Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay…
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Tôn Vũ sau khi phụ tá Ngô Vương, lần lượt giúp Ngô quốc đại thắng hai lần tiến công nước Sở, đánh chiếm được Thư Thành của nước Sở, lại công chiếm được Tiềm Thành và Lục Thành. Năm 509 TCN, Lệnh doãn nước Sở tên Nang Ngoã tấn công nước Ngô bị Tôn Vũ đả bại. Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư nói với Ngô Vương, Lệnh doãn nước Sở là một người tham lam, đến lúc nước Sở ‘dân chúng phản đối, thân tín quay lưng’, nước Ngô xuất binh thì có thể một lần hành động là diệt được Sở. Lần chờ đợi này kéo dài 3 năm.
Tôn Vũ để lại cho hậu thế Tôn Tử binh pháp vốn được xưng là “tổ của binh thư”. Tuy là chuyên gia quân sự, nhưng thái độ của ông đối với chiến tranh lại vô cùng cẩn thận, chủ trương kết thúc chiến tranh nhanh chóng và giảm thiểu giết chóc. Lấy “không chiến mà khuất phục binh người” là cảnh giới tối cao của chiến tranh. Ông đề xuất một bộ hệ thống lý luận chiến tranh, nhưng lại nói trên chiến trường là thiên biến vạn hoá, phải căn cứ địa thế mà bố trí. “Vì địch mà biến hoá nên giành thắng lợi” mới là dụng binh như Thần.
Dù Tôn Tử binh pháp ảnh hưởng rất lớn đến hậu thế, nhưng trong “Sử ký – Tôn Tử Ngô khởi liệt truyện”, những ghi chép về Tôn Tử lại không chi tiết như vậy. Chủ yếu ghi lại một câu chuyện rất nổi tiếng gọi là “Mĩ Cơ diễn trận” (chú: cơ là tiếng mĩ xưng đối với phụ nữ thời cổ. Như Ngu Cơ, Thái Văn Cơ…).
Ngô Vương Hạp Lư trước khi gặp Tôn Tử, đã đọc qua mười ba thiên binh pháp của ông. Hạp Lư nói với Tôn Tử:
– Ta thấy trong binh pháp của khanh có tài năng thông Trời thấu đất, nhưng quốc gia ta nhỏ như vậy, nhân khẩu ít như vậy, làm sao đây?
Tôn Tử nói:
– Dùng binh pháp của thần không chỉ đàn ông ra trận chiến đấu rất dũng cảm mà ngay cả một người phụ nữ cũng có thể trở thành một chiến binh.
Hạp Lư cười ha ha thật lớn:
– Nữ nhân làm sao mà đánh trận được?
Tôn Tử nói:
– Hãy cho thần thử một chút.
Hạp Lư bèn lấy 300 cung nữ của ông giao cho Tôn Tử, lấy hai mĩ nhân mà ông yêu nhất làm đội trưởng, để cho Tôn Tử huấn luyện.
Ngày hôm đó các mĩ nhân đều mang y phục của binh sĩ, choàng áo giáp, đầu đội mũ trụ dành cho binh sĩ. Tôn Tử bắt đầu giải thích quân kỷ và bố trí nhiệm vụ cho từng người. Ông nói:
– Khi mới bắt đầu các ngươi đều phải ngồi xổm. Sau tiếng trống thứ nhất, toàn bộ đều đứng lên. Sau tiếng trống thứ hai, đội bên trái quay phía phải, đội bên phải quay phía trái. Khi đến hồi trống thứ ba, phải làm được giống như đang giao chiến.
Sau đó ông hỏi các cung nữ của Hạp Lư có hiểu không. Bọn họ nói đều hiểu rồi.
Tôn Tử bắt đầu dặn bảo quan đánh trống. Sau tiếng trống thứ nhất, những cung nữ này có người đứng có người ngồi, có người còn ngồi xổm ở đó. Tôn Tử bèn nói:
– Lần thứ nhất nếu các người không nghe quân lệnh thì thuộc về “hiệu lệnh chưa rõ”, chính là chủ tướng không nói rõ mệnh lệnh cho các vị. Hiện tại ta lại nói lại một lần nữa, tiếng trống thứ nhất như thế nào, tiếng trống thứ hai như thế nào, tiếng trống thứ như thế nào.
Sau đó ông lại dặn dò quan đánh trống thật kỹ.
Tiếng trống thứ nhất, các cung nữ đều đứng lên. Khi nghe tiếng trống thứ hai, các cung nữ đó cảm thấy rất mắc cười, mọi người cười ngặt nghẽo, có người còn ngồi xổm trên đất, có người bò đến bên người khác, sau đó cười nghiêng ngả.
Tôn Tử tức giận, râu tóc dựng lên, đẩy quan đánh trống sang bên cạnh, tự mình cầm dùi trống bắt đầu đánh, nhưng các cung nữ vẫn cười như cũ. Tôn Vũ quát một tiếng:
– Người chấp pháp trong quân ở đâu?
Người chấp pháp chạy đến trước mặt Tôn Vũ rồi quỳ xuống. Tôn Vũ hỏi:
– Nếu không tuân theo quân kỷ, nên xử lý ra sao?.
Người chấp pháp nói:
– Nên trảm!
Tôn Vũ nói:
– 300 cung nữ không thể đều giết, vậy lấy hai người đội trưởng chém đi.
Binh sĩ lập tức bắt hai đội trưởng trói lại. Bấy giờ Ngô Vương Hạp Lư ngồi trên đài, xa xa nhìn Tôn Vũ huấn luyện những cung nữ của mình. Khi thấy hai đội trưởng bị trói lại, lập tức phái Bá Bĩ cầm phù tiết của quân vương, cưỡi ngựa chạy đến trước mặt Tôn Vũ, truyền đạt mệnh lệnh của Ngô Vương.
Trong phù tiết, Hạp Lư nói:
– Đây là hai mĩ nữ ta yêu nhất, không có họ ta ăn cơm không nổi, ngủ cũng không được, hy vọng tướng quân có thể thả họ ra.
Tôn Tử nói:
– Thân phận hiện tại của thần là tướng quân lãnh binh bên ngoài. “Tướng ở ngoài, quân lệnh có chỗ không cần tuân”, nên phải tôn trọng binh kỷ. Trảm!
Hai mĩ nhân tức khắc bị trảm. Tôn Vũ lại chọn ra hai người khác làm đội trưởng, sau đó giải thích hiệu lệnh lần nữa. Khi diễn tập lại, các cung nữ đã bị làm cho sợ đến thất sắc, đều răm rắp tuân theo chỉ lệnh của Tôn Vũ một cách rất quy củ. Ngoài ra họ tiến thoái rất có nguyên tắc, khi đi đều theo lộ tuyến mà Tôn Vũ hoạch định, một chút cũng không sai.
Tôn Vũ đến trước mặt Hạp Lư nói:
– Binh sĩ đã huấn luyện xong rồi. Khi này, dù bảo đến nơi nước sôi lửa bỏng họ cũng không dám chối từ.
Hạp Lư nói:
– Tướng quân đi nghỉ đi.
Vì Tôn Vũ đã trảm hai mĩ nhân của ông, cho nên Hạp Lư cũng hậm hực.
Lúc này, Ngũ Tử Tư khuyên Ngô Vương:
– Quốc gia chúng ta nhỏ thế này, nếu quân đội kỷ luật không nghiêm, không thể dùng thân khiển tay, dùng tay khiển ngón thì quân đội ta không thể chiến đấu nổi. Chưa nói chuyện đánh Sở, dù gặp bất kỳ chư hầu nào ta đều không thể thắng.
Hạp Lư cũng mau chóng hiểu đạo lý này, thế là đem toàn bộ quân đội giao cấp cho Tôn Vũ.
Hạp Lư hỏi Tôn Vũ:
– Hiện tại nếu đánh Sở thì nên đánh nơi nào?
Tôn Vũ kiến nghị nên tấn công Thư Thành, là một thành thị của nước Sở. Vì sao? Bởi vì hai em trai của Vương Liêu là Yểm Dư và Chúc Dung sau khi Vương Liêu bị thích sát đã chạy đến Thư Thành của nước Sở. Ngay lần đầu dụng binh, Tôn Vũ đã trước tiên đánh hạ Thư Thành để trừ hậu họa. Yểm Dư và Chúc Dung bị diệt.
Hạp Lư lệnh cho Tôn Vũ tiếp tục tấn công, Tôn Vũ nói:
– Dân chúng nước Ngô đã mệt mỏi rồi, nên nghỉ ngơi, không thể đánh tiếp nữa.
Tôn Tử đánh trận quả là bách chiến bách thắng, mỗi khi đánh là tất thắng. Vì sao? Vì trước khi tác chiến ông đã tính toán xong rồi, trận chiến không thắng thì ông không đánh. Cho nên nói mỗi khi ông tấn công thì nắm chắc phần thắng. Tôn Vũ biết rằng lúc này tiếp tục tiến binh sẽ thất bại cho nên sau khi giành được thắng lợi mang tính cục bộ của cuộc chiến, ông lập tức thoái binh.
Năm tiếp theo là năm 511 TCN, Ngô Vương Hạp Lư bị mất thanh bảo kiếm. Sau này phát hiện thanh bảo kiếm này bị Sở Chiêu Vương lấy mất, cho nên Hạp Lư rất tức giận. Ngô Vương lần thứ hai tấn công nước Sở, đồng thời ông hướng về nước Việt trưng binh, yêu cầu Việt Vương Doãn Thường (khi đó gọi là Việt Tử) cũng phái binh theo ông thành một đội để đánh nước Sở.
Khi đó nước Việt và nước Sở quan hệ rất tốt cho nên Doãn Thường không phái binh. Trận này, nước Ngô lại đánh hạ được hai thành của nước Sở là Tiềm và Lục. Sau khi đả hạ hai thành, Ngô quốc lại thu binh.
Ngô Vương Hạp Lư sau khi hồi binh rất bất mãn với quốc vương nước Việt. Vì trưng binh nước Việt mà nước Việt lại không đi, ông bèn chuẩn bị khởi binh phạt Việt. Tôn Vũ cản ông rồi nói:
– Trận này không thể đánh.
Tôn Vũ không khuyên Hạp Lư chỉ nói:
– Ngài đánh không thắng.
Tôn Vũ cũng không làm bất cứ so sánh và phân tích thực lực các bên trong cuộc chiến, ông nói đạo lý thế này cho Ngô Vương Hạp Lư:
– Năm nay Tuế tinh ở vào chỗ nước Việt, thảo phạt mang lại bất lợi.
Cái gì gọi là Tuế tinh? Tuế tinh chính là Mộc tinh (sao Mộc). Sao Mộc quay quanh Mặt Trời mất 12 năm, trên thực tế là 11 năm 10 tháng, gần 12 năm. Người xưa phân Hoàng Đạo thành mười hai cung, cho nên sao Mộc quay quanh Mặt Trời, mỗi năm ở một cung trong mười hai cung Hoàng Đạo. Chúng ta biết Trung Quốc thời cổ đã có quan niệm về Thiên nhân hợp nhất, sự vận hành của thiên thể với sự việc của con người trên mặt đất là có quan hệ đối ứng.
Trong “Sử ký” (Tư Mã Thiên) có 130 chương, có 8 chương gọi là “thư”. Trong “thư” có một phần gọi là “Thiên quan thư”, giảng về quan hệ đối ứng giữa sự biến hoá của các hành tinh trên trời và sự việc con người trên mặt đất. Tuế tinh đối ứng trên mặt đất là khu vực nào đó, nếu bạn dụng binh ở đây chiểu theo cách nói của “Thiên quan thư” chính là phạm Thái Tuế. Điều này sẽ xuất hiện vấn đề. Kết quả Hạp Lư không nghe, vẫn mang đại binh chinh phạt nước Việt, trận này thì thắng, cướp lấy rất nhiều thứ trở về.
Đương nhiên Hạp Lư rất cao hứng, nhưng Tôn Vũ nói nhỏ với Ngũ Tử Tư:
– Trận này đã phạm Thái Tuế, không quá 40 năm nữa Việt mạnh mà Ngô yếu.
Ý tứ là không đến 40 năm, nước Việt lại biến thành cường quốc, nước Ngô lại có hoạ mất nước.
Khi đó Ngũ Tử Tư còn chưa cho là đúng nhưng âm thầm ghi nhớ những lời này của Tôn Vũ. Cũng không biết sau đó có phải vì nguyên nhân này mà Ngũ Tử Tư suốt ngày nói với Ngô Vương về hiểm họa nước Việt không? Ông luôn lo lắng nước Việt diệt nước Ngô, cũng có thể chính là một trận chiến sống còn đã được bắt đầu trước đó 40 năm.
Năm 509 TCN, Sở quốc tấn công Ngô quốc nhưng thất bại. Hạp Lư nói với Tôn Vũ:
– Nếu không thể đánh đến Dĩnh Đô (đô thành của nước Sở) thì không thể tính là hoàn thành việc báo thù này.
Ngũ Tử Tư đáp lại:
– Trong thâm tâm thần không thời khắc nào là không nhớ đến việc tiến vào Dĩnh Đô, nhưng chúng ta hiện tại còn chưa đến lúc đánh vào Dĩnh Đô.
Hạp Lư hỏi:
– Vậy khi nào mới là thời cơ thích hợp?.
Ngũ Tử Tư đáp:
– Hiện tại Lệnh doãn của nước Sở chính là thừa tướng tên Nang Ngoã, là một người rất tham lam. Vì cái tham lam này, ông ta nhất định sẽ đắc tội với những thuộc quốc (nước chư hầu) của Sở quốc. Khi đó chính là lúc chúng ta tấn công nước Sở.
Vì nước Sở có rất nhiều tiểu quốc (nước nhỏ), như Đường quốc, Thái quốc, Tuỳ quốc, rất nhiều quốc gia như Đốn quốc, Hứa quốc… đều coi nước Sở là tôn chủ quốc (nước mẹ), vẫn thường đi đến đó để triều cống.
Ngũ Tử Tư nói:
– Khi nào những tiểu quốc đó xảy ra lục đục, không còn đứng về phía nước Sở, khi nước Sở ‘dân chúng phản đối, thân tín quay lưng’ mới là cơ hội của chúng ta. Chúng ta ắt phải chờ đến thời khắc đó.
Kết quả, họ đã chờ trong thời gian 3 năm.
Năm 509 TCN, hai quốc vương nước chư hầu là Đường Hầu và Thái Hầu đến nước Sở triều cống. Đường Hầu có một con ngựa tốt tên là “Túc Sương”, chạy rất nhanh, hơn nữa toàn thân trắng tuyết, một sợi lông tạp cũng không có. Đây có thể giống cảm giác người hiện tại chúng ta lái một con Bentley vậy! Bản thân Đường Hầu đối với con ngựa này vô cùng đắc ý, cưỡi nó đến Dĩnh Đô triều cống. Ông bị Lệnh doãn nước Sở là Nang Ngoã bắt gặp. Nang Ngoã vừa nhìn đã biết ngựa này rất quý, mới nói với Đường Hầu:
– Ngươi có thể đem ngựa này cho ta không?
Đường Hầu nói:
– Ngựa không thể cho ông. Ngay cả Sở vương tôi cũng không tặng, tôi làm sao có thể đưa ông được?
Khi đó quốc vương nước Thái là Thái Hầu cũng đến triều cống. Thái Hầu ông có một bộ áo da cừu lớn, cũng rất đẹp. Ông vốn có hai bộ, một bộ cống cho Sở Vương, bộ còn lại ông mặc trên thân. Nang Ngoã thấy bộ áo cừu lớn ấy rất thích, bèn đến nói với Thái Hầu:
– Ông có thể lấy bộ áo ông đang mặc cởi ra đưa ta được không?
Thái Hầu cũng không đưa. Kết quả Nang Ngoã bèn đến trước mặt Sở Vương nói lời sàm ngôn:
– Đường Hầu và Thái Hầu tuy đến nước chúng ta tiến cống, nhưng tâm họ lại hướng về nước Ngô, nếu chúng ta thả họ về, có khả năng họ theo nước Ngô quay lại đánh nước ta. Tôi thấy cách tốt nhất là không cho họ về.
Khi đó Sở Vương tuổi còn rất nhỏ liền đáp ứng yêu cầu của Nang Ngoã. Nang Ngoã bèn phái một nghìn binh sĩ, bắt Đường Hầu và Thái Hầu giam lỏng ở dịch quán, giam trong thời gian 3 năm. Bạn có cảm thấy Nang Ngoã hết sức điên rồ? Thấy một đồ vật bèn yêu thích, sau đó đòi hỏi họ, người khác không đưa bèn giam lại, giam đến 3 năm…
Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, đăng trên NTDTV