Mỗi ngày, khi đồng hồ điểm 1 giờ chiều, tim tôi thắt lại. Khi nghe tiếng mở cửa sắt từ bên ngoài, một cảm giác giận dữ xuất hiện từ bụng dưới và dồn về phía tim tôi. Nó bóp nghẹt tim và dằn vặt tôi. Mẹ chồng tôi ra ngoài vào mỗi buổi sáng để dựng rạp bán rau. Khi bà ra ngoài là thời gian duy nhất mà tôi có được sự bình an. Khổ nạn của tôi bắt đầu khi bà trở về nhà.
Làm dâu bị ức hiếp
Khi mới kết hôn và chuyển đến sống cùng gia đình chồng, tôi được mẹ chồng yêu cầu nấu ăn ba bữa mỗi ngày cho cả gia đình, phục vụ bà, em gái và em trai chồng. Tôi đã làm tất cả mọi thứ bà yêu cầu và phục vụ cả gia đình. Nhưng bất kể tôi làm gì, bà cũng không bao giờ vừa ý.
Một ngày nọ, vợ của ông anh họ bên nội đến thăm chúng tôi. Khi nghe tiếng chị ấy gọi ở cửa, mẹ chồng tôi lập tức chạy vào nhà bếp. Tôi đang rửa bát, nhưng bà đã đẩy tôi sang một bên để tự làm việc đó. Khi vị khách tiến vào trong bếp, bà nói với cô ấy: “Xem này, tôi có cô con dâu thế này đây. Tôi là người nấu ăn, nhưng tôi cũng là người rửa bát. Cô ta không làm bất cứ việc gì!”. Chị khách trả lời: “Dì ba, dì nên bảo cô ấy làm việc đó!”. Tôi kinh ngạc và không thể nói được lời nào.
Khi mang thai, tôi thường xuyên bị nôn và không thể ăn được món ăn nào, cảm thấy khó chịu, mệt mỏi khắp mình và không thể làm việc nhà. Tuy nhiên, bà mẹ chồng vẫn hét vào mặt tôi: “Cô nghĩ rằng cô là người duy nhất có thai à! Đừng giả vờ. Đi nấu ăn đi!”
Tôi thường nghe người ta nhấn mạnh tầm quan trọng của những ảnh hưởng trước khi sinh. Kinh nghiệm của tôi xác thực điều đó. Con của tôi không có cảm giác an toàn. Từ khi sinh ra, con bé cần sự quan tâm của tôi suốt ngày và không cho tôi rời khỏi tầm nhìn của nó thậm chí một giây. Tôi tự trách mình và tự hỏi làm sao có thể để con mình rơi vào cảnh như vậy?
Tôi thường nghĩ về lý do tại sao bà mẹ chồng lại luôn đối xử với mình như thế, và nên cư xử ra sao? Tôi đã phải chịu đựng sự lăng mạ của bà mỗi ngày. Bà nhạo báng, nguyền rủa và hướng mọi sự giận dữ của bà về phía tôi. Đó là sự thống khổ quá lớn về tinh thần. Tuy nhiên, tôi không bao giờ quên một người con dâu nên cư xử như thế nào. Tôi cũng tin vào những vị Thần và rằng họ sẽ đáp ứng lời khẩn cầu của những người tốt. Dù vậy, lòng tự trọng của tôi rất lớn, và mọi sự nhẫn nhịn kia chỉ là bề ngoài. Ngày qua ngày, tôi nghĩ cách để có thể giải thoát mình khỏi hoàn cảnh này.
Gần như suy sụp tinh thần, tôi cảm thấy như mình đang bị mắc kẹt trong oán hận. Lòng oán hận đó đang tích tụ mỗi ngày và nó đã trở nên quá lớn để có thể tiêu huỷ.
Gây dựng sự nghiệp
Mẹ tôi bắt đầu quản lý một cửa hàng thuốc Trung y khi bà còn ở tuổi trung niên. Tôi đã giúp bà điền đơn thuốc khi tôi rảnh rỗi. Tôi trở nên rất thích thú với y học cổ truyền Trung Quốc. Năm 1989, tôi đã có một cơ hội để đến Đại lục nghiên cứu Trung y. Mặc dù đã 37 tuổi, tôi bất chấp cuộc hành trình để nghiên cứu. Tôi đi lại giữa Trung Quốc trong mười năm và đã tốt nghiệp Thạc sĩ vào năm 1999.
Sau nhiều khó khăn và trì hoãn, tôi nhận được giấy phép quản lý một cửa hàng thuốc Trung y và hiện đang quản lý một mình giống như mẹ. Mặc dù đó là một cuộc hành trình khó khăn từ theo đuổi nghiên cứu đến quản lý một cửa hàng, trải nghiệm này làm tinh thần của tôi vững vàng hơn, tự tin hơn. Nó cũng dẫn tới bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời tôi.
Tìm thấy con đường trở về
Bà Vương là khách thường đến cửa hàng của tôi để mua thuốc. Bà mang đến một cuốn sách và thực sự muốn tôi đọc. Tiêu đề của nó là “Chuyển Pháp Luân”. Tôi rất ngại từ chối nên đã nhận nó, nhưng chỉ đặt trên bàn và không bao giờ mở ra. Bà Vương kiên trì gọi điện cho tôi mỗi vài ngày để hỏi đã đọc cuốn sách chưa? Tôi luôn nói với bà: “Tôi không có thời gian để đọc nó!” Tình trạng này diễn ra trong 6 tháng.
Một ngày, tôi quyết định cầm cuốn sách lên để đọc, như thế tôi sẽ có cái gì đó để nói với bà Vương. Tôi có ý định trước hết khám phá xem cuốn sách nói về điều gì, xem liệu có thể tìm thấy bất cứ điều gì làm một cái cớ để từ chối bà ấy. Tuy nhiên, khi bắt đầu đọc nó, tôi rất kinh ngạc. Nội dung của cuốn sách rất khác biệt. Nó khiến tâm của tôi cảm động sâu sắc và đã khai mở nhiều vấn đề mà trước đây không giải đáp được.
Thoát khỏi thù hận
Trong sách, Sư phụ Lý Hồng Chí đã dạy tôi phải yêu thương ngay cả kẻ thù của chính mình. Tôi cảm thấy buồn, dù không coi mẹ chồng là kẻ thù của mình, nhưng tôi đã không thể yêu thương bà. Vậy làm sao tôi có thể yêu thương kẻ thù của mình đây?
Tôi đọc sách một cách siêng năng và hy vọng rằng các nguyên lý của Đại Pháp sẽ giúp tôi hiểu nên làm gì. Cuối cùng, tôi đã tìm thấy.
Tôi bắt đầu cố gắng để hiểu mẹ chồng mình. Bà là con gái út trong gia đình và có một người cha rất yếu. Để tập trung vào việc chăm sóc chồng, mẹ bà đã đưa bà tới gia đình cha chồng tôi với tư cách là một cô dâu trẻ. Bà phải làm việc ngoài đồng, trong khi người chồng đi học và sau đó làm việc ở xa. Ông không về nhà trong nhiều năm. Ông đã gặp nhiều phụ nữ bên ngoài và đương nhiên ghét bỏ bà – người chưa bao giờ được đi học.
Tuy nhiên, gia đình ông cần giữ cô dâu trẻ này để phụ giúp việc đồng áng. Tôi nghe nói rằng bố chồng bà đã phải lấy một cây sào và “áp giải” con trai mình vào buồng cô dâu. Sau khi kết hôn, người chồng ra ngoài làm việc trở lại. Ông đã sớm có tình nhân, và bà đã bị ruồng bỏ.
Mẹ chồng tôi sau đó đã dẫn con đi tìm bố của nó. Tuy nhiên, bà phải chia sẻ chồng và nhà cửa của mình với người phụ nữ khác. Hai người phụ nữ miễn cưỡng sống dưới một mái nhà và họ đã đánh nhau. Ông chồng yêu cầu bà phải chuyển đi và hứa sẽ cho tiền để chi phí sinh hoạt. Nhưng ông không giữ lời hứa và mẹ chồng tôi phải nuôi con một mình.
Sau khi học Pháp Luân Đại Pháp, cuối cùng tôi đã có thể cảm thông và thấu hiểu mẹ chồng mình. Bà là một người bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Trong quá khứ, bà luôn luôn nguyền rủa những đứa con của mình. Sau khi con trai lập gia đình, bà bắt nạt con dâu không ngừng để giải phóng áp lực và oán hận của mình. Ai chưa trải qua điều này sẽ rất khó tưởng tượng được cảm giác đó. Nhưng tại sao lại là tôi? Tại sao tôi lại phải gặp điều như vậy? Tôi biết rằng tất cả mọi thứ đều tuân theo luật Nhân Quả.
Người nhà báo mẹ chồng tôi phải nhập viện và hy vọng rằng tôi sẽ tới thăm bà. Tôi cùng con đến thăm bà trong bệnh viện. Nhìn thấy bà nằm trên giường bệnh, tôi thấy trong lòng không còn sự oán ghét nữa. Tôi nắm lấy tay bà và nghĩ về cuộc sống đáng thương của người phụ nữ này. Một người chưa bao giờ được yêu thương thì không thể yêu thương người khác. Một người chưa bao giờ được đối xử tử tế sẽ không biết làm thế nào để đối xử với người khác một cách tử tế. Tôi đã tha thứ cho bà và cảm thấy nhẹ nhõm.
Đại Pháp khai mở trí huệ
Nếu không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi vẫn bị đắm chìm trong oán hận. Tôi gần như đã trở thành bản sao của mẹ chồng mình – một người có bệnh lý về tinh thần, bị cảm xúc điều khiển tâm trí với trải nghiệm vô cùng đau đớn. Giờ đây, tôi cố gắng hiểu lời nói và hành động của người khác. Tôi nhận ra một cách sâu sắc rằng “tu khẩu” (Chuyển Pháp Luân) là một đức tính quan trọng. Tất cả sự tử tế với người khác cuối cùng sẽ trở về với chính mình.
Mẹ chồng tôi không tu khẩu nên đã hành xử như vậy, nhưng cũng giúp tôi loại bỏ nhiều nghiệp lực. Sự sỉ nhục của bà cũng giúp tôi rèn luyện tính nhẫn nại phi thường, can đảm hơn khi đối mặt với đau khổ và cuối cùng nắm vững một chuyên ngành và hoàn thành khoá đào tạo y tế của mình. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, trí huệ của tôi được tăng lên không ngừng. Nó vượt xa những điều thông thường mà tôi từng biết và hiểu được, bao gồm cả kiến thức trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Nó thôi thúc tôi đi xa hơn những gì đã có trong sách y học, điều mà các giáo sư giảng dạy, và cả các kết quả đã được nghiên cứu phát hiện.
Tôi vững tin rằng Pháp Luân Đại Pháp có thể mang lại một thế giới tuyệt vời cho con người trong tương lai. Đạo đức tốt phải bắt đầu từ chính mình chứ không phải là chờ đợi người khác thay đổi. Chính mình trở thành tốt mới là quan trọng nhất.
Theo Minh Huệ Net
Thanh Ngọc biên tập
(Tham khảo: http://vn.minghui.org/news/40016-buong-bo-oan-han-va-thay-doi-cuoc-doi.html)
*Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu luyện tâm và thân dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, được truyền ra công chúng từ năm 1992 bởi nhà sáng lập Lý Hồng Chí, hiện đã có mặt tại 114 quốc gia trên thế giới. Thông tin tham khảo: vi.falundafa.org.