“Nếu chẳng một phen lạnh thấu xương, hoa mai đâu dễ thoảng mùi hương”, câu thơ bất hủ này trăm ngàn đời vẫn còn truyền xướng. Tác giả chính là Hoàng Bá thiền sư, một tu sĩ thời đại nhà Đường, cũng là một nhà tiên tri kiệt xuất.
Hoàng Bá Thiền sư là cao tăng Phật giáo nổi tiếng thời nhà Đường sống ở Tựu Phong, Tịnh Châu (nay là núi Hoàng Bá huyện Nghi Phong, tỉnh Giang Tây). Hoàng Bá Thiền sư thi, bài thơ nổi tiếng được Hoàng Bá Thiền sư truyền miệng vào năm Hội Xương thứ hai Đường Vũ Tông, tể tướng đương triều khi đó là tướng quốc Bùi Hưu ghi chép lại thành một cuốn sách, lưu lại như tác phẩm thơ dự ngôn về vận mệnh quốc gia, thu thập vào trong bộ sách “Chung lăng lục”. Hoàng Bá Thiền sư thi tổng cộng gồm 14 bài thơ, dự ngôn các sự kiện lịch sử lớn đã xảy ra từ thời nhà Minh cho tới hiện tại đang xảy ra.
Về cơ bản tất cả đều ứng nghiệm. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta hãy cùng thử phá giải bài thơ dự ngôn này:
Khổ 1:
Nhật nguyệt lạc thời giang hải bế,
Thanh viên tương ngộ phán hưng vong.
Bát ngưu vận hướng Điền Kiềm tận,
Nhị cửu đan thành kim cốc tàng.
Tạm dịch:
Nhật nguyệt thời suy sông biển bế,
Vượn xanh gặp gỡ phán hưng vong.
Tám trâu vận tới Điền Kiềm hết,
Hai chín thành đan trữ lúa vàng.
‘Nhật nguyệt’ hợp lại chính là chữ Minh “明”. ‘Nhật nguyệt lạc thời’ chính là ám chỉ Triều Minh bị diệt vong. ‘Thời giang hải bế’ là ám chỉ nhà Thanh thực hiện cấm biển nghiêm ngặt, bế quan tỏa cảng. Vào thời hoàng đế Thuận Trị, các tỉnh ven biển được lệnh: “Không cho phép một cánh buồm lạ của nước ngoài đi vào bờ biển, kẻ vi phạm sẽ bị phạt nặng”.
Thanh viên tương ngộ phán hưng vong
Trong 10 thiên can, Giáp thuộc mộc, thuộc màu xanh, năm Thân chính là năm Khỉ. Thanh Hầu là chỉ năm Giáp Thân, tức năm 1644. Đây là một năm vô cùng quan trọng, khi bốn chính quyền Đại Minh, Đại Thanh, Đại Thuận, Đại Tây giao chiến cùng tranh thiên hạ, là một năm thời thế thay đổi. Cũng vào năm này, Sùng Trinh đế treo cổ tự tử ở Bắc Kinh, Minh triều diệt vong. Lý Tự Thành tấn công Bắc Kinh xưng đế, xây dựng chính quyền Đại Thuận. Sau đó Ngô Tam Quế dẫn quân Thanh vào thành, Thuận Trị Đế của nhà Thanh dời đô vào Bắc Kinh, tiến vào Trung Nguyên, xây dựng chính quyền. Cùng năm đó, Trương Hiến Trung xưng đế tại Thành Đô, xây dựng chính quyền Đại Tây. Trong năm này, chính quyền Trung Quốc thường xuyên thay đổi, vừa hưng thịnh lại lập tức bị diệt vong.
Bát ngưu vận hướng Điền Kiềm tận
Bát ngưu” (八牛) hợp thành chữ “Chu” (朱), chỉ Minh Triều hoàng thất Chu thị. Điền Kiềm” tức vùng Vân Nam Quý Châu, Hoàng đế Vĩnh Lịch triều Minh (họ Chu) bị Ngô Tam Quế truy cản giết hại tại Vân Nam.
Nhị cửu đan thành kim cốc tàng
‘Nhị cửu’ tức hai lần chín là 18. ‘Đan thành’ chỉ người tu luyện, trước đây người tu luyện đều là luyện đan. ‘Kim cốc’ nghĩa là vinh hoa, phú quý. Câu này có nghĩa sau khi tại vị 18 năm sau, Thuận Trị đế xả bỏ giang sơn và vinh hoa phú quý ở nhân gian, xuất gia làm tăng.
Khổ 2:
Hắc hổ đương đầu vận tế khang,
Tứ phương kham định tịnh thùy thường.
Đường Ngu dĩ hậu vô tư thịnh,
Ngũ ngũ hoàn kiêm lục lục trường.
Tạm dịch:
Hổ đen đứng đầu vận đương khang,
Bốn phương bình định sạch bóng dáng.
Noi tiếng Đường Ngu vô tư thịnh,
Năm năm sáu sáu gấp đôi trường.
Hắc hổ đương đầu vận tế khang
“Khang” chỉ Khang Hy Đại đế triều Thanh. Trong 10 Thiên Can, Nhâm thuộc thủy, là màu đen; năm Dần tức năm Hổ, Hắc hổ là chỉ năm Nhâm Dần tức năm 1662, khi hoàng đế Khang Hy đăng cơ.
Tứ phương kham định tịnh thùy thường
Hoàng đế Khang Hy là vị minh quân, thánh quân nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, được người đời ca tụng gọi là Thánh Tổ Nhân hoàng đế. Trong thời gian ông tại vị, là thời kỳ thịnh vượng đỉnh cao của triều Thanh, thế nước hưng thịnh, lịch sử gọi là “Khang Càn thịnh thế”. Bình định nổi loạn bốn phương, do đó gọi là “Tứ phương kham định”,
Đường ngu dĩ hậu vô tư thịnh
Câu này muốn ám chỉ, sự thịnh trị thời hoàng đế Khang Hy tại vị, là thời thịnh vượng chưa từng có từ thời Đường Ngu (Nghiêu đế).
Ngũ ngũ hoàn kiêm lục lục trường
“Ngũ ngũ” là 5×5 = 25, “Lục lục” là 6×6 =36, cộng lại là 61. Đây chính là số năm hoàng đế Khang Hy tại vị nắm quyền.
Khổ 3:
Hữu nhất chân nhân xuất Ung Châu,
Tiêu liêu nguyên thượng sử nhân sầu.
Tu tri thâm khắc phi thường pháp,
Bạch hổ giai phùng tuế nhất châu.
Tạm dịch:
Có một chân nhân xuất Ung Châu,
Hồng tước bên trên khiến người sầu.
Cần biết sâu sắc phi thường pháp,
Hổ trắng ôi gặp tuổi một châu.
“Ung” là chỉ hoàng đế Ung Chính. Theo ghi chép, hoàng đế tôn sùng đạo giáo từ nhỏ. Ngay từ khi mới là một hoàng tử, ông đã rất quan tâm đến việc tu đạo, thường giao lưu với các đạo sĩ. Sau khi trở thành hoàng đế, ông vẫn luôn thực hiện luyện đan tu đạo trong cung, vì vậy trọng dự ngôn gọi là ‘Chân nhân’.
Tiêu liêu nguyên thượng sử nhân sầu
Tiêu liêu là một loài chim sống dưới nước, được so sánh với tình cảm anh em hữu hảo, thân mật, xuất phát từ Thi kinh – Tiểu nhã – Đường Lệ. Câu này ngụ ý chỉ tình cảm anh em thân thiết của hoàng đế Ung Chính với em trai mình là Dận Tường. Tháng 11 năm Khang Hy thứ 61, ông được phong làm Hòa Thạc Di Thân vương, ban đầu được mệnh quản lý bộ Hộ. Cũng như những người anh em khác, ông bị đổi tên thành Doãn Tường để tránh phạm vào húy với Hoàng đế. Sau này, Doãn Tường tham gia một phần lớn trong công việc củng cố quyền lực cho Ung Chính Đế, sau đó là tổng lý sự vụ bộ Hộ… Năm Ung Chính thứ 8 (1730), Di Thân vương Doãn Tường qua đời, chung niên 43 tuổi. Do công lao to lớn, ông được phối thờ tại Thái Miếu và được truy phong thụy hiệu là Hiền, tấm biển 8 chữ khi trước được đặt trước thụy hiệu. Ung Chính Đế ngợi ca em trai Di Thân vương, đem chữ “Doãn” trong tên kỵ húy của ông sửa lại thành “Dận” như cũ, và ra lệnh để tang, không bàn việc quốc sự trong ba ngày. Đây có thể thấy đặc ân to lớn mà Ung Chính Đế dành cho ông.
Tu tri thâm khắc phi thường pháp
Nền pháp trị của Ung Chính rất nghiêm khắc, đây không phải là cách thức trị quốc thông thường.
Bạch hổ giai phùng tuế nhất châu
Hoàng đế Khang Hy băng hà vào năm Nhâm Dần 1722, Nhâm Dần trong ngũ hành thuộc Kim, Kim là màu trắng, vì vậy được gọi là Bạch Hổ. “Tuế nhất châu” là sao Mộc, ‘Nhất Châu’ là chu kỳ 12 năm. Sau khi hoàng đế Khang Hy băng hà, Ung Chính kế vị, lại cộng thêm 12 năm sau tức năm 1735, Ung Chính đế băng hà, tại vị tổng cộng 13 năm.
Khổ 4:
Càn quái chiêm lai cảnh vận long,
Nhất bàn lục giáp tổ tôn đồng.
Ngoại nhướng sơ độ trù biên sách,
Nội thiền vô tàm thái cổ phong.
Tạm dịch:
Quẻ Càn bói được cảnh vận long,
Giống như lục giáp ông cháu đồng.
Bài ngoại ngày sinh trù quyết sách,
Trong thiền không thẹn với cổ phong.
Càn quái chiêm lai cảnh vận long
Câu này ẩn ý là hai chữ ‘Càn Long’, ý ám chỉ hoàng đế Càn Long đăng cơ. Sự cai trị của ông cũng là thời thịnh thế, cùng thời Khang Hy cai trị gọi là “Khang Càn thịnh thế”, câu này không chỉ nói niên hiệu, mà còn thuyết minh rằng ông tại vị là vào năm “vận cảnh Long”. Một câu hai ý.
Nhất bàn lục giáp tổ tôn đồng
‘Lục giáp’ nghĩa là một Giáp Tự, tổng cộng 60 năm. Càn Long và Khang Hy là những hoàng đế có thời gian tại vị dài nhất và nổi tiếng trong lịch sử. Càn Long tại vị 60 năm (1735 – 1795), không dám vượt qua ông nội Khang Hy là 61 năm, vì vậy ông đã thoái vị trao lại ngai vàng cho hoàng tử thứ 15 là Vĩnh Diễm.
Ngoại nhướng sơ độ trù biên sách
Trong thời hoàng đế Càn Long, tổng cộng có 10 cuộc chiến lớn đối đầu với nước ngoài. Trong những năm cuối đời, tự hào với những thành tích “vĩ đại” mà mình đã đạt được, năm 1792, vua Càn Long tự soạn một tập sách mang tên “Thập toàn ký”, ghi lại 10 chiến dịch quân sự lớn tiêu biểu được gọi là Thập toàn võ công. “Bình Chuẩn Cát Nhĩ hai lần, định Hồi bộ, quét Kim Xuyên hai lần, an Đài Loan một lần, hàng Miến Điện, An Nam, thu phục Khuếch Nhĩ Khách hai lần, hợp lại là mười”. Sách soạn xong, Ông sai người chép thành các tiếng Mãn, Hán, Mông, Tạng để khắc lên văn bia, tự đặt cho mình biệt hiệu Thập Toàn Lão Nhân.
Nội thiền vô tàm thái cổ phong
Sau sáu mươi năm tại vị, Hoàng đế Càn Long phát triển và hành động theo phong thái nhường ngôi thời Tam hoàng ngũ đế, ông chủ động thoái vị, và truyền ngôi cho người con thứ 15.
Khổ 5
Xích long thụ khánh sự kham gia,
Na phạ liên trì khai bạch hoa.
Nhị thập ngũ huyền đàn dị tận,
Long lai long khứ bất phùng xà.
Tạm dịch:
Rồng đỏ được mừng việc khánh chúc,
Lo gì ao sen nở bạch hoa.
Hai lăm dây đàn gẩy dễ hết,
Rồng đến rồng đi không gặp xà
Xích long thụ khánh sự kham gia
Ẩn ý của câu này chính là hai chữ “Gia Khánh”, chỉ năm Bính Thìn 1796, vua Gia Khánh kế vị. Bính thuộc hỏa, hỏa là màu đỏ, thìn tức là rồng, vì vậy gọi là ‘xích long’ tức rồng đỏ.
Na phạ liên trì khai bạch hoa
‘Liên trì khai bạch hoa’ là ám chỉ Bạch Liên giáo gây rối loạn. Năm Gia Khánh 1796 – 1804 xảy ra sự kiện tạo phản làm loạn của Bạch Liên giáo tại các tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây, biên giới Hà Nam và Hồ Bắc, trong sử ký gọi là Xuyên Sở giáo loạn.
Hai lăm dây đàn gẩy dễ hết
Dùng ẩn dụ ví 25 dây đàn để chỉ Gia Khánh tại vị trong 25 năm (1796 – 1820).
Rồng đến rồng đi không gặp xà
Gia Khánh lên ngôi vào năm rồng (1796) và băng hà cũng vào năm rồng (1820). Năm tiếp theo của năm rồng là năm con rắn vì vậy mới nói “Rồng đến rồng đi không gặp xà”.
Khổ 6:
Bạch xà đương đạo mạn đằng quang,
Tiêu cán cần lao nhất thế mang.
Bất hạnh anh hùng lai hải thượng,
Vọng dương tòng thử thán dương dương.
Tạm dịch:
Rắn trắng cầm quyền khắp nơi sáng,
Thức khuya dậy sớm cả đời mang.
Anh hùng bất hạnh tới trên biển,
Trông biển từ đây thán mênh mang.
Bạch xà đương đạo mạn đằng quang
Ẩn ý của câu này là hai chữ “Đạo” và “Quang”, ý chỉ Đạo Quang hoàng đế. Bạch Xà chỉ năm Tân Tỵ, Tân trong ngũ hành thuộc Kim, Kim là màu trắng; Tỵ là năm rắn, vì vậy năm Tân Tỵ gọi là Bạch xà. Câu này có ý chỉ năm 1821 Tân Tỵ, Đạo Quang hoàng đế kế vị.
Tiêu cán cần lao nhất thế mang
“Tiêu cán” có nghĩa ám chỉ trời chưa sáng đã thức dậy, trời tối cũng không nghỉ ngơi, chỉ một người vô cùng siêng năng, cần cù. Câu này ý chỉ Đạo Quang hoàng đế một đời siêng năng, vất vả cực nhọc. Trong 30 năm tại vị, Đạo Quang Đế lao tâm cần chính, một lòng vì nước vì dân, xứng đáng là vị vua cần kiệm thương dân. Nhưng ông sinh bất phùng thời, làm vua đúng lúc triều chính hủ bại, quan lại bất tài, giặc ngoài lấn lướt, vận nước lung lay, ông không đủ tài năng để xoay vần thế cục vô phương cứu vãn. Năm Đạo Quang thứ 20, 1840 Trung Anh nổ ra chiến tranh nha phiến và Trung Quốc bị đánh bại, bắt buộc phải ký Hiệp ước Nam Kinh vào năm 1842, loạn trong giặc ngoài ngày càng nghiêm trọng, triều đình rơi vào khủng hoảng.
Bất hạnh anh hùng lai hải thượng
‘Anh’ ở đây là chỉ vương quốc Anh. Câu này đề cập đến chiến tranh nha phiến 1840 giữa Trung Quốc và Anh. “Bất hạnh anh hùng lai hải thượng”, các cường quốc nước ngoài tiến vào Trung Quốc theo đường biển, quả thực là bất hạnh. Trong lịch sử Trung Quốc, họa xâm lăng đều đến từ Đại Lục, lần này thì khác.
“Vọng dương tòng thử thán dương dương”, chỉ Trung Quốc từ đó trở đi càng cảm thán với biển, bắt đầu coi trọng biển.
Khổ 7:
Hợi thỉ vô ngoa nhị quái khai,
Tam tam lưỡng lưỡng tổng kham ai.
Đông Nam vạn lý hồng cân nhiễu,
Tây Bắc thiên quần bạch mạo lai.
Tạm dịch:
Hợi lợn không sai hai quẻ khai,
Ba ba hai hai thật bi ai.
Đông Nam vạn dặm loạn khăn đỏ,
Tây Bắc ngàn bầy mũ trắng tới.
Hợi thỉ vô ngoa nhị quái khai
“Hai quẻ khai” chỉ Hàm Phong. “Hàm”, “Phong” lần lượt là tên của hai trong số 64 quẻ của Chu Dịch. “Hợi thỉ vô ngoa” là chỉ năm hoàng đế Hàm Phong lên ngôi năm 1851 là năm Tân Hợi, Tân Hợi tức năm lợn, lợn là “Thỉ” vì vậy gọi là “Hợi Thỉ”.
Tam tam lưỡng lưỡng tổng kham ai
3+3+2+2=10, tổng cộng 10 năm, là số năm tại vị của vua Hàm Phong từ năm 1851 – 1861. Thời ông tại vị loạn trong giặc ngoài, quốc gia bấp bênh không ổn định, bên ngoài đối phó với sự ức hiếp của các cường quốc, bên trong khởi nghĩa của Thái bình Thiên Quốc, vì vậy việc nước không thuận, đích thực là bi ai.
Đông Nam vạn lý hồng cân nhiễu
Thái Bình thiên quốc đầu quấn khăn đỏ, câu này là ám chỉ họ. Thái Bình Thiên Quốc có lãnh thổ trải rộng từ sông Dương Tử xuống phía nam Trung Quốc với trên 16 tỉnh và hơn 600 thị, có thủ đô là Thiên Kinh (Nam Kinh). Lịch sử phát triển và suy vong của Thái Bình Thiên Quốc gắn liền với cuộc đấu tranh của người Hán chống lại sự cai trị của nhà Thanh và sự xâm lăng của các thế lực phương Tây.
Cuộc chiến tranh giữa Thái Bình Thiên Quốc và các thế lực đối kháng được coi là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trong thế kỷ 19 ở Trung Quốc.
Tây Bắc thiên quần bạch mạo lai
Đề cập đến cuộc nổi loạn tạo phẩn của dân tộc Hồi ở vùng Tây Bắc. Hầu hết những người Hồi có ngoại hình và văn hóa giống người Hán, nhưng họ theo Hồi giáo (Islam) và vì thế có một số đặc điểm văn hóa riêng. Năm Hàm Phong thứ 6 (1856) dưới ảnh hưởng của Thái Bình Thiên Quốc, các phong trào chống lại triều Thanh của các dân tộc như Hồi, Hán, Bạch, Di nổ ra. Sau đó nổ ra cuộc nổi dậy ở vùng tây bắc Trung Quốc tại các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc.
Trên đây là những minh chứng cho thấy tính chính xác của dự ngôn này. Muốn biết ĐCSTQ sẽ diệt vong thế nào, mời quý độc giả đón đọc phần sau.
(Hết phần 1)
Theo Lý Đạo Chân, Secret China
Kiên Định biên dịch