Trong suốt cuộc đời mình, Tào Tháo là người luôn cầu khát và trọng dụng hiền tài. Ông đã thu phục được nhiều hào kiệt, cả văn lẫn võ, để làm người hỗ trợ đắc lực cho mình. Thế nhưng, một người luôn coi trọng nhân tài như Tào Tháo lại từng xuống tay với một nhân tài kiệt xuất, vì sao lại như vậy?
Tào Tháo là người hiểu rõ và trân trọng tài năng Quan Công nhất
Quan Vũ từ một vô danh tiểu tốt, trở thành danh tướng nổi danh thiên hạ cũng bắt đầu từ sự ủng hộ của Tào Tháo. Khi quân chư hầu do Viên Thiệu làm minh chủ đem quân đi đánh Đổng Trác, tướng của Đổng Trác là Kiêu kỵ Hiệu úy Hoa Hùng liên tiếp đánh bại Tôn Kiên, chém bộ tướng của Kiên là Tổ Mậu. Sau đó lại liên tiếp chém liền hai tướng, khiến Viên Thiệu than thở: “Tiếc rằng hai tướng Nhan Lương, Văn Xú chưa tới. Nếu có một người ở đây thôi, đâu cần phải sợ Hoa Hùng?”.
Lời Thiệu chưa dứt, Quan Vũ đã bước ra nói: “Tiểu tướng xin đi lấy đầu Hoa Hùng!”.
Quan Vân Trường lúc đó chỉ là một “mã cung thủ” vô danh tiểu tốt, cho nên Viên Thiệu và Viên Thuật không chấp nhận, sợ mất mặt trước Hoa Hùng. Duy chỉ có Tào Tháo ủng hộ Quan Vũ xuất trận, và mời Quan Công một chén rượu.
“Rượu đã rót ra, Quan mỗ sẽ trở lại ngay!” – Quan Công nói xong cầm đao lên ngựa. Không lâu sau đã thấy Quan Vũ đem đầu Hoa Hùng về.
Vì thế có thơ ca ngợi Quan Vũ rằng:
Trống trận nổi thùng thùng,
Vẳng nghe nhạc ngựa rung.
Chén rượu vẫn còn nóng,
Đã thấy thủ Hoa Hùng.
Năm 200, Tào Tháo tiến đánh Từ Châu, quân của Lưu Bị không chống nổi, bị thua tan tác. Lưu Bị bỏ chạy sang Hà Bắc theo Viên Thiệu, Trương Phi trốn về Nhữ Nam, gia quyến Lưu Bị đều bị bắt. Quan Vũ không có đường chạy, buộc phải đầu hàng Tào Tháo, theo về Hứa Xương.
Khi Quan Vũ quy hàng, dù bất đắc dĩ phải “Thân tại Tào doanh…”, nhưng Quan Công ra điều kiện rằng: “Chỉ hàng Hán chứ không hàng Tào và nếu biết Lưu Bị ở đâu thì sẽ đi tìm ngay”. Điều kiện vô lý này cũng được Tào Tháo chấp nhận, với hy vọng sẽ cảm hóa thu phục được Quan Vũ.
Tào Tháo vốn là người rất tiết kiệm nhưng để thu phục tướng tài, ông không chỉ ban tặng mỹ nữ Giang Nam, mà còn ban rượu ngon, sơn hào hải vị, bạc vàng tơ lụa. Ngay cả con báu vật với tướng trên sa trường là con tuấn mã Xích Thố mà Lã Bố cưỡi khi xưa, cũng được Tào Tháo tặng cho Quan Vũ, mà không tặng cho các dũng tướng từng vào sinh ra tử với mình. Tào Tháo còn tâu lên vua Hán, sắc phong cho Quan Vũ là Hán Thọ Đình hầu.
Trong “Tam Quốc chí” chép rằng: “Tào Công bắt Quan Vũ quy hàng, phong làm tướng quân nơi biên thùy, tặng cho rất nhiều bổng lộc”. Người đời sau cho rằng Quan Vũ quy hàng Tào Tháo vì nghĩ Lưu Bị đã chết trong đám loạn quân.
Khi hay tin Lưu Bị đang ở trên đất Viên Thiệu, Quan Công lập tức đưa hai chị dâu đi tìm. Tào Tháo vì muốn lưu giữ Quan Công để sử dụng sau này nên không cấp giấy qua ải, nhưng cũng không sai tướng đuổi bắt. Các tướng của Tào Tháo không cho Quan Công qua ải nên ông phải mở đường máu mà đi. Quan Công đã qua 5 ải chém 6 tướng của Tào Tháo. Vậy mà Tào Tháo vẫn truyền công văn cho các ải thả cho Quan Vũ đi, thì có thể thấy tấm lòng Tào Tháo ái mộ tài năng, phẩm hạnh của Quan Vũ như thế nào.
Sử gia Bùi Tùng Chi khi chú giải “Tam Quốc chí” đã không khỏi cảm thán khi viết lại đoạn tư liệu lịch sử này: “Tào Công biết Quan Vũ không ở lại mà lòng càng thêm yêu mến cái chí của ông. Quan Vũ bỏ đi mà Tào Tháo không đuổi theo để tán thành cho cái nghĩa của ông. Đây chẳng phải là sự độ lượng của bậc bá vương sao, ai có thể làm được như vậy? Điều này đã miêu tả chân thực cái đạo đức lương thiện của Tào Công”.
Triệu Tử Long nổi danh một mình chiến hàng vạn quân tướng cũng nhờ Tào Tháo
Khi Tào Tháo tiến quân đến Tương Dương, lại nghe tin Lưu Bị đã đi Giang Lăng, sợ họ Lưu sẽ tranh mất nơi chứa lương thảo và vũ khí, nên ông vội lấy 5000 quân tinh nhuệ, sai em họ là Tào Thuần cùng hàng tướng Văn Sính chỉ huy cùng đi, cấp tốc đuổi theo.
Lưu Bị dẫn đám đông quân lẫn với dân, chạy loạn rất lộn xộn, không thành hàng ngũ, lại không thể đi nhanh dù biết Tào Tháo đang truy kích. Lưu Bị lo lắng phải bố trí lại lực lượng, sai Trương Phi mang 2000 quân mã chặn hậu, Triệu Vân dẫn vài trăm quân hộ vệ gia quyến, còn ông cùng Gia Cát Lượng dẫn quân chủ lực bảo vệ dân tị nạn.
Khi Lưu Bị đi tới Trường Bản thì quân Tào đuổi tới nơi, đụng độ với hậu đội của Lưu Bị do Trương Phi chỉ huy. Quân Tào mạnh mẽ đánh tan hậu đội của Trương Phi rồi tấn công vào quân chủ lực của Lưu Bị cùng dân chúng.
Quân Lưu Bị tuy đông hơn quân Tào, nhưng không thể tổ chức thành đội ngũ chỉnh tề để nghênh chiến, bị Tào Tháo tấn công dữ dội, nên thua to. Lưu Bị thất bại nặng nề, cùng Gia Cát Lượng, Từ Thứ, Trương Phi và mấy chục khinh kỵ bỏ chạy thoát thân, bỏ lại toàn bộ quân trang nặng, gia quyến và dân chúng.
Lưu Bị lạc mất Triệu Vân, nhiều người nói Triệu Vân đã bỏ sang hàng Tào nhưng Lưu Bị một mực tin tưởng Triệu Vân trung thành với mình. Ông sai Trương Phi mang 20 kỵ binh đi chặn hậu, ngăn cản quân Tào. Trương Phi đợi Lưu Bị cùng những người đi kịp sang sông rồi đứng lên chặn ở đầu cầu Trường Bản.
Trong lúc đó Triệu Vân cầm cánh quân hộ tống gia quyến Lưu Bị cũng bị quân Tào đánh tan, bèn lệnh cho những người còn lại rút về nam theo Lưu Bị, còn một mình tự xông pha trận địa để tìm gia quyến Lưu Bị.
Triệu Vân xông pha trận mạc, cứu mẹ con Cam phu nhân và con trai quân chủ là Lưu Thiện. Triệu Vân ôm con trai quân chủ, tả xung hữu đột, lao thẳng vào vòng vây quân Tào, giết chết vô số tướng địch.
Khâm phục sức mạnh, dũng khí danh tướng Thục Hán, Tào Tháo ra lệnh quân sĩ không được bắn lén Triệu Vân mà tìm mọi cách bắt sống. Tử Long vung thương giết 50 tướng, chém gãy hai lá cờ to, đoạt gươm Thanh Công, phá vòng vây, bảo vệ được Lưu Thiện. Sau có thơ khen ngợi Triệu Vân rằng:
Máu đỏ chan hòa áo giáp hồng
Đương Dương ai kẻ dám tranh hùng
Xưa nay cứu chúa xông trăm trận
Chỉ có Thường Sơn Triệu Tử Long.
Thử hỏi nếu không có Tào Tháo ái mộ tài năng dũng mãnh của Triệu Vân, lệnh không được bắn tên, phải bắt sống, thì dù Triệu Vân dũng mãnh đến đâu, liệu một mình có thể thoát khỏi mũi tên ngọn giáo của hàng nghìn tướng sỹ quân Tào được không?
Tào Tháo tại sao giết bậc tài cao Dương Tu?
Dưới trướng của Tào Tháo có một nhân vật tài năng xuất chúng là Dương Tu, nhiều lúc đã thể hiện tài năng hơn cả Tào Tháo. Một lần ở nhà Thái Diễm thấy Thái Ấp viết 8 chữ lên mặt sau bia mộ Tào Nga: “Hoàng quyên ấu phụ, ngoại tôn tê cữu”. Tất cả mọi người, kể cả Tào Tháo đều không hiểu, duy nhất Dương Tu chiết tự ra là: “Tuyệt diệu hảo từ” (Từ ngữ hay tuyệt diệu).
Một lần ngoài biên ải có người gửi cho Tào Tháo một hộp bơ, Tào Tháo viết lên đó mấy chữ “Nhất hợp tô” (Một hộp bơ) rồi để ở bàn. Dương Tu thấy thế liền lấy ra đem chia cho mỗi người một miếng. Khi bị tra hỏi, Dương Tu nói chiết tự “Nhất hợp tô” là “Nhất nhân nhất khẩu tô” (Mỗi người một miếng bơ).
Một lần Tào Tháo muốn đánh giá tài năng hai con trai, ông lệnh cho hai con ra khỏi Nghiệp thành, một mặt lại bí mật lệnh cho lính giữ cổng thành không cho ra. Kết quả Tào Phi bị chặn lại không ra được, còn Tào Thực giết lính giữ cổng thành để ra. Tào Tháo cho rằng Thào Thực có tài năng hơn. Nhưng thực ra đây là kế Dương Tu bày cho Tào Thực.
Có một lần Tào Tháo đem quân đi chinh phạt nhà Thục. Quân Thục chống trả quyết liệt và cố thủ vững chắc. Cuộc chiến kéo dài, quân Tào mệt mỏi, tiến thoái lưỡng nan. Thấy tình thế khó nuốt được Thục, Tào bèn ban mật khẩu “Kê lặc”. Dương Tu nghe được, liền truyền lệnh cho quân sĩ thu xếp hành trang, chuẩn bị rút.
Thấy lạ, quân tả hữu liền hỏi: “Tại sao tướng quân lại cho quân rút sớm vậy?”.
Dương Tu đáp: “Quan Thừa tướng đã ban mật khẩu “Kê lặc” (nghĩa là sườn gà) ý muốn nói, sườn gà không có thịt, ăn không được, vứt thì tiếc. Vậy việc rút quân chỉ nay mai thôi”.
Tình thế lúc đó quả đúng như miếng sườn gà, tiến quân thì không tiến được, mà rút quân thì sợ mọi người chê cười. Phán đoán này rất chính xác. Nhưng Tào Tháo đã khép tội “Làm rối loạn nhân tâm” xử trảm.
Tại sao Tào Tháo giết Dương Tu? Tội danh “làm rối loạn nhân tâm” chỉ là giọt nước tràn ly, thực tế là do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Dương Tu cậy tài, khoe tài, luôn muốn thể hiện mình hơn người, giỏi giang, với mục đích muốn được ban quan tước cao hơn, vì nghĩ mình xứng được như thế. Ỷ tài khoe tài là đại kỵ trong thuật xử thế.
Thứ hai, Dương Tu có tài nhưng không dùng vào việc giúp thượng cấp giải quyết công việc quân sự, quân vụ chiến trường, quản lý bách tính, nội vụ… mà chuyên dùng để tỏ ra mình hơn người, hơn Tào Tháo, và bóc trần các mưu kế, ý tưởng của Tào Tháo, mà “kê lặc” chỉ là giọt nước tràn ly. Dùng tài để phá mưu kế thượng cấp là đại kỵ
Thứ ba, Dương Tu dùng tài của mình can thiệp vào kết quả đánh giá tài năng hai con trai của Tào Tháo, vốn là việc nội bộ gia đình, và là việc quan trọng để lựa chọn người kế nghiệp. Đây cũng là đại kỵ trong chốn quan trường.
Thứ tư, Dương Tu tuy có tài nhưng chưa lập được công tích gì, cũng chưa giúp thượng cấp được mưu kế hay gì để giành thắng lợi. Quân sỹ chiến đấu, chưa có lệnh của tổng chỉ huy, đã lệnh cho binh sỹ gói hành lý chuẩn bị rút quân, thì làm gì còn tinh thần chiến đấu? Nếu lúc đó quân địch đánh tới, ắt bại. Riêng tội danh làm mất sỹ khí quân đội cũng đủ xử trảm rồi.
Cậy tài, khoe tài, ngạo mạn sẽ tự đem đến tai họa cho bản thân, ngay cả người yêu quý trân trọng nhân tài, có tấm lòng khoan dung như Tào Tháo cũng không dung nhẫn nổi, huống hồ người thường.
Triêu Lộ