Đại Kỷ Nguyên

Nói xấu và ly gián người khác sau lưng: Người không thấy, nhưng Trời biết

Nói xấu và ly gián người khác sau lưng. Người không thấy, nhưng Trời biết

Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tổng hợp.

Cổ nhân có câu rằng: “Lòng người sinh một niệm, trời đất liền biết rõ. Thiện ác mà không báo, càn khôn ắt vị tư” (Nguyên văn: “Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri. Thiện ác nhược vô báo, càn khôn tất hữu tư”).

Câu nói trên cũng là lời cảnh tỉnh con người thế gian không nên ôm giữ những ý nghĩ xấu xa, ích kỷ, hẹp hòi. Xưa nay, vạn sự vạn vật có nhân ắt có quả, thiện ác hữu báo là điều khó tránh khỏi, cũng như hình với bóng không bao giờ rời xa chúng ta. Có một số người thấy ác nhân làm điều xấu nhưng vẫn giàu sang sung túc nên đem lòng hoài nghi luật nhân quả. Kỳ thực, “thiện có thiện báo, ác có ác báo”, chỉ là khi chưa đủ nhân duyên sẽ chưa triển hiện ra mà thôi. Đó vừa là điều cảnh tỉnh, vừa là lời nhắc nhở để con người tu dưỡng bản thân mình.

Trong cuốn Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký được Kỷ Hiểu Lam viết những năm cuối đời có hai câu chuyện như sau:

Quan thanh liêm nhưng thân mang đầy tội

Xưa có một người tên là Trịnh Tô Tiên. Một hôm Trịnh Tô Tiên nằm mộng, thấy bản thân đi xuống âm phủ và chứng kiến cảnh Diêm Vương đang thẩm phán các vong hồn. Đang ngơ ngơ ngác ngác, anh bỗng thấy bà lão hàng xóm đến quỳ trước điện. Diêm Vương vừa nhìn thấy bà, nét mặt ngài liền trở nên tươi cười, hai tay cung nghênh đón tiếp rồi sai người dâng trà mời lão phu nhân. Tiếp sau đó, ngài lệnh cho thuộc hạ đưa lão phu nhân đến một nơi tốt đẹp ở nhân gian để đầu thai.

Trịnh Tô Tiên thấy vậy, trong lòng không khỏi hiếu kỳ: Đường đường là Diêm Vương sao lại phải cung kính với một bà lão bình thường ở nhân gian đến vậy? Anh nhẹ nhàng hỏi một quan sai đang đứng bên cạnh:

– Bà lão này có công đức gì to lớn mà Diêm Vương phải cung kính như vậy?

Quan sai đáp:

– Lão phu nhân đây cả đời không có ý nghĩ làm tổn hại người khác, cả một đời không có ý nghĩ chiếm lợi của ai bao giờ. Ngay cả các bậc hiền sĩ đại phu nổi danh trên trần thế cũng khó tránh khỏi những lúc như vậy. Truy cầu lợi ích cá nhân tất nhiên là sẽ làm tổn hại người khác, đủ loại gian xảo, hành vi dơ bẩn cũng từ đó mà phát sinh, vì mình hại người, mua gian bán dối… Thậm chí có người cũng vì thế mà để lại tiếng xấu muôn đời, tất cả đều vì một niệm tư lợi sinh ra. Lão phu nhân đây cả đời tu dưỡng bản thân, không hề động tâm, không hề muốn chiếm lợi cho mình, so với những kẻ đọc sách Thánh hiền nhưng lòng dạ bẩn thỉu thì hiển nhiên hơn hẳn. Vậy nên Diêm La Vương cung kính lão phu nhân thì có gì kỳ lạ? Thần giới và nhân gian có cách nhìn người khác nhau.

Trịnh Tô Tiên vốn là người rất có tâm cơ, luôn muốn chiếm lợi cho mình. Thế nên khi nghe quan sai nói vậy anh ta thất kinh sợ hãi, giật mình tỉnh giấc.

Trịnh Tô Tiên còn thấy: Trước bà lão còn có một vị người mặc áo quan của triều đình, ngẩng đầu ưỡn ngực bước vào điện, dáng vẻ kiêu căng tự đại. Vị này tự nhận là lúc sinh tiền không hề làm điều gì xấu, dù đến bất cứ nơi đâu cũng chỉ uống một bát nước, bây giờ đến điện Diêm Vương không có gì đáng phải hổ thẹn. Diêm Vương nghe xong cười khẽ:

– Làm quan là để lo liệu công việc cho dân, tiếp tới là quản lý những việc như trạm dịch, sông ngòi, đây đều là những việc cần làm. Nếu như chỉ vì không ăn tiền của dân đã tự cho mình là quan tốt, vậy thì lấy tượng gỗ để ở đại điện là được rồi, ngay cả một bát nước cũng không cần uống, như vậy chả tốt hơn so với nhà ngươi hay sao?

Vị quan phủ này nghe thế liền giải thích:

– Tôi không có công lao nhưng cũng chẳng phạm tội bao giờ.

Diêm Vương nói:

– Nhà ngươi bất luận làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến an toàn cho bản thân. Có những sự việc vì bảo vệ bản thân mà không dám lên tiếng nói lời chính nghĩa, đây chẳng phải là vô trách nhiệm với bách tính lê dân hay sao? Có những việc nhà ngươi khoanh tay đứng nhìn mà không chịu xử lý, đây chẳng phải là có lỗi với quốc gia hay sao? Làm quan mà không có công lao thì chẳng phải chính là có tội hay sao?

Vị quan kia nghe xong nét mặt biến sắc, cả người run sợ. Diêm Vương thấy thế cười nói:

– Chỉ trách nhà ngươi có chút vênh váo. Bình tâm mà xét thì ngươi cũng được xếp vào hàng quan tốt 3, 4 đẳng, sau khi chuyển sinh vẫn có thể được làm một bậc sĩ đại phu.

Nói xong, Diêm Vương lệnh cho sai nha đưa vị quan nhân này đi đầu thai tại nhân gian.

Nàng dâu hiếu thảo, vì sao vẫn bị sét đánh mạng vong?

Cũng trong cuốn Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký có câu chuyện kể rằng:  

Năm Ung Chính thứ 10, có một vị phu nhân là con dâu trong một gia đình quan phủ, xưa nay chưa từng to tiếng cãi vã với bất kỳ ai. Đột nhiên một hôm sét đánh qua cửa sổ vào phòng, tia sét giống như luồng điện xuyên qua tim vị phu nhân này rồi chạy ra sườn trái khiến cô tử vong ngay tại chỗ. Chồng cô cũng bị sét đánh tạo thành một vệt đen chạy dài phía sau lưng, khiến anh ta sợ hãi ngất đi.

Sau một hồi lâu, người chồng tỉnh dậy ôm xác vợ, vừa khóc vừa than rằng: “Tâm tính ta không tốt, đôi khi ta cãi vã với mẹ vài câu. Nàng chỉ thủ thỉ với ta những điều không vui trong lòng, lặng lẽ lau nước mắt sau lưng người khác mà thôi. Sao sét lại đánh trúng vào nàng?”.

Hóa ra, những cuộc cãi vã giữa chồng và mẹ đều là do nàng dâu kích bác sau lưng. Vậy nên cô cũng bị coi là kẻ chủ mưu, và tội nghiệp của kẻ chủ mưu lại là nặng nhất.

Có rất nhiều người thường hay nói xấu và ly gián người khác sau lưng. Họ cho rằng mình không tự tay làm thì sẽ không bị trừng phạt, xem ra cách nghĩ này quả là sai lầm.

Có câu: “Mắt nhìn điều không hay tâm ắt nghĩ điều không chính, tâm nghĩ điều không chính ắt sinh ra việc bất lương”. Vậy nên, làm người hãy chọn thiện lương, làm người hãy chọn thật thà đối nhau.

Hai câu chuyện trên nhắn nhủ chúng ta rằng, làm người thì cần phải tu dưỡng bản thân. Không phải vì chưa làm điều xấu thì chưa có tội, mà chỉ cần chúng ta suy nghĩ bất chính, đó cũng là phạm tội mất rồi.

Minh Vũ
Tham khảo: Soundofhope

Exit mobile version