Đại Kỷ Nguyên

Phong tục ngày Rằm tháng Giêng – Tết Nguyên tiêu Trung Hoa

Ngắm đèn

Năm Vĩnh Bình – Hán Minh Đế (58 – 75), vì Hán Minh Đế đề xướng Phật pháp, vừa lúc Thái Âm đi cầu Phật pháp từ Ấn Độ trở về, nói nước Ấn Độ Ma Hát Đà (Magadha) cứ đến rằm tháng Giêng hàng năm thì tăng chúng lại tập hợp cùng nhau chiêm ngưỡng Xá Lợi Phật, là ngày tốt lành để ngắm Phật.

Vì Hán Minh Đế tôn sùng Phật pháp nên đã hạ lệnh trong cung và chùa chiền vào ngày 15 tháng Giêng phải “đốt đèn tỏ Phật”. Cũng từ đây, phong tục Nguyên tiêu đốt đèn từ trong cung đình truyền ra dân gian. Thế là hàng năm cứ rằm tháng Giêng là từ quý tộc đến thứ dân đều treo đèn, từ thành thị đến nông thôn đều đèn sáng suốt đêm.

Ngắm đèn Tết Nguyên tiêu ngày 15 tháng Giêng

Phong tục Nguyên tiêu đốt đèn phát triển mạnh mẽ nhất vào thời nhà Đường, hình thành cả chợ đèn hoa. Vào thời này kinh thành Trường An là đô thị lớn nhất thế giới, có cả triệu nhân khẩu, đời sống vô cùng sung túc. Dưới sự tôn sùng của hoàng đế, Tết Nguyên tiêu càng ngày càng phô trương xa hoa. Sau thời Đường, ngày này phát triển thành ngày lễ vui chơi thả cửa mang tính toàn dân.

Ăn Tết Nguyên tiêu

Ngày rằm tháng Giêng ăn Tết Nguyên tiêu, từ đó mà “nguyên tiêu” trở thành một loại đồ ăn. Vào thời nhà Tống, trong dân gian lưu truyền một loại đồ ăn mới lạ trong Tết Nguyên tiêu. Tên đồ ăn gọi là “phù nguyên tử”, sau gọi là “nguyên tiêu” (bánh trôi nước – ND), người buôn bán gọi nó bằng cái tên mỹ miều là “nguyên bảo” (vật báu Tết Nguyên tiêu – ND). Bánh nguyên tiêu tức “thang viên” là loại bánh dùng bột gạo nếp vê thành hình tròn, có nhân bên trong bằng đường, hoa hồng, vừng mè, đậu đỏ, quế, hạnh nhân, mứt táo…, ăn mặn hay chay tùy theo tập tục các nơi. Có thể luộc, chiên, hấp, biểu tượng cho tình đoàn kết tốt đẹp.

Tẩu bách bệnh

Tết Nguyên tiêu ngoài hoạt động chào mừng còn có hoạt động tín ngưỡng, đó là “tẩu bách bệnh”. Tẩu bách bệnh là phong tục từ thời Minh – Thanh, còn gọi là “khảo bách bệnh”, “tán bách bệnh”, “du bách bệnh”, “tẩu kiều”…, là một dạng hoạt động xua đuổi hoạn nạn thỉnh cầu sức khỏe.

Người tham gia hoạt động đa số là phụ nữ, họ kết bạn mà đi, hoặc đi bên cạnh bức tường, hoặc đi qua cầu, cho rằng làm thế có thể trừ bệnh kéo dài tuổi thọ, mục đích để trừ bệnh giải nạn. Tết Nguyên tiêu rằm tháng Giêng còn có một số hoạt động dân gian ít người biết và hiện đã thất truyền. Ví dụ như tế cửa, tế nhà, bôi nhọ.

Tẩu bách bệnh, cầu an khang

Tế cửa, tế nhà

Thời cổ đại có “thất tế” (7 loại tế), đây là 2 kiểu tế trong số đó. Phương pháp tế tự rất đơn giản: Dùng cành cây dương cắm lên cửa nhà, thêm một bát cháo đậu bên trong có cắm đôi đũa, hoặc là rượu thịt cũng được, để ở trước cửa nhà.

Bôi nhọ

Theo truyền thuyết thì vào ngày Rằm tháng Giêng có thần Ngũ Cốc giáng trần tuần tra, mọi người theo đó bôi nhọ lên mặt để cầu thần Ngũ Cốc đừng mang bệnh sợi đen truyền đến nhân gian, hãy giúp vụ mùa bội thu, muôn dân bình an.

Vào ngày này mọi người dậy sớm rồi dùng tro đen dưới đáy nồi bôi vào mặt nhau, không ngoại trừ cả người già, bôi càng nhiều càng tốt. Bôi xong mọi người cùng nhau nhảy múa ca hát và uống rượu, chào mừng ngày lễ.

Theo secretchina

Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version