Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay…
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Ngày trước, giữa Thân Bao Tư và Ngũ Tử Tư từng có giao ước. Thân Bao Tư vì giúp bạn vẹn toàn đạo hiếu nên không bắt giữ Ngũ Tử Tư. Ông đồng ý để Ngũ Tử Tư diệt nước Sở. Nhưng sau đó, vì để tận trung với đất nước, ông thề sẽ gây dựng lại nước Sở. Ông đã viết một lá thư cảnh báo Ngũ Tử Tư rằng, tuy cố gắng của người ta nhất thời có thể đạt được mục đích nhưng tuyệt không thể hành xử trái với lẽ Trời, nếu không cuối cùng sẽ phải trả giá. Vậy liệu Ngũ Tử Tư có nghe theo lời khuyên của Thân Bao Tư không?
Ngũ Tử Tư quyết diệt Sở đến cùng
Trong lá thư Thân Bao Tư gửi cho Ngũ Tử Tư có một câu, đại ý là: “Người đông có thể thắng mệnh Trời nhưng Trời định cuối cùng vẫn thắng người”. Ngày nay có một thành ngữ gọi là “nhân định thắng thiên”. Chúng ta cần làm rõ khái niệm này, chính là ở Trung Quốc thời xưa vốn không hề có câu thành ngữ này. Câu gần nhất chính là câu mà Thân Bao Tư viết. Ý tứ của nó là: nếu muôn người đồng lòng thì có khả năng thay đổi được những an bài trước đó của thiên thượng nhưng cuối cùng an bài của thiên thượng mới là quan trọng nhất, tất cả đều phải chiểu theo. Thế nên nói: “Trời định cuối cùng vẫn thắng người” là vậy.
Đôi lúc, một người làm việc tốt hay việc xấu đều là lựa chọn tự do của chính bản thân họ, không ai có thể can thiệp. Nhưng cuối cùng, họ đều phải gánh chịu trách nhiệm cho lựa chọn ấy. Tôi nhớ có một giáo sư ở Đại lục trong lúc giảng sử đã từng đàm luận vấn đề: Thiên Chúa rốt cuộc có phải là toàn thiện, toàn tri, toàn năng hay không? Ông ấy đưa ra một ví dụ nói rằng, khi mà Adam và Eva ăn trái cấm, nếu Thiên Chúa không biết thì Ngài không phải là đấng thấu tỏ mọi chuyện. Còn nếu như Thiên Chúa biết rồi mà lại không ngăn cản nó xảy ra thì Ngài chính là không toàn năng, không toàn thiện.
Thực ra, vấn đề này rất dễ trả lời. “Từ bi” của Thiên Chúa thể hiện ở việc Ngài đã nói với bạn rằng tuyệt đối không được ăn trái cấm đó. Nhưng mỗi người đều có ý chí tự do của mình, đều có thể đưa ra lựa chọn cho bản thân. Bởi vì lúc Thiên Chúa tạo ra con người, Ngài đã cho con người một ý chí tự do, có quyền quyết định số phận của mình. Nếu như người ta làm bất cứ chuyện lớn nhỏ nào cũng đều cần đến Thiên Chúa quyết định thay thì chẳng phải Ngài tạo ra một người máy còn tốt hơn hay sao, cớ chi phải tạo một con người? Chính vì Ngài đã tạo ra một con người, nên đã cho người đó ý chí tự do.
Thiên Chúa đã dặn bạn không thể ăn trái cấm đó, đây chính là từ bi của Ngài. Nhưng bạn có thể lựa chọn là ăn hay là không ăn, đây chính là lựa chọn của riêng cá nhân bạn. Nhưng chỉ cần bạn ăn rồi thì bạn nhất định phải gánh chịu trách nhiệm cho kết quả này. Đây cũng là lý do vì sao bạn có thể ăn trái táo đó nhưng bạn sẽ phải bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng. Ngẫm chuyện Adam và Eva đã chọn ăn trái táo để rồi bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng, tôi liền nhớ ngay đến một câu trong quyển “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, đó là: “Họa phúc không cửa, tự người rước lấy, báo ứng thiện ác, như bóng theo hình”.
Vậy nên, với một người có tín ngưỡng tôn giáo mà nói, họ không dễ làm điều xấu, mà trái lại rất hay làm điều thiện. Vì sao? Bởi vì họ tin tưởng vào thiên mệnh, tin tưởng rằng khi Thần sáng tạo ra vũ trụ này đã chế định ra một quy tắc tuyệt đối công bằng. Dưới nguyên tắc công bằng tuyệt đối này, bạn đối tốt với người ta thật ra cũng chính là đối tốt với chính mình. Còn như bạn đối xử không tốt với người khác thì sẽ bị ác báo, kỳ thực cũng là không tốt với bản thân. Một người tin vào mệnh Trời thì sẽ trở thành một người sống có đạo đức.
Điều đó cũng giống như đạo lý mà Thân Bao Tư nhắc đến với Ngũ Tử Tư: trong một khoảnh khắc nào đó quân Ngô có thể diệt Sở nhưng nếu làm trái với ý Trời thì sau này sẽ tự chịu họa, gánh lấy báo ứng. Ngũ Tử Tư sau khi xem xong lá thư thì trầm ngâm hồi lâu. Ông nói với người đưa thư rằng: “Hiện giờ ta việc quân bận rộn, không có thời gian viết thư trả lời. Nhà ngươi hãy giúp ta nhắn lại với Thân Bao Tư, nói rằng ta giống như một người đi đường bên ngoài, mặt trời đã sắp xuống núi rồi nhưng vẫn còn chặng đường rất xa phải đi. Trung và hiếu không thể vẹn cả đôi đường, trời tối đường xa, nên phải đi ngược, làm trái”.
Thân Bao Tư lệ tràn sân Tần
Sứ giả về báo lại với Thân Bao Tư. Thân Bao Tư hiểu quyết tâm diệt Sở của Ngũ Tử Tư là không thể thay đổi, giờ đây duy chỉ có nước Tần mới cứu được Sở. Thế là Thân Bao Tư liền chuẩn bị sang Tần cầu cứu. Vì sao vậy? Bởi năm xưa Sở Bình Vương đã lấy Mạnh Doanh, con gái của Tần Ai Công vua nước Tần. Vậy nên trên thực tế Sở Chiêu Vương phải gọi Tần Ai Công là ông ngoại. Là quốc gia kết tình thông gia với nhau, sau khi Sở bị diệt, Thân Bao Tư cho rằng nước Tần theo lẽ sẽ xuất binh ứng cứu.
Lúc này, Hạp Lư đang làm gì? Hàng ngày, ông ở kinh đô nước Sở tổ chức tiệc rượu linh đình, mọi người đều đến chúc mừng thắng lợi. Dù vậy, đứng trước thắng lợi to lớn này, Tôn Vũ vẫn giữ được sự thanh tỉnh. Ông đã đưa ra một kiến nghị vô cùng quan trọng với Hạp Lư. Tôn Vũ nói: “Chúng ta cần phải đón công tử Thắng về lại nước Sở, rồi lập y làm vua nước Sở”. Bởi công tử Thắng là được Ngũ Tử Tư nuôi dưỡng, một khi lập y làm vua tuy nói vua nước Sở là công tử Thắng, nhưng kỳ thực nước Ngô đã đạt được mục đích kiểm soát toàn bộ chính quyền của nước này. Nhưng Hạp Lư lại bỏ ngoài tai.
Vì sao Tôn Vũ lại đưa ra kiến nghị như vậy? Đây là một cách làm vô cùng thông minh. Bởi vì nước Ngô dù sao cũng chỉ là một nước nhỏ, nhân khẩu ít, lãnh thổ nhỏ, quân đội cũng không nhiều. Nếu chỉ dựa vào quân sự mà đi chiếm lĩnh một nước lớn như nước Sở, trên cơ bản là có chiếm cũng không thể kiểm soát được. Chúng ta thấy rằng, sau khi một nước nhỏ thu phục được một nước lớn mạnh, thường sẽ lập nên một chính phủ bù nhìn ở nước đó. Năm xưa khi quân Nhật Bản xâm lược Trung Hoa đã dựng lập nên chính quyền Mãn Châu, về sau lại nâng đỡ chính phủ Uông Tinh Vệ. Vì sao vậy? Chính là sau khi một nước nhỏ giành được thắng lợi về quân sự, chiếm lĩnh được một nước lớn rồi, nếu nó không gây dựng nên một chính phủ bù nhìn thì không thể nào kiểm soát được quốc gia này được. Điều mà Tôn Vũ đưa ra chính là một kiến nghị như vậy, đưa công tử Thắng về làm vua bù nhìn nước Sở, tiếc là Hạp Lư lại không nghe theo.
Còn trong lúc này, Thân Bao Tư đã rời khỏi nước Tùy, chính là nơi náu mình của Sở Chiêu Vương, bắt đầu sang Tần. Khi đó, vị trí nước Tùy ở gần thành phố Tùy Châu (tỉnh Hồ Bắc), nước Tần nằm ở gần thành phố Bảo Kê (tỉnh Thiểm Tây bây giờ). Khi đó, nơi này gọi là đất Ung. Thân Bao Tư phải đi một chặng đường rất xa. Hiện nay, khoảng cách từ Tùy Châu đến Bảo Kê là khoảng hơn 644 km.
Thân Bao Tư đi đường không quản ngày đêm, đi đến nỗi bàn chân xây xát, máu chảy đầm đìa. Khi đến nước Tần, Bao Tư cầu xin Tần Ai Công hãy mau chóng xuất binh. Ông nói nước Ngô “tham như lợn lòi, độc như rắn rết”, một khi đã chiếm được Sở rồi, chính đã gần kề biên giới mặt đông và mặt nam của nước Tần, sau này thể nào cũng gây họa cho nước Tần.
Nhưng Tần Ai Công căn bản lại không muốn xuất binh. Năm xưa Sở Bình Vương đã hèn hạ cưỡng đoạt ái nữ của ông, trong lòng ông vẫn còn căm phẫn nên không nhận lời Thân Bao Tư. Thân Bao Tư lòng như lửa đốt, quỳ ở giữa sân kêu khóc liên tục bảy ngày bảy đêm, không ăn uống một chút gì cả, máu hòa lẫn cùng nước mắt. Tần Ai Công thấy vậy trong lòng không nỡ, cuối cùng đã nói với Thân Bao Tư rằng: “Ta nhận lời xuất binh, mong đại phu ăn uống chút đã”. Nói xong, Tần Ai Công cởi áo trên người mình xuống khoác lên người Thân Bao Tư.
Mọi người biết rằng, người xưa vô cùng xem trọng y phục. Thời Hán Sở tranh hùng đã từng có người khuyên Hàn Tín tạo phản. Hàn Tín khi đó đã nói: “Tôi sao lại có thể tạo phản đây, Hán vương Lưu Bang đã từng nhường xe cho tôi ngồi, nhường cơm cho tôi ăn, cởi áo cho tôi mặc”. Hàn Tín nói, ngồi xe của người ta thì phải thay người ta sẻ chia hoạn nạn, mặc áo của người ta phải xem nỗi buồn lo của người ta như nỗi buồn lo của mình, ăn cơm của người ta thì phải tận trung mà chết vì người ta. Vậy nên, người xưa xem việc dùng chung y phục với người khác là một vinh hạnh đặc biệt lớn. Tần Ai Công khoác y phục lên người của Thân Bao Tư, về sau còn đọc một bài thơ được ghi lại trong “Kinh Thi”, tên là “Vô Y”:
Khỉ viết vô y?
Dữ tử đồng bào
Vương vu hưng sư
Tu ngã qua mâu
Dữ tử đồng cừu
Dịch nghĩa:
Há rằng anh không có áo quần?
Thì cùng anh mặc chung áo bông gòn vậy!
Sắp dấy binh theo lệnh của thiên tử
Chúng ta cùng sửa soạn cây giáo và cây mâu
Để tôi cùng anh đi đánh kẻ thù chung
Thân Bao Tư sau khi có được lời hứa của Tần Ai Công mới chịu ăn cơm uống nước. Tần Ai Công nói: “Ông hãy nghỉ ngơi ở dịch quán trước đã. Ta bây giờ bắt đầu chỉnh đốn quân ngũ rồi mới xuất binh được. Thân Bao Tư nói: “Vua tôi hiện đang nguy kịch, thân đang trong dân gian, ăn ngủ đều không được yên ổn, tôi xin lập tức về ngay, báo cho vua tôi biết rằng quân Tần đã sắp đến ứng cứu rồi”.
Sau khi Thân Bao Tư về đến nước Tùy, tàn binh bại tướng khi đó của nước Sở cũng dần dần tập trung lại. Quân đội nước Tần cũng đã đến nơi. Thân Bao Tư liền nói với tướng soái nước Tần rằng: “Tôi đi đánh quân Ngô trước, đợi khi đánh đến bất phân thắng bại thì tướng quân hãy xuất binh”.
Khi đó, người giao đấu với Thân Bao Tư là Phu Khái vốn không xem Thân Bao Tư là gì cả. Kết quả đang lúc giằng co quyết liệt thì quân Tần bất ngờ xuất hiện, đánh cho Phu Khái trở tay không kịp. Phu Khái vừa trông thấy quân kỳ nước Tần thì không khỏi kinh hãi, không biết quân Tần đến đây từ khi nào? Phu Khái lập tức hạ lệnh thu binh, kết quả đã tổn thất hơn một nửa nhân mã.
Muốn biết quân Ngô lần này được thua như thế nào trên đất Sở, xin mời quý độc giả đón đọc kỳ sau: Ngũ Tử Tư diệt Sở báo thù, men theo đường cũ lại báo ân.
Vũ Dương
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, đăng trên NTDTV