Gặp thiền sư, nàng nói: “Con xin cảm tạ ngài; Bảo bình thật quá hay; Quả đúng là nước thánh!…
Có một thiếu phụ nọ
Tới diện kiến thiền sư:
“Cầu xin ngài giúp đỡ
Chồng con khá ‘vũ phu’
Anh ấy hay bực bội
Nói chẳng chịu nghe lời
Đôi khi còn bất mãn
Bỏ nhà đi rong chơi!”…
Thiền sư đáp: “Ta hiểu!
Tặng con bình thủy này
Nếu anh nhà cáu giận
Con nhớ ngậm nước ngay!”
Thiếu phụ rất hoan hỷ
Mang bảo vật về nhà
Chừng ba tháng trôi qua
Mới thấy nàng trở lại
Gặp thiền sư, nàng nói:
“Con xin cảm tạ ngài
Bảo bình thật quá hay
Quả đúng là nước thánh!
Chồng con đã đổi tánh
Tâm thái rất tường hòa
Nếu ảnh lỡ kêu ca
Con chỉ cần… ngậm nước
Quả nhiên ngay lập tức
Anh ấy hết buông lời
Gia đình bỗng yên vui
Tuyệt không còn cãi vã!
Chồng con cũng thấy lạ
Khuyên con tới tri ân
Và xin thêm nước thần
Giúp bà con xóm ngõ!”…
Thiền sư cười, nói nhỏ:
“Ấy thảy đều do con
Đã cư xử vuông tròn
Lại hay đường ‘tu khẩu’
Miệng không còn ‘hữu lậu'(*)
Biết tiết chế ngôn từ
Còn bình ‘nước thánh’ ư:
Đó chỉ là nước lã!”
Muốn nẻo trần yên ả
Tránh xa chuyện thị phi
Không ‘tiếng bấc tiếng chì'(**)
Vậy cần chi nước thánh!…
Vô danh cư sỹ nhàn bút
(*) ‘Hữu lậu’: Có chỗ sơ hở, không kín kẽ. [Chiết tự theo câu chữ bề mặt].
(**) Tục ngữ dân gian Việt có câu: “Tiếng bấc quăng đi, tiếng chì quăng lại”, cũng tương tự như câu: Nói đi thì nhẹ, nói lại thì nặng vậy! [Lý giải theo câu chữ bề mặt].