Thời cổ đại, các danh nhân làm quảng cáo thường có động lực vượt ra ngoài lợi ích cá nhân. Khác với quảng cáo hiện đại, những hành động này là tự phát và vị tha, thúc đẩy bởi mong muốn giúp đỡ người khác một cách chân thành. Nhờ lòng trắc ẩn và trí tuệ, những quảng cáo độc đáo của danh sĩ thời xưa tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay.
Vương Hi Chi và bà cụ bán quạt ế

Ví dụ cổ xưa nhất về quảng cáo của người nổi tiếng ở Trung Quốc có từ triều Tấn (266-420 sau Công Nguyên), liên quan đến vị thư pháp gia huyền thoại Vương Hi Chi (303-361). Theo các ghi chép lịch sử, Vương Hi Chi đã gặp một bà cụ già đang cố gắng bán quạt tre trong chợ. Những chiếc quạt tre đơn sơ, không trang trí của bà không thu hút được người mua. Cảm thông với hoàn cảnh của bà cụ, Vương Hi Chi đã đề nghị viết thư pháp lên quạt.
Không biết gì về danh tiếng của Vương Hi Chi, bà cụ đã đưa quạt cho ông. Vương Hi Chi nhanh chóng viết chữ lên từng chiếc quạt, nét bút như phượng múa rồng bay. Tuy nhiên, bà cụ không biết chữ nên không cảm nhận được vẻ đẹp này, và còn lo ngại rằng chữ viết lộn xộn sẽ càng đuổi khách hàng ra xa. Vương Hi Chi đã trấn an bà cụ, khuyên bà nên nói với khách hàng rằng những chiếc quạt có thư pháp của ông.

Nhờ thế, vận may mỉm cười với cụ bà ngay lập tức. Khách hàng trong chợ nhận ra danh tiếng của Vương Hi Chi và vội vàng hỏi mua quạt. Toàn bộ giỏ quạt của bà bán hết trong nháy mắt.
Tô Đông Pha cũng ‘quảng cáo’ bánh rán

Vào triều Tống, nhà thơ nổi tiếng Tô Thức (1037-1101), còn gọi là Tô Đông Pha, cũng thể hiện một tinh thần hào phóng tương tự. Khi bị lưu đày ở đảo Hải Nam, Tô Thức đã gặp một bà cụ bán bánh rán sanzi đang buồn rầu vì ế ẩm.
Cảm thương hoàn cảnh của bà, Tô Đông Pha đã sáng tác một bài thơ tuyệt vời để quảng bá sản phẩm:
Khiên thủ tha lai ngọc sắc quân
Bích du tiên xuất nộn hoàng thâm
Dạ lai xuân noãn tri khinh trọng
Áp biển giai nhân triền tý kim.
Tạm dịch:
Xoa tay nhẹ nhàng, viên ngọc đều màu,
Dầu xanh rán ra màu vàng nhạt.
Đêm về, xuân ấm, biết rõ nặng nhẹ,
Ấn xuống, mỹ nhân quấn tay vàng.

Hình ảnh sống động này làm nổi bật kết cấu tinh tế, màu vàng óng và độ giòn ngon của những chiếc bánh, ví hình dáng của bánh như chiếc vòng tay thanh thoát. Bài thơ đã nắm bắt được tinh hoa của sản phẩm đến mức nó trở thành một quảng cáo sống động. Bà cụ đã treo bài thơ bên ngoài cửa hàng, và ngay lập tức, cửa hàng trở nên phát đạt, đảm bảo cuộc sống cho gia đình bà. Khả năng của Tô Thức trong việc ứng dụng nghệ thuật thơ ca vào thực tế đã khiến ông trở thành nhà tiên phong trong văn học quảng cáo.
Hoàng đế Chu Nguyên Chương viết câu đối giúp hàng thịt

Trong lịch sử, không ít người sử dụng đối liên (câu đối) để làm quảng cáo, một trong số đó là hoàng đế khai quốc triều Minh, Chu Nguyên Chương (1328 – 1398). Theo sách Tán Vân Lâu Tạp Thoại của nhà Thanh, vào một năm vào đêm giao thừa, Chu Nguyên Chương lệnh cho bá quan văn võ và dân chúng ở Nam Kinh đều phải dán câu đối để chúc mừng năm mới. Ngài còn tự mình cải trang vi hành và phát hiện có một nhà không dán câu đối. Hỏi ra mới biết, đó là nhà của một người làm nghề xẻ thịt heo, làm ăn thất bát và không biết chữ, không có tiền thuê người viết câu đối. Thế là Chu Nguyên Chương cầm bút viết một câu đối cho nhà nọ:
Đôi bàn tay chẻ đôi con đường sinh tử
Một nhát dao cắt đứt gốc rễ đúng sai.
Câu đối thật hài hước, thú vị, thu hút sự chú ý của hàng xóm và người qua lại, kết quả là đã vô tình quảng cáo cho cửa hàng nọ.
Một tài liệu lịch sử khác ghi chép lại, vào thời Hoằng Trị triều Minh, có một quán rượu do một gia đình cha con mở ở Tây Hồ, Hàng Châu. Do kinh doanh không thuận lợi, quán rượu làm ăn thua lỗ, cha con họ rơi vào cảnh khó khăn. Mùa xuân năm đó, danh sĩ nổi tiếng Chúc Chi Sơn sau khi du lịch Tây Hồ trở về, vào quán uống rượu rồi hỏi nguyên nhân. Sau đó, ông đã vung bút viết một câu đối:
Đông không quản Tây không quản, tôi chỉ lo rượu
Hưng cũng được suy cũng được, xin mời uống đi.
Câu đối này đã gây tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý của người dân quanh vùng. Từ đó, quán rượu của họ bắt đầu phát đạt trở lại.

Di sản của lòng tốt và sự sáng tạo
Các câu chuyện từ thời cổ đại trên đây cho thấy những hành động tốt đẹp, kết hợp với tài năng sáng tạo, có thể thay đổi cuộc sống. Dù là thư pháp, thơ ca hay câu đối, những danh nhân này đã cống hiến tài năng của họ cho những người bình thường mà không cầu báo đáp. Hành động của họ thể hiện một bài học vĩnh cửu: lòng nhân ái thực sự có ảnh hưởng lâu dài, vang vọng qua các thế hệ.
Theo Vision Times
Thanh Ngọc biên dịch