Đại Kỷ Nguyên

Phá giải hiểu lầm nghìn năm về ‘Tam Quốc Diễn Nghĩa’

Lịch sử thời Tam Quốc chỉ để diễn dịch một chữ này (ảnh chụp màn hình phim Tam Quốc Diễn Nghĩa).

Có rất nhiều tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng ở Trung Quốc, nhưng có lẽ không có cuốn tiểu thuyết nào lại in sâu vào trái tim của người dân Trung Hoa và nhiều quốc gia khác như Tam Quốc Diễn Nghĩa

Tam Quốc Diễn Nghĩa tại sao lại được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác? Chủ đề của tác phẩm là gì? Chẳng nhẽ chỉ nói về cuộc đấu trí đấu tài của các anh hùng thời Tam Quốc? Chủ đề của tác phẩm rất dễ gây hiểu lầm, ngay cả đối với các “chuyên gia” về Tam Quốc. 

Trên thực tế, La Quán Trung đã thể hiện rõ chủ đề của tác phẩm qua chính cái tên: Tam Quốc Diễn Nghĩa – dùng lịch sử của Tam Quốc để diễn dịch về chữ “Nghĩa”. 

Trong lịch sử Á Đông, Nho giáo từ hơn 2000 năm trước đã đề cao các giá trị đạo đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, trong đó Nghĩa được xếp ở vị trí thứ 2, đứng trước Lễ, Trí, Tín và chỉ đứng sau Nhân. Bởi vì Nhân là thể hiện của một cảnh giới lương thiện thuần khiết, nên trong lịch sử có thể đạt đến chữ Nhân không có mấy người. Khổng Tử trong những năm cuối đời mới thực sự lĩnh hội được nội hàm của “Nhân”. 

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, ba cách trị vì của ba nước Ngụy, Thục, Ngô đều cho thấy chữ nội hàm của “Nghĩa”. Quan Vũ loại bỏ mối hận thù cá nhân, thậm chí là lợi ích quốc gia ở Hoa Dung để tận nghĩa với Tào Tháo, đem chữ “Nghĩa” diễn dịch đến tận cùng. Còn Tào Tháo khi biết Quan Vũ phải rời đi, không hề truy sát ông, đây liệu có phải là một dạng Nghĩa? Tam Quốc Diễn Nghĩa có thể thanh sử truyền danh, trường tồn với thời gian, cũng bởi vì diễn dịch chủ đề cao quý của chữ “Nghĩa”. 

Người hiện đại khi đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa lại chú trọng đến những mưu kế, thậm chí nhiều người còn ứng dụng chúng vào quan trường, thương trường, tình trường…, mà không hề lĩnh hội được ý nghĩa sâu sắc của chữ “Nghĩa” trong tác phẩm. Điều này giống như nhầm lẫn giữa chính và phụ, lấy gốc bỏ ngọn. 

Trên thực tế, trong các tác phẩm của La Quán Trung, chính nghĩa đã bao hàm mưu trí; trước hết có nghĩa, sau đó mới có mưu trí. Trước tiên phải có sự cúc cung tận tụy của Gia Cát Lượng, sau mới có các mưu kế hơn người của Gia Cát Lượng.  Nói cách khác, nếu gặp không được minh chủ, Gia Cát Lượng thà chết ở lều cỏ cũng không muốn bước chân vào giới quan trường hỗn loạn.

Đó cũng là điều mà những người hiện đại, những người chỉ tập vào mưu kế xảo thuật mà bỏ qua đạo đức chính nghĩa không thể hiểu được. Thậm chí có người nói, nếu như Gia Cát Lượng theo Tào Tháo thì ông sớm đã có thể giúp Tào Tháo hoàn thành sự nghiệp thống nhất, điều này thật là nực cười! Những người trọng lợi, xem nhẹ nghĩa làm sao mà hiểu được đây? 

Nếu Tam Quốc Diễn Nghĩa chỉ thể hiện về phương diện mưu kế thì nó quá hời hợt, và nên gọi nó là một cuốn tiểu thuyết quân sự. Nhưng trên thực tế, bên trong tác phẩm hàm chứa một tiêu chuẩn đạo đức rất cao. Nó là một cảnh giới của không vụ lợi, gọi là Nghĩa. Đáng tiếc là, nhiều “chuyên gia” về Tam Quốc đều không nhìn thấy điều này, cho đến ngày nay vẫn chưa thể tiến vào thế giới nội tâm của La Quán Trung. 

Lịch sử không phải là để dạy chúng ta cách bày mưu tính kế người khác, mà là dạy chúng ta phải làm một người tốt, một người được người khác tôn trọng. Cũng vì nắm vững điểm này mà Tam Quốc Diễn Nghĩa mới có thể trường tồn với thời gian, khắc sâu trong lòng người dân và được truyền lại cho hậu thế.

Ngọc Linh
Theo zhengjian

Video: Con sâu qua sông bằng cách nào? Trí tuệ binh Pháp Tôn Tử: Biết chờ thời mới có thể thành thục vươn lên

Exit mobile version