“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.
Lại kể tiếp về Tô Hộ, sau ngày nhận lệnh rời khỏi Triều Ca liền lập tức ngày đi đêm nghỉ ròng rã một mạch cả tháng trời mới về đến đất Ký Châu.
Tối đó sau khi dùng xong bữa tiệc đoàn viên tại tư phủ, Tô Hộ trở vào hậu viện thuật rõ sự tình về việc xảy ra tại Triều Ca cho phu nhân là Dương thị hay.
Dương thị khóc òa, nói: “Con gái mình liễu yếu đào tơ, sương mai một nhánh, lâu nay chưa từng biết phép tắc triều đình, giờ lại phải vâng mệnh tiến cung, lỡ có mệnh hệ gì thì thiếp đây thân làm mẹ biết làm sao mà sống nổi?”. Nói rồi đau xót mà khóc mãi không thôi!
Tô Hộ an ủi phu nhân:
“Phúc họa làm sao biết trước được. Việc đến đâu hay đến đó, bây giờ đưa Ðát Kỷ vào chầu vua để cứu đất Ký Châu này khỏi nạn đao binh đã. Nhược bằng không vâng theo ý chỉ, khi đó lệnh vua ban xuống, dân tình khắp châu sẽ chẳng có ngày nào yên. Tô gia cũng vì thế mà lâm họa…”.
Dương thị khóc mãi, Tô Hộ khuyên giải suốt đêm vẫn chưa nguôi.
Hôm sau, Tô Hộ chọn ba ngàn quân kỵ mã, năm trăm gia thần sắm sửa xe loan, bảo Ðát Kỷ sắp xếp tư trang rồi lên kiệu ra đi.
Ðát Kỷ nghe lời cha dạy nước mắt như mưa, lạy mẹ và anh. Mẹ hiền con thảo từ giã bịn rịn cả nửa canh giờ mà chưa ra khỏi cửa. Tỳ nữ hai bên phải hết lời khuyên dỗ, phu nhân mới chịu rời bước quay trở vào phòng để cho Ðát Kỷ ra đi.
Tô Toàn Trung cũng đi theo đưa tiễn cha và em gái xa quá năm dặm mới quay trở về. Tô Hộ cưỡi ngựa theo sau xe loan, cả đoàn hộ tống đúng là: binh tướng rầm rộ, cờ giáo rợp đường. Phía trước đoàn kỵ mã còn có giương một cây cờ lớn thêu hai chữ vàng: “Qúy nhân”.
Ðoàn người ngựa cứ nhắm hướng Triều Ca mà thẳng tiến. Trải không biết bao nhiêu khó nhọc, lúc xuống thác, khi lên ghềnh, lặn lội cả chục ngày mới đến địa giới huyện Qua Châu.
Ngày kia, đoàn hộ tống đi tiếp đến trạm Ân Châu thì trời vừa tối, quan dịch thừa sở tại được tin liền ra nghênh tiếp, đưa cả đoàn vào trạm nghỉ ngơi. Tô Hộ bảo dịch thừa dọn tạm một phòng ở dịch đường cho Quý nhân nghỉ. Dịch thừa nói:
“Chẳng dám giấu ngài, trạm này hơn ba năm nay có yêu tinh lộng hành, ai đi đường lỡ tối cũng không dám ngủ ở dịch đường mà chỉ ngủ ở đại trại thôi. Vậy xin lệnh trên khởi hành về đại trại để Quý nhân nghỉ ngơi tại đó mới thật là bình yên vô sự”.
Tô Hộ nói:
“Con gái ta thân là Quý nhân của Thiên tử, yêu tinh nào dám phá? Sẵn đây có dinh trạm đường mà không nghỉ, lại ngủ trong trại binh coi sao được?”.
Quan Dịch đường không dám trái mệnh, liền sai lính quét dọn nhà trạm đường, thắp hương trầm cho tan khí lạnh, rồi chọn một căn phòng rộng rãi trang hoàng nhất để cho Tô Quý nhân nghỉ ngơi.
Tô Hộ dẫn Ðát Kỷ vào phòng trong, có năm mươi thị nữ theo hầu hạ, năm trăm gia tướng theo canh cửa, ba ngàn binh mã đóng bên ngoài. Còn bản thân Tô Hộ thì cẩn trọng thắp đèn nến sáng trưng ngồi ở ngay gian phòng khách phía trước mà canh chừng, ông ta thầm nghĩ:
“Chỗ này là trạm dịch, khách qua đường đi lại đông như mắc cửi, xung quanh dân chúng cư ngụ rất nhiều, thế mà bảo có yêu quái phá phách thật là chuyện lạ. Tuy nhiên ta vẫn nên phòng bị là hơn”.
Nghĩ như vậy, Tộ Hộ liền lấy cây roi đuôi hùm – vốn là binh khí sở trường của mình để trên mặt bàn, lại đeo sẵn cả cây bảo kiếm nhỏ ở bên thân rồi mới yên tâm ngồi chong đèn mà đọc sách.
Lúc này trời đã khuya, bên ngoài ánh sao lờ mờ, bốn bề đều yên lặng, chỉ còn một mình Tô Hộ thức mà thôi. Nghe tiếng trống trở canh xa xa vừa điểm, Tô Hộ nghi ngại trong lòng, cầm roi bước vào phòng xem chừng, thấy bọn thị nữ và tiểu thư đều ngủ im lìm hết cả ông ta mới yên lòng, trở lại trường kỷ ngồi xem binh thư.
Qua một hồi lâu, Tô Hộ nghe trống trở canh hai, vẫn không thấy có động tĩnh gì cả, nhưng cũng chưa ngủ được bèn ngồi xem sách mãi…
Trống canh ba vừa điểm. Bỗng có một luồng gió lạnh toát thổi đến… Ngọn nến chao đi, gần muốn tắt rồi tỏ lại… Tô Hộ thấy lòng rờn rợn, toan xách roi chạy xuống phòng ngủ, thì đã nghe có tiếng la hét hoảng hốt của bọn thị nữ:
“Yêu quái! Yêu quái! Có yêu quái!”.
Tô Hộ tay cầm roi, tay xách đèn lập tức chạy xuống, nhưng lại bị gió thổi tắt đèn, Tô Hộ phải hối quân thắp lên. Ba nghìn binh sỹ vừa hay tin có biến cũng rầm rập tứ bề vây tới…
Lúc Tô Hộ xuống đến nơi thì thấy bọn thị nữ hết thảy mặt mày đều tái mét, đứng run cầm cập, nói không ra tiếng.
Tô Hộ chạy vội vào vén màn hỏi Ðát Kỷ: “Con có thấy yêu quái gì không?”.
Ðát Kỷ thưa: “Con đang chiêm bao thì nghe tiếng bọn thị nữ la hét hoảng hốt, vừa choàng dậy thì đã thấy ánh đèn của phụ thân rọi vào, cũng không thấy có yêu quái gì cả”.
Tô Hộ thở phào nhẹ nhõm nói: “Ðội ơn trời phù hộ cho con khỏi giật mình. Thôi con nghỉ ngơi đi, mai còn khởi hành sớm”. Đoạn cũng truyền cho ba quân trở về doanh trại nghỉ tiếp.
Tô Hộ trở lại nhà khách, cứ vậy mà chập chờn thức ngủ cho đến sáng. Ông ta có hay biết đâu là ngay lúc đèn bị tắt thì Ðát Kỷ đã bị Hồ ly tinh hớp hồn giết chết rồi nhập vào xác Ðát Kỷ mà trả lời với Tô Hộ vậy, còn thực ra Ðát Kỷ – con gái ông, giờ đây chỉ còn cái xác phàm mà thôi, phần hồn thì đã bị yêu tinh Hồ ly chiếm đoạt mất rồi. Tô Hộ không hề hay biết còn lầm tưởng yêu tinh là con gái của mình, thật đáng tội nghiệp thay!
Sáng hôm sau cả đoàn binh tướng lại lên đường, đi thêm suốt mấy ngày đêm nữa thì mới đến Triều Ca. Tô Hộ truyền cho quân đóng trại nghỉ ngơi rồi sai người vào thành dâng sớ nhờ Hoàng Phi Hổ vào tâu với Trụ Vương xin dâng con chuộc tội.
Hoàng Phi Hổ bèn cho người mời hai cha con Tô Hộ nhập thành trước, còn quân sĩ thì đóng ở ngoài thành chờ lệnh.
Hai quan nội triều Vưu Hồn và Bí Trọng hay tin Tô Hộ đem con chuộc tội, lại không thấy dâng lễ vật gì với chúng, thầm nói với nhau:
“Tuy đã đem con gái vào triều, nhưng tính vua còn hờn giận… Không chừng một lời nói của chúng ta cũng đủ làm cho hắn mất mạng chứ đừng tưởng thế đã là xong”.
Bấy giờ vua Trụ đang ngự tại đền Long Ðức, có kẻ hầu cận vào tâu: “Khải bẩm Thánh Thượng, có quan Ngự thần Bí Trọng xin vào yết kiến”.
Trụ Vương cho vào. Bí Trọng thi lễ lạy mừng và nói: “Bẩm tấu Bệ hạ, nay Tô Hộ đem con gái là Đát Kỷ đến dâng để chuộc tội, hiện còn đang ở ngoài thành chờ lệnh”.
Trụ Vương nói: “Tuyên chỉ sáng sớm ngày mai cho vào hầu”.
Bí Trọng từ tạ lui ra.
Hôm sau, Trụ Vương lâm triều, bá quan vào chầu đủ mặt cả, Hoàng Môn quan vào tâu: “Khải bẩm Bệ hạ, có Tô Hộ ở Ký Châu và Quý nhân Đát Kỷ xin vào yết kiến!”.
Trụ Vương bèn hạ lệnh truyền cho Tô Hộ và Đát Kỷ vào chầu cung Thiên Tử.
Tô Hộ hành đại lễ rồi cung kính chắp tay hướng phía ngai vàng tấu: “Kẻ tội thần nhận lệnh vua ban, nay thân chinh đem con gái là Đát Kỷ kính dâng bệ hạ. Mong ân trên rộng lòng soi xét!”.
Trụ Vương cho truyền đem Đát Kỷ tiến lại sát bên ngai vàng ra mắt, vừa hay trông thấy Ðát Kỷ Quý nhân: tóc mai da tuyết, mắt phượng má đào, lưng nhỏ dịu dàng, eo thon lơi lả, mày xanh tiên tuế, mắt ướt đa tình, hơi thở phập phồng, hương thầm phảng phất… thì tức thời trong lòng đã sinh mê mẩn rồi!
Làn môi son chúm chím hé mở, đôi mắt đen lúng liếng gợi tình, Đát Kỷ nói khẽ: “Thần thiếp là Đát Kỷ – con gái Tô Hộ Hầu, mong mỏi gặp Hoàng ân, tối ngày mơ vườn Ngự, nay đã thỏa nguyện lành. Kính chúc Hoàng Thượng: long thể tráng niên, tâm ý đẹp lòng… Thánh thượng vạn tuế, vạn vạn tuế!”.
Vua Trụ liếc thấy: dung nhan tuyệt sắc, dáng tựa phù dung, lại nghe tiếng như chim hót, hương thoảng ngọc ngà… thì trong người có một cảm giác đê mê, không thể nào cưỡng được. Ngồi chết điếng một lúc mới mở miệng cho truyền gọi các cung nữ:
“Các ngươi hãy mau dẫn Tô nương nương đến lầu Thọ Tiên đợi trẫm!”.
Ðát Kỷ liền từ tạ cha, rồi theo các cung nữ rời bước về phía hậu cung: dáng đi yểu điệu như hoa mời, eo thon lả lướt như liễu gọi… người đẹp dần dần khuất bóng sau rèm rồi mà đôi mắt của nhà vua vẫn còn say sưa nhìn theo không muốn dứt…
Giây lát, Trụ Vương phán:
“Tô Hộ đã biết thật lòng hối cải, nay lại dâng con chuộc tội, trẫm xóa bỏ hết lỗi lầm. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ, nay trẫm gia phong cho Tô Hộ thêm chức Quốc Thích, thưởng mười vạn lượng vàng, mười rương châu báu. Truyền mở tiệc nơi đền Hiển Khánh liên tiếp trong ba ngày để bá quan văn võ từ chức Thừa tướng trở xuống đều đến đó làm lễ chúc mừng Tô Quốc Thích. Xong tiệc thì truyền cho các quan viên đưa Quốc Thích dạo khắp Triều Ca, để cho dân chúng hoan hỷ tung hô; rồi sau đó cử hai đại quan văn, ba đại quan võ, chín nghìn binh sỹ đại diện cho trẫm hộ tống Quốc Thích trở về Ký Châu”.
Tô Hộ mừng rỡ cúi lạy tạ ơn. Trụ Vương truyền bãi triều, rồi lui về hậu cung tắp lự!
Các quan triều thần thấy Trụ Vương đam mê sắc dục như vậy có ý không bằng lòng, nhưng vì nhà vua bãi triều quá nhanh, không thể cản ngăn, đành miễn cưỡng mà trở lại đền Hiển Khánh để cùng mọi người dự yến tiệc chúc mừng Tô Quốc Thích.
Trụ Vương về cung Thọ Tiên lập tức truyền mở tiệc, ăn uống vui vầy rất gấp… rồi vội vã dìu Đát Kỷ về phòng loan… Đêm ấy loan phụng giao hòa, núi rung sóng cuộn, đôi bên rất tương tình tương đắc tưởng như không bút nào tả xiết vậy…
Vậy là kể từ hôm Ðát Kỷ nhập cung, Trụ Vương ngày thì mở tiệc ăn chơi, đêm thì phụng loan tương ái, thỏa thú vui riêng trong cung cấm. Càng hoan lạc lại càng mê, dục sắc chưa đã đầy, thú dâm chưa thỏa tính, bỏ phế việc triều nghi, không hề để mắt đến những lời sớ tấu của các quan trên dưới nữa. Có ai vào xin ra mắt, vua Trụ cũng không cho gặp mặt.
Ngày qua tháng lại như thoi đưa, thời giờ đối với kẻ si mê sắc dục chẳng khác nào bóng câu qua cửa sổ. Loáng mắt đã ba tháng trời, vua Trụ không một lần ngự triều, cứ ở mãi trong cung Thọ Tiên thỏa thú vui riêng cùng với Ðát Kỷ. Bá quan hàng ngày dâng sớ cao ngập đầu, vẫn không thấy mặt rồng đâu hết!
Lời bàn:
Tô Hộ vì an nguy của Tô gia và bách tính Ký Châu mà phải ngậm ngùi tiến con gái là Đát Kỷ vào cung, ngờ đâu dọc đường lại bị yêu quái Hồ Ly hớp hồn giết chết rồi nhập vào xác Đát Kỷ để vào cung làm Quý nhân. Chiêu “lấy giả thay thật” này xưa nay quả là đáng sợ!
Trụ Vương từ đầu đã ham mê sắc dục, nay gặp phải Đát Kỷ giả – vốn là yêu quái Hồ Ly hóa thân mà thành, quả là ông vua này tự rước họa vào thân, âu cũng là “gieo nhân ác” thì lấy đâu mà “gặt quả lành”!
Người xưa có câu: “Hồng nhan họa thủy”, ý muốn nói rằng trong trăm ngàn mối họa thì cái họa bắt nguồn từ sắc dục là ghê gớm nhất. Bởi trong thiên tai nhân họa xưa nay thì họa từ thủy luôn là đứng hàng đầu: “Thủy-Hỏa-Đạo-Tặc” (‘Đạo’ trong câu này là từ chỉ bọn đạo chích). Vậy mà Đát Kỷ giả kia không những “tuyệt sắc” mà còn “tuyệt ác” nữa thì thử hỏi mối họa về sau của Vua Trụ sẽ đến đâu?
Càng ham mê sắc dục thì càng thấy không thỏa; càng thấy không thỏa lại càng mê… Kết quả là tội nghiệp chất chồng, thân tự diệt thân vậy! Trụ Vương đương thời là ở ngôi Đại đế – Thiên tử, khi vướng vào cái họa này thì đâu chỉ là “họa diệt thân” mà muôn dân, bách tính, trăm Hầu… tránh sao khỏi cũng cùng theo đó mà chịu họa lây?
Thói thường: bậc Đế Vương trụy lạc thì mất nước; Kẻ thứ dân trụy lạc thì tan nhà. Âu cũng là lời cảnh tỉnh cho muôn đời sau vậy.
Muốn biết sự thể ra sao, xin mời quý vị đón xem hồi sau sẽ rõ…
(Còn tiếp)
Đường Phong