Đại Kỷ Nguyên

Phong Thần truyền kỳ (kỳ 13): Ngư ông lánh tục câu thời vận; Tiều phu lộ tướng giỡn cao nhân

“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.

Lại nhắc đến Khương Tử Nha từ khi bỏ xứ Triều Ca, đi biệt tháng ngày cuối cùng thì tới một vùng đất có tên Bàn Khê, bèn chọn nơi đây làm nơi lánh mình chờ vận. Tử Nha ngày ngày gieo câu ở sông Vị đợi thời, đói ăn trái cây, khát uống nước suối, vui thì xem kinh luyện phép, buồn thì câu cá giải khuây.

Một ngày kia, Tử Nha ngồi trên thạch bàn, cầm cần câu thả xuống nước, thủng thẳng ngâm một bài thơ như sau:

“Về thế tám thu chầy
Trần ai chịu đọa đày
Nửa năm nương đất Trụ
Một khắc đến non Tây

Sợi nhợ kinh luân đó
Miếng mồi thao lược đây
Truớc là câu cá nước
Sau đợi hội rồng mây”.

Tử Nha vừa ngâm xong bài thơ, bước lại cội dương toan ngồi hóng mát bỗng thấy một ông tiều vai gánh củi, miệng hát lêu nghêu đi tới.

Ông tiều trông thấy Tử Nha liền ghé lại hỏi:

– Tôi thấy ông thường câu cá nơi khúc sông này, muốn nói với ông vài câu chuyện để hưởng thú ngư tiều vấn đáp, chẳng hay ý ông thế nào?

Tử Nha mừng rỡ đáp:

– Tốt lắm! Vậy chúng ta sẽ làm bạn với nhau.

Ông tiều hỏi:

– Dám hỏi ông quê quán ở đâu, tên họ là gì?

Tử Nha nói:

– Tôi ở Hứa Châu, họ Khương tên Thượng, tên chữ là Tử Nha, biệt hiệu là Phi Hùng.

Võ Kiết gánh củi đi ngang qua, thấy Tử Nha ngồi câu cá tại Bàn Khê nhiều ngày liền lân la bắt chuyện. (Ảnh: Youtube)

Ông tiều nghe nói phá lên cười ngặt nghẽo. Tử Nha lấy làm lạ hỏi:

– Ông là ai vậy?

Ông tiều đáp:

– Tôi họ Võ tên Kiết ở xứ Tây Kỳ.

Tử Nha hỏi:

– Tại sao ông lại phá lên cười như vậy?

Võ Kiết đáp:

– Tôi nghe ông xưng hiệu là Phi Hùng nên nhịn cười không được.

Tử Nha hỏi:

– Từ xưa đến nay làm người ai cũng có tên có hiệu, có gì lạ mà cười?

Võ Kiết nói:

– Ðời xưa, những bậc thánh hiền bụng chứa văn chương, lòng đầy thao lược xưng tên xưng hiệu đã đành. Còn như ông ngồi câu cá suốt ngày, tấm lưng cháy nắng mà cũng xưng hiệu Phi Hùng bảo tôi nhịn cười sao được? Nếu ông tự xưng hiệu là lão ngư, lão hầu thì khỏi ai bắt bẻ!

Võ Kiết cười lớn nói: Ối giời ạ! Hễ có trí tuệ thì tuổi thơ cũng trí tuệ, còn vô mưu thì đầu bạc cũng vô mưu. (Ảnh: Youtube)

Võ Kiết vừa nói vừa nhấc cần câu của Tử Nha lên, thấy lưỡi câu thẳng đuột một đường, liền ôm bụng cười lăn cười bò, rồi chặc lưỡi than:

– Ối giời ạ! Hễ có trí tuệ thì tuổi thơ cũng trí tuệ, còn vô mưu thì đầu bạc cũng vô mưu. Muốn câu cá mà để lưỡi câu thẳng tuột như thế này thì đời nào bắt được cá! Ðể tôi dạy giùm cho. Ðốt cây kim này cho đỏ, cắt ngạnh, uốn cong cong rồi móc mồi cho thơm, nhợ phải cột phao chính giữa, lúc thả xuống sông mà thấy phao động đậy ấy là cá ăn câu, phải giật lên cho gấp, lưỡi câu móc vào mép cá, mới bắt được cá mà ăn. Khờ dại như ông mà cũng bày đặt xưng danh Phi Hùng!

Tử Nha mỉm cười đáp:

– Ông biết một mà chẳng biết hai. Ta không dùng lưỡi câu cong để câu cá câu tôm, chỉ dùng lưỡi câu ngay để câu thời câu vận. Nếu làm cong queo thì được của thà cứ thế ngay mà thanh bạch còn hơn. Như ý ta là:

“Ngày chờ thời giờ quý
Vậy được của không cầu
Chẳng kiếm tôm kiếm cá
Mà kiếm công kiếm hầu”.

Võ Kiết nhướng mắt nhìn Tử Nha từ đầu đến chân, lại cười lớn nói:

– Bộ tịch ông trông như con khỉ ốm lại thích nói chuyện kiểu đao to búa lớn. Trên thế gian này kẻ khôi hài như ông cũng được cho là hiếm đấy!

Tử Nha vẫn thản nhiên đáp:

– Ông gọi ta là khỉ ốm cũng được, khỉ già cũng được, nhưng ta chạnh nghĩ bộ dạng và tình cảnh của ông không lẽ tốt lắm sao?

Võ Kiết nói:

– Bộ dạng, tình cảnh của ta tuy không tốt nhưng ít ra thì cũng còn khá hơn ông. Ta tuy là kẻ đốn củi, cũng còn sung sướng hơn ông câu cá đợi thời, xem nhé: mùa xuân xem đào tươi, mùa hè coi sen nở, mùa thu hái bông cúc, mùa đông bẻ cành mai, vui thú thanh nhàn, quên đường danh lợi.

Võ Kiết nói xong ngâm một bài thơ:

“Củi quế hàng ngày đổi gạo châu
Mẹ con chung uống rượu đầy bầu
Cây rừng trái núi là cơ nghiệp
Chẳng sướng hơn Công cũng hơn Hầu”.

Tử Nha nói:

– Không phải ta chê bộ dạng hay công việc của ông xấu, là ta chê khí sắc của ông kìa.

Võ Kiết hỏi:

– Khí sắc của ta thì có gì xấu?

Tử Nha nhìn thấu được đại nạn của Võ Kiết liền tiên đoán bằng một bài thơ. (Ảnh: Youtube)

Chẳng buồn nhìn Võ Kiết, Tử Nha bèn thủng thỉnh buông câu và đọc bài thơ sau:

“Mặt nọ đỏ bầm bầm
Tròng kia xanh biến dạng
Ra phố đánh chết người
Chúng bắt đền tính mạng”.

Tử Nha vừa đọc dứt lời, Võ Kiết liền cả giận nạt lớn:

– Nãy giờ tôi chỉ dăm câu ba điều mà đùa bỡn với ông một chút cũng không hại gì, cớ sao ông lại độc miệng rủa tôi như vậy?

Dứt lời Võ Kiết hậm hực gánh củi lên vai bươn bải đi thẳng xuống thành Tây Kỳ không thèm ngoái đầu nhìn lại Tử Nha một lượt.

Lời bàn:

Người xưa có câu: “Cao nhân bất lộ tướng”, Khương Tử Nha trải bao sóng gió nay lại lánh về Bàn Khê làm một lão ngư ông câu cá bên bờ sông Vị. Câu cá ấy là cái cớ, đón thời đợi vận mới là đại nghiệp, vậy nên cái sự ‘câu cá’ của Tử Nha mới khiến kẻ phàm phu tục tử như Võ Kiết không tài nào mà lý giải cho nổi. 

Lại nói tiếp về cái thú câu cá của Tử Nha: Lưỡi câu thì bẻ thẳng tuột sao gọi là lưỡi câu? Lão ông này câu cá mà không cầu được cá, ngồi tu tâm dưỡng tính ấy mới là quan trọng. Dây câu được gọi là ‘sợi kinh luân’, mồi câu là ‘tài thao lược’ thì ‘cá’ ấy phải là cá hóa rồng, là hiện thân của bậc bá vương minh chủ. 

Về phần Võ Kiết, vì không nhận ra bản lĩnh của Tử Nha nên mới vô tình giỡn mặt cao nhân âu cũng là một chữ ‘Duyên’ đặt định, vả lại đến đại nạn nhãn tiền mà người tiều phu này còn chưa cảm nhận được thì sao có thể nhìn thấu cảnh giới của Khương Thượng Đạo nhân. Người biết sai mà tự sửa sai ấy mới là đáng quý. Số phận Võ Kiết có đúng như lời thơ tiên đoán của Tử Nha hay không, diễn biến câu chuyện tiếp theo như thế nào? Kính mời quý vị và các bạn đón xem hồi sau sẽ rõ. 

Đường Phong

Exit mobile version