Đại Kỷ Nguyên

Phỉ báng Phật Pháp chịu ngục báo đọa đày: Câu chuyên ba đời trả nợ của Lương Vũ Đế

Ngày xưa có một ngôi chùa, trong chùa phân thành hai khu Đông và Tây riêng biệt. Phía trước phòng phía Đông có một con giun đất, ngày ngày sớm tối nghe kinh, thiên tính linh thông, mỗi sớm canh năm là giun đất cất tiếng kêu, trụ trì theo đó mà gọi chúng đệ tử dậy tụng kinh niệm Phật.

Trụ trì khu phòng phía Tây thấy các huynh đệ khu phía Đông mỗi ngày đều thức dậy lúc canh năm để bái Phật tụng Kinh nên gọi các đệ tử của mình lại mà trách mắng: “Sao mọi người không học các huynh đệ khu phòng phía Đông tu hành tinh tấn, canh năm mỗi ngày đều dậy bái Phật, tụng kinh mà cứ tham ăn, tham ngủ. Như vậy có còn là người tu luyện hay không?”.

Một hôm đệ tử khu phòng Tây đi hỏi đệ tử khu phòng Đông: “Các huynh bên này thật là tinh tấn, canh năm mỗi ngày đều dậy bái Phật, tụng kinh, mà các huynh làm sao để ngày nào cũng dậy sớm đúng giờ như vậy được? Tối cứ ham ngủ đến tận sáng bảnh vẫn chẳng biết mà dậy”.

Đệ tử khu phòng Đông đáp: “Trước đây chúng tôi người nào người nấy cũng rất ham ăn ham ngủ như các huynh đệ bên đó. Nhưng kể từ khi phía trước Pháp đường chúng tôi xuất hiện một con giun đất, trước nay không hề sai lệch, cứ canh năm mỗi ngày là cất tiếng kêu gọi. Sư phụ chúng tôi cứ nghe thấy tiếng giun kêu liền gọi chúng tôi dậy bái Phật tụng kinh”. Đệ tử khu phòng Tây nghe xong trong lòng dấy lên sự oán hận con giun đất.

Một hôm trụ trì đi vắng, đệ tự khu phòng Tây mới đun một nồi nước sôi, nhân lúc thầy trò khu phòng Đông vắng mặt liền khênh nồi nước qua đó đổ vào hang giun, giun chết vì bỏng. Ngày hôm sau, thầy trò khu phòng Đông không nghe thấy tiếng giun kêu, mọi người đi tìm, thấy giun đã chết nên vào bẩm với sư trụ trì. Trụ trì ra xem rồi đọc kinh siêu độ cho giun siêu thoát.

Giun được sư trụ trì siêu độ nên chuyển sinh được thân người, làm một tiều phu tốt bụng, hàng ngày vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày. Còn đệ tử khu phòng Tây vì phạm tội sát sinh, giết chết giun nên phúc phận tiêu trừ, chuyển sinh thành khỉ nhưng lại tín phụng Phật Pháp.

Một hôm tiều phu vào núi kiếm củi, thấy một ngôi chùa tan hoang, nóc chùa đã hỏng chỉ còn ba pho tượng Phật lộ thiên. Tiều phu sợ mưa gió làm hỏng tượng Phật nên về nhà mua đồ đến trùng tu, che lại mái chùa.

(Ảnh: Wikipedia)

Lại một lần khác, trên đường vào rừng kiếm củi, thấy bẩy vị tú tài muốn qua khe suối mà không thể qua được, tiều phu liền vội vàng bê bảy hòn đá kê dưới khe suối cho mọi người đi qua. Sơn Thần, Thổ Địa chứng kiến dâng sớ tấu lên thiên đình: “Trần gian có người tiều phu lương thiện, tu sửa điện Tam Bảo, làm cầu thất tinh, công to đại đức”.

Tiều phu mỗi ngày lên rừng đốn củi, luôn tiện tay hái hoa rừng vào dâng cúng Phật. Gần khu chùa hoang có một con khỉ, cũng ngày ngày cầm hoa mang đến dâng Phật, nó thấy trong bình có hoa liền lấy ra vứt đi rồi thay hoa của mình vào trong bình, sau đó rời đi.

Tiều phu sau khi kiếm củi quay về, thấy hoa mình cắm trong bình bị ai đó bỏ đi mà thay bằng hoa khác, trong lòng nghi hoặc: “Nơi rừng sâu, núi thẳm không có ai lai viếng, vậy hoa này ở đâu ra?”. Tiều phu đem củi về nhà, sáng sớm hôm sau quay lại trong núi, đem hoa mới thay vào bình xong xuôi ẩn vào một chỗ quan sát. Một lúc sau, tiều phu thấy một con khỉ tay cầm bó hoa đi đến, nó vào trong Phật đường đem hoa trong bình bỏ đi, rồi cắm hoa của nó vào.

Tiều phu chứng kiến mọi việc liền to tiếng quát, khỉ thấy vậy quay đầu bỏ chạy. Tiều phu đuổi theo, thấy khỉ chui vào một hốc đá nên lấy tảng đá lớn bịt lại. Khỉ kẹt không ra được nên chết vì đói bên trong. Đây cũng là vì nhân quả báo ứng của đời trước của hai người gây nên.

Về phần mình, sau này tiều phu trăm tuổi qua đời, thiên địa thấy tiều phu có công đại đức tu sửa chùa chiền, làm cầu giúp người nên cho chuyển sinh vào thời Lương quốc tên là Tiêu Diễn, chính là Lương Vũ Đế. Còn con khỉ năm xưa chuyển sinh đến Bắc Ngụy tên là Hầu Cảnh, sau thành tướng nhà Bắc Ngụy.

(Ảnh: Santabanta.com)

Lại nói về Lương Vũ Đế, tính tình lương thiện, tôn kính Phật Pháp, bái hòa thượng Chí Công làm sư phụ, vợ là Si Huy hoàng hậu cũng bái hòa thương Vân Công làm thầy. Một hôm hòa thượng Vân Công khai đàn thuyết Pháp, giảng kinh, Si Huy hoàng hậu mời Lương Vũ Đế đến nghe, Lương Vũ Đế lại mời hòa thượng Chí Công cùng đến nghe Pháp.

Hòa thượng Vân Công khi lên đàn giảng kinh thuyết Pháp lại uống rượu ăn thịt, hòa thượng Chí Công mới tiến đến hỏi: “Vân Công nay đã là thầy của Si Huy hoàng hậu, cần phải làm tấm gương mẫu mực đại biểu cho chúng tăng cả nước. Nay khai đàn giảng kinh, thuyết Pháp thì phải trai tịnh trang nghiêm, cớ sao lại còn uống rượu ăn thịt?”.

Hòa thượng Vân Công đáp: “Ta ăn thịt uống rượu cũng như không có ăn thịt uống rượu”.

Hòa thượng Chí Công nghe vậy nói: “Ta xem những việc ông đang làm cũng như không làm”.

Không lâu sau hòa thượng Vân Công bị bệnh qua đời, chuyển sinh thành một con bò, hòa thượng Chí Công biết chuyện mới nói với Lương Vũ Đế, Lương Vũ Đế không tin. Một hôm Lương Vũ Đế cùng hòa thượng Chí Công ra ngoài thành du sơn ngoạn thủy, thấy một nhóm người đang canh tác. Lại gần thấy một con bò hoa đang ở đó, hòa thượng Chí Công mới nói với Lương Vũ Đế: “Đây chính là Vân Công”.

Lương Vũ Đế: “Làm sao sư phụ biết?”.

Hòa thượng Chí Công: “Nếu điện hạ không tin, hãy gọi ba tiếng sẽ biết thực hư”.

Lương Vũ Đế liên tiếp gọi ba câu, con bò hoa lập tức quỳ bốn chân xuống, hai mắt rơi lệ. Hòa thượng Chí Công nói: “Ngày trước người đăng đàn thuyết Pháp, giảng kinh không những không trai giới thanh tịnh lại bao biện ăn thịt uống rượu cũng như không, nay chuyển sinh thành kiếp trâu bò cũng là quả báo của nhà ngươi”. Con bò nghe vậy liền đứng dậy lao đầu vào cột sắt bên cạnh chết ngay tức khắc. Lương Vũ Đế thấy vậy thất kinh nên làm bài kệ:

“Kiên trì tu hành độ chúng sanh
Mạo phạm khẩu nghiệp tội bất khinh.
Tửu nhục bất trừ đăng đài tọa
Vân Công thuyết pháp trụy ngưu thân”

Dịch:

Kiên trì tu đạo độ chúng sinh
Ngờ đâu khẩu nghiệp nặng khôn cùng.
Rượu thịt không bỏ đăng đài Pháp
Vân Công giảng Pháp đọa thân bò.

(Ảnh minh họa: Youtube)

Thấy được nghiệp báo của hòa thượng Vân Công, Lương Vũ Đế lại càng tin vào Phật Pháp. Tuy nhiên tính sống xa hoa vẫn chưa thể bỏ nên thường mời hòa thượng Chí Công đến dự tiệc ăn uống ca hát.

Hoà thượng Chí Công trong lòng không vui. Trong khi cung nữ ca múa nhộn nhịp, Lương Vũ Đế mới hỏi Chí Công hòa thượng: “Cung nữ biểu diễn có hay không?”.

Hòa thượng Chí Công: “Ta không biết”.

Lương Vũ Đế: “Cung nữ ca múa ngay trước mặt, tại sao lại không biết?”.

Hòa thượng Chí Công đáp: “Nếu điện hạ không tin, hãy mang ba phạm nhân trọng tội trong ngục ra đây, ta tự có đạo lý của mình”.

Lương Vũ Đế cho người đưa ba phạm nhân trọng tội đến quỳ trước mắt hòa thượng Chí Công.

Hòa thượng Chí Công nói: “Tội của ba người là tội chết, nay ta cho ba ngươi, mỗi người đội trên đầu một bát nước đầy quỳ ở đây. Đợi tí nữa cung nữ ca múa xong, nếu như nước không rơi vãi giọt nào, ta sẽ bẩm lên hoàng thượng xá tội chết cho các người hoàn lương về quê, còn nếu như vãi dù chỉ một giọt, tội như cũ mà thi hành”. Phạm nhân nghe xong theo đó mà làm, quỳ trước điện xem cung nữ ca hát.

Đợi lúc cung nữ ca hát vui vẻ nhất, hòa thượng Chí Công nói với Lương Vũ Đế: “Điện hạ hãy hỏi phạm nhân xem cung nữ ca múa có hay không?”.

Lương Vũ Đế hỏi phạm nhân: “Các ngươi thấy cung nữ ca múa thế nào, có hay không?”.

Ba người phạm nhân cùng nhau đáp: “Tội thần không biết”.

Lương Vũ Đế: “Cung nữ ca múa ngay trước mặt các ngươi, tại sao lại không biết?”.

Phạm nhân: “Tội thần chỉ để ý tới mạng sống của mình, còn tâm chí đâu mà để ý cung nữ ca múa có đẹp hay không?”.

Hòa thượng Chí Công: “Người tu hành cũng như vậy”. Lương Vũ Đế nghe xong bừng tỉnh, đại xá cho phạm nhân, phạm nhân được tha mừng rỡ, tạ ơn trở về.

Một hôm Lương Vũ Đế hỏi hòa thượng Chí Công: “Qủa nhân bố thí trai tăng, cúng dường chư Phật, năm dặm xây một miếu, mười lý xây một chùa, công đức có to không?”.

Hòa thượng Chí Công: “Không có chút công đức nào hết”.

Lương Vũ Đế: “Sư phụ nói kiếp trước quả nhân là một tiều phu, sửa nóc chùa, che ngôi Tam bảo, làm cầu thất tinh có công đức vô lượng. Nay quả nhân hưởng phước đế vương, dựng vô số miếu, xây vô số chùa cúng dường cho chư tăng ni, tại sao lại không có công đức?”.

Hòa thượng Chí Công: “Kiếp trước điện hạ là tiều phu, nhưng tấm lòng thiện lương tự nguyện xuất tâm tu chùa sửa miếu để che ngôi Tam Bảo, dùng sức mình làm cầu thất tinh nên có công đức. Nay điện hạ thân là bậc đế vương xây dựng chùa miếu đều là kêu gọi dân phu, phiền nhọc dân chúng, thực sự là không hề có công đức”.

Lương Vũ Đế nghe nói vậy thấy có lý, trong lòng chuyển ngộ nên ngày ngày yêu cầu sư phụ giảng kinh thuyết Pháp cho mình nghe, không màng đến giang sơn xã tắc. Si Huy hoàng hậu thấy Lương Vũ Đế không màng chính sự nên trong lòng không vui, từ đó phỉ báng Phật Pháp, bày mưu ép hòa thượng Chí Công phá giới. Si Huy hoàng hậu sai người mổ chó làm màn thầu giả mời hòa thượng Chí Công vào cung ăn, cố ý khiến hòa thượng Chí Công phá hoại Phật giới để có cớ sát hại.

(Ảnh: Stevero – Centerblog)

Hòa thượng Chí Công là người tu luyện lâu năm, sớm đã có công năng biết trước mọi việc nên nói với Lương Vũ Đế: “Si Huy hoàng hậu ngày mai sẽ mời ta vào cung nhằm lừa ta phạm Phật giới để kiếm cớ giết hại. Ta ở trong cung nếu có gì bất trắc sẽ đánh trống báo hiệu, điện hạ phải kịp thời đến đó cứu ta”, Lương Vũ Đế nhận lời.

Qủa nhiên sáng hôm sau, Si Huy hoàng hậu cho người mời hòa thượng Chí Công vào cung, ban màn thầu cho hòa thượng Chí Công ăn. Chí Công hòa thượng không ăn khiến cho Si Huy hoàng hậu nổi giận, kêu người giết. Hòa thượng Chí Công lập tức rút trống ra đánh rồi đem thức ăn đổ ra ngự hoa viên, trong đó toàn là những món thuộc trong giới Huân, hành, gừng, tỏi…

Lương Vũ Đế nghe tiếng trống đánh vội vàng chạy lại ứng cứu, Lương Vũ Đế mắng Si Huy hoàng hậu sau này sẽ gặp báo ứng. Si Huy hoàng hậu vì tội phỉ báng tăng nhân nên không lâu sau đó bị bệnh qua đời.

Sau khi Si Huy hoàng hậu chết, quỷ vô thường đến bắt đi gặp Diêm Vương, Diêm Vương nổi giận bắt giam vào địa ngục chịu khổ, biến thành người cổ nhỏ như kim, bụng to như thúng, không thể ăn uống, mụn nhọt khắp người, vô số ấu trùng đeo bám. Thống khổ triền miên không gì kể xiết. Sau một thời gian thì chuyển sinh thành loài rắn tiếp tục chịu đau đớn đọa đầy.

Sau khi hoàng hậu chết, mãi một thời gian dài Lương Vũ Đế không vào trong cung nữa. Một hôm Lương Vũ Đế vào thăm hậu cung, thấy trên lầu có tiếng động, ngẩng đầu lên nhìn thì thấy một con rắn đang ở trên Phượng lầu cất tiếng kêu: “Xin đến cứu thiếp”. Lương Vũ Đế nghe vậy thất kinh mới hỏi: “Ngươi là ai?”.

Con rắn trả lời: “Thiếp là Si Huy hoàng hậu, vì kiếp trước phỉ báng Phật Pháp, ám hại hòa thượng Chí Công lại sát sinh hại mệnh nên bây giờ gặp quả báo chuyển sinh thành rắn. Xin quân vương từ bi niệm tình phu thê xưa cũ, xin thỉnh mời Chí Công đại sư đại từ đại bi tụng kinh sám hối cho thần thiếp siêu thoát”.

Lương Vũ Đế nghe vậy nên nể tình xưa cũ, cho người chuẩn bị trai đàn thỉnh mời hòa thượng Chí Công đến giảng kinh thuyết Pháp.

Chí Công hòa thượng:

“Khuyên người thế gian đừng u mê.
Phỉ báng Phật Pháp tội sâu dày.
Nghiệp khổ vô biên,
Khó ngày hoàn trả.

Nghênh phong điểm lửa,
Tự đốt tâm thâm.
Ngậm máu phun trời,
Bờ môi tự bẩn.”

Lương Vũ Đế nghe xong trong lòng buồn bã, Chí Công hòa thượng thấy vậy liền tụng đọc “Đại Tạng Kinh” rồi viết kệ “Lương Hoàng Sám” mong nhờ Phật tổ từ bi xá tội siêu thoát.

Trong lúc hòa thượng Chí Công đang đăng đàn thì đột nhiên Lương Vũ Đế nhìn thấy một người đang bay ở đằng vân, miệng nói: “Thiếp là hoàng hậu biến thành rắn, cảm tạ đại ân của quân vương và ơn nhờ Pháp lực siêu độ của sư phụ, nay thiếp đã được thăng thiên”. Lương Vũ Đế chứng kiến mọi việc nên sau này càng thêm bội phần tinh tấn, ngày đêm khổ cực tu hành.

Một hôm Lương Vũ Đế hỏi hòa thượng Chí Công: “Đệ tử khi nào mới thành Đạo?”. Hòa thượng Chí Công không đáp mà dùng tay chỉ vào yết hầu, Lương Vũ Đế không hiểu hàm ý mới hỏi lại. Hòa thượng Chí Công nói: “Người ở đây vinh hoa phú quý khó bỏ, phải vào núi ẩn cư mới có thể đắc đạo thành Phật”.

Lương Vũ Đế nghe Chí Công hòa thượng nói vậy nên thu dọn hành trang đến thành Đài tu hành, tham đạo. Về phần hòa thượng Chí Công, biết được Lương Vũ Đế sắp phải chịu tội quả báo kiếp trước gây ra nên cũng cáo biệt mà đi.

(Ảnh minh họa: Youtube)

Sau khi Chí Công hòa thượng cáo biệt không lâu, bỗng một hôm tướng Hầu Cảnh của nước Ngụy đem quân đến bao vây thành Đài. Lương Vũ Đế bị bao vây bên trong, lương thực khô cạn, trong lúc nguy nan sắp chết lại sinh lòng thoái tâm tu Đạo, mất đi niềm tin vào Phật Pháp thì đột nhiên hòa thượng Chí Công xuất hiện trên không trung, cất cao tiếng gọi: “Đây chính là nghiệp báo nhân quả ba đời do mình gây nên, không được thoái tâm tu Đạo”.

Lương Vũ Đế nghe vậy nên vui vẻ, an nhiên chịu chết đói ở thành Đài, sau khi chết Lương Vũ Đế hóa thành thân Phật bay lên đài sen trên không trung:

“Do ta lúc đầu chẳng biết nhân quả mà tạo nghiệp, vốn dĩ cũng đều là người đồng căn, đồng phái. Nay ngươi vây thành lấy mạng ta, coi như ta trả cái nhân duyên cho ngươi ở thành Đài này”.

Hầu Cảnh nghe vậy đáp:

“Ta kẻ hồng trần nên nhân duyên chẳng rõ, không nhận đồng căn, cũng chẳng biết người đồng phái, Vũ Đế về trời, ta rút thu binh, nợ kia đoạn tuyệt”.

Nghe xong Lương Vũ Đế ngồi trên đài sen về trời, tu thành quả vị La Hán.

***

Bể khổ trần gian chính là cái nơi cho con người trả nợ, đền ơn. Có những chuyện hàng ngày chúng ta vẫn cứ ngỡ là ngẫu nhiên trùng hợp. Tuy nhiên trên thực tế đó lại là sự an bài của đấng tối cao mà ở đó, người tin thì tạo phúc làm lành, kẻ không tin thì đêm ngày tạo nghiệp.

Cộc sống vốn xoay vần, có người đến trả nợ đền ơn, thì cũng có những người đến để giúp ta trả món nợ đời. (Ảnh: Inattivo.info)

Cũng chỉ vì một chút nóng giận suy nghĩ mà người đệ tử khu phòng Tây phạm tội sát sinh để cuối cùng phải trăm năm uổng phí kiếp người, chuyển sinh thân khỉ chờ ngày trả nhân. Và cũng bởi u mê, luật trời không tỏ, tiều phu kia vác đá bịt hang, gây lầm lỗi đời sau hoàn trả, Vũ Đế kia bỏ mạng chốn thành Đài.

Trên đời vạn sự nếu cứ ân ân oán oán thì muôn đời không dứt, chỉ có sự độ lượng bao dung mới là cánh cửa giải thoát cho mọi lỗi lầm.

Nếu như đệ tử khu phòng Tây khi nghe được chuyện mà không sinh tâm tật đố, lấy đó làm vui, thêm phần tinh tấn thì giun kia nay được kiếp người, tăng kia nay được làm người thần tiên. Đây chẳng phải là vẹn cả đôi đường hay sao? Chúng ta đôi khi lại vì một phút u mê, xem thường ác nhỏ mà bỏ mặc lương tâm để sau cùng khi biết ra thì chuyện đã muộn rồi.

Thế gian có thay đổi, lòng người có chuyển hướng thì luật nhân quả muôn đời vẫn vậy, nhân nào quả ấy muôn đời luôn chuẩn xác, nhất là đối với những người bức hại Phật Pháp và người tu luyện như Si Huy hoàng hậu hay như tội bất kính như hòa thượng Vân Công thì lại càng phải chịu quả báo trầm luân không lối thoát.

Minh Vũ sưu tầm và biên dịch

Exit mobile version