“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.
- Xem thêm: Phong Thần truyền kỳ
Lại nói chuyện quan Thiên sứ tuân lệnh Trụ Vương đi tìm Sùng Hầu Hổ, y vừa ra khỏi cung điện thì gặp Dương Nhậm đón lại hỏi:
– Nay bệ hạ sai ông đi đâu vậy?
Quan Thiên sứ thưa:
– Bệ hạ sai tôi triệu thỉnh Sùng Hầu Hổ về triều để tiếp tục ý định xây Lộc Đài.
Dương Nhậm hỏi:
– Lộc Đài ra thế nào?
Thiên sứ nói:
– Bề cao tới bốn mươi chín thước, làm toàn bằng ngọc ngà châu báu, có thể sánh với cung Quỳnh Dao đời vua Kiệt thuở xưa. Nếu làm đúng như vậy thì tốn kém của dân không biết bao nhiêu mà kể. Quan Ðại phu là người hưởng lộc lâu nay, tôi tưởng ngài cũng nên có ít lời can gián may ra cứu dân khỏi nạn này.
Dương Nhậm nói:
– Thôi, ông khoan đi đã, để tôi vào yết kiến bệ hạ can gián vài lời, xem có kết quả gì không.
Nói rồi Dương Nhậm đi thẳng đến trước lầu Trích Tinh, vòng tay đứng mãi. Trụ Vương trông thấy, gọi đến hỏi:
– Khanh đến đây có việc gì chăng?
Dương Nhậm tâu:
– Bề tôi nghe trong đạo trị thiên hạ hễ dân loạn thì nước hư, nước hư thì ngôi vua mất. Thế mà bệ hạ không lo cứ ngày đêm đam mê tửu sắc, lập Bào Lạc hại tôi ngay, đào Sái Bồn giết cung nữ, chế Nhục Lâm, Tửu Trì để vui chơi… rồi lại đòi xây dựng Lộc Đài cao bốn muơi chín thước để sánh với cung Quỳnh Dao thời vua Kiệt, thật là chuyện phi thường. Hạ thần e khi Lộc Đài hoàn thành, bệ hạ chưa hưởng được lạc thú mà cái họa đã đến bên mình. Lời nói của hạ thần ngày nay tưởng cũng thừa, vì trước đây đã nhiều vị quan triều tận trung can gián và bỏ mạng rồi. Tuy nhiên, hạ thần làm tôi bệ hạ, ngày nào bệ hạ còn lầm lỗi là còn phải can ngăn.
Trụ Vương nói:
– Ngươi một đời theo sáo ngữ mà không biết cái nghĩa uyên thâm của một bậc minh quân sửa trị ngôi trời. Trẫm dùng luật nghiêm trị những đứa phản loạn thì mầm phản loạn làm sao sinh ra được. Bốn phương tuy có giặc, những đứa phản vua tuy hành động điên cuồng, song ngày nào đó chúng sẽ chịu trừng trị trước hình pháp của trẫm.
Dương Nhậm cười lớn nói:
– Bệ hạ nhờ ai nắm vững ngôi vua? Giặc đến, bệ hạ phải nhờ tướng tài, quân mạnh để chống lại. Thế mà bệ hạ lại bạc đãi quân tướng của mình thì ai chịu ra sức phò bệ hạ chống giặc?
Vua Trụ nói:
– Binh tướng sẽ khiếp sợ trước luật pháp triều đình mà xả thân đánh giặc. Còn lấy nhân đạo đối đãi với chúng chẳng khác nào đưa chúng đến chỗ xem thường, khi quân phản quốc. Thí dụ, ta đã lấy lòng thương hại đãi ngươi, gọi ngươi vào đây, ngươi lại còn dám đem lời khi quân mắng vua, chứ nếu ta cấm ngặt không cho ngươi vào thì ngươi dám vào không?
Dương Nhậm nghe nói càng cười lớn hơn, đáp:
– Thế bệ hạ cho rằng lũ quan triều này đều sợ chết mà phục tùng bệ hạ sao?
Trụ Vương nói:
– Nếu ta đưa ngươi đến Bào Lạc, ngươi có dám nói lời khuyên can ta không?
Dương Nhậm ngửa mặt lên trời nói:
– Dù bệ hạ có khoét mắt, cắt lưỡi, hạ thần vẫn nói. Lời nói của hạ thần vì sự nghiệp của tiền nhân, vì nhiệm vụ của một tôi thần đâu phải vì lẽ sống chết cá nhân. Bệ hạ nên thấy khác biệt giữa lời nói của kẻ nịnh, người trung thì mới rõ.
Trụ Vương bị Dương Nhậm mắng liền một lúc, tức quá nạt lớn:
– Ta khoét mắt ngươi xem ngươi còn dám nói lời nào nữa không?
Dứt lời truyền quân đè cổ Dương Nhậm xuống khoét mắt. Dương Nhậm vẫn nói oang oang không nín. Ðến lúc ông ta đau đớn quá chết ngất mới thôi.
Quân đem tròng mắt của Dương Nhậm dâng lên trước long sàng.
Trụ Vương chưa nguôi giận mắng:
– Xảo ngôn! Sao nằm im đấy không mắng nữa ta nghe thử!
Trụ Vương vừa dứt lời thì bỗng một luồng gió lốc thổi đến như bão cuốn, đá cát bụi bay ngất trời. Vua Trụ phải bỏ chạy vào trong lánh mặt. Chính là vì Dương Nhậm tuy chết ngất mà tâm gan trung liệt vẫn không sờn, hồn oan lên đến tận mây xanh. Bấy giờ có Thanh Hư đạo nhân ở núi Thanh Phong, trông thấy oán khí bốc lên ngút trời bèn bấm đốt tay đoán việc, hiểu rõ sự tình, đạo nhân liền sai Huỳnh Cân lực sĩ xuống trần, nổi trận gió thâu xác của Dương Nhậm đem về núi, bỏ trong động Tử Dương. Chuyện tạm không nói nữa.
Nói về Sùng Hầu Hổ, tuân lệnh Trụ Vương xây cất Lộc Đài tốn công, tốn của không biết bao nhiêu mà nói. Dân chúng các vùng lân cận bắt buộc phải đi làm sưu dịch, người đào đất, kẻ khiêng cây, dãi nắng dầm sương, khổ cực trăm bề. Sùng Hầu Hổ rất trung thành trong việc xây cất Lộc Đài nên thi hành ráo riết, dùng lệnh Thiên tử rất nghiêm, ai trễ nải đều bị đem ra xử tử giữa chợ làm gương răn đe kẻ khác.
Về phần Tử Nha bấy giờ độn thủy về trang viện của Dị Nhân. Vợ Tử Nha là Mã Thị nghe tin chồng về vội ra chào đón. Bà ta ngỡ Tử Nha còn đang làm quan nên trọng vọng lắm.
Tử Nha nói:
– Nay ta đã thôi làm quan rồi.
Mã Thị sửng sốt hỏi:
– Vì cớ sao vây?
Tử Nha nói:
– Thiên tử bảo tôi làm đốc công xây cất Lộc Đài, làm việc này tốn của tốn công, dân chúng lầm than không biết bao nhiêu mà nói. Trong lúc đó Thiên tử lại chỉ nghĩ đến sắc đẹp, không kể đến việc mất còn thiên hạ, như thế bảo ta nghe theo sao được? Ta tìm lời can gián, thiên tử truyền đem ta tới Bào Lạc hành hình, ta bỏ chức chạy về đây.
Mã Thị nổi giận nói:
– Ông là lão thầy bói, may được vua thương tình phong chức, vinh hiển một thời, lẽ ra phải đem thân khuyển mã thờ vua, đền lại ơn thâm nghĩa trọng, khéo bắt chước người ta học đòi lý sự, ra mặt can vua để đến nỗi suýt vong mạng. Nay ông trở về đây là mang tội với triều đình, hỏi còn trốn ngõ nào được nữa để trở lại đời lão thầy bói già trước kia?
Khương Tử Nha nói:
– Làm người quân tử chọn chúa mà thờ. Trụ Vương đã không phải chúa thánh, ta cũng không thể làm một tôi hiền. Vậy vợ chồng ta nên trốn sang Tây Kỳ, tìm kế sinh nhai, đợi lúc gặp chân chúa ra phò cũng không mất vinh hoa phú quý đâu.
Mã Thị nguýt chồng nói:
– Công danh trước mặt mà chưa biết hưởng lại đi tìm đường ảo vọng xa xôi. Vua sai làm đốc công xây Lộc Đài đã vừa lợi vừa danh giá, mấy người được vua tín nhiệm phó thác việc lớn. Lợi không biết lợi, danh không biết danh, nay mất cả rồi, còn khéo làm ra trò phách lối!
Tử Nha nói.
– Ðàn bà chỉ biết cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại về sau, công danh không chính đáng là công danh hão huyền. Tôi muốn tự tài tôi lập nên chức vị, không cần phải ở may mắn nào. Bà hãy theo tôi sang Tây Kỳ, bỏ chốn Triều Ca này cũng chẳng hại.
Mã Thị càng giận hơn, nói:
– Tôi là dân Triều Ca không phải kẻ trôi sông lạc chợ mà quên tổ quên tông, bỏ quê bỏ xứ. Nay đã xui cớ sự như vầy ông không thể ở đây được nữa, còn tôi cũng không thể theo ông đi xứ khác, vậy từ đây ai làm nấy ăn, ai sang nấy hưởng.
Tử Nha nói:
– Xưa nay hễ đàn bà con gái xuất giá tòng phu, chồng sang thì nhờ, chồng khó thì cam chịu, phu phụ vinh nhục có nhau, tại sao bà lại có ý như vậy?
Mã Thị nói:
– Ông là kẻ có tội với triều đình, đang tìm nơi trốn tránh. Tôi là người ngay thẳng, không ai có quyền buộc tôi phải theo người có tội cả. Tốt hơn hết là ông viết cho tôi một tờ ly dị, từ đây cầm sắt phân đôi.
Tử Nha đau lòng nhìn vợ, nói:
– Bà đừng nói gở. Tài tôi không phải với chức đại phu nhỏ bé như vậy đâu. Ngày nay tuy khổ, nhưng ngày mai nhất định hiển vinh. Tôi không nỡ lúc khó vợ chồng có nhau, đến lúc hiển vinh thì mình tôi riêng hưởng.
Mã Thị nói:
– Ông được hiển vinh thì cứ hưởng, phần tôi nghèo khó tôi chịu. Ông cứ cưới vợ khác để sau này mà phong làm nhất phẩm phu nhân!
Tử Nha không biết nói sao đành năn nỉ. Tuy vậy Mã Thị đã cố tình oán ghét, một hai nằng nằng đòi làm tờ ly dị để bỏ đi tìm kế sinh nhai, không theo Tử Nha nữa.
Tống Dị Nhân thấy vậy bước ra nói với Tử Nha:
– Chuyện này cũng một phần do tôi gây nên. Bởi tôi làm mai không đúng chỗ nên nay mới xảy ra lắm chuyện xích mích như vậy. Thôi, người vợ đã cố tâm dứt bỏ thì nguời chồng dù muốn chung sống cũng chẳng có gì hạnh phúc, hiền đệ nay trong tai nạn, phải trốn vua, sang nơi khác lánh thân, trong đời cũng chẳng thiếu đàn bà, cứ ly dị nhau cho ổn thỏa.
Tử Nha nói:
– Thưa anh, tôi nghĩ lúc vợ chồng khó nhọc có nhau, đến lúc sau này hiển vinh một mình riêng hưởng e mang tiếng phụ tình. Thế mà vợ tôi khinh tôi đến nước ấy thì chẳng còn biết làm sao nữa? Nay có lời anh dạy, tôi xin làm theo cho mát lòng vợ.
Tử Nha cầm tờ ly hôn viết tay, trao cho Mã Thị, và nói:
– Nếu bà quyết lòng từ bỏ tôi thì cầm giấy này, còn nếu vì giận nhau thì hãy nén giận rồi theo tôi. Tôi không còn thì giờ nào chểnh mảng nữa.
Mã Thị vội lãnh tờ ly hôn, thái độ không một chút nuối tiếc.
Tử Nha thở dài, buồn bã ngâm bốn câu thơ:
“Miệng con rắn hà nàm
Nọc con ong vò vẽ
Hai món độc vừa vừa
Bụng đàn bà quá lẽ”…
Mã Thị không nhìn mặt Tử Nha, đút tờ ly hôn vào túi rồi dọn tư trang, về xứ kiếm chồng.
Tử Nha cũng vội sửa soạn hành trang chuẩn bị lên đường đến Tây Kỳ ẩn mặt, và thưa với Tống Dị Nhân:
– Nhờ ơn anh chị hết lòng đùm bọc lâu nay, tôi chưa trả được ơn sâu mà phải lên đường cách biệt.
Tống Dị Nhân tìm lời an ủi, làm tiệc tiễn hành và hỏi:
– Bây giờ hiền đệ định đi đâu?
Tử Nha nói:
– Trụ Vương là một hôn quân, không thể giữ nổi giang sơn được. Tây Kỳ nhân hòa khí thuận, dễ sinh chúa thánh tôi hiền. Tôi muốn qua đó ẩn mặt, chờ ngày tiến thân.
Dị Nhân nói:
– Nếu trời thương, cho hiền đệ được sớm gặp hội rồng mây thì gửi thư về cho tôi biết kẻo lòng tôi mong đợi.
Tử Nha tạ ơn rồi từ biệt lên đường, Dị Nhân theo đưa tiễn hơn hai dặm đường mới trở lại.
Lời bàn:
Dương Nhậm kia thừa biết không thể can gián được Trụ Vương đang ngày càng trượt dài trên con đường u mê trụy lạc, lại càng biết trước được cái giá phải trả khi can gián một hôn quân bạo ngược vô đạo. Nhưng viên quan này vẫn chẳng tiếc sinh mệnh mà nói lên những lời chính trực, đó không chỉ là cái nghĩa của bậc tôi trung mà còn là biểu hiện của bậc thượng sỹ, là phong thái của người quân tử: Nói lời Chân, làm việc Chân, không vì lợi ích cá nhân, lại càng không vì bị uy hiếp đến sinh mệnh mà xa rời chính đạo. Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà Dương Nhậm được Thanh Hư Chân Nhân cứu giúp, sau lại trở thành môn đồ của vị Tiên ông này. Lại nhớ, Phật Pháp có giảng đại ý rằng các pháp môn tu luyện xưa nay thường là: “Sư phụ tìm chọn đồ đệ chứ không phải là đồ đệ tìm sư phụ”, quả đúng lắm thay!
Mã Thị thấy chồng thăng quan phát tài thì vui mừng hoan hỷ, vậy mà khi Tử Nha vừa gặp chút hoạn nạn thì bà ta đã quyết dứt áo ra đi, tuyệt tình phu phụ, mặc cho Tử Nha hết lời khuyên can. Mới hay kẻ trí đoản thì chỉ nhăm nhe nhìn vào cái lợi trước mắt, lại ưa ‘lấy dạ tiểu nhân mà đo lòng quân tử’. Có hay đâu cái lý ‘vật cực tất phản’; ‘khổ tận cam lai’, Tử Nha khổ nạn càng lớn thì sau này công quả sẽ càng cao. Về người đàn bà họ Mã này thiết nghĩ cũng chẳng nên bàn thêm nữa.
Vẫn thấy Khương Thượng là bậc đại Chí đại Nhẫn, trầm tĩnh mà lại thức thời, gặp đại kiếp nạn cũng không động tâm, trái lại mỗi suy tính, mỗi lựa chọn đều tinh minh sáng suốt. Số phận của nhân vật này và diễn biến câu chuyện tiếp theo sẽ ra sao, mời quý độc giả đón xem kỳ sau sẽ rõ.
Đường Phong