“Tửu cực tắc loạn, lạc cực tắc bi” – Chừng mực là cần thiết trong mọi khía cạnh của đời sống, không chỉ ở việc uống rượu.

Thời Tề Uy Vương, nhà vua thích những câu đố, tiếng lóng, ham mê khoái lạc, rượu uống thâu đêm, chẳng còn để ý gì đến chính sự. Có Thuần Vu Khôn nổi tiếng là người nói năng vừa lưu loát, sâu sắc, vừa hợp lý, có duyên, nhiều lần dùng lối nói bóng gió để can vua, giúp Tề Uy Vương quay về chính đạo.

Năm thứ tám đời Tề Uy Vương, Sở cất đại quân xâm phạm đất Tề. Thuần Vu Khôn đi sứ sang Triệu, vua Triệu giúp cho mười vạn quân tinh nhuệ, một ngàn cỗ xe nặng. Quân Sở hay tin, đang đêm rút lui. Tề Uy Vương mừng lắm, đặt tiệc ở hậu cung mời Thuần Vu Khôn đến uống rượu và hỏi:

“Tiên sinh uống độ bao nhiêu thì say?”. 

Khôn thưa: “Thần uống một đấu cũng say, một thạch (mười đấu) cũng say”.

“Tiên sinh uống một đấu mà đã say, thì uống sao nổi một thạch! Có thể nói cho biết như thế nghĩa là thế nào chăng?”. 

“Cho uống trước mặt Đại vương, có quan chấp pháp đứng cạnh, có quan ngự sử đứng sau, thần sợ hãi phủ phục mà uống, thì không quá một đấu là say ngay. Nhược bằng đấng thân có khách là ông lớn, thần xắn tay áo, khom lưng dâng chén mời khách, rượu sót chén, rơi rớt nhiều, chốc chốc lại đứng dậy nâng chén chúc mừng, thì không quá hai đấu là say. Nếu là chỗ bạn bè giao du, lâu ngày không thấy mặt, bỗng được gặp nhau, vui vẻ ôn chuyện cũ, cùng nhau thủ thỉ câu tâm tình, thì uống năm sáu đấu có khi say liền. Đến như trong làng, trong xóm hội họp đánh chén với nhau, trai gái ngồi lẫn lộn, khề khà chén chú chén anh, bất chấp cả giờ giấc, tụm năm tụm ba, ngả ra cờ bạc, đánh “đầu hồ”, nắm tay nhau, không phạt, trừng mắt nhìn, không cấm, phía trước có hoa tai đánh rơi, đằng sau có trâm cài để rớt, ở trong cái cảnh tượng mà Khôn tôi trộm lấy làm thích thú đó, Khôn tôi có thể uống chừng tám đấu mà cũng chỉ mới say hai, ba phần. Trời chiều rượu tàn, dồn những chỗ rượu sót chén lại, túm tụm ngồi với nhau, trai gái chung chiếu, giày guốc lẫn lộn, mâm chén lung tung, trên thềm nến tắt, chủ nhân giữ thần và tiễn khách, áo cánh lụa mỏng rơi ra, hơi hương nồng thoảng ngát, lúc đó, lòng thần rất vui, có thể uống được một thạch. Cho nên nói rằng: “Tửu cựu tắc loạn, lạc cực tắc bi” (nghĩa là rượu uống tận độ thì sinh bậy, vui đến tận độ thì sinh buồn). Vạn sự đều như thế cả”.

Tề vương nói: “Phải”.

Và bãi các tiệc rượu thâu đêm, dùng Khôn làm quan phụ trách việc giao tế, tiếp đãi tân khách chư hầu. Mỗi lần nhà vua thết tiệc, Khôn thường ngồi bên.

“Uống rượu không say bậc anh hào” (Tô Đông Pha).

***

“Tửu cực tắc loạn, lạc cực tắc bi”, từ chuyện uống rượu mà suy rộng ra vạn sự trên đời đều không nên vô độ. Trong Luận ngữ – Hương đảng viết: “Duy tửu vô lượng bất cập loạn” (Uống rượu đủ lượng không để bị loạn tính). Tô Đông Pha cũng viết: “Uống rượu không say bậc anh hào”. Biết giữ chừng mực là biểu hiện của chí khí anh hào, của hàm dưỡng nội tâm, chứ không như quan niệm biến dị cho rằng “không say không về” mới là “quân tử”.

Chừng mực là cần thiết trong mọi khía cạnh của đời sống, không chỉ ở việc uống rượu. Trong quan hệ vợ chồng, quá thân mật sẽ sinh ra khinh mạn suồng sã. Sử học gia Huệ Ban viết: “Một khi sự việc cợt nhả phát sinh, thì lời nói nhất định vượt quá chừng mực. Lời nói quá đi, phóng túng buông thả được dịp phát sinh, cách nghĩ vũ nhục đối với người chồng sẽ nảy sinh, ấy là bởi không biết duyên cớ về có chừng mực vậy”.

Trương Trạm, một vị quan Đại tư đồ thời Đông Hán là người đoan chính, hết mực tôn trọng lễ tiết. Ra ngoài, ông đi đứng nói năng chừng mực, ăn mặc phù hợp, tuân theo lễ nghi. Ở nhà, mọi cử chỉ lời nói ông đều giữ lễ cẩn thận và trang trọng. Có người bảo ông không tự nhiên, đạo đức giả. Trương Trạm nghe thế thì cười, nói rằng: “Ta thật sự là không tự nhiên, người khác không tự nhiên là để làm việc xấu, ta vì hành thiện mà không tự nhiên, chẳng lẽ không được hay sao?”.

Làm thế nào để không bị quá đà thất lễ, giữ gìn vững chắc chừng mực đây? Sử học gia Huệ Ban cho rằng: “Người trường kỳ gìn giữ sự cung kính sẽ biết có chừng mực, khoan dung với người khác, đã thiện lại cung kính”. Cung kính là gốc, chừng mực là ngọn. Chừng mực mà không cung kính thì không giữ được lâu bền; thực lòng cung kính thì không cần cố tỏ vẻ cũng tự nhiên trở nên chừng mực.

Mối quan hệ dựa trên sự khoan dung và tôn trọng chắc chắn sẽ hạnh phúc và lâu bền.

Bậc trí giả nghĩ gì, nói gì, làm gì cũng đều có chừng mực, kỳ thực ấy chính là cái Dũng tự khắc chế bản thân, bồi dưỡng Thiện tính, giữ cho mình luôn ở trong Đạo.

Thanh Ngọc