Cổ nhân có câu: “Thiên – Địa – Nhân hợp nhất”, cho rằng trời, đất, và người là một thể thống nhất. Con người sống giữa đất trời thì phải hành sự theo Thiên ý, thuận theo tự nhiên, hòa hợp với âm dương ngũ hành.
Học thuyết ngũ hành giảng về Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trong đó Thổ được coi là mẹ của vạn vật, long mạch (địa mạch) lại là khí của Thổ. Khí vượng thì Thổ vượng, khí suy thì Thổ suy, khí tuyệt thì Thổ diệt. Thổ diệt thì sao sinh được Kim, Kim tử thì sao sinh được Thủy, Thủy kiệt thì sao sinh được Mộc, Mộc tàn thì sao sinh được Hỏa, Hỏa lụi thì sao sinh được Thổ? Do vậy một tính toán sai lầm về địa mạch cũng có thể tác động đến ngũ hành, đi ngược lại quy luật của tạo hóa.
Khi định đô lập quốc, xây dựng kinh thành, hay trong những công trình tác động vào đất đai thổ nhưỡng, người xưa luôn chú trọng đến các yếu tố phong thủy. Trong lịch sử, kinh đô Phong Châu nhờ nằm ở nơi đại can long, hay còn gọi là “Tổ Long” của đất Việt, mà triều đại các vua Hùng đã vững bền hơn 2000 năm lịch sử. Đến khi An Dương Vương dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, kinh đô nước Âu Lạc đã mất đi nơi đất lành phúc địa, vương triều cũng chỉ kéo dài 10 năm rồi tàn lụi. Đến thời Lý Thái Tổ, vua đã sớm nhận ra thành Đại La mới thực là mảnh đất địa linh nhân kiệt, là nơi ở của ‘chân long Thiên tử’, vậy nên Thái Tổ đã sáng suốt dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long (rồng bay lên). Quyết định này cũng dựa trên các quan sát về phong thủy. Trong chiếu dời đô, Lý Thái Tổ viết:
“Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng, tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.
Đặt kinh đô ở thế đất “rồng bay lên”, nhà Lý đã mở ra kỷ nguyên huy hoàng cho Đại Việt với một vương triều thái bình thịnh trị trải dài hơn 200 năm.
Tương tự như vậy, các hoàng đế Trung Hoa cũng chọn nơi khí thiêng hội tụ để xây dựng kinh thành. Trải qua bao lần đổi đại thay triều, tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan, các kinh đô cũng nhiều lần thay đổi. Nhưng có một vị trí từng là nơi vượng khí đắc địa gắn liền với những năm cực thịnh của hai triều Minh – Thanh, đến nay bỗng trở thành nơi ‘phong thủy chết người’. Đó chính là quảng trường Thiên An Môn nằm trước Tử Cấm Thành. Người Trung Hoa có rất nhiều cao nhân phong thủy, vì sao hiện tượng này lại xảy ra?
Thực tế, trong quá khứ quảng trường Thiên An Môn không phải là một quảng trường rộng lớn như ngày nay, mà chỉ là một cung đường hình chữ “Đinh” (丁) nối giữa Trường An Môn Đông và Trường An Môn Tây tạo thành nét ngang của chữ Đinh, nối giữa Thừa Thiên Môn và Đại Minh Môn tạo thành nét dọc của chữ Đinh (đoạn đường này còn gọi là “Thiên bộ lang”, tức hành lang dài ngàn bước). Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền thì Thiên An Môn mới mang diện mạo như chúng ta biết ngày nay. Thiên An Môn hiện nay là địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng đáng tiếc thay lại phá vỡ các quy tắc phong thủy của tiền nhân.
Thiên An Môn trong cấu trúc phong thuỷ của tiền nhân
Chúng ta biết rằng, Thiên An Môn xưa là một phần của tổ hợp kiến trúc cố cung, nơi mà mỗi vị trí, mỗi chi tiết đều phù hợp với phong thủy địa mạch. Kinh thành Bắc Kinh, mà trung tâm là cung điện Tử Cấm Thành, được khởi công xây dựng dưới thời Minh Thành Tổ Chu Đệ sau khi ông quyết định dời đô từ Nam Kinh về Bắc Bình (sau đổi thành Bắc Kinh).
Quá trình xây dựng kinh thành cũng là một câu chuyện ly kỳ. Khi vừa mới lên ngôi, Minh Thành Tổ vì muốn khẳng định vương vị nên đã ra lệnh xây dựng một hoàng cung vĩ đại chưa từng có, xứng ngôi Thiên tử, mang tầm vóc sánh ngang với đất trời. Vậy Minh Thành Tổ đã làm thế nào? Ông đã lệnh cho các thầy phong thuỷ dẫn long nhập huyệt: Trên nền đất bằng mà dựng lên một ngọn núi nhân tạo gọi là Cảnh Sơn, sau đó lại đưa khí mạch từ dãy núi Thiên Thọ dẫn nhập vào Cảnh Sơn, đi qua các núi sông uốn lượn rồi kết thúc ở rặng núi Côn Luân, tạo nên thế “ngoạ long” (rồng nằm) cho kinh đô Bắc Kinh.
Cung điện Tử Cấm Thành nằm ở chính giữa kinh đô, bên ngoài kinh đô lại được bao bọc bởi ba lớp tường thành cùng với bốn đàn tế: Thiên Đàn ở phía nam thờ trời, Địa Đàn ở phía bắc thờ đất, Nhật Đàn ở phía đông thờ mặt trời, Nguyệt Đàn ở phía tây thờ mặt trăng. Tử Cấm Thành nằm ở chính giữa, giống như tâm điểm của đất trời. Bản thân toà cung điện cũng là một kết cấu âm dương hoàn chỉnh: nửa đông là Dương, nửa tây là Âm, phía sau là sơn (núi Vạn Niên), phía trước là thuỷ (sông Kim Thuỷ). Đồng thời lại là nơi Càn Khôn hội tụ, trời đất giao hoà: Cung Càn Thanh dành cho hoàng đế, to lớn vĩ đại như bầu trời; cung Khôn Ninh dành cho hoàng hậu, bao dung ấm áp như đất mẹ; ở giữa là điện Giao Thái, là giao điểm giữa trời và đất, âm và dương, kết nối giữa thiên đình và hạ giới.
Kết cấu của toà cung điện cũng là mô phỏng theo kết cấu của vũ trụ: Điện Giao Thái tương ứng với vị trí của sao Bắc Đẩu, các khu phòng phía sau tam đại điện tương ứng với các chòm sao, sông Kim Thủy tương ứng với dải Ngân Hà, cung Càn Thanh tương ứng với nơi ở của Ngọc Hoàng Đại Đế, thể hiện ý tưởng: Thiên Đế ngự trên thiên đình, Thiên tử ngự trong Tử Cấm Thành.
Cổng thành Thiên An Môn cùng với cung đường hình chữ Đinh mà chúng ta vừa nhắc tới cũng là một phần trong tổng thể kiến trúc cố cung. Dù chỉ là một bộ phận rất nhỏ nhưng cách bài trí của nó cũng mang dụng ý phong thuỷ. Thiên An Môn ban đầu gọi là Thừa Thiên Môn. Đây là cổng chính dẫn vào hoàng cung cho nên cách bài trí cũng khác biệt so với các cổng thành còn lại. Cổng thành Thừa Thiên Môn trông giống như một toà lầu nguy nga, mái ngói cong cong, năm gian ba tầng, bên trong có điện thờ, trên cổng chào là tấm biển “Thừa Thiên chi môn”. Tên gọi này mang ngụ ý “Thừa Thiên khải vận”, ý nói rằng hoàng đế vâng theo mệnh trời mà hành sự. Đến thời nhà Thanh, Thừa Thiên Môn được đổi thành Thiên An Môn, nguyên ý lấy từ câu “Thụ mệnh ư Thiên, an bang trị quốc”, tạm hiểu là ‘nhận mệnh trời ban, trị quốc thái bình’.
Những người hậu thế chúng ta khó có thể nắm rõ toàn bộ bí mật phong thuỷ của tiền nhân, chỉ biết rằng trước kia trên nóc thành lầu Thiên An Môn từng có một báu vật trấn yểm. Theo mô tả trong bài viết “Trùng kiến Thiên An Môn” đăng trên Nhật báo Bắc Kinh thì báu vật này bằng vàng, bề ngoài giống như mụn đồng, được cất trong hộp kín cùng với những vật trông giống như đá chu sa và ngũ sắc. Đáng tiếc là trong quá trình trùng tu sau này vật báu ấy đã bị gỡ bỏ và thất lạc mất. Những gì còn lại tới ngày nay, dẫu chỉ là chi tiết nhỏ thì cũng mang dụng ý của người xưa. Ví dụ như trước cổng thành có tượng sư tử canh gác và hai cột đá, trên mỗi cột đá đều có thần thú: Thần thú nhìn vào trong nhắc nhở Thiên tử rằng không thể ngự trong cung quá lâu mà không quan tâm đến dân tình thế thái, thần thú nhìn ra ngoài khiển trách hoàng đế rằng không thể xa giá quá lâu mà không màng đến chính sự triều đình.
Triều đại thay đổi, phong thuỷ cũng đổi thay
Toà thành cố cung có thể nói là khá hoàn hảo về mặt phong thuỷ, gắn liền với những thời thịnh thế huy hoàng của Trung Hoa, như Vĩnh Lạc, Nhân Tuyên, Khang Càn… Thế nhưng qua mỗi lần đổi đại thay triều, kiến trúc ấy lại ít nhiều thay đổi.
Trong lịch sử, những triều đại mới lên ngôi thường tìm cách “cắt long mạch” của triều đại trước đó, mục đích là để trấn yểm và ngăn chặn các phần tử nổi dậy khôi phục hoàng quyền. Câu chuyện về Lầu Phong Thuỷ là một ví dụ như thế.
Chuyện kể rằng, toà lầu được xây dựng theo giấc mơ của vị hoàng đế nhà Minh, mộng thấy Tỳ Hưu nuốt rất nhiều vàng bạc mang vào kinh thành. Tỳ Hưu là thần thú mà người Trung Hoa tôn thờ, là quốc bảo mang lại tài lộc, thịnh vượng, và may mắn. Toà lầu được dựng trên cổng thành Đức Thẳng Môn, được coi là trung tâm phong thuỷ, là nơi thờ thần thú Tỳ Hưu trong truyền thuyết. Tương truyền, Lưu Bá Ôn từng căn dặn rằng Đại Minh muốn trường tồn thì phải đặt Tỳ Hưu trên lầu thành Đức Thắng Môn, mặt ngoảnh về Vạn Lý Trường Thành để trấn áp quân Hung Nô và Nữ Chân, chừng nào Tỳ Hưu còn ngoảnh về phương đó thì chừng ấy Đại Minh còn.
Người Mãn Châu muốn chiếm giang sơn của nhà Minh, nhưng thấy rằng long mạch Đại Minh còn vượng, nếu không phá giải thì không thể làm chủ Trung Nguyên. Mãn Châu bèn cử một đại sư phong thuỷ kết thân với hoàng đế Minh Tư Thông (tức Sùng Trinh đế), thuyết phục vua xoay con Tỳ Hưu hướng vào nội đô, khiến vận khí nhà Minh suy yếu. Sau đó giặc giã nổi lên khắp nơi, cuối cùng tộc Mãn Châu chiếm được kinh thành, lập nên nhà Thanh. Người ta nói đó là lý do vì sao trên lá cờ Bát Kỳ có thêu hình Tỳ Hưu, ấy là bởi Tỳ Hưu đã mang lại giang sơn cho Thanh triều.
Đến khi nhà Thanh sụp đổ, chính quyền mới lên thay cũng tìm cách chặt đứt long mạch để các phần tử chống đối không thể khôi phục lại chế độ phong kiến. Năm 1952, đài tưởng niệm các liệt sỹ được khởi công xây dựng tại quảng trường Thiên An Môn. Vì sao đài tưởng niệm lại có hình dáng như một thanh gươm cắm dựng đứng xuống đất? Ấy chính là để cắt long mạch nhà Thanh, mà phần nhô lên chính là chuôi của thanh gươm ấy.
Quảng trường Thiên An Môn từ một cung đường hình chữ Đinh đã được cải tạo để trở thành quảng trường rộng lớn vào bậc nhất với diện tích trên 440.000 m2, lẽ dĩ nhiên cũng là một công trình phong thuỷ của chính quyền. Không chỉ riêng đài tưởng niệm là thanh gươm chặt đứt Thanh triều, mà lăng Mao Trạch Đông ngay cạnh đó cũng là một nơi trấn yểm. Và quả vậy, ĐCSTQ bằng búa liềm và súng đạn đã độc quyền cai trị người dân Trung Hoa, những con dân Hoa Hạ dẫu căm hận ngút trời cũng chưa bao giờ đủ sức vùng lên phản kháng. Đó có phải là bởi khí mạch của chính quyền còn vượng hay không? Rất có thể! Nhưng điều đáng nói là, Thiên An Môn dưới bàn tay biến hoá của đảng đã không còn vẻ yên bình an ổn xưa kia, mà đã trở thành nơi ‘phong thuỷ chết người’ — một quảng trường chết chóc, đậm mùi máu tanh.
‘Phong thủy chết người’ Thiên An Môn
Từ năm 1955-1959, quảng trường Thiên An Môn được cải tạo thành như hiện nay với chiều dài 880m và chiều rộng 500m, tổng diện tích lên tới 440.000m2. Sau đó, hàng loạt các công trình lớn nhỏ cũng được xây dựng xung quanh quảng trường, trong đó có Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, Bảo tàng cách mạng, Đài tưởng niệm các anh hùng dân tộc, Nhà kỷ niệm Mao Trạch Đông…
Trong bài viết “Huyền cơ giấu trước Thiên An Môn: Bí mật lớn mà người Trung Quốc không biết” đăng ngày 16/9/2014 trên trang mạng quân sự của Trung Quốc (xilu.com), đã chỉ ra những điểm đen phong thuỷ tại quảng trường Thiên An Môn.
Theo đó, cả quảng trường là một quần thể kiến trúc phong thuỷ rộng lớn, mà Lăng Mao Trạch Đông lại nằm ngay tại trái tim của quần thể kiến trúc ấy. Nhà kỷ niệm là điểm tham quan du lịch miễn phí, nhưng lại là linh đường của xác chết, còn bức ảnh Mao trên cổng thành cũng chính là di ảnh treo trên linh đường.
Vậy là, bên này là du khách, bên kia là quỷ âm; bên này là đám đông qua lại tấp nập, bên kia là quỷ đang hút khí người, lấy dương khí mà bù vào âm khí. Điều này cũng không quá ngạc nhiên, bởi qua Cách mạng Văn hoá, Đại nhảy vọt và các cuộc thanh trừng nội bộ, Mao đã làm đổ máu hàng chục triệu con dân Trung Hoa, sau khi qua đời lại âm thầm hút khí nguyên dương của người còn sống.
Thế còn đài tưởng niệm các liệt sỹ ngay trước nhà kỷ niệm, chẳng phải chính là nơi hương hoả của những chiến sỹ đã từng theo Mao trong kháng chiến? Họ giống như những âm binh canh gác cho linh cữu trong lăng vậy. Ngay tại chính giữa thủ đô, nơi đầu não chính quyền lại tập trung toàn những âm sai và quỷ hồn, quả thực không khác nào động quỷ. Theo bài viết kể trên thì: “Xây dựng cái linh đường ngay quảng trường trung tâm thành phố, có lẽ điều này chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc 5000 năm”.
Không chỉ vậy, hàng ngày trên quảng trường đều có nghi thức kéo cờ, chính là cờ đỏ 5 sao, tức “Ngũ tinh hồng kỳ”. Theo nhà phong thuỷ Âu Dương Tiên Sinh, quẻ “Quần long vô thủ” (bầy rồng không có đầu) vốn là quẻ cát tường trong Kinh Dịch, nhưng nếu có xích long cầm đầu thì lại trở thành điềm xấu. Dễ thấy trên lá cờ Ngũ tinh, 5 ngôi sao xếp thành hình ‘nhất đại tứ tiểu’, tức một ngôi sao lớn làm bá chủ và bốn ngôi sao nhỏ xung quanh. Ngôi sao lớn này cũng chính là xích long (rồng đỏ) cầm đầu, lại nằm tận cùng bên trái, do đó đây là lá cờ báo hiệu điềm xui rủi.
Nhưng đó vẫn chưa phải điều đáng nói, đáng nói là màu đỏ của lá cờ. Đây không phải màu đỏ bình thường, mà chính là hiện thân của máu, người Trung Quốc vẫn gọi quốc kỳ của mình là ‘cờ máu’. Cổ nhân khi đứng trước đàn tế thì phải cắt máu tuyên thề, ấy là bởi máu là thứ có năng lượng tâm linh. Lá cờ kia không chỉ nhuộm máu của các liệt sỹ, mà còn là máu của dân oan vô tội đã chết dưới lưỡi hái của chính quyền. Vậy thì, ở giữa thủ đô mà treo lá cờ này, hơn nữa còn cử hành nghi thức long trọng, cúi đầu kính cẩn dưới cờ, tuyên thệ trước cờ… có phải là làm tổn hại nguyên khí của dân tộc hay không? Chẳng trách, ngay chính tại quảng trường này, người dân Trung Hoa đã phải đổ máu quá nhiều lần như vậy.
Máu rơi trên quảng trường
Với diện tích rộng lớn và nằm ở vị trí đắc địa, Thiên An Môn đã trở thành nơi dân chúng tụ hội và biểu đạt nguyện vọng với chính quyền. Trước khi Thiên An Môn mang hình hài như hiện nay đã từng có hai cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra tại đây: Lần thứ nhất là Phong trào Ngũ Tứ ngày 4/5/1919 dưới thời Trung Hoa Dân Quốc, và lần thứ hai là Phong trào ngày 5/4/1976 trước khi Mao Trạch Đông qua đời. Cả hai cuộc biểu tình đều kết thúc trong êm đẹp, không có cảnh máu chảy đầu rơi.
Nhưng kể từ khi Thiên An Môn xuất hiện các điểm đen phong thuỷ, nơi đây thường xuyên xảy ra những biến cố tai ác, nhuộm máu đỏ của dân lành vô tội. Vâng, đúng vậy, họ chính là những người dân lương thiện, và đều bị đàn áp bởi lưỡi hái của chính quyền.
Chúng ta hãy thử điểm qua một vài sự kiện:
Năm 1977, lăng Mao Trạch Đông hoàn thành, biến Thiên An Môn trở thành linh đường người chết giữa lòng Bắc Kinh.
Năm 1989, sinh viên và trí thức biểu tình đòi tự do và dân chủ, tạo nên Sự kiện Lục Tứ ngày 4/6/1989. Để đàn áp cuộc biểu tình, ĐCSTQ đã huy động xe tăng thiết giáp bắn vào đám đông tay không tấc sắt, biến cả biển người trở thành chiến trường máu tươi. Họ là ai? Là thanh niên, là sinh viên, là trí thức trẻ. Họ chính là tương lai của Trung Hoa.
Năm 1999, theo lệnh của cựu bí thư Giang Trạch Dân, ĐCSTQ ra tay đàn áp Pháp Luân Công. Vô số học viên đến quảng trường thỉnh nguyện, bằng thiện ý và sự chân thành của họ mà bày tỏ nguyện vọng với chính quyền. Kết quả, những người thỉnh nguyện ôn hoà ấy đều bị đánh đập, bắt giam, bị bức hại, bỏ tù. Rất nhiều học viên sau này đã bị đưa đến các trung tâm tẩy não hoặc bị giết hại để lấy nội tạng cung cấp cho các bệnh viện khắp Trung Quốc. Vậy họ là ai? Là người sống theo Chân – Thiện – Nhẫn, luôn tu dưỡng để trở nên thiện lương, thuần phác. Họ chính là hy vọng cứu vớt đạo đức suy đồi của Trung Quốc ngày hôm nay.
Năm 2001, vụ tự thiêu giả mạo bị gắn nhãn “Pháp Luân Công” đã được dàn dựng ngay giữa lòng quảng trường nhằm kích động sự thù hận trong dân chúng. Những người tham gia để dựng lên màn hề kịch, sau đó đã trở thành con dê chịu tội cho ĐCSTQ, thậm chí một người trong số đó tên là Lưu Xuân Linh đã bị giết ngay giữa hiện trường để bịt đầu mối. Họ là ai? Là những người dân vất vả mưu sinh, bất đắc dĩ trở thành quân cờ thí mạng, rồi lại bị chính “Đảng kính yêu” của mình lừa dối.
Năm 2013, một chiếc ô tô bất ngờ lao vào đám đông tại quảng trường rồi phát nổ, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng. Điều bất thường là khu vực Thiên An Môn luôn được cảnh sát tuần tra và bảo vệ nghiêm ngặt, vậy mà chiếc xe vẫn “ung dung” chạy trong khu vực cấm đến 500m rồi mới lao vào nhóm người đang tụ tập. Sự việc ngay sau đó đã bị truyền thông Trung Quốc phong toả, để lại câu hỏi lớn về nguyên nhân thật sự phía sau sự việc này.
***
Ngày nay, Thiên An Môn không còn là ‘cánh cổng an bình’ của người dân Trung Hoa, mà đã trở thành nơi chứng kiến những nỗi oan khiên không cách nào rửa sạch. Nơi ấy, trên là tham quan bức hại lê dân trăm họ, dưới là dân lành máu chảy đầu rơi, khiến hai chữ “Thiên An” tự lúc nào đã biến thành “Thiên Án” – nơi có những vụ án oan thấu trời xanh…