Đại Kỷ Nguyên

Phong Thần truyền kỳ (kỳ 15): Tử Nha cải mệnh cho Võ Kiết; Văn Vương kể sự tích Hứa Do

“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.

Lại nói Võ Kiết sau khi được Tử Nha nhận lời thâu làm đệ tử rồi về đến nhà mặt mày tươi tỉnh phấn chấn khác thường. Người mẹ trông thấy anh ta như vậy đoán biết mọi việc đã xong, liền hỏi:

– Con đi cầu Khương lão gia, người dạy làm sao?

Võ Kiết thuật lại cho mẹ nghe lời dặn dò của Tử Nha rồi lo đi cắt cỏ thắp đèn, đào huyệt. Còn Tử Nha đêm ấy cũng thức đợi đến canh ba, xõa tóc cầm gươm đốt bùa niệm chú, làm phép ếm đối cầu đảo xong xuôi.

Sáng ngày hôm sau Võ Kiết đến tạ ơn Tử Nha, thưa:

– Ðệ tử vâng theo lời thầy làm đủ phép.

Tử Nha nói:

– Việc ấy như vậy là xong, không còn lo sợ gì nữa. Nay ngươi đã làm đệ tử thì phải nghe lời ta, cứ buổi sáng vào núi đốn củi kiếm ăn, còn buổi chiều thì phải đến đây tập luyện võ nghệ để chờ ngày giúp nước. Vì nay Trụ Vương lỗi đạo, bốn trấn chư hầu đều nổi lên diệt bạo cứu nguy.

Võ Kiết hỏi:

– Thưa sư phụ, đó là những nơi nào vậv?

Tử Nha nói:

– Ðông Bá Hầu Khương Văn Hoán cầm đầu hai trăm trấn chư hầu đánh ải Du Hồn, Nam Bá Hầu Ngạt Thuận cầm đầu hai trăm trấn chư hầu đánh ải Tam Sơn… còn nhiều trấn chư hầu khác nữa. Ta xem thiên văn thấy chẳng bao lâu nữa thiên hạ sẽ đại loạn. Vậy thì ngươi cũng nên tập luyện võ nghệ cho thông, để mai sau có cơ lập nghiệp, nếu cứ đốn củi mãi thì già đời cũng chỉ là một gã tiều phu mà thôi.

Kể từ đó Võ Kiết vâng theo lời Tử Nha dạy bảo, buổi sớm mai vào núi đốn củi, khi chiều về lại đến Bàn Khê học đủ các ban võ nghệ, phép thuật.

Kể từ đó Võ Kiết buổi sớm mai vào núi đốn củi, khi chiều về lại đến Bàn Khê học đủ các ban võ nghệ, phép thuật. (Ảnh: youtube.com)

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, lúc bấy giờ Táng Nghi Sinh tính lại đã nửa năm rồi mà không thấy Võ Kiết tìm đến nạp mình, liền vào cung tâu với Văn Vương:

– Khởi bẩm Thánh thượng, hạ thần thấy Võ Kiết còn mẹ già nên tấu xin cho y về thu xếp việc hiếu đễ một thời gian. Nay đã nửa năm, đúng hẹn mà không thấy y đến trình diện, vậy là khinh luật triều đình, xin chúa công liệu bề trị tội.

Văn Vương liền bấm tay gieo một quẻ để đoán việc ngay gian, chẳng ngờ vì Tử Nha đã làm bùa phép trước đó, khiến cho quẻ Văn Vương gieo ứng báo rằng Võ Kiết đã gieo mình xuống sông tự vẫn rồi.

Văn Vương thở dài nói:

– Võ Kiết không phải trốn đâu. Bởi y sợ bị hành hình nên nhảy sông tự vẫn rồi. Nghĩ lại, y vì rủi ro mà ngộ sát chứ không có ý giết người, nay Võ Kiết đã tự tử thì bỏ qua cũng được.

Văn Vương than thở một hồi rồi vào trướng nghỉ ngơi.

Lại thêm một khoảng thời gian nữa, thu đông qua rất chóng, mới đó mà đã vào tiết xuân rồi, đào lý đã nở hoa, bướm ong tấp nập. Văn Vương thấy muôn hoa rực rỡ, trăm họ vui vầy bèn truyền hết thảy triều thần cho phép được vui xuân mở hội.

Táng Nghi Sinh tâu:

– Ngày trước Thánh thượng ngự thấy điềm lành, nay nhân tiết xuân mát mẻ, chúa công cũng nên thả gót nhàn du, biết đâu lại gặp được hiền thần trong mộng.

Văn Vương khen phải, liền bảo Nghi Sinh truyền khẩu dụ cho Nam Cung Hoát và Tân Giáp dẫn hai đội ngự lâm quân đi theo hộ giá.

Nam Cung Hoát và Tân Giáp tuân lệnh dẫn theo mỗi đội năm trăm quân, vua tôi cùng hoan hỷ kéo nhau đến Gò Nam xem hoa thưởng ngoạn.

Sau có bài thơ vịnh rằng:

“Vàng tía chen nhau ngập thế gian
Ong qua bướm lại rộn bên đàng
Khuyên ai chớ phụ thời xuân sắc
Một tấc vui xuân một tấc vàng”.

Văn Vương và các quan vừa đến Gò Nam. Bấy giờ khắp chốn Tây Kỳ trai gái đều điểm trang rực rỡ, kẻ ngâm thơ, người uống rượu, già đi trước trẻ theo sau, cảnh sắc thanh bình, muôn vật tốt tươi bừng bừng sức sống. Văn Vương lấy làm đẹp dạ, khen:

– Như thế này mới gọi là thái bình thịnh trị.

Táng Nghi Sinh tâu:

– Cõi Tây Kỳ thái bình lắm chẳng khác trời Nghiêu, đá Thuấn thuở xưa.

Cứ như thế đoàn triều thần hộ giá Văn Vương đi khắp Tây Kỳ, đâu đâu cũng thấy dân chúng ấm no hạnh phúc.

Văn Vương đi khắp Tây Kỳ, đâu đâu cũng thấy dân chúng ấm no hạnh phúc. (Ảnh: youtube.com)

Một chiều nọ, vua tôi Văn Vương du ngoạn tới gần Bàn Khê chợt thấy có mấy người câu cá, đang vác cần trên vai, vừa đi vừa nghêu ngao hát:

“Xưa vua Thành Thang đánh Hạ Kiệt
Y Doãn cầm binh xong các việc
Dựng cờ phạt tội kéo xông qua
Ðuổi kẻ bạo tàn đi mất biệt

Hưởng sáu trăm năm bền mối nước
Triều chính ngày nay coi khác trước
Ðào ao đựng rượu, thịt làm rừng
Lộc Đài xương máu cao ngàn thước

Ðã mê tửu sắc lại tham dâm
Ðao binh bốn biển dậy ầm ầm
Chúng ta ẩn mặt ngoài sông biển
Rửa tai chẳng chịu tiếng thâm trầm

Sông dài biển rộng cứ gieo câu
Ðất trời chở che không cần lộng”.

Văn Vương lắng nghe ca từ, đoạn quay sang nói với Táng Nghi Sinh:

– Lời lẽ ca khúc uyên thâm lắm, chắc trong đám người đó có kẻ hiền tài. Lại dùng cả điển tích “Hứa Do rửa tai” nữa, xem ra càng không phải tầm thường.

Táng Nghi Sinh hỏi:

– Tâu chúa công, tích ấy thế nào hạ thần chưa rõ?

Văn Vương bèn kể:

Ngày xưa vua Nghiêu có chín người con trai, nhưng xét tính tình thì không có người nào hiền đức. Ngài sợ nếu để con mình nối ngôi thiên hạ sẽ loạn lạc, vì vậy bèn đi khắp thiên hạ tìm người hiền tài để nhường ngôi.

Một ngày, vua Nghiêu đi đến chân núi nọ thì gặp Hứa Do đang cầm chiếc bầu nhỏ cặm cụi chắt nước dưới khe để uống.

Vua Nghiêu liền hỏi: “Ngươi ở đây làm gì vậy?”.

Hứa Do nói: “Tôi ngán ngẩm cuộc đời ô trọc nên lánh mình một cõi, tìm thú thanh nhàn, không màng lợi danh, đói ăn trái cây, khát uống nước suối giữ mình trong sạch cho mãn kiếp thời thôi”.

Vua Nghiêu nghe xong mừng thầm, nghĩ rằng người này không ham phú quí, không ưa danh vọng, chính thật người hiền, nếu truyền ngôi cho anh ta thì thế nào thiên hạ cũng được thái bình.

Nghĩ như vậy vua Nghiêu nói: “Trẫm thật là vua Nghiêu, giả thường dân đi tìm người hiền đức để nhường ngôi. Vậy nếu ngươi là bậc hiền đức, hãy theo về triều để nối vị quả nhân cai trị thiên hạ”.

Hứa Do vốn không màng danh lợi, lại càng không thích công hầu vương đế, nghe vua Nghiêu nói như vậy tuy làm thinh không dám cãi, nhưng lòng giận lắm, đập nát cái bầu, rồi bịt chặt hai tai, co giò chạy thẳng đến bến sông, vốc nước rửa tai mãi.

Lúc ấy vừa hay có Sào Phủ cũng dắt trâu đến bến sông cho uống nước, thấy Hứa Do cặm cụi rửa tai mãi, không hiểu vì cớ gì nên hỏi: “Tai anh dính vật gì dơ lắm sao mà rửa mãi vậy?”.

Hứa Do đáp: “Vừa rồi tôi gặp vua Nghiêu bảo tôi về triều để truyền ngôi. Tôi nghe tiếng danh lợi dơ tai quá nên chạy đến đây mà rửa. Nhưng rửa đã lâu mà tiếng ấy vẫn còn văng vẳng bên tai, chưa hết”.

Sào Phủ nghe nói liền dắt trâu lên trên dòng nước cho uống.

Hứa Do hỏi: “Sao anh không cho trâu uống nước tại bến như thường lệ?”.

Sào Phủ nói: “Tai anh dơ lắm, sợ trâu tôi uống cũng dơ luôn cả miệng!”.

Kể vừa Dứt lời, Văn Vương bèn trầm ngâm nói tiếp:

– Ấy là tích Hứa Do, Sào Phủ thời xưa. Nay người viết ra khúc hát này lại lấy điển tích đó mà tự ví mình là kẻ thanh cao, chẳng màng lợi danh quyền quý, khiến cho ta cảm động tấm lòng.

Văn Vương kể lại tích Hứa Do… (Ảnh: youtube.com)

Lời bàn:

Khương Tử Nha chẳng tiếc thi triển kỳ công thuật loại mà cứu mạng Võ Kiết không phải là không có nguyên do, ấy chính là ứng với lời sấm truyền:

“Cứu một người tên Kiết
Yên trăm họ nước Chu”…

Việc cứu người toàn mạng ấy cũng không phải cứ nói cứu thì là cứu được, nó đòi hỏi cả bề dày uy đức và tầng thứ công lực của bậc minh sư đại Đạo, lại còn phải xem người cần cứu có đủ phẩm đức để được cứu hay không… về điều này trong các pháp môn tu luyện chính Pháp cũng có giảng nói tới.

Bậc làm vua như Văn Vương thật xứng với ba chữ ‘đấng minh quân’ mà dân gian khen tặng. Ông vua này tài đức vẹn toàn, tinh thông thuật loại, am hiểu thời cuộc, lại có lòng yêu nước thương dân và rất mực coi trọng hiền tài… ấy cũng kể như dân chúng Tây Kỳ có phúc.

Tích truyện: ‘Hứa Do rửa tai’ chẳng màng danh lợi lại gặp ‘Sào Phủ chăn trâu’ xem nhẹ chuyện đời khiến hậu nhân nghe mà cứ ngỡ như huyền thoại. Là có thật? Là không có thật? Nhận định tùy ở mỗi người, nhưng câu chuyện không xảy ra thử hỏi sao lại trở thành điển tích lưu truyền nhân thế? Có điều bối cảnh xã hội xưa và nay đã khác xa nhau quá nhiều rồi. Có những giá trị nhân sinh tốt đẹp mà trong văn hóa truyền thống khi xưa vốn được coi là hiển nhiên nhưng nếu nói ra thì con người ngày nay vẫn cứ khó tiếp thụ hoặc không còn tin vào những điều như thế nữa. Những nhân vật như Hứa Do, Sào Phủ chính là mẫu người: ‘Thân không tu Đạo nhưng đã ở trong Đạo rồi’, cảnh giới siêu xuất như vậy thì người bình thường có gặp cũng khó mà lý giải cho được.

Bậc thánh giả hiền đức mà Văn Vương đang tìm kiếm là ai, liệu bậc minh quân này có duyên gặp được người mà mình luôn hằng mong mỏi? Câu chuyện tiếp theo sẽ diễn biến ra sao? Kính mời quý vị và các bạn đón xem tiếp kỳ sau…

Đường Phong

Exit mobile version