Đại Kỷ Nguyên

Phong Thần truyền kỳ (kỳ 16): Võ Kiết gặp vua khai tội cũ; Văn Vương mong mỏi rước thánh nhân

“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.

Lại nói Văn Vương kể về sự tích Hứa Do, Sào Phủ cho Táng Nghi Sinh và đám tùy tùng nghe xong rồi ngồi trầm mặc ngẫm nghĩ mãi về ý nghĩa của câu chuyện.

Trong lúc đó, triều thần ai nấy đều uống rượu thưởng hoa. Bỗng có một người đon đả gánh củi đi qua, miệng nghêu ngao hát:

“Nước gợn trong veo cảnh thật thanh
Hùm thiêng chưa gặp ẩn non xanh
Người đời chẳng biết trang hiền sĩ
Cứ nói ông câu ở mé gành”…

Văn Vương nghe tiếng ca, vỗ đùi khen lớn:

– Hay! Người này chắc là hiền sĩ đấy.

Táng Nghi Sinh vào tâu:

– Bẩm thánh thượng, người ấy sao trông giống Võ Kiết, kẻ tội nhân giết người ngày trước vậy?

Văn Vương nói:

– Quan Ðại Phu nhìn lầm rồi. Võ Kiết đó sợ tội đã nhảy xuống sông trầm mình tự vẫn rồi, lẽ nào còn sống trên đời này được!

Táng Nghi Sinh vẫn băn khoăn ngồi trên ngựa ngắm kỹ một hồi, thấy quả là Võ Kiết, không còn nghi ngờ gì nữa, liền sai Tân Giáp đến bắt y lại xem sao.

Tân Giáp vâng lời giục ngựa đến trước. Võ Kiết trông thấy xa giá không biết trốn vào đâu, phải để gánh củi bên đường qùy mọp xuống đất. Tân Giáp thấy quả đúng là Võ Kiết năm xưa rồi, liền đến trước ngựa Văn Vương tâu:

– Khởi bẩm hoàng thượng, người ấy chính là Võ Kiết, tên giết người ngày trước.

Văn Vương nổi giận hét lớn:

– Thất phu! Hắn dám khinh quân phạm thượng qua mặt trẫm như vậy ư?

Rồi quay lại nói với Táng Nghi Sinh:

– Tên này xảo trá như vậy phải xử tội nặng gấp đôi, truyền xử trảm để răn đe dân chúng.

Văn Vương biết Võ Kiết còn sống thì rất tức giận. (Ảnh: youtube.com)

Nói đoạn lại than:

– Nếu quẻ Tiên Thiên của ta mà bói không linh nghiệm thì còn truyền lại trong dân gian làm gì!

Táng Nghi Sinh nói:

– Hạ thần nghĩ đất Tây Kỳ xưa nay chưa hề có ai ngang ngạnh như vậy, chẳng biết Võ Kiết có điều gì uẩn khúc không, xin Chúa công để bề tôi hỏi lại kẻ tội nhân này cho rõ đã.

Nói vừa dứt liền giục ngựa tới hỏi:

– Ngươi hứa với Chúa công trở về lo chăm sóc mẹ già xong, nửa năm là trở lại đền tội, tại sao lỗi hẹn?

Võ Kiết nói:

– Bẩm, tội dân không dám khinh nhờn phép nước. Bởi có một lão ông câu cá tại Bàn Khê họ Khương tên Thượng, tên chữ là Tử Nha, biệt hiệu Phi Hùng, bảo tôi nhận ngài ấy làm sư phụ thì sẽ cứu cho toàn mạng. Người ấy dạy tôi về nhà đào huyệt nằm dưới đó, chong đèn trên đầu một ngọn, dưới chân một ngọn, lại dùng gạo vãi lên mình, lấy cỏ ủ lại, qua một đêm thì tránh khỏi tội chết luôn. Tội dân còn mẹ già không nỡ bỏ mặc nên mới nghe lời mà làm theo. Xin quan trên nghĩ lại.

Táng Nghi Sinh nghe nói mừng rỡ, lập tức thúc ngựa quay trở lại, quỳ tâu với Văn Vương:

– Khởi bẩm thánh ân, Võ Kiết nói có gặp một ông già câu cá tên hiệu Phi Hùng. Đây quả là người Chúa công ứng mộng. Xưa vua Thương Cao thấy gấu bay mà có được Phú Duyệt ra phò tá, nay Ðại Vương cũng lại gặp được người tên hiệu Phi Hùng (tức gấu bay) thì quả là đại hảo sự. Lão ông đó chắc là Khương Tử Nha, người câu cá nơi Bàn Khê đấy. Vậy cúi xin Chúa công tha tội cho Võ Kiết, lại sai hắn dẫn đến Bàn Khê tìm gặp Khương Tử Nha để chiêu hiền.

Văn Vương y tấu tha tội cho Võ Kiết, truyền bá quan văn võ lập tức khởi giá đến Bàn Khê.

Nghe được tin tức về Khương Tử Nha, Văn Vương rất vui mừng. (Ảnh: youtube.com)

Lại nói Võ Kiết được tha tội chết, mừng rỡ bỏ gánh củi, dẫn Văn Vương và đoàn tùy tùng trở lại rừng xanh.

Trời chiều chạng vạng cả đoàn người ngựa mới tìm tới nơi, Văn Vương hỏi:

– Nhà của thánh nhân ở chỗ nào?

Võ Kiết chỉ tay về phía trước tâu:

– Túp lều tranh nhỏ trước mặt kia là chỗ sư phụ tôi nương náu.

Võ Kiết dắt Văn Vương đến đó, thấy túp lều xiêu vẹo, xung quanh che chắn bằng phên dậu trúc.

Văn Vương gõ nhẹ vào tấm phên gọi cửa thì thấy một tiểu đồng nhấc tấm phên bước ra, Văn Vương hỏi:

– Sư phụ ngươi có nhà không?

Tiểu đồng nói:

– Sư phụ tôi đi chơi với bạn hữu.

Văn Vương hỏi:

– Chừng nào ngài ấy về?

Tiểu đồng đáp:

– Cũng không biết chừng. Có khi một ngày có khi dăm bẩy hôm. Có lúc sư phụ vui dạo cảnh nước non thì lâu hơn nên không biết chừng nào người mới về.

Nghe tiểu đồng nói vậy, Táng Nghi Sinh tâu với Văn Vương:

– Phép cầu người hiền tài phải có lòng thành. Hôm nay Chúa công đi dạo cảnh xuân mà tình cờ đến đây nên thánh nhân không ra mặt. Xưa vua Thần Nông tìm Trường Tang vua Thành Thang tìm Y Doãn đều phải ăn chay tắm gội rồi chọn ngày lành đem lễ vật đến rước, như thế mới tỏ ra kính hiền đãi sĩ. Xin Chúa công noi gương ấy, chúng ta trở về sửa soạn vài ngày nữa mới đến cầu hiền.

Văn Vương khen:

– Quan Ðại Phu nói phải lắm.

Liền truyền cho đoàn tùy tùng và cả Võ Kiết đi theo xa giá trở về triều. Ngoái đầu lại trông thấy bên khe trăm hoa khoe sắc, sơn thủy hữu tình, Văn Vương đẹp ý ngâm lên:

“Phong cảnh xuân thời đẹp đẽ thay
Người hiền ẩn mặt bấy lâu nay
Tới nơi không thấy người đâu cả
Thiên hạ sầu riêng biết mấy ngày”.

Vua tôi trở về tới thành thì trời đã tối mịt. Văn Vương giữ hết thảy bá quan ở lại trong điện ăn chay ba bữa, ngủ trong điện lớn, ai nấy tắm gội sạch sẽ, đợi ngày đi rước thánh hiền.

Về tới thành, Văn Vương giữ hết thảy bá quan ở lại trong điện ăn chay tắm gội sạch sẽ, đợi ngày đi rước thánh hiền. (Ảnh: youtube.com)

Lời bàn:

Võ Kiết trước kia từng bị triều đình khép vào tội ngộ sát, may lại được Khương Tử Nha dùng phép hoán mệnh nên mới qua mặt được Văn Vương mà thoát tội. Dè đâu nay y gánh củi xuống núi lại gặp cả Văn Vương và Táng Nghi Sinh! Quả đúng là: ‘Oan gia ngõ hẹp’. Thế mới hay đã gây ra tội lỗi thì dù có cao tay đến đâu cũng chỉ giấu được người chứ không giấu nổi trời. Âu đây cũng là cơ hội để Võ Kiết minh bạch sự tình, cũng là cơ duyên để y lấy công chuộc tội.

Văn Vương kể lại cho quần thần nghe tích chuyện vua Nghiêu xưa đi tìm hiền tài mà bản thân ông ta cũng cưỡi ngựa dong duổi dặm trường, lặn lội đến tận Bàn Khê tìm bậc thánh nhân ra giúp mình trị quốc, lại nghe lời can gián của Táng Nghi Sinh chẳng ngại hạ mình quay trở về hoàng cung tắm gội ăn chay, chuẩn bị lễ vật để đích thân gặp mặt Khương Thượng…

Mới thấy bậc làm vua khi xưa thật biết noi theo gương của những đấng minh quân tiên đế, lại trọng lễ nghi, quý mến bậc hiền đức, lời nói việc làm đều trước sau như một, không chút ngụy tạo giáo điều, càng không cậy quyền cậy thế mà coi thường nhân sỹ trong thiên hạ. Người xưa có câu: ‘Vua sáng tôi hiền’, phong thái chế nhân trị quốc của Văn Vương mẫu mực như thế thì bề tôi cũng đâu có chuyện chạy chức mua quyền, dối trên lừa dưới, tham ô hủ bại, ức hiếp dân lành… âu cũng lại là phúc cho dân nước Tây Kỳ vậy.

Thân thế của Võ Kiết từ khi được lệnh về triều sẽ thay đổi thế nào, liệu Văn Vương có mời được lão đạo Khương Tử Nha xuất thế phò Chu hay không? Kính mời quý độc giả đón xem tiếp kỳ sau.

Đường Phong

Exit mobile version