Người xưa khi dạy con thường nói, thấy người khác có được điều tốt thì hãy vui mừng cho họ giống như bản thân mình đạt được, còn khi thấy người khác gặp chuyện không may thì cũng nên khởi tâm đau xót giống như bản thân mình gặp phải vậy. Nếu một người luôn ganh ghét đố kỵ khi người khác thành công và cảm thấy hả hê trước thất bại của họ thì sao có thể chung sống hòa hợp với người khác đây?

Vậy nên mới có câu: “Khi thấy người khác có được điều tốt, phải vui như người đó chính là bản thân mình; khi thấy người khác chịu mất mát, đừng cười trên nỗi đau của họ”. Người xưa tin rằng, nếu một người luôn ôm giữ thiện tâm như vậy, Trời xanh nhất định sẽ che chở phù hộ cho họ.

Thật vậy, người không có tâm đố kỵ thì đối với những ai hơn mình về dung mạo, giàu có, tài hoa, hạnh phúc, họ nhất định sẽ chúc phúc và thể hiện sự vui mừng từ đáy lòng. Chỉ cần là vậy thì tu dưỡng của họ đã vượt trên người thường rất nhiều rồi. Trái lại, một người mang tâm đố kỵ quá mạnh, dù có biểu hiện ra hay không thì lúc nào cũng đều khiến bản thân sống trong sự bất mãn, thậm chí còn ác ý phỉ báng, làm tổn hại người khác, kết quả cuối cùng hại người hại mình. Trong lịch sử, không thiếu những câu chuyện như vậy.

Ví như Thân Công Báo trong truyện Phong Thần Diễn Nghĩa được biết Nguyên Thủy Thiên Tôn cử Khương Tử Nha đi phong Thần, trong tâm vô cùng bất bình. Bởi trong con mắt của Thân Công Báo, thời gian tu luyện của Khương Tử Nha chẳng qua chỉ tầm 40 năm. Còn mình thì đã tu hành hơn cả nghìn năm, bản sự cũng rất to lớn, sao lại không để cho mình đi phong Thần? Thế là, dưới sự xui khiến của tâm tật đố, Thân Công Báo không màng đến bạo ngược vô đạo của Trụ Vương, làm đủ mọi cách cản trở Khương Tử Nha thảo phạt Trụ Vương, khiến vô số sinh linh đồ thán, hàng nghìn hàng vạn người tu Đạo bị hủy trong trận chiến.

Về sau Thân Công Báo bị đè dưới núi Kỳ Lân của Ngọc Hư cung, còn bị mang ra lấp Bắc Hải. Khương Tử Nha sau khi tiêu diệt nhà Thương, thấy Thân Công Báo thân bại danh liệt như vậy vẫn phong cho là Đông Hải Phân Thủy tướng quân, bởi dù sao thì ông ta cũng có nghìn năm đạo hạnh.

Tranh vẽ minh họa Thân Công Báo (ảnh: Twoeggz).

Nhà Lưu Tống thời Nam Bắc triều cũng có lưu truyền rộng rãi một câu chuyện về tâm đố kỵ hại mình hại người. Thời Tống Văn Đế, có người tên là Ân Cảnh Nhân, có ông cố từng phụng sự trong triều, ông nội cũng giữ chức quan hiển hách. Bởi ông cũng có thành tựu nên được Tư đồ Vương Mật yêu mến mà gả con gái cho. Cảnh Nhân không chỉ thông hiểu văn chương mà còn nhanh nhẹn, có tư chất, miệng không nói nghĩa lý nhưng lại hiểu sâu nguyên tắc. Với quy chế lễ nghi triều đình, pháp lệnh của quốc gia, ông đều ghi chép cẩn thận không sót cái nào. Những người quen ông đều biết ông có chí lớn, ôm giữ hoài bão trong đời. Con đường công danh của ông cũng vô cùng thuận lợi. Tống Cao Tổ còn cho ông giữ chức quan Thị tòng của Thái tử. Thời Thiếu Đế, ông được bổ nhiệm làm Tả vệ tướng quân.

Đến thời Tống Văn Đế, Ân Cảnh Nhân còn được nhậm thêm chức Thị trung. Khi đó, ông cùng với Thị trung Tả vệ tướng quân Vương Hoa, Thị trung Phiêu kỵ tướng quân Vương Đàm Thủ, Thị trung Lưu Trạm, cả bốn người đều là quan Thị trung, đều ở phủ Tể tướng. Tất cả đều nhờ vào khí độ phi phàm, tài năng xuất chúng mà nổi danh một thời, trong đó Ân Cảnh Nhân và Lưu Trạm là đôi bạn chí thân, cả hai từng giao ước với nhau rằng: “Dẫu là giàu sang hay nghèo hèn cũng không quên nhau!”.

Về sau, Cảnh Nhân được đề bạt trước, nhậm chức Thượng thư Bộc xạ, trở thành người thân cận bên cạnh Hoàng thượng, còn Lưu Trạm thì nhậm chức ngoài triều. Bởi mấy vị trọng thần lần lượt qua đời, Cảnh Nhân không quên lời giao ước khi xưa nên đã mấy lần tiến cử Lưu Trạm với Văn Đế, nhờ vậy Lưu Trạm được vào triều lo liệu việc triều chính.

Nhưng điều Ân Cảnh Nhân không ngờ đến chính là Lưu Trạm không những không cảm kích mình, trái lại còn cho rằng Ân Cảnh Nhân không đáng nhận được đãi ngộ cao hơn mình, trong tâm rất căm phẫn bất bình. Trước mặt Văn Đế, ông thường nói những lời gièm pha bóng gió về Cảnh Nhân. Văn Đế vì để dập tắt nỗi bất mãn của Lưu Trạm nên đã đề bạt hai người cùng lúc, phong thêm cho Ân Cảnh Nhân chức Trung thư lệnh, Trung hộ quân, Lưu Trạm thì nhậm chức Thái tử Chiêm sự (chức quan cung cấp mọi việc cho Thái tử), từ cấp bậc mà xét vốn không phân cao thấp. Nhưng Lưu Trạm vẫn không hài lòng, bởi thực quyền của Ân Cảnh Nhân vẫn lớn hơn mình, Lưu Trạm vì thế càng thêm đố kỵ.

Lưu Trạm biết rõ Văn Đế rất tín nhiệm Cảnh Nhân, liền ngấm ngầm câu kết với em trai của Văn Đế là Bành Thành vương Lưu Nghĩa Khang nói lời gièm pha Cảnh Nhân trước mặt Văn Đế. Thỉnh thoảng Văn Đế đem những lời này nói lại với Cảnh Nhân. Cảnh Nhân từng than thở với người thân bạn bè rằng: “Ta tiến cử Lưu Trạm vào triều, không ngờ ông ta lại cắn ngược lại ta”. Ông bèn cáo bệnh từ chức, nhiều lần dâng biểu lên hoàng đế xin được từ chức, nhưng trước sau không được phê chuẩn. Văn Đế để ông ở nhà dưỡng bệnh, và cử người trông nom ông.

Tranh vẽ minh họa Ân Cảnh Nhân (ảnh: Baike).

Lưu Trạm lại không vì sự nhường nhẫn của Cảnh Nhân mà bớt phóng túng hành vi của mình, trái lại còn bàn tính cùng Bành Thành vương sai người giả dạng thành đạo tặc mưu sát Cảnh Nhân bên ngoài. Ông ta cho rằng dù Văn Đế có biết được thì đại khái cũng sẽ không trách phạt, bởi rốt cuộc Văn Đế sẽ không vì chuyện này mà tổn hại tình cốt nhục. Có lẽ Văn Đế đã phát giác được âm mưu của hai người họ, nên đã bí mật đưa Cảnh Nhân đến dinh thự của Phàn Dương vương, và cho người canh phòng nghiêm mật, vậy nên âm mưu của bọn người Lưu Trạm không được như ý.

Cảnh Nhân nằm trên giường suốt 5 năm, tuy không gặp mặt Hoàng đế nhưng hai bên vẫn thư từ qua lại với nhau, mỗi ngày khoảng hơn 10 bức. Các việc triều chính lớn nhỏ hoàng đế đều hỏi qua ông. Nhưng họ qua lại với nhau vô cùng kín đáo, vậy nên người ngoài không ai biết được bí mật này.

Tâm đố kỵ đã khiến Lưu Trạm điên cuồng mất hết cả lý trí, ông bí quá hóa liều, ngấm ngầm cấu bè kết đảng, vạch kế hoạch muốn đưa Lưu Nghĩa Khang lên làm Hoàng đế. Bởi duy chỉ có đưa Lưu Nghĩa Khang ngồi lên ngôi Hoàng đế mới có thể đẩy Ân Cảnh Nhân vào chỗ chết. Âm mưu phiến loạn của ông rất mau đã bị Văn Đế phát giác, Lưu Trạm cùng bè đảng của mình đều bị bắt. Hôm Lưu Trạm bị bắt, Ân Cảnh Nhân sai người sửa sang áo mũ cho ông. Bởi ông nằm trên giường đã lâu như vậy rồi, thủ hạ dưới trướng đều không biết dụng ý của ông. Buổi tối hôm đó, Hoàng đế triệu kiến Cảnh Nhân, giao Lưu Trạm cho ông xét xử. Lưu Trạm vì mưu đồ phản nghịch nên bị khép vào tội chết.

Bài học về việc tâm đố kỵ khiến cho bạn bè trở mặt thành thù tương tự như vậy còn có Tôn Tẫn và Bàng Quyên thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Hai người vốn là đồng môn với nhau, Tôn Tẫn giỏi giang hơn Bàng Quyên. Bàng Quyên luôn đố kỵ Tôn Tẫn. Sau khi làm tướng nước Ngụy, bởi lo sợ Tôn Tẫn sẽ có được thành tựu hơn mình, Bàng Quyên đã mời Tôn Tẫn đến chơi nhà, rồi đặt điều vu cáo hãm hại, chặt đứt đôi chân, thích chữ lên trên mặt của Tôn Tẫn. Về sau, Tôn Tẫn giả điên trốn thoát được, sau khi đến nước Tề được phong làm quân sư, về sau trong trận chiến đã giết chết Bàng Quyên.

Một tấm gương khác là Lý Tư và Hàn Phi thời Tần Thủy Hoàng. Lý Tư khâm phục tài học của Hàn Phi, bèn đem văn chương do Hàn Phi viết cho Tần Thủy Hoàng xem. Tần Thủy Hoàng xem xong rất tán thưởng Hàn Phi, muốn đưa ông về Hàm Dương. Nhưng Lý Tư sinh tâm đố kỵ, đã nói xấu Hàn Phi, khiến ông bị tống giam vào ngục. Lý Tư tiếp tục thừa cơ đầu độc chết Hàn Phi. Về sau, khi Tần Thủy Hoàng băng hà, Lý Tư đã thông đồng với hoạn quan Triệu Cao hãm hại công tử Phù Tô và lập đứa con còn nhỏ của Tần Thủy Hoàng là Hồ Hợi lên ngôi. Thế nhưng dù có công lao phò trợ như vậy, Lý Tư lại bị Triệu Cao hại chết, chém bêu đầu ở cổng thành, đồng thời tru di ba họ. 

Đại văn hào của nước Pháp là Victor Hugo từng nói một câu như thế này: “Người có tâm đố kỵ đều rất đáng buồn”. Kinh điển nhà Phật cũng có câu: “Bi ai lớn nhất của đời người là ganh tị”. Tâm đố kỵ quá lớn mạnh dễ khiến người ta phát cuồng và có những hành động thiếu lý trí, kết cục đẩy bản thân xuống vực thẳm, hại người hại mình, thật đáng buồn thay!

Vũ Dương

Video: Tâm thuần tịnh thì từ trường tốt, vận mệnh cũng tốt

videoinfo__video3.dkn.tv||579c092a8__

Từ Khóa: