Một hôm tôi về quê. Vào đến sân, tôi gặp ông nội đi ra ngoài cổng. Cùng đi với ông là hai ông lão khác. Trông các ông hơi lập cập, có vẻ xúc động lắm.
Các ông vừa đi vừa bàn nhau việc gì đó, trong giọng nói có chút nghẹn ngào và hơi thở có phần dồn dập. Thậm chí chỉ khi tôi vào gần đến nơi, ông nội tôi mới phát hiện ra. Ông nói:
“Tiến vào nhà đợi ông nhé! Ông đi đến trưa rồi về”.
Đến trưa muộn ông mới về. Ông đi chậm, dáng tư lự, mắt nhìn xa xăm. Rồi ông ngồi xuống cạnh tôi, khẽ thở dài. Mắt ông hơi đỏ, hình như trong khóe mắt, giọt lệ cũng vừa khô. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi thấy ông khóc. Ngày trước tôi nghe người lớn kể lại, ông cũng chỉ khóc khi bà nội mất. Không gian thật yên lặng. Trời hôm nay không nắng nhưng oi ả. Ngoài vườn, những hàng chuối đứng im phăng phắc, lá rủ xuống.
Giọng ông tôi hơi khàn khàn:
“Ông vừa đi viếng một trong những người bạn thân nhất của ông”.
Tôi cảm thấy dường như ông đang muốn tâm sự. Vậy nên tôi hỏi:
“Ông có nhiều bạn thân không hả ông?”
Ông tôi lắc đầu:
“Ông có không ít mối quan hệ, nhưng chỉ có ba người bạn thân thôi. Ông vừa mất có tên là Chính. Còn hai ông kia cháu đã gặp sáng nay rồi đấy. Tên hai ông ấy là Lượng và Văn. Các ông chơi thân với nhau từ thời trẻ”.
Tôi an ủi:
“Ông ơi, ông đừng buồn quá! Nếu ông Chính ra đi nhẹ nhàng thanh thản là mừng rồi ông ạ”.
Ông tôi hắng giọng:
“Cháu nói đúng, nhưng ông thương nhớ ông Chính vì ông ấy là một người tốt và một người bạn tốt. Ông nhớ đến những kỷ niệm với ông ấy. Ông Chính là người bạn có ảnh hưởng tới ông rất nhiều, cũng như ông Lượng và ông Văn vậy. Cháu có muốn nghe kể chuyện về các ông ấy không?”.
Tôi háo hức, dù vẫn hơi e ngại một chút vì ông đang xúc động:
“Vâng, cháu muốn nghe lắm chứ ạ. Nhưng ông ơi, ông đừng xúc động quá ảnh hưởng sức khỏe ạ!”
Ông tôi lắc đầu, đôi mắt sáng kiên nghị chợt trầm xuống như ngược về miền dĩ vãng xa xăm:
“Thời còn trẻ, ông là một thanh niên hào hoa. Có nhiều cô gái quý mến ông. Nhưng cuối cùng ông lập gia đình với bà cháu. Một là vì ông cũng ưng bà. Hai là các cụ đôi bên cũng có đi lại và giao hẹn với nhau từ trước. Rồi các bác của cháu lần lượt ra đời. Ông thời ấy hay phải đi làm xa. Xa gia đình, lại có cơ hội tiếp xúc với những phụ nữ độc thân khác, dần dần ông nảy sinh sự so sánh với bà của cháu. Rồi ông bắt đầu chán vợ”.
Tôi tròn mắt. Trời ơi, ông tôi mà cũng có những lúc như thế này sao?
Ông nhìn tôi hiểu ý, gật đầu và kể tiếp:
“Mỗi lần về đến nhà, ông thấy bà nói nhiều quá mức. Bà kêu than đời sống khó khăn. Bà lại hay cằn nhằn mắng mỏ con cái, có lúc đánh đòn các con. Tính ông thì cháu biết đấy, ông chẳng mấy khi nặng lời, đừng nói là đánh đập ai, dù là con cháu. Rồi bà trở nên lôi thôi luộm thuộm xấu xí, khác hẳn lúc mới về nhà chồng. Mà ông thời trẻ thì “hoa lá cành” lắm, văn nghệ sĩ lắm. Ông thích phụ nữ phải luôn đẹp đẽ, nhẹ nhàng. Thế là dần dần ông cũng chẳng muốn về nhà”.
Tôi nhìn ông. Ông có vẻ hơi ân hận, đầu ông hơi cúi xuống. Chuyện này tôi mới được nghe lần đầu. Đúng là ông kín đáo thật.
“Ông ơi, thế ông làm thế nào để vượt qua ạ?”.
Ông tôi gật đầu:
“Ông có tâm sự chuyện này với một vài người bạn. Có vài người hùa theo bảo ông đi lập ‘phòng nhì’ ở nơi công tác, tức là có vợ bé đấy. Họ muốn lấy lòng ông vì hồi đó ông cũng có chút quyền hành. Thực lòng, ông có chán vợ nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ấy. Nhưng riêng ông Chính khi nghe chuyện thì mắng ông thế này:
‘Cậu ích kỷ quá đấy! Hãy nghĩ cho vợ cậu một chút đi! Chồng thì đi làm xa nhà, một tay cô ấy cáng đáng cả gia đình nhà chồng. Vừa chăm sóc, nuôi dạy ba đứa nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, vừa phụng dưỡng cha mẹ chồng, lại vừa buôn bán kiếm thêm để lo kinh tế gia đình. Có còn thời gian nào chăm lo cho bản thân cô ấy đâu! Vợ cậu chẳng kém gì bà Tú Xương ‘nuôi đủ năm con với một chồng’. Thế mà cậu còn yêu cầu cô ấy phải luôn đẹp đẽ, nhẹ nhàng, ít lời như hồi mới cưới. Thế không ích kỷ lắm sao? Thôi, nghe lời tớ bỏ suy nghĩ ấy đi! Về nhà đi! Có gì chưa hài lòng thì vợ chồng đóng cửa bảo nhau’”.
Tôi tò mò:
“Rồi sau thế nào hả ông? Ông có giận ông Chính vì nói thẳng với ông không?”.
Ông tôi cười:
“Lúc đầu ông cũng hơi sững. Nhưng sau ông nghĩ lại ngay. Ông Chính thật là chí tình. Ông ấy chỉ muốn bạn mình làm người tốt, lại vun vén cho hạnh phúc của bạn chứ không hùa theo thói hư tật xấu như người ta. Vì thế ông ấy chẳng ngại mất lòng ông. Nên ông nghe lời ông Chính. Và kết quả là bố cháu ra đời đấy” – Ông nháy mắt tinh nghịch với tôi.
Tôi cười to. “Hú hồn! May mà có ông Chính!” – Tôi cho phép mình được suy nghĩ bông lơn một chút.
“Ông Chính tuyệt quá ông nhỉ! Ông ấy luôn thẳng thắn như vậy ạ?”.
“Đúng thế cháu ạ. Với ai ông ấy cũng thẳng thắn như vậy đấy. Ông ấy chấp nhận nghèo chứ không bao giờ làm việc gì trái với đạo đức, lương tâm. Cũng vì chính trực, thẳng tính nên có một số người không thích ông ấy. Nhưng với ông thì ông Chính là người bạn tuyệt vời nhất. Gần gũi những người bạn ấy, ta khó có thể trở thành người xấu”.
“Vậy còn ông Lượng, ông Văn thì sao hả ông?”.
“Đấy cũng là những người bạn rất tốt cháu ạ. Ông Lượng sống rất bao dung. Ông ấy không chấp nhặt việc người khác đối xử với mình thế nào. Thấy ai khó khăn về vật chất, ông ấy giúp đỡ tiền bạc, của cải. Thấy người hoạn nạn, ông ấy an ủi, động viên. Thấy người lận đận, ông ấy giới thiệu cho cơ hội tiến thân. Ông ấy sẵn sàng cho đi thứ mình có. Tấm lòng ông Lượng thật quảng đại. Vậy nên ông ấy được nhiều người quý mến lắm… Các cụ gọi đó là hào hiệp trượng nghĩa cháu ạ.
Còn ông Văn thì là một ông bạn Biết Tuốt, các cụ xưa gọi là người thông kim bác cổ hay thiên kinh vạn quyển. Ông ấy không những học rất giỏi, kiến thức sâu rộng mà còn có nhiều kinh nghiệm cuộc sống. Các ông thường được ông ấy cho lời khuyên tốt. Ông ấy giống như một quân sư quạt mo của mọi người ấy cháu ạ. Những điều ông dạy cháu là cũng có ảnh hưởng của ông ấy đấy”.
Tôi hỏi:
“Ông ơi, sao tự nhiên ông lại có được những người bạn tuyệt vời thế ạ?”
“Cháu nói là tự nhiên sao?” Ông tôi cười. “Không có tự nhiên đâu cháu. Các cụ nói phải chọn bạn mà chơi, cháu ạ”.
“Ồ, vậy hả ông? Vậy mà cháu chẳng chọn gì cả. Ai cháu quen một thời gian cháu cũng gọi là bạn rồi”.
Ông tôi trầm giọng:
“Bạn bè quan trọng lắm cháu. Có thể giúp mình thành nhân và thành công. Mà theo ông, thành nhân còn quan trọng hơn thành công. Muốn vậy, cần có những người bạn tốt. Xưa nay, loài người chẳng mãi ca tụng về tình bạn là gì. Cháu có muốn nghe không?”
“Vâng, cháu muốn ạ”.
“‘Giàu vì bạn, sang vì vợ’, cháu nghe chưa? Nghĩa là: Người có lắm bạn bè tốt thì về vật chất được giúp đỡ, về tinh thần được khuyên nhủ và an ủi, về đạo đức được uốn nắn, người ấy làm sao có thể nghèo khó được, làm sao có thể cô đơn buồn tủi được.
Tuân Tử có câu: ‘Ở phải chọn láng giềng, chơi phải chọn bạn’. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: ‘Ở chọn nơi, chơi chọn bạn’. Bạn bè là môi trường quan hệ khiến ta phải tiếp xúc thường xuyên với mức độ không kém gì láng giềng quanh nơi ta ở. Nên lựa chọn bạn bè chính là lựa chọn cuộc sống”.
Tôi cũng tham gia:
“Cháu thấy mọi người bây giờ hay nói câu: ‘Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào’.
Ông tôi nheo mắt nhìn tôi: “Cháu hiểu thế nào về câu ấy?”
Tôi cười: “Cháu đang muốn nghe ông giải thích giúp cháu ạ”.
“Câu ấy là ngạn ngữ của người Anh. Theo ông hiểu thì nghĩa của nó là: Nếu bạn của anh đa phần là người tốt, có thể anh cũng là người tốt. Nếu bạn anh đa phần là người xấu, anh chỉ có thể thuộc về 2 loại người: ngốc nghếch vì không nhìn ra bạn xấu hoặc chính anh cũng là một người xấu. Người Việt mình cũng có câu ngạn ngữ tương đương là ‘Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã’ đấy. Cháu đừng quên rằng các cụ mình sâu sắc lắm đấy, không thua gì ‘Tây’ đâu” – Ông cười khà khà.
Tôi hơi ngượng nghịu một chút. Thế hệ trẻ chúng tôi đúng là hơi vọng ngoại thật. Chúng tôi quên mất cả một kho những sự khôn ngoan của cha ông mình.
Ông tôi nói tiếp: “Chọn bạn không phải chỉ để cuộc sống của mình thăng hoa. Cháu cũng phải có trách nhiệm với bạn bè nữa. Có vậy mới gọi là bạn. Không thể lúc vui sướng đầy đủ thì gọi nhau là bạn, khi gặp hoạn nạn thì lánh xa. Thế còn gọi là bạn sao được. Vì vậy, không nên khinh suất mà gặp ai mình cũng nhận là bạn. Cháu hiểu vì sao phải chọn bạn chưa?”
“Thật là thấm thía làm sao!” – Tôi nghĩ.
“Ông ơi, vậy tiêu chuẩn chọn bạn theo các cụ phải như thế nào ạ?”
“Cháu có nghe Đức Khổng Tử nói: ‘Ích giả tam hữu, tổn giả tam hữu. Hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn, ích hĩ. Hữu tiện tịch, hữu thiện nhu, hữu tiện vọng, tổn hĩ’”.
“Nghĩa là sao hả ông?”
“Ông tạm giải thích là: Có ba hạng bạn có ích, ba hạng bạn có hại. Bạn chính trực, bạn rộng lượng, bạn biết nhiều là có ích. Bạn đón ý mình, bạn khéo nịnh mình, bạn hay giả vờ là bạn có hại”.
“Như ông Chính, ông Lượng, ông Văn là bạn có ích hả ông?
“Ừ, các ông ấy chính là điển hình của ‘ích giả tam hữu’ đấy cháu. Ông thật may mắn khi có những người bạn như thế. Ông học được nhiều từ các ông ấy nên các ông ấy vừa là bạn vừa là thầy. Gần những người bạn như thế cũng giống như gần hoa lan hoa huệ ấy mà, lâu dần mình sẽ lây được chút hương thơm. Cho nên Đức Khổng Tử cũng nói rằng không nên chọn bạn không bằng mình, nguyên văn của câu ấy là: ‘Vô hữu bất như kỷ giả. Quá tắc vật đạn cải’.
Tôi láu táu:
“Đúng rồi, bạn phải hoành tráng hơn mình, phải giàu có thế lực hơn mình mới giúp được mình chứ ông nhỉ?”
Ông tôi cười khà khà:
“Cháu hiểu hoàn toàn sai. Đức Khổng Tử là người chủ trương đạo đức. Ngài nói vậy có nghĩa là không nên chọn bạn có phẩm chất đạo đức, tu dưỡng kém mình. Gần những người ấy mình dễ bị lây nhiễm thói hư tật xấu. Đấy là cái lý gần mực thì đen, gần đèn thì rạng của người Việt mình đấy”.
“Lại cũng chính là điều các cụ mình đã dạy mãi phải không ông?” – Tôi hí hửng lanh chanh.
Ông tôi cười giòn tan, dường như ông đã vui vẻ trở lại:
“Phải đấy, hôm nay cháu ông mãi rồi mới nói được một câu chí lý. Thôi, ông cháu ta đi chuẩn bị cơm nước nào. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn phải không cháu?”
Tôi cũng lây theo sự lạc quan của ông. Trời bắt đầu hưng hửng nắng, có luồng gió mát trong lành từ đâu kéo về khiến rặng chuối xanh mướt ngoài vườn reo vui xào xạc.
Bình Nguyên
Bạn đang đọc bài viết: “Ông tôi kể chuyện rất hay (P.5): Chọn bạn mà chơi, một đời chẳng hối hận” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |