Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay…
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Lời bạch: Ngũ Tử Tư nhờ có ông lão đánh cá mà vượt qua sông Trường Giang, khi đói bụng lại được người phụ nữ giặt lụa nhường cơm cho. Năm 519 TCN, Ngũ Tử Tư và công tử Thắng trải qua trăm cay nghìn đắng mới đến được Ngô quốc.
Nhưng khổ nạn chưa kết thúc. Tuy ông tạm thời không phải lo lắng về sinh mạng, nhưng con đường phục thù vẫn chưa có hồi kết.
Có câu chuyện kể rằng, một lần trong hoạt động ngoại giao giữa Tề và Lỗ, tướng nước Tề và tướng nước Lỗ tiến hành tán lễ, cùng phụ trách việc lễ nghi. Trong thịnh hội hôm ấy, Yến Anh nói với Tề Cảnh Công: “Ngoài Đông Hải có người tiến cống một hạt đào rất lớn, trồng ở trong vườn đã 30 năm rồi, hơn 30 năm qua chưa từng kết trái. Vậy mà đến hôm nay lại đột nhiên kết mấy quả đào, mỗi quả to bằng cái bát, đỏ chót, mùi vị lại rất thơm ngọt”.
Vậy là trong dịp vua hai nước Lỗ Tề gặp nhau, Yến Anh tâu lên rằng: “Thần nguyện ý đi hái vài quả đào để cử hành yến tiệc”. Tề Cảnh Công đồng ý. Yến Anh đã tự mình hái sáu quả đào. Tề Cảnh Công ăn một quả, quốc vương nước Lỗ ăn một quả, sau đó thưởng cho hai vị tướng lễ của hai nước mỗi người một quả. Tổng cộng đã ăn hết bốn quả, còn lại hai quả đào.
Yến Anh đề xuất với Tề Cảnh Công rằng: “Hai quả cuối cùng nhất định phải thưởng cho tướng quân có công lao lớn nhất. Mọi người hãy kể ra công trạng, nói một chút rằng bản thân vì quốc gia mà đóng góp những gì. Nếu cống hiến đủ đầy, vậy thì trái đào này sẽ ban thưởng cho người đó”.
Trong “Đông Chu liệt quốc chí”, cây đào này gọi là “bàn đào”, cũng là có ý ví von với cây đào tiên ‘3000 năm khai hoa, 3000 năm kết quả’ trong “Tây Du Ký”. Ở đây là cây đào 30 năm chưa từng kết trái, nhưng đến năm đó đã ra hoa kết quả.
Công Tôn Tiệp là người đầu tiên lên tiếng: “Tôi tay không đánh chết hổ, có thể ăn đào chăng?”. Yến Anh đáp: “Công cao không gì bằng cứu giá, nếu không có ngươi đức vua đã bị hổ làm hại rồi”, rồi đưa một quả đào cho Công Tôn Tiệp.
Cổ Dã Tử cũng không kém cạnh, nói: “Tôi lặn dưới nước trảm chết con ba ba lớn, rồi lại kéo ngựa của vua từ dưới sông nhảy lên. Uy phong và công lao như thế có thể ăn đào chăng?”. Yến Anh nói: “Có thể” và đưa một quả cho Cổ Dã Tử. Vậy là hai quả đào đều được ăn sạch hết.
Lúc đó Điền Khai Cương bước ra và nói: “Tôi dẫn 500 binh xa đi chinh phạt, cuối cùng phần nhiều các quốc gia đều đến nước Tề chúng ta triều kiến và liên kết đồng minh. Công lao như thế có thể ăn đào chăng?”. Yến Anh nói: “Đương nhiên, công lao của ngươi so với hai vị kia còn lớn hơn, đây là vì nước nhà mà lập nên chiến công. Nhưng hôm nay hết đào rồi, ngươi đợi đến năm sau vậy!”.
Trong một thịnh hội long trọng như thế, trước mặt cả hai vua, Điền Khai Cương thấy bẽ bàng không biết phải giấu mặt vào đâu. Anh ta sợ sự mất mặt của mình làm ảnh hưởng đến quốc gia đại sự nên nguyện lấy cái chết để duy hộ lòng tự trọng. Nghĩ rồi, Điền Khai Cương bèn tự sát.
Chứng kiến Điền Khai Cương tự sát, hai người còn lại là Công Tôn Tiệp và Cổ Dã Tử nói đại ý rằng: Chúng ta công lao không lớn bằng anh ấy, chỉ vì chúng ta đã ăn đào mới tạo thành việc anh ấy tự sát. Vậy nếu chúng ta không chết, há chẳng phải là không đúng sao?
Kết quả cả ba người đều tự sát. Đây chính là điển cố về “hai quả đào giết ba dũng sỹ” nổi tiếng trong lịch sử. Thời ấy rất nhiều người vì một lý tưởng mà trọng nghĩa khinh mệnh, và làm ra sự tình như thế. Điều ấy có thể lý giải vì sao người phụ nữ giặt lụa sau khi đem cơm cho Ngũ Tử Tư ăn thì liền quyên sinh tự sát…
Trở lại với câu chuyện của Ngũ Tử Tư, lúc này ông đã đến được Ngô quốc. Trong tưởng tượng của chúng ta, nước Ngô nên là một nơi phồn hoa, phải vậy không? Thực ra không phải. Khi ấy Tô Châu là vùng rất hoang vu lạnh lẽo, nhân khẩu cũng ít, thành quách đơn giản chật hẹp. Ngũ Tử Tư đến nơi đó nhìn quanh không thấy ai thân thích, cũng không có người tiến cử, ông đành phải ở nơi đó thổi tiêu mà xin ăn.
Khi Ngũ Tử Tư thổi tiêu khất thực, vừa thổi tiêu vừa ca xướng, ông đã hát những bài như thế này:
Khúc thứ nhất:
Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư,
Lặn lội Tống Trịnh không nơi nương,
Trăm cay nghìn đắng lạnh với buồn,
Thù cha không báo, sống nghĩa ư?
Khúc thứ hai:
Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư,
Vượt qua Chiêu Quan tóc mai bạc,
Trăm kinh nghìn sợ lạnh với buồn,
Thù anh không báo, sống nghĩa ư?
Khúc thứ ba:
Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư,
Bến đò hoa lau, suối Lật Dương,
Trăm sinh nghìn tử đến đất Ngô,
Thổi tiêu khất thực lạnh với buồn
Thù mình không báo, sống nghĩa ư?
Vua nước Ngô bấy giờ là Vương Liêu, ông nội của Vương Liêu là Thọ Mộng. Thọ Mộng có bốn người con trai: con trưởng là Chư Phàn, con thứ hai là Dư Sái, con thứ ba là Dư Muội, con thứ tư là Quý Trát.
Kế vị thời đó thông thường là con trai trưởng của vợ cả kế thừa. Nhưng trong bốn người con, con trai nhỏ nhất Quý Trát là người rất hiền minh, cho nên Thọ Mộng nhất tâm muốn đem vương vị của mình truyền cho Quý Trát. Nhưng do chế độ kế thừa trong quá khứ là con trai trưởng của vợ cả kế thừa nên ông mới nói với Chư Phàn rằng: “Vương vị có thể truyền cho con, nhưng sau khi con mất đừng đem vương vị truyền cho con trai của con mà nên truyền cho em trai của con là Dư Sái. Sau đó Dư Sái lại truyền cho em trai là Dư Muội. Dư Muội lại truyền cho em trai là Quý Trát”. Đây cũng là một loại phương pháp truyền vương vị gọi là “anh mất em thay”, chính là anh trai mất rồi thì em trai kế vị.
Có hai phương pháp truyền ngôi thời cổ đại: Một loại là “cha mất con kế”, một loại là “anh mất em thay”. “Cha mất con kế” chính là phụ thân mất rồi thì con trai trưởng của vợ cả kế vị. “Anh mất em thay” chính là anh trai mất rồi sẽ do em trai đến kế vị.
Thọ Mộng hy vọng thông qua phương thức “anh mất em thay” để truyền vương vị cho Quý Trát. Như vậy sau khi Thọ Mộng mất, những người con trai của ông đều tuân theo: Chư Phàn truyền cho Dư Sái, Dư Sái truyền cho Dư Muội. Khi Dư Muội muốn truyền cho Quý Trát thì Quý Trát đã chạy mất. Bởi vì Quý Trát không thích làm vua, ông cảm thấy trị quốc là việc rất hao tâm tổn lực, không có quan hệ gì đến mình nên ông đã chạy đi mất.
Sau khi Quý Trát đi thì xuất hiện một vấn đề: Nên là con trai của Dư Muội (người con thứ ba) kế vị chăng? Hay là con trai của người con trưởng Chư Phàn? Kết quả Dư Muội không lấy vương vị truyền cho con trai của Chư Phàn, mà cho con trai của mình kế vị, chính là Ngô Vương Liêu. Vậy thì con trai của Chư Phàn là ai? Chính là công tử Quang. Công tử Quang sau này là Ngô Vương Hạp Lư nổi tiếng. Nhưng thời điểm ấy vua của nước Ngô vẫn là Vương Liêu. Ngũ Tử Tư chính là đến Ngô quốc ở thời điểm đó.
Khi Ngũ Tử Tư ở chợ thổi tiêu khất thực, ông đã gặp một người xem tướng rất chuẩn xác tên là Bị Ly. Bị Ly nghe tiếng tiêu buồn thê lương bèn nghe tiếng tiêu mà tìm đến Ngũ Tử Tư. Ông nhìn Ngũ Tử Tư và nói: “Tôi cả đời xem qua rất nhiều rất nhiều tướng người rồi, trước giờ chưa thấy ai giống như ông đây”. Ông hỏi Ngũ Tử Tư là ai, Ngũ Tử Tư đã kể lại tất cả cho Bị Ly.
Bị Ly trong triều là quan đại phu, cho nên sự việc của Ngũ Tử Tư cuối cùng cũng đến tai Ngô Vương Liêu. Ngô Vương Liêu gọi Ngũ Tử Tư vào trong điện, nói rằng ông rất ngưỡng mộ tài năng của Tử Tư. Khi Ngũ Tử Tư nói về mối thù của cha và anh thì trong ông như tóe ra một tia lửa vậy. Ngô Vương Liêu rất đồng tình, bèn chuẩn bị đáp ứng cho Ngũ Tử Tư xuất binh báo thù.
Sự tình tiến triển rất thuận lợi, nhưng công tử Quang lại không muốn như vậy. Công tử Quang là con trai của Chư Phàn (con trưởng vua Ngô trước), trước giờ vẫn luôn mưu đồ đoạt lấy vương vị. Nếu được Ngũ Tử Tư phò tá thì vây cánh của Ngô Vương Liêu lại càng đông đảo hơn nữa, năng lực và thực lực lại càng lớn mạnh hơn nữa, tóm lại là công tử Quang muốn đoạt vương vị sẽ lại càng khó khăn.
Công tử Quang bèn tiến đến nói với Ngô Vương Liêu rằng: “Ngài là chủ của một nước trăm vạn dân, không thể chỉ vì kẻ thất phu mà khởi binh, sao có thể vì một kẻ thất phu như Ngũ Tử Tư mà động đến quân đội của quốc gia lớn như thế? Chết nhiều người như thế chỉ vì để ông ta báo thù sao? Nếu thắng lợi, Ngũ Tử Tư rất vui còn nước ta lại tổn thất rất lớn, chúng ta chẳng phải sẽ vong quốc hay sao?”. Ngô Vương Liêu nghe xong cảm thấy cũng có đạo lý, bèn từ bỏ kế hoạch báo thù thay cho Ngũ Tử Tư.
Nếu bạn là Ngũ Tử Tư, khẳng định sẽ rất phiền muộn. Sự việc như đã nắm chắc trong tay, đột nhiên giữa đường lại có người chen chân làm hỏng hết sự việc. Nhưng Ngũ Tử Tư không buồn rầu. Trong “Sử Ký”, phần “Ngũ Tử Tư liệt truyện” viết rằng: “Ngũ Tư biết được chí hướng bên trong của công tử Quang, muốn giết vua để lên ngôi nên chưa thể nói ra ngoài. Ngũ Tử Tư bèn tiến cử Chuyên Chư cho công tử Quang, rồi thoái mà cùng với con thái tử Kiến là công tử Thắng cày cấy ở vùng thôn dã”. Ý tứ là, Ngũ Tử Tư biết công tử Quang muốn giết Ngô Vương Liêu để cướp ngôi, vì thế mới giới thiệu Chuyên Chư cho công tử Quang, còn ông thì thoái lui về vùng núi, cùng công tử Thắng làm ruộng sinh nhai.
Từ phản ứng của Ngũ Tử Tư, chúng ta có thể thấy ba đặc điểm:
Đặc điểm thứ nhất là nhìn người rất chuẩn. Khi công tử Quang làm hỏng sự tình, ông biết công tử Quang không hề xuất phát từ lợi ích quốc gia, mà hoàn toàn là vì muốn đoạt vương vị.
Điểm thứ hai, Ngũ Tử Tư tính kỹ nghĩ xa, ông biết nếu Ngô Vương Liêu một khi bãi binh thì ông không thể cậy nhờ được lần nữa. Duy chỉ bằng cách giúp công tử Quang giết Ngô Vương Liêu, để công tử Quang làm vua Ngô, chỉ khi có ân lớn đối với công tử Quang hoặc lập được công trạng đặc biệt, thì ông mới có thể nắm chắc chính trị nước Ngô, từ đó xuất binh báo thù. Có thể thấy Ngũ Tử Tư đã mưu tính rất kỹ lưỡng, ông không những không hận công tử Quang mà trái lại còn tiến cử thích khách Chuyên Chư, giúp ông ta thực hiện nguyện vọng của mình.
Điểm thứ ba, Ngũ Tử Tư giữ kín tài năng, sau khi từ quan đã cùng công tử Thắng ở vùng Dương Sơn mà cày cấy. Ngô Vương Liêu ban cho ông một trăm mẫu đất tại đó. Ông trồng trọt bao lâu? Mất bốn năm. Ngũ Tử Tư vì báo thù mà đã ở đó trồng trọt bốn năm. Ông trả lại khuê vị đại phu để làm một người nông dân, một mặt cày ruộng, một mặt chờ cơ hội báo thù.
Chúng ta biết, Ngũ Tử Tư muốn báo thù thì phải làm thành ba việc: Việc thứ nhất là chạy khỏi nước Sở, việc thứ hai là nắm được chính trị của một quốc gia, việc thứ ba là đánh thắng nước Sở. Ngũ Tử Tư sau khi vượt qua Chiêu Quan đã chạy ra khỏi sự truy bắt của nước Sở, như vậy việc thứ nhất đã xong. Nhưng hiện tại ông mang thân phận là nông dân, thì làm thế nào mới nắm được chính trị nước Ngô đây? Kết quả ra sao, mời quý vị độc giả đón xem phần tiếp theo…
Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, đăng trên NTDTV