Triều Tống có một quả phụ trượng nghĩa khinh tài tên là Lưu Thị. Thanh danh và sự giàu có của bà tuy không sánh được với nữ phú hộ truyền kỳ Ba Thanh đời Tần, nhưng cũng để lại tiếng thơm muôn đời.

Đế quốc Đại Tần có một vị nữ phú hộ truyền kỳ, đó là quả phụ Ba Thanh. Bà không chỉ là trinh phụ được Tần Thủy Hoàng kính trọng mà còn là nữ thương nhân đầu tiên trong lịch sử có gia tài sánh ngang với hoàng triều. Không chỉ là người phụ nữ trọng nghĩa khinh tài, Ba Thanh còn để lại rất nhiều sự việc oanh liệt trong suốt cuộc đời mình như trợ giúp xây dựng lăng Tần Thủy Hoàng, hay quyên tiền xây dựng trường thành.

Triều Tống cũng có một quả phụ trượng nghĩa khinh tài tên là Lưu Thị. Thanh danh và sự giàu có của bà tuy không sánh được với Ba Thanh, nhưng cũng để lại tiếng thơm muôn đời, không chỉ cứu dân giúp nước mà còn thành tựu một sự tích truyền kỳ. Cậu chuyện về Lưu Thị dưới đây được ghi chép trong “Xuân chử kỷ văn”:

Những năm Tuyên Hòa đời Tống, sau khi triều đình thu phục lại Yên Kinh thì chi phí quân đội cũng hao kiệt. Để ứng phó, triều đình ban lệnh cho phép bách tính được nộp tiền miễn trừ để không phải đi lao dịch khổ ải.

Lúc ấy Lưu Thị là vợ của vị tú tài Dương Lục ở huyện Hoài Nhân, Hải Châu. Sau khi chồng qua đời, Lưu Thị cùng với đứa con trai duy nhất phải dựa vào nhau mà sống. Cũng may gia cảnh khá giàu có, nên hai mẹ con có thể yên ổn sống qua ngày. Khi nghe nói quan phủ liên tục hối thúc dân chúng phải nộp tiền miễn trừ lao dịch trong khi rất nhiều người dân nghèo khổ không có tiền, Lưu Thị bèn xin quan phủ cho phép bà đem 10 vạn quan tiền là tài sản trong nhà ra để nộp thay cho những hộ nghèo. Vào thời Tống, mỗi quan là 770 đồng tiền, nên có thể nói 10 vạn quan là một con số khổng lồ vào lúc đó.

Lưu Thị xin quan phủ cho phép bà đem 10 vạn quan tiền là tài sản trong nhà ra để nộp thay cho những hộ nghèo. (Ảnh minh họa: epochtimes.com)

Huyện lệnh nghe xong rất vui vẻ đồng ý, liền điều động người đến nhà Lưu Thị, suốt mấy ngày trời mới vận chuyển hết 10 vạn quan tiền. Bảy gian nhà kho của nhà Lưu Thị toàn bộ đã sạch trơn, Lưu Thị bèn dọn dẹp nhà kho rồi chuẩn bị hương án để cúng Phật trong ba ngày ba đêm.

Sáng hôm sau khi vừa tỉnh dậy, Lưu Thị kinh ngạc phát hiện ra trong nhà kho đã chất đầy tiền, vừa đúng 10 vạn quan. Hơn nữa tất cả đều dùng dây thừng đỏ xâu thành từng chuỗi, cứ 5 quan tết thành một búi, đầu búi còn treo một tấm bài nhỏ bằng gỗ, trên đó viết hai chữ “Ma Thanh”.

Ai trông thấy cũng vô cùng kinh ngạc, nhưng không biết là duyên cớ gì. Có người lên tiếng: “Tôi nghe nói ở Thanh Châu có một người gọi là Ma viên ngoại, rất giàu có, được gọi là Ma thập vạn gia. Lẽ nào Thần linh đã đem toàn bộ tiền nhà họ Ma chuyển đến đây?”.

Lưu Thị bèn sai người đến Thanh Châu tìm hỏi nhà họ Ma. Quả thật là có người như vậy, nhà họ Ma 3 đời giàu có, ông tổ Ma gia đã dùng 10 vạn quan tiền để trấn kho, xưa nay chưa từng dùng đến. Không ngờ số tiền này chỉ trong một đêm đã biến mất, không biết là đi đâu. Lưu Thị sai người đem thư, ân cần thăm hỏi nhà họ Ma, đồng thời mời họ đem xe và thuyền đến lấy tiền về.

Nhà họ Ma nghe tin vô cùng kinh ngạc cảm thán mãi rồi nói: “Phúc phận nhà họ Ma chúng tôi đã bị giảm đi rồi, nên tiền mới bay đi tìm người có đức. Số tiền này là Trời ban cho, cũng là ý Trời. Hôm nay chúng tôi lại đi lấy tiền về, vừa trái với lẽ Trời, lại vừa không hợp tình, chúng tôi thực sự không dám đi”.

Lưu Thị biết không thể ép buộc họ nên nói: “Tôi đã thành khẩn quyên tiền để trợ giúp quốc gia sử dụng, sao lại có thể mong cầu điều gì khác kia chứ”. Thế là, bà đem 10 vạn quan tiền này tặng hết cho những người dân nghèo và dùng để tài trợ xây dựng chùa chiền, Đạo quán, không giữ lại một xu. Mặc dù đã phân tán hết gia tài, nhưng dường như ông Trời lại càng ưu ái Lưu Thị hơn, chỉ mấy năm sau gia đình bà lại phát lộc phát tài, giàu có như xưa.

Mặc dù đã phân tán hết gia tài, nhưng dường như ông Trời lại càng ưu ái Lưu Thị hơn, chỉ mấy năm sau gia đình bà lại giàu có như xưa. (Ảnh minh họa: nipic.com)

Lưu Thị cho rằng tiền tài là do Trời ban tặng, nên bà luôn khẳng khái hết lòng giúp đỡ mọi người mà không cầu tư lợi. Nhưng cũng chính tâm địa thiện lương của bà đã làm cảm động trời xanh, cảm động lòng người, để tiếng thơm truyền mãi muôn đời.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch