Lại diễn tấu cho ông ta nghe bài “Đại nhã”, ông ta nói: “Mênh mông lắm! Thanh âm thật hài hòa! Khúc chiết thư thái mà mạnh mẽ chính trực, chắc là tiết tháo của Văn Vương đúng không? Thời thịnh thế triều đại nhà Chu chính là như vậy!”. Biểu diễn bài “Thiều sao”, Quý Trát nói: “Hoàn mỹ, quảng đại vô biên giống như Trời cao bao trùm vạn vật, giống như Đất mẹ cõng tất cả trên mình. Đây là Đức lớn của Thiên thượng phải không?”.

Âm nhạc được cổ nhân gọi là âm thanh của Đức, chỉ có âm nhạc như vậy mới có thể diễn tấu ở chốn triều đình, truyền rộng khắp 4 phương, giáo hóa muôn dân.

Trong Bạch hổ thông Ban Cố chú giải về nội hàm của Cổ cầm như sau: Cổ cầm có nghĩa là cấm. Do đó cấm chỉ gian tà để quy chính lòng người.

Trong phần giới thiệu của Thần kỳ bí phổ đời Minh có đoạn: Cổ cầm là vật do Thánh nhân làm thành, để quy chính lòng người, để dẫn dắt chính sự, để hài hòa lục khí (âm dương gió mưa sáng tối), để điều hòa ngọc chúc (khí tiết tứ thời), là linh khí của trời đất, là thần vật của đời thái cổ, là âm nhạc để thánh nhân trị sửa thế sự, là vật để quân tử tu dưỡng.

Tác dụng giáo hóa của Cổ cầm có nội hàm cấm dâm tà và uốn nắn nhân tâm. Sách Cầm sử đời Tống có viết: “Xưa Thánh nhân tấu Cổ cầm, âm thanh của đất trời vạn vật đều ở trong đó”. Cổ cầm đứng đầu trong các nhạc cụ xưa, được coi là có phẩm đức ưu tú nhất, nên thích hợp làm công cụ cho người quân tử tu tâm dưỡng tính. Âm thanh Cổ cầm trầm lắng khoáng đạt, sâu xa, khiến người ta gột sạch lòng xao động mà tĩnh tâm lại, cảm thấy an hòa thư thái, thể nghiệm nội tâm vui tươi hòa ái. Tiếng nhạc trong trẻo tinh tế, khiến người ta cảm thấy tâm trí gợi mở, tâm tình u nhã, hóa giải bất bình, thăng hoa cảnh giới tâm hồn, đạt đến cảnh giới “Trung hòa”, đó chính là tác dụng “Nhạc giáo”.

Trong Hồng Lâu Mộng, có một đoạn Lâm Đại Ngọc mô tả về sự chuẩn bị kết hợp giữa hoàn cảnh và nội tâm khi chơi Cổ cầm như sau: Người chơi đàn, cũng cần tự giới cấm. Cổ nhân xưa khi chế tạo ra, vốn để tu sửa chính mình, tu dưỡng tính tình, ước thúc tà dâm, loại bỏ tâm lý xa hoa lãng phí. Nếu muốn chơi đàn, cần tĩnh tọa trong phòng ở tầng cao trai giới, hoặc ở trên đỉnh gác, hoặc ở nơi vách núi, vách đá, sơn thủy hữu tình. Nếu gặp ngày trời đất trong thanh, hài hòa, trăng sáng, cần đốt trầm hương ngồi tĩnh tọa, tâm không suy nghĩ tạp niệm, khí huyết bình hòa, tinh thần và thể xác mới có thể hòa hợp, mới có thể phù hợp với đạo, kết hợp lại thành những âm thanh thần diệu. Vì vậy, cổ nhân mới nói: Tri âm khó gặp. Nếu không có tri âm, thà rằng ngồi đối diện với thanh phong minh nguyệt, trăng thanh gió mát, tĩnh tĩnh mà lấy cảm hứng, mới không phụ Cổ cầm này.

Có câu nói là “Tận lễ dĩ tôn kỷ đạo”, nghĩa là tuân thủ lễ giáo và ý nghĩa để tôn trọng đạo. Khi trời mưa, gió, hoặc khi ở chợ, không được chơi cầm. Khi gặp bằng hữu hiểu biết về nhạc, khi leo lên nóc nhà, leo núi, nghỉ ngơi dưới thung lũng, ngồi trên đá hoặc bên dòng sông, dưới thời tiết trong xanh dễ chịu, đều là những thiên thời địa lợi nhân hoà để chơi cầm. Ngược lại, khi ở gần những người thô tục, chợ búa, trong không gian ồn ào dơ bẩn, thì không thích hợp để chơi cầm. Người chơi cầm nên chọn không gian phù hợp để chơi.

Chơi cầm là để tự truy tìm bản ngã, chứ không phải để tìm kiếm danh lợi. Vì vậy, chỉ nên biểu diễn cho những người tâm hồn lương thiện, còn không nên cất đàn vào túi và tự luyện tự thưởng. Nếu phải biểu diễn cho những người thô tục, khoe khoang, thì người chơi cầm nên giấu cầm đi và giả vờ như không biết chơi

Cổ nhân xem nghệ thuật Cổ cầm là cảnh giới thể hiện vẻ đẹp cao quý, có trí tuệ vượt ra ngoài thế gian, được xem là cảnh giới Thiên – Nhân hợp nhất, Thiên – Địa tương thông. Vậy nên âm nhạc Cổ cầm thể hiện sự sâu sắc của văn hóa truyền thống hơn so với các loại nhạc khí truyền thống khác, nó thể hiện cảnh giới tinh thần của Thánh nhân mà người tu Đạo cần phải có.

Theo Trần Vận Như, Secretchina
Kiên Định biên dịch

Video: Nguồn gốc, ý nghĩa của các điệu múa Lân – Sư – Rồng

videoinfo__video3.dkn.tv||aa66e0b89__

Từ Khóa: