Xưa có vị Lạt Ma, vì sợ ái tình làm vấy bẩn thiền môn mà thấy lòng hổ thẹn: “Thế gian sao vẹn đôi đường nhỉ, chẳng phụ Như Lai chẳng phụ nàng?”. Nay lại có hoà thượng, vì quyến luyến giai nhân mà than phiền trách cứ: “Phật đã độ ta, cớ sao không thể độ nàng?”.

Cà sa chưa khoác buồn nhiều chuyện, khoác áo cà sa chuyện càng nhiều

Phương trượng: Ta thấy con miệng tụng Phạn kinh mà thanh âm đảo loạn, tay dùi tay gõ mà tiếng mõ rối như tơ vò. Phải chăng có điều gì khiến tâm con bấn loạn?

Tiểu hoà thượng: Thưa sư phụ, thế gian là chi, sao lại có quá nhiều nuối tiếc?

Phương trượng: Bởi nơi đây là thế giới Ta Bà, Ta Bà là phải luân hồi, mà luân hồi thì sẽ nuối tiếc. Vạn vật vô thường, thoắt đến rồi đi, hư hư ảo ảo, chẳng có thứ gì là bất biến vĩnh hằng, cứ ngỡ đã ở trong tầm tay mà hoá ra lại xa rời vạn trượng. Cho nên, mới khiến con tiếc nuối.

Tiểu hoà thượng: Phải chăng bởi luân hồi đầy rẫy tiếc nuối nên Bồ Đề chẳng muốn nở hoa, bởi vạn vật vô thường nên Bỉ Ngạn tàn theo năm tháng?

Phương trượng: Ài, đệ tử của ta, ta có thể thấy tâm tư của con. Con đã xuất gia rồi, sao lại quá nặng lòng vì ái tình như thế?

Tiểu hoà thượng: Thưa sư phụ, ái tình là gì, hồng nhan là gì, sao lại khiến con đau khổ nhiều đến vậy?

Phương trượng: Đó chẳng qua chỉ là đoá phù dung sớm nở tối tàn, dùng để đánh lừa con mắt thế gian. Bậc chân tu là phải vượt lên khỏi người thường, nhìn thấu tỏ u mê của tình sắc. Không có gì đẹp bằng cái tâm sáng trong thuần khiết, vô si vô niệm, vô dục vô cầu. Đức Phật đã ban nó cho hết thảy chúng sinh, nhưng con người không nhìn thấy, đã đem cái tâm thuần tịnh vùi lấp trong bụi tro, và coi thứ dung nhan phù phiếm như là báu vật.

Tiểu hoà thượng: Làm thế nào để con tìm lại được cái tâm sáng trong thuần khiết, vô dục vô cầu?

Phương trượng: Đó là tu.

Là chân tu, hay giả tu?

Tiểu hoà thượng: Con đã tu, nhưng vì sao không thể dứt trừ vọng niệm, sao cứ mãi vấn vương trong tình ái?

Phương trượng: Đừng hỏi ta ‘vì sao không thể’, mà hãy hỏi chính bản thân con: “Đã thực là chân tu?”.

Tiểu hoà thượng: (lặng thinh, bối rối).

Phương trượng: Quy y cửa Phật không phải là tu, mà chỉ là tỏ lòng hướng Phật. Xuất gia vào chùa không phải là tu, mà chỉ là tìm cho mình một nơi thanh tịnh, xa rời thế gian tục sự. Ăn chay niệm Phật không phải là tu, mà chỉ là trì giới thanh quy. Gõ mõ tụng kinh không phải là tu, mà chỉ là một biện pháp để an định cái tâm, trừ dứt vọng niệm. Khoác áo cà sa cũng không phải là tu, mà chỉ là để phân biệt mình với thế nhân, rằng ta là bậc tu hành, dẫu khuấy nước nghìn sông cũng không để tình sắc làm động tâm người tu Phật.

Tiểu hoà thượng: Vậy thế nào mới là chân tu?

Phương trượng: Là đối diện thế sự đảo điên mà trừ dứt vọng niệm, trong ân oán tình thù mà buông bỏ phàm tâm. Không xuất gia quy y mà vẫn giữ vững cái tâm trong sáng thuần tịnh, thì còn quý hơn vạn lần những kẻ mang danh thầy tu mà lòng còn luyến tiếc chuyện gió trăng. Dẫu tụng niệm kinh thư vạn quyển nhưng tâm phàm không bỏ, thì vẫn chỉ là người thường khoác áo cà sa mà thôi.

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Phật độ ta chăng? Độ nàng chăng?

Tiểu hoà thượng: Con cứ ngỡ mình đã đoạn tuyệt thế gian tục sự, cho đến khi…

Phương trượng: (nhìn vào đôi mắt, khẽ mỉm cười).

Tiểu hoà thượng: … Cho đến khi con nhận ra rằng, xưa nàng đã vì con mà mòn mỏi đợi chờ cả tuổi hoa niên, nay lại vì con mà quyên sinh tự vẫn, nổi trôi nơi hoàng tuyền bỉ ngạn.

Phương trượng: Sinh tử vốn là lẽ thường tình, nếu không sao gọi là ‘trần thế’ (cõi bụi)?

Tiểu hoà thượng: Vẫn biết sinh tử là lẽ thường, nhưng con vẫn đau lòng khi nàng ra đi.

Phương trượng: Ái tình trên thế gian, bao nhiêu trong đó là ‘duyên số’, bao nhiêu là ‘kiếp nạn’? Người mà con coi là hồng nhan tri kỷ, cũng chỉ là một chúng sinh trong lục đạo. Trong lục đạo, chúng sinh phải trải qua nhân quả luân hồi, từ đó mà trả nghiệp, trả nghiệp sẽ thống khổ. Trong thống khổ mà thấu hiểu ý nghĩa nhân sinh, ngộ ra chân lý, từ đó mà tìm ra con đường đạt được vĩnh sinh.

Đức Phật giảng nhân sinh có tám điều thống khổ: Sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán trường cửu (oán hận không dứt), cầu bất đắc (cầu mà không được), phóng bất hạ (buông mà không bỏ). Nỗi khổ của cô gái ấy là “cầu bất đắc”, muốn làm ý trung nhân của con mà không thể được. Còn nỗi khổ của con là “phóng bất hạ”, biết rằng tình là thứ phải buông mà không sao buông bỏ được.

Tiểu hoà thượng: Hỡi ôi duyên vừa khởi đã vội tàn, duyên vừa sinh đã vội diệt. Phật đã tác thành ‘duyên’, vì sao không cho con và nàng có ‘phận’? Giấc mộng này tan theo mây khói, Phật đã độ con vì sao không thể độ thêm nàng?

Phương trượng: “Thánh nhân cầu tâm không cầu Phật, ngu nhân cầu Phật chẳng cầu tâm”. Chà chà, con còn chưa thực sự tu, sao đã mong tưởng được Phật độ?

Tiểu hoà thượng: (bối rối, bối rối).

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Phương trượng: Không phải cứ xuất gia quy y mang cái danh “Phật tử” là sẽ được độ. Nếu con không thực tu tâm tính, không đề cao tầng thứ, không thể buông bỏ tâm phàm để đạt tới cảnh giới của Phật, thì Phật cũng chẳng thể “mở cửa sau” cho con lên Thiên quốc được, phải không? Trong tâm đầy rẫy hỉ nộ ái ố, cứ thế mà leo lên cửa Phật chẳng phải là làm ô uế chốn tịnh thổ hay sao?

Tiểu hoà thượng: Nhưng còn nàng… (ngập ngừng không nói).

Phương trượng: Ta hiểu nỗi băn khoăn của con. Không phải Đức Phật không muốn độ, mà là con người không chịu tu thì Phật cũng chẳng có cách nào. Đến như con, bao năm trời ăn chay niệm Phật, thế mà nay chỉ vì một cơn ái tình đã vội vàng “trả lại người áo cà sa”. Phật Pháp đã hồng truyền thế gian, ai nguyện ý tu thì người ấy tu, còn ai muốn làm người thường thì chỉ có thể làm người thường mà thôi.

Tiểu hòa thượng: Đa tạ sư phụ đã cho con biết mình nên phải làm gì. Giấc mộng tình vừa qua quả thực khiến tim con nhức nhối, nhưng giờ con đã hiểu rằng đó chỉ là mái chèo đang khuấy động đáy sông. Nhưng nhất định, con sẽ không để nó làm nhiễu loạn cái tâm tu Phật.

Chỉ có điều…

Phương trượng: Con đã ngộ ra rồi, mà vẫn còn băn khoăn nữa sao?

Tiểu hòa thượng: Mối tình oan trái kia được thế nhân ca tụng, còn viết thành nhạc khúc rất thống thiết, lâm li.

Phương trượng: Đó chỉ là phóng tác của con người thế gian, không phải lời Phật dạy. Loạn Pháp mạt thế, người ta đã mang cả sắc tình lục dục vào nơi thờ phụng, thêu dệt mấy chuyện bướm ong với người chân tu. Này đệ tử, trước hết cần thuần tịnh cái tâm mình, sau mới có thể lan toả hương thơm tới con người thế gian…

Tâm Minh

videoinfo__video3.dkn.tv||__