Vào thời nhà Thanh, ở vùng Giang Nam có một gia đình danh môn vọng tộc, người cha là quan thái thú, thông qua các quan viên nhận hối lộ, thu được tài phú vài trăm vạn, nhưng vì quá tham lam nên vẫn không ngừng tìm kiếm của cải. Người gác cổng của gia đình này tên là Cao Lộc, ông đã luôn khuyến cáo chủ nhân của mình rằng: “Của cải này là của cải bất nghĩa, dễ đến dễ đi. Hơn nữa, con trai của ngài là người thừa kế duy nhất của ngài, nếu cậu ta tự nhiên thấy gia cảnh giàu có, cậu ta sẽ phóng túng buông thả, ngày sau sẽ không tiến bộ”.

Mặc dù thái thú trong tâm cũng đồng cảm, nhưng cuối cùng lại không nghe theo những kiến nghị này. Không lâu sau, vợ chồng thái thú lần lượt qua đời, thiếu gia càng trở nên ngạo mạn, tự cao tự đại, Cao Lộc chiểu theo gia quy mà quản cậu ta, kết quả là thiếu gia rất tức giận, đuổi Cao Lộc ra khỏi nhà. Cao Lộc cuối cùng đành trở về quê hương.

Sau khi Cao Lộc rời đi, thiếu gia ngày càng trở nên chẳng biết e dè, mỗi ngày đều đem hàng ngàn lượng bạc đi đánh bạc, đến khi thua hết tiền mới chịu về nhà. Thấy vậy, những kẻ chạy theo lợi đã hữu ý dụ dỗ thiếu gia cùng đánh bạc, trong vòng mấy năm, tiền trong nhà đã cạn kiệt, tài sản và bất động sản cũng bị chàng ta mang thế chấp, mất sạch sành sanh, dần dần, ngay cả quần áo ở nhà cũng được đem đi bán. Vài tháng sau, nhà cửa tan hoang, người nhà tứ tán, ngay cả những bạn chó bạn mèo trong đám cờ bạc khi nhìn thấy chàng ta cũng sợ hãi tránh mặt, nên thiếu gia kết giao với mấy tên thổ phỉ, hàng ngày vẫn đến các sạp đánh bạc ngoài chợ, rồi chẳng biết từ bao giờ, trong túi chẳng còn đồng nào, bếp lửa trong nhà cũng tuyệt hỏa, chỉ còn biết nhìn nóc nhà thở dài.

Vợ của thiếu gia là con gái của một gia đình quan lại ở Giang Nam, xinh đẹp và thông minh, nàng thuận tòng quan niệm đạo đức chính thống, chưa bao giờ phản kháng chồng. Hai vợ chồng nghèo túng đang ôm nhau khóc, đúng lúc đang bất lực, thì mấy tên thổ phỉ đến đập cửa đòi nợ. Khi nhìn thấy người vợ trẻ của thiếu gia, chúng nói với thiếu gia: “Nhà mày nhiều tiền tài như vậy mà còn giả nghèo giả khổ lừa người à?” Thiếu gia trả lời: “Không phải vậy”. Tên thổ phỉ cười, lôi tay thiếu gia bước ra ngoài, nói nhỏ: “Mỹ nhân xinh đẹp vừa rồi là vợ mày à?” Thiếu gia trả lời: “Đúng vậy”. Tên thổ phỉ nói: “Cô ta đáng giá ngàn lượng vàng, nếu như ngươi nguyện ý bán cô ta, vậy không cần lo không có tiền”. Thiếu gia lớn tiếng mắng: “Ngươi đang nói cái gì vậy! Ta tuy nghèo nhưng vẫn là danh môn vọng tộc trong trấn, ta chẳng những không bán nàng, mà ai còn dám cưới nàng đây!”

Tên thổ phỉ lạnh lùng cười, rồi nói: “Đồ ngu! Có vật phẩm trân quý như vậy mà không tự cứu mạng mình, cũng không cho người khác, cuối cùng hai đứa chúng mày muốn cùng nhau chết đói hay sao? Như thế đối với mọi người có ích lợi gì? Nếu mày đưa cô ta đến những nơi xa xôi, chẳng hạn như các kỹ viện ở Tô Châu và Dương Châu, chắc chắn sẽ có người mua cô ta với giá cao; Nếu lừa bán cô ta, ai sẽ biết chuyện? Hơn nữa, số tiền mày kiếm được từ việc bán vợ chẳng những có thể trả hết nợ nần, mà còn có thể sống cuộc sống của phú gia, như vậy mày mới lý giải mưu kế sâu xa của chúng tao đối với mày”.

Thiếu gia lúc đầu do dự, nhưng vì bọn thổ phỉ cực lực khuyến khích, cuối cùng thiếu gia đã quyết định, khi trở về nhà, thiếu gia nói với vợ: “Hiện tại trong nhà không có thức ăn qua đêm, chúng ta làm sao sống qua ngày đây? Tôi nghe nói trong những anh em của nàng có người vì cha mẹ cao tuổi nên từ chối về phụng dưỡng. Chúng ta sẽ đi về với họ, nhất định sẽ có thể tìm được tương trợ.” Thiếu phu nhân muốn gặp mẹ mình, sẵn lòng đồng ý.

(Pixabay)

Theo đó, thiếu gia vay tiền của đám thổ phỉ và thuê một chiếc thuyền để đến Tô Châu. Trước khi thuyền đến Tô Châu, đám thổ phỉ đã đến kỹ viện trước, và nói rằng chúng tìm được một thiếu nữ có nhan sắc tuyệt thế, có thể nói là đẹp nhất cổ kim. Kỹ viện đương nhiên rất thích. Tên thổ phỉ nói: “Đây là một phụ nữ xuất thân từ gia đình lương thiện, không thể nói trực tiếp nguyên do với cô ấy, phải cố gắng dụ dỗ cô ấy đến nhà mình, làm sao để cô ấy chỉ có thể tuân theo”.

Theo đó tên thổ phỉ và tú bà đã giả làm người hầu và nữ giúp việc, nói rằng họ đang truyền đạt mệnh lệnh của Thái phu nhân đến chào đón thiếu phu nhân. Tú bà nhìn thấy dung mạo của thiếu phu nhân thật phi thường, sau khi về liền mời thiếu gia đến, dùng năm trăm lượng bạc ký hợp đồng bán vợ với thiếu gia, chuẩn bị trang sức y phục rồi sai thị nữ mang xe đến đón thiếu phu nhân.

Thiếu phu nhân được xe đưa đến trước một ngôi nhà cao lớn, khi nàng bước vào thì căn nhà rất rộng rãi. Vừa bước vào sảnh, nàng nhìn thấy một bức tượng thần với đôi lông mày trắng, tú bà ra lệnh cho thiếu phu nhân cúi đầu hành lễ trước bức tượng. Thiếu phu nhân cảm thấy có gì đó không ổn, bèn hỏi, Thái phu nhân đâu rồi? Nhưng tú bà lại cười nói: “Ngươi đã bị chồng ngươi bán cho ta, ngươi là tân nương của nhà ta, giờ ta là mẹ của ngươi, làm gì có Thái phu nhân ở đây?”

Biết mình bị lừa, thiếu phu nhân vô cùng tức giận, liều lĩnh đập đầu vào tường mong chết cho nhanh, nhưng rất may được những người bên cạnh can ngăn, nên mới cứu vãn được sinh mạng. Tức giận, tú bà ra lệnh cho năm sáu người giúp việc khỏe mạnh kéo nàng vào tòa lầu phía sau, lột trần nàng, trói tay chân nàng bằng những sợi dây thừng dày, treo nàng lên xà và đánh nàng nhiều lần cho đến khi nàng toàn thân bầm tím, rồi cảnh cáo: “Nếu ngươi nghe theo an bài của chúng ta, thì ngươi sẽ được sống trong nhung lụa, ngươi muốn gì chúng ta đều cấp cho ngươi. Bằng không, thì mỗi ngày phải chịu ba trăm roi, muốn cầu chết cũng không được”. Thiếu phu nhân khóc lóc thảm thiết, ngày đêm đều la hét, không ăn không uống. Tú bà đành bất lực.

Ở phía đông của ngôi nhà, có một thương nhân, nghe thấy từ nhà hàng xóm vẳng đến tiếng khóc than, ngày dài đêm thâu đều không được an tĩnh, trong tâm rất bất bình. Vì vậy, ông bèn gọi tú bà chủ kỹ viện đến để khiển trách và nói: “Tôi biết các người đang kinh doanh bằng việc tống những phụ nữ nhà lương thiện vào làm kỹ nữ, họ không nghe lời liền uy hiếp họ, loại sự tình này nguyên là không nên làm, nhẫn tâm như vậy, thảm không kể xiết. Nếu vì chuyện này mà có người mất mạng thì hàng xóm nhất định sẽ bị ảnh hưởng. Nếu bà không sửa sai, tôi sẽ báo cáo lên quan phủ”.

Tú bà nhanh chóng tạ tội và nói: “Nữ nhân ai cũng thủy tính dương hoa, không có ai là không thể dạy dỗ được. Nhưng hôm nay, trái tim người phụ nữ này kiên ngạnh như sắt đá, thật là hiếm thấy”. Vị thương nhân phi thường đồng tình với sự trinh liệt của thiếu phụ, nói rằng muốn gặp cô ấy. Tú bà đưa ông lên lầu, khi nhìn thấy dung mạo của người phụ nữ, ông kinh ngạc lùi lại vài bước, nói: “Tôi sẽ trả lại cho bà cái giá mà cô ấy đã bị bán vào kỹ viện, và người phụ nữ này sẽ thuộc về tôi”. Tú bà không có cách nào để khiến người phụ nữ phục tùng, sợ lâu sinh chuyện, không dám không nghe mệnh lệnh, nên nhờ mấy người đỡ thiếu phu nhân dậy, cùng thương nhân rời đi.

Lúc này, tay chân của thiếu phu nhân đã tê liệt đến mức không thể cử động. Sau khi tới cửa, vị thương nhân phái một tì nữ cường tráng khiêng nàng vào, sau đó đặt một chiếc ghế ở giữa sảnh cho thiếu phu nhân ngồi lên. Sau đó, vị thương nhân chỉnh tề y phục, cùng vợ con, thê thiếp vái chào nàng, quỳ xuống đất nói: “Lão đã mấy năm không gặp, không ngờ nàng lại phải chịu nhục nhã lớn như vậy. Tội ác của lão nô này là không thể vãn hồi được”.

Sau khi nhìn kỹ, thiếu phu nhân mới nhận ra Cao Lộc, người hầu gác cửa năm xưa. Nàng nức nở kể cho ông nghe chuyện đã xảy ra, Cao Lộc không kìm được nước mắt, nói: “Tôi biết thiếu gia không thể tự lập, nhưng tôi không ngờ cậu ta lại trụy lạc đến mức này. Tôi nghe nói đại cữu gia (anh cả của thiếu phu nhân) đã là đốc học ở Côn Minh, Vân Nam, cậu hai và cậu tư đang nhậm chức trong Hàn lâm viện, và Thái phu nhân cũng đang sống an lạc ở kinh đô. Ai có thể ngờ rằng thiếu phu nhân lại phải chịu đựng những khó khăn tủi nhục như vậy? Tôi trước tiên sẽ phái người lên kinh thành nói chuyện với thân thích của nàng, sau đó vợ chồng tôi sẽ cùng nhau đưa nàng về nhà”. Sau đó, bọn họ chăm sóc cho thiếu phu nhân tại nhà.

Số tiền bán vợ, không bao lâu thiếu gia đã sớm tiêu xài hết, nên chàng ta bắt đầu oán hận bọn thổ phỉ. Chúng nói với thiếu gia: “Vợ mày chắc đã thành danh trong kỹ viện, được sủng ái trong lầu vàng. Chúng ta chờ cô ta thịnh thời, sẽ đi đến kỹ viện, tố cáo tú bà ép uổng phụ nữ con nhà lương thiện làm kỹ nữ. Với việc tống tiền bà ta như vậy, chúng ta sẽ không phải lo lắng về việc không giàu”.

Theo đó, thiếu gia đi đến kỹ viện với chúng. Bà chủ kỹ viện trong lúc nóng giận không có chỗ trút, nghe bọn người này đến tống tiền, liền cầm gậy đuổi chúng ra ngoài. Tên thổ phỉ đang định ép thiếu gia báo cáo sự việc lên huyện lệnh, quan huyện vừa khớp lại là học trò của thái thú, đọc xong những lời cáo trạng, ông ta vô cùng kinh ngạc, đang định điều tra sự việc thì Cao Lộc nghe được việc này. Ông đến tìm quan huyện vào ban đêm, kể cho quan huyện nghe chi tiết và nói: “Thiếu gia đến rồi, chúng ta không được để cậu ta biết chuyện này (việc thiếu phu nhân đang được chăm sóc ở nhà Cao Lộc). Nếu tin tức này lan ra, thiếu phu nhân và tôi sẽ không được yên thân”.

Cuối cùng, Cao Lộc lấy ra bốn trăm lượng bạc, thỉnh cầu quan huyện giải quyết vấn đề của thiếu gia bằng số tiền này, đồng thời khuyên cậu ta nên tự cải tạo bản thân, như vậy vẫn còn có chỗ để vãn hồi. Quan huyện hiểu rõ việc đại nghĩa, nghe theo lời của Cao Lộc, triệu tập thiếu gia và bọn thổ phỉ ra tòa, trừng phạt nghiêm khắc bọn thổ phỉ, cấp số bạc đó cho thiếu gia và bảo chàng ta cải tà quy chính. Còn Cao Lộc đưa thiếu phu nhân đến đô thành, và để nàng sống một cuộc sống an định với người em trai của mình.

(Nguồn: Khách song nhàn thoại)

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch