Đại Kỷ Nguyên

Phát minh cách đây 2000 năm của người Ai Cập giá trị hơn cả Kim tự tháp

Phát minh cách đây 2000 năm, giá trị hơn kim tự tháp của Ai Cập cổ đại

Ảnh: Wes Mattes / FB.

Từ kim tự tháp đến tượng nhân sư cho tới chữ tượng hình, Ai Cập cổ đại đã để lại cho nhân loại nhiều di sản đáng ngưỡng mộ. Nhưng vẫn còn một phát minh vô cùng kỳ diệu mà ít người biết tới, đó chính là lò ấp trứng Ai Cập. 

Lò ấp trứng là phát minh đặc biệt, một phương pháp kỳ diệu giúp ấp lượng lớn trứng cùng một lúc. Khi người châu Âu vẫn còn phụ thuộc vào quá trình sinh sôi tự nhiên của gia cầm thì Ai Cập đã có thể ấp trứng với quy mô lớn. Phát minh này được áp dụng ở khu vực nhỏ vùng đồng bằng sông Nile, trở thành “công trình gia truyền” mà người Ai Cập cổ để lại cho hậu thế. 

Cấu trúc lò ấp rất độc đáo, cao 2,4 đến 2,7 mét, rộng khoảng 1 mét, thành lò làm bằng gạch. Lò có tối đa 5 phòng, mỗi phòng lại chia thành hai ngăn chồng lên nhau, ngăn dưới có thể xếp tới 4.000 quả trứng. Mái của 5 cặp buồng này có hình chóp, hở đỉnh để tiện bề thoát khói. Sau khi xếp trứng vào tầng dưới, người ta nổi lửa ở tầng trên, cẩn thận trông coi, giữ nhiệt. Bên cạnh đó là căn phòng liền kề để công nhân sống và nghỉ ngơi, từ đây họ có thể đi qua “đường hầm” vào phòng ấp để kiểm tra lửa và đảo trứng thường xuyên. 

Bí quyết của quá trình ấp trứng chính là nhiệt độ. Để đạt được hiệu quả giống như gà mái mẹ ấp trứng, người Ai Cập đã sử dụng lửa. Họ không sử dụng than hoặc gỗ để tạo ra lửa, vì ngọn lửa cháy nhanh và nóng có thể làm hỏng toàn bộ quá trình ấp nở. Vì vậy, để giữ nhiệt độ, họ đốt phân lạc đà và phân bò, trộn với rơm, sau đó phơi khô hoàn toàn. Phần trung tâm của lò tương tự như một đường hầm nhỏ, có các lỗ trên mái để khói có thể từ đó thoát ra. Tất cả đều được thiết kế chính xác, đơn giản và rất khéo léo. 

Các viên gạch có khả năng giữ nhiệt độ, do đó nhiệt sẽ tự nhiên tích tụ trong thành lò ấp. Sau thời gian khoảng 10 đến 12 ngày, ngọn lửa lớn sẽ không còn được giữ lại vì nhiệt lượng tích lũy đủ để duy trì quá trình ấp trứng. Sau đó, một số trứng được chuyển lên khoang trên, loại bỏ tro, và tạo điều kiện cho trứng nở. Với những lò ấp kiểu này, người Ai Cập có thể sản xuất tới 100 triệu con gà mỗi năm. Đây là điều khiến ngoại giới vô cùng kinh ngạc.  

Lần đầu đến thăm Cairo, nhà côn trùng học người Pháp là René Antoine Ferchault de Réaumur (1683–1757) đã ca ngợi lò ấp này là kiệt tác và là niềm tự hào của Ai Cập, thậm chí còn giá trị hơn cả đại kim tự tháp Giza. Điều thú vị là cho đến tận bây giờ, 2000 năm đã trôi qua và khoa học công nghệ đã can thiệp vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, thì lò ấp trứng Ai Cập vẫn được sử dụng ở cả đồng bằng sông Nile lẫn các vùng nông thôn tại châu Âu.

Phép nhiệm màu với phương Tây

Kể từ khi Alexandros Đại Đế tiến quân xâm lược Ai Cập, nhận thức của phương Tây đã có sự mở mang lớn. Ban đầu, họ kinh ngạc trước những công trình kiến trúc khổng lồ như cung điện, đền thờ, kim tự tháp. Kế đến, họ bội phục trước hiểu biết toán học sâu sắc và phương pháp chế tạo giấy cói lạ lùng. Không ít các bộ óc uyên thâm đã cất công vượt đường trường đến Ai Cập để tận mắt chứng kiến, trong đó có Aristotle – nhà triết học lừng danh của Hy Lạp.

Và điều khiến Aristotle ngẩn người thán phục không phải là những công trình kiến trúc đồ sộ, mà là cảnh tượng hàng ngàn con gà con ồ ạt chui ra từ… đống phân trong một cái lò.

Về nhà, Aristotle viết rằng ở Ai Cập “trứng tự nở thành gà”, ai nấy đều ngỡ ngàng không tin, nhưng có ai dám nghi ngờ bậc hiền triết như Aristotle?

Tranh vẽ minh họa lò ấp trứng Ai Cập (ảnh: Tạp chí Penny / Wiki).

200 năm sau, nhà sử học nổi tiếng của La Mã là Diodorus Siculus lại tiếp bước Aristotle. Ông viết: “Đáng kinh ngạc hơn cả là cách người Ai Cập chăn nuôi gia cầm gia tăng số lượng. Họ không ấp trứng bằng cách tự nhiên như chúng ta đều biết mà dùng chính đôi tay của mình, với một kỹ xảo đặc biệt, tạo ra nhiều không đếm xuể”.

So với kiến trúc lâu đời như kim tự tháp thì lò ấp trứng xuất hiện khá muộn. Vốn dĩ, gà không phải là động vật bản địa của châu Phi mà từ châu Á. Khoảng 10.000 năm trước, chúng bắt đầu được thuần hóa, nuôi làm thức ăn. Quá trình thông thương rộng khắp đưa chúng ra khỏi cái nôi của mình, cuối cùng cập bến Ai Cập. Tại Ai Cập, chỉ đến thời kỳ thuộc Hy Lạp (332-30 TCN), thịt gà mới là một phần của thực đơn. Với trí thông minh siêu việt, người ta sớm hiểu nguyên tắc ấp trứng và vận dụng trong thực tế.

Ngày nay, sẽ chẳng có ai tin vào chuyện trứng gà tự nở hay gà con “chui ra từ đống phân”. Tuy nhiên, Aristotle không bịa đặt, chỉ là ông chưa hiểu về nguyên lý hoạt động của lò ấp trứng Ai Cập mà thôi. Về cơ bản, lò ấp mà Aristotle từng thấy là một kiến trúc hai tầng được đắp bằng bùn. Xét trên mặt cắt ngang, nó bao gồm một hành lang trống và cặp buồng hai tầng đối xứng.

Nhưng vì chưa hiểu nguyên lý của lò ấp nên cả Aristotle lẫn Diodorus Siculus mới lầm tưởng rằng người Ai Cập có phép thuật làm trứng tự nở.

Vẫn được sử dụng trong thế giới hiện đại

Đến năm 1750, khi Réaumur du hành tới Ai Cập và tìm hiểu cặn kẽ kỹ thuật ấp trứng thần kỳ này, thế giới phương Tây mới vỡ lẽ. Ông nhận ra ngoài việc giữ và ổn định nhiệt, người trông coi lò ấp còn phải thỉnh thoảng trở trứng giống như gà mái mẹ tự lấy cái mỏ mà vần vậy.

Trong tự nhiên, gà mẹ cảm nhận được thời điểm trứng sắp nở bằng bản năng. Lúc này, trứng đã tự tích đủ nhiệt, không cần gà mẹ nằm trong ổ nữa. Và trong lò ấp, người ta cũng lĩnh hội được cái bản năng của gà mẹ ấy. Họ chỉ cần cầm trứng lên, áp vào mắt là cảm nhận được sức nóng, đoán biết chúng sắp mổ vỏ chưa để giảm nhiệt.

Sau khi nắm được đầy đủ thông tin kỹ thuật, Réaumur liền trở về Pháp, tự đắp lò và thử nghiệm. Đáng tiếc là cho đến tận khi từ trần vào năm 1757 ông vẫn chưa một lần thành công. Tuy nhiên, người phương Tây vẫn không bỏ cuộc, năm 1890 họ có được lần tự ấp nở đầu tiên ở Canada, bí quyết nằm ở mẹo thắp đèn của một nông dân tên là Lyman Byce.

Rất nhanh, phương pháp dùng đèn trở nên phổ biến. Sau Lyman Byce ngày càng có nhiều phát kiến hiện đại hơn. Cứ tưởng khi các dạng máy ấp trứng bằng điện tràn lan khắp ngả, không ai còn dùng đến lò ấp trứng kiểu cổ nữa. Vậy mà vào năm 2006, khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) tiến hành lập bản đồ các trang trại gà ở nông thôn, họ ngỡ ngàng nhận ra nhiều chủ trại có đến hai chứ không phải chỉ một lò ấp trứng. Thay vì dùng nhiệt kế đo nhiệt độ, người hiện đại cũng thích tự cảm nhận nhiệt lò ấp bằng tay và trứng sắp nở bằng mắt.

Chuyển sang Ai Cập, FAO còn bất ngờ hơn khi thấy vùng đồng bằng sông Nile vẫn có đến 200 lò ấp trứng theo kiểu cổ. Chúng không khác gì so với 2000 năm trước, chỉ là không còn dùng phân để đốt nữa mà dùng các nhiên liệu hiện đại như xăng hoặc dầu.

Theo Đường Khiết, Soundofhope
Kiên Định biên dịch

Video: Trong thảm họa dịch bệnh, thế giới còn nhớ lời cảnh tỉnh của người Hồng Kông?

Có thể bạn quan tâm:

Exit mobile version