Đại Kỷ Nguyên

Ở đời cho đi bao nhiêu thì nhận lại càng nhiều bấy nhiêu

Vì sao người luôn biết nghĩ và hy sinh cho người khác luôn là người thành công trong cuộc sống?

Câu chuyện về Lã Mông Chính khoan dung, độ lượng, khí chất hơn người, được nhiều người yêu mến nể phục

Tể tướng thời Tống, Lã Mông Chính là người chính trực, độ lượng, khí chất hơn người, làm quan thanh liêm, cương trực, thiện đãi mọi người, danh vọng lẫy lừng. Ông rất khiêm nhường kính tín Thần Phật, ngày ngày tụng kinh lễ Phật.

Lã Mông Chính xuất thân bần hàn, thời trẻ thi đỗ trạng nguyên, sau đảm nhận chức tể tướng. Khi mới nhận chức tể tướng, lần đầu tiên lên thiết triều, văn võ bá quan thi nhau thăm hỏi. Lúc đó có một quan viên đứng sau chỉ Lã Mông Chính mà nói với người khác rằng: “Tiểu tử này mà cũng xứng đáng làm tể tướng tham dự chuyện triều chính sao?”.

Lã Mông Chính giả như không nghe thấy, vẫn bước qua đó cười cười nói nói với đồng sự. Đồng sự của ông thì để bụng chuyện đó, đều vô cùng bất bình thay cho ông, thi nhau đòi truy cứu họ tên và chức vụ viên quan đó.

Lã Mông Chính vội vã ngăn mọi người lại: “Chỉ cần biết danh tính ông ta, thì cả đời sẽ không quên được, chi bằng không biết lại tốt hơn”. Đồng nghiệp đều bội phục sự độ lượng của ông.

Lã Mông Chính trước nay không hề ghi nhớ sai lầm của người khác, các quan viên đều muốn cận kề ông.

Ông biết người, lấy thiện đãi người, luôn vui vẻ giúp người. Ví như ông thấy Phú Bật, con trai của tân khách là Phú Ngôn thông minh hiếu học, ông kinh ngạc thốt lên: “Đứa trẻ này lớn lên công danh sự nghiệp còn vượt xa ta ngàn lần”.

Biết gia cảnh Phú Ngôn nghèo khó, Lã Mông Chính bèn trợ giúp tiền bạc cho Phú Bật cùng được ăn học với mấy người con của mình. Quả nhiên sau này Phú Bật trở thành hiền tướng nổi tiếng trong lịch sử.

Lã Mông Chính làm tể tướng trong triều, là bậc tiền bối rất độ lượng với thuộc hạ, chú trọng khen thưởng đề bạt người chậm tiến, ông không hề tâng bốc, lấy lòng trước hoàng thượng.

Có lần, Tống Thái Tông để cho Lã Mông Chính lựa chọn một người tài năng, có khả năng gánh vác trọng trách đi sứ nước Liêu, Lã Mông Chính thấy có viên quan họ Trần tích cực nhất, liền đệ trình tên ông ta lên. Tống Thái Tông lại không đồng ý. Ngày hôm sau, Tống Thái Tông lại hỏi đã chọn được người chưa? Lã Mông Chính lại trình lên tên người này, Tống Thái Tông vẫn không đồng ý.

Hỏi đến lần thứ ba, ông vẫn trình tên y, khiến Tống Thái Tông vô cùng tức giận, quăng văn thư của ông xuống đất, phẫn nộ mà rằng: “Sao khanh lại cố chấp như vậy!”. Quần thần lúc đó đều nín thở không dám nói một lời. Tống Thái Tông đùng đùng bước xuống triều, còn quay đầu lại mà rằng: “Khí chất của Lã Mông Chính ta thật không bì kịp! Vậy hãy làm theo ý khanh!”. Viên quan này đi sứ sang nước Liêu, quả nhiên hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao. (Theo “Tống Sử”)

Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, nghiêm khắc với mình, độ lượng với người là một trong những chuẩn mực quy tắc đạo đức trong tu dưỡng cá nhân và đối đãi với người khác của người quân tử.

Người quân tử tự yêu cầu bản thân kiên định giữ gìn chính đạo, hướng nội tu thân, hướng ngoại thu phục được lòng người, gắng hết sức mình tạo điều kiện cho người khác, tận tình giúp đỡ người khác, thể hiện sự tôn trọng và quan tâm yêu mến với người khác.

Bởi vậy chính bản thân họ cũng nhận được sự tôn trọng kính mến của tất cả mọi người, ngay cả bậc “thiên tử” cũng phải cúi đầu nể trọng khí chất này.

Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, nghiêm khắc với mình, độ lượng với người là một trong những chuẩn mực quy tắc đạo đức trong tu dưỡng cá nhân. (Ảnh: tinhhoa.net)

Càng cho đi bao nhiêu thì điều họ nhận được cũng càng nhiều bấy nhiêu

Có lẽ trong chúng ta ai cũng từng tiếp xúc với những người luôn biết nghĩ cho người khác. Họ đơn thuần là những người thích cho đi hơn là nhận lại, họ có tấm lòng vị tha, độ lượng, trái tim nhân ái luôn ngập tràn tình yêu thương đối với bất kỳ ai. Và khi càng cho đi bao nhiêu thì điều họ nhận được cũng càng nhiều bấy nhiêu.

Người rộng lượng như vậy thường được đánh giá là người thành công trong cuộc sống, không những trong các hoạt động cộng đồng, trong công việc mà còn trong cuộc sống cá nhân. Vì sao lại như vậy ?

Người có nội tâm phong phú, tâm hồn thư thái an lạc nên nhiều người muốn kết giao vì thế có nhiều mối quan hệ tốt đẹp

“Nghèo và giàu” luôn làm cho con người bận tâm và lo lắng. Nhưng người có trái tim nhân ái, rộng lượng, bao dung thường có cuộc sống bình an và thoải mái vì họ không bị ràng buộc về vật chất, họ có thể cho đi bất cứ thứ gì họ đang có.

Người luôn biết suy nghĩ cho người khác thì rất hạnh phúc khi được giúp đỡ mọi người, nên luôn dành thời gian, tài sản và khả năng để đóng góp cho gia đình và xã hội. Họ vô tư đi từ thiện và được gặp gỡ tiếp xúc với nhiều người, nên họ có nhiều mối quan hệ tốt đẹp. Từ đó họ cũng dễ dàng gặp may mắn trong sự nghiệp.

Người có nội tâm phong phú, tâm hồn thư thái an lạc nên nhiều người muốn kết giao vì thế có nhiều mối quan hệ tốt đẹp. (Ảnh: bigschool.vn)

Bởi họ làm việc thì luôn “chịu thương chịu khó” và luôn nghĩ đến tập thể

Đặc điểm chung của người rộng lượng là “chịu thương chịu khó” đối với bất kỳ công việc nào được giao. Họ cũng đặt mục tiêu trên bước đường đi của họ, nhưng với họ không tranh giành để thành công, không đi “đường tắt”, không trái với lương tâm.

Họ quan niệm rằng mọi thành công không chỉ riêng cho họ mà với tất cả mọi người, đồng đội họ, nhân viên họ, và toàn thể doanh nghiệp. Chính vì thế họ được cấp trên đánh giá cao, giao phó những việc lớn hơn. Vì sự tận tâm, tận lực với công việc, họ dễ nắm bắt được thành công.

Những người có tấm lòng bao la thường luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi được nhờ cậy. Họ thường giúp tận tụy và tử tế nên ai cũng muốn gẫn gũi và tin tưởng họ. Họ sẵn lòng giúp đỡ tạo điều kiện cơ sở cho người khác được thành công. Và chìa khóa thành công của họ chính là được nhiều người tin cậy, yêu mến và giao cho nhiều trọng trách quan trọng.

Bởi họ là người có nội hàm tu dưỡng, tin vào luật nhân quả

Người rộng lượng không xem trọng những thứ họ cho đi, ngoại trừ sự tự do không gò ép. Họ tự tin vào bản thân, họ tin rằng cuộc sống này “không mất thì không được”. Chính vì vậy, họ cho đi mà không hề toan tính.

Điều đặc biệt, người rộng lượng rất tin vào luật nhân quả, họ tin rằng thiện hay ác – tất cả đều có báo ứng. Vì vậy, tham lam, ham muốn và ích kỷ không có trong “từ điển” của họ. Không có những lợi ích cá nhân nào làm ngăn trở họ. Họ làm tất cả vì mọi người bằng cả con tim và khối óc.

Khi ta cho đi một sự tha thứ ta sẽ nhẹ nhàng thân tâm, cho đi một sự giúp đỡ ta sẽ nhận được hạnh phúc. (Ảnh minh họa: careerlink.vn)

Và những may mắn họ nhận được trong cuộc sống cũng như phước báo tốt đẹp của chính tấm lòng bao dung sống cho mọi người của họ.

Khi ta cho đi một sự tha thứ ta sẽ nhẹ nhàng thân tâm, cho đi một sự giúp đỡ ta sẽ nhận được hạnh phúc, cho đi một sự nhiệt tình ta sẽ nhận được sự tin cậy, cho đi một trái tim không đố kỵ luôn muốn nâng đỡ người khác thì sẽ nhận được sự chân thành. 

Cuộc sống khi biết cho đi như vậy thì cái ta nhận được cũng sẽ thật nhiều bấy nhiêu, vậy vì sao lại không cho đi để lòng thanh thản và ngập tràn hạnh phúc. 

Nhã Thanh 

Exit mobile version